Chương 2: Chương 2

Thành Ngọa Long.

Từ khi đến thành Ngọa Long 5 năm trước, Lý Nguyên bằng tài năng của mình đã biến ngôi thành này từ một nơi khô cằn, u ám trở thành một nơi đông đúc người, kẻ đến người đi tấp nập và là một nơi mà ai cũng muốn đến đây sinh sống và buôn bán.

Và vì là tòa thành bảo vệ giang sơn của Đại Thuận trước những trận chiến dài đằng đẵng với Khang Di nên ngoài việc phát triển buôn bán, thương nghiệp thì Lý Nguyên cũng không ngừng phát triển quân đội và huấn luyện họ trở thành những đội tinh binh bảo vệ sự bình yên của thành Ngọa Long và giang sơn Đại Thuận.

Nguyên Vũ quân – đội quân tinh nhuệ được Lý Nguyên xây dựng từ những nạn dân đến từ những vùng lân cận xung quanh thành Ngọa Long. Những nạn dân này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những trận chiến giữa Đại Thuận và Khang Di suốt nhiều năm qua.

Họ lưu lạc đến đây, đến thành Ngọa Long, tuy thời gian đầu vẫn còn hoang sơ và khó khăn nhưng Lý Nguyên vẫn cưu mang họ, Lo cho họ cái ăn cái mặc và chỗ nương thân suốt một thời gian dài chạy nạn.

Sau này họ tự nguyện gia nhập Nguyên Vũ quân của Lý Nguyên bảo vệ thành Ngọa Long như sự trả ơn ân tình năm xưa của Lý Nguyên đối với mình. Và chỉ trong một thời gian ngắn thì số quân Nguyên Vũ với lên tới vạn người, đủ để một thành trì như Ngọa Long có thể đứng vững trước sức tấn công mạnh mẽ của Khang Di.

Và Nguyên Vũ chỉ nghe lệnh duy nhất Lý Nguyên để hành động. Có trong tay lực lượng tinh nhuệ như Nguyên Vũ quân cùng với sự thao lược tài tình của mình, Lý Nguyên nhiều năm qua hoàn toàn có thể an tâm về trận chiến với Khang Di để tập trung vào xây dựng thành Ngọa Long phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Bên cạnh Nguyên Vũ quân, một lực lượng khác không thể không nhắc đến đó chính là Tứ Giáo – một lực lượng tình báo được Lý Nguyên xây dựng nền móng trong thời gian “ở ẩn” bên trong phủ Vĩnh Bình vương.

Tứ Giáo – Thiên Giáo, Nhân Giáo. Địa Giáo và cuối cùng là Nhi Giáo. Tứ Giáo là một tổ chức bí ẩn mà chỉ có những người thân tín bên cạnh Lý Nguyên mới có thể hiểu rõ được tổ chức này là như thế nào.

Thiên Giáo – là một hệ thống chim bồ câu đưa thư tình báo trải dài khắp Đại Thuận và cả hai nước láng giềng là Nam Hạ và Khang Di. Với lực lượng “tinh binh” chim bồ câu của Thiên Giáo lên đến hàng ngàn thì không có bất cứ tin tức nào mà Lý Nguyên không nắm bắt được trong thiên hạ này.

Đứng đầu Thiên Giáo là Vũ Phong – người bạn thuở nhỏ của Lý Nguyên, con trai của quan Thượng Thư Hình bộ Vũ Lôi. Là một người trầm tính và ít nói, sở thích với cây cảnh chim muông nhưng không phải vì thế mà anh là kẻ vô dụng.

Cũng giống như Lý Nguyên, bề ngoài có thể là một kẻ vô dụng nhưng đằng sau đó lại là một người tài giỏi y hệt như người bạn thân của mình. Và 5 năm trước, chính Vũ Phong cũng là người duy nhất xung phong Bắc tiến cùng với Lý Nguyên để đồng hành cùng người bạn của mình trong thời gian đầu xây dựng thành Ngọa Long.

Nhân Giáo – lực lượng được tập hợp bởi những nữ nhân được Lý Nguyên cưu mang trong suốt thời gian ở thành Ngọa Long. Và những lần lui tới kỹ viện của Lý Nguyên trước đây khi ở kinh thành là những lúc thu thập những thông tin quan trọng từ đây.

Đứng đầu Nhân Giáo là Tam Nương – đệ nhất mỹ nhân Kinh thành Đại Thuận. Nhan sắc kiều diễm, khuynh quốc khuynh thành. Nàng từng khiến biết bao nhiêu quan lớn, công tử thế gia ở kinh thành “chết lên chết xuống” vì mình.

Cũng chính nhờ cái danh “đệ nhất mỹ nhân” ấy, Tam Nương và Nhân giáo của cô đã thu thập không ít tin tức quan trọng đến cho Lý Nguyên về tình hình Đại Thuận. Nhưng đương nhiên Tam Nương chỉ trung thành với mỗi Lý Nguyên nên cho dù trước mặt cô có là Vĩnh Nguyên đế thì cũng chẳng nào thay đổi được bản thân cô.

Địa Giáo – tổ chức lớn nhất của Tứ giáo với mạng lưới phổ biến rộng khắp Đại Thuận, Nam Hạ và Khang Di. Nói cho dễ hiểu thì Địa Giáo chẳng khác nào Cái Bang của quốc gia nào đó ở quá khứ cả.

Tổ chức lực lượng của Địa Giáo cũng rất quy củ và hoạt động gắn kết. Nhiệm vụ chính của Địa Giáo là thu thập tất cả tin tức từ trong nhân gian, chuyển đến Thiên Giáo và đưa những tin tức ấy về thành Ngọa Long.

Đứng đầu Địa Giáo là Trần Phi, tổng giáo được đặt tại thành Ngọa Long. Trần Phi là cánh tay phải đắc lực của Lý Nguyên suốt nhiều năm qua, kể từ khi Vĩnh Bình vương chưa Bắc tiến. Anh là cận về trung thành của Lý Nguyên từ khi còn nhỏ nên rất được Lý Nguyên tin tưởng và giao cho trọng trách nặng nề này.

Ở dưới Trần Phi là ba Quốc giáo trưởng phụ trách Địa Giáo ở ba nước Đại Thuận, Khang Di và Nam Hạ. Ba người này đảm bảo sự thông suốt trong vấn đề tình báo cho thành Ngọa Long và đương nhiên là đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho các thành viên Địa Giáo mà mình đang quản lí.

Cuối cùng là Nhi Giáo. Nghe tới đây chắc ai nấy cũng đều sẽ nghĩ đến dùng trẻ em để thu thập tình báo. Nhưng Nhi Giáo là một lực lượng hết sức đặc biệt và chỉ có ở thành Ngọa Long. Thực chất ra, đó là hệ thống trường học nhiều lứa tuổi mà Lý Nguyên lập ra.

Ở đó không có giai cấp và không có sự phân biệt đối xử giữa các em nhỏ. Có thể là con của phú hộ trong thành Ngọa Long hay con cái của những nạn dân đến thành Ngọa Long đều được học chữ tại Nhi Giáo.

Nhi Giáo được lập ra để giúp thành Ngọa Long và cả Đại Thuận có được nền móng vững vàng suốt nhiều năm. Và biết đâu đó, lực lượng này lại có thể tạo ra những nhân tài giúp sức cho Lý Nguyên và Đại Thuận vào một ngày nào đó.

Nhi Giáo được Lý Nguyên tin tưởng gửi gắm cho “thanh mai trúc mã” của mình là Lương Tú – con gái của quan học sĩ Lương Tuấn, thầy của Lý Nguyên trước đây. Sau khi nghe tin Lý Nguyên bắc tiến, nàng đã cãi lệnh cha mà theo chàng đến ngôi thành cằn cỗi này suốt nhiều năm qua.

Lương Tú phụ trách việc dạy con chữ cho những đứa bé sống ở thành Ngọa Long và cả việc cầm kì thi họa cho những bé gái. Còn việc dạy võ thì Lý Nguyên và các tướng lĩnh Nguyên Vũ quân sẽ thay phiên nhau dạy cho các bé.

Và dần dần với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Lý Nguyên, Nguyên Vũ quân và Tứ Giáo, cuộc sống ở thành Ngọa Long đã thay đổi toàn diện và bản thân những người sống bên trong ngôi thành ấy đã không còn lo lắng vì sự quấy phá của Khang Di bên kia tường thành.

Nhưng, khi Tể tướng họ Tôn bắt đầu kế hoạch của mình, ông ta đã vô tình biết được “Tứ Giáo” từ những kẻ phản bội hòng tìm kiếm vinh hoa phú quý tiết lộ. Và để Lý Nguyên bị cắt đứt hoàn toàn sợi dây liên kết với Kinh thành ấy, Tôn Hà ra lệnh triệt phá toàn bộ lực lượng của “Tứ Giáo” ở Kinh thành.

Từ những kỷ viện lớn nhỏ ở Kinh thành đến cả những nơi tập trung đông đúc người ăn xin đều bị hắn cho lục tung lên và bắt giữ để thẩm vấn. “Giết nhầm còn hơn bỏ sót” khiến cho thời gian ấy ở Kinh thành là một quãng thời gian đen tối nhất trong lịch sử Đại Thuận.

Và cũng chính vì đợt càn quét ấy mà ở thành Ngọa Long xa xôi kia, Lý Nguyên chẳng thể nào biết được việc Tôn Hà đảo chính, anh trai thì chết, cả nhà bị hại và cha mẹ của mình đang bị giam lỏng bên trong Hoàng cung.

Mãi cho đến một ngày, thành viên cuối cùng và có thể nói là thành viên may mắn nhất của Nhân Giáo – Tam Nương, người mang đầy thương tích, đến thành Ngọa Long để báo tin thì tất cả mới vỡ lẽ.

Toàn bộ Nhân Giáo và Địa Giáo ở Kinh thành Đại Thuận và những thành trì lận cận đều bị quét sạch bởi lực lượng của Tôn Hà. Kẻ bị giết, người bị bắt giữ, hàng loạt cực hình tàn nhẫn mà Tôn Hà sử dụng lên người bị bắt khiến cho họ sống không bằng chết.

Và Tam Nương còn mang đến cho Lý Nguyên một thông tin cô moi được trước khi Nhân Giáo găp nạn đó chính là mục tiêu tiếp theo của y chính là ngôi thành Ngọa Long này và đứa cháu trai của hắn Lý Nguyên sẽ mãi mãi không được về lại Kinh thành mà chỉ có thể nằm lại ở tòa thành Ngọa Long này mà thôi.

Nói xong, Tam Nương vì phải vượt một quãng đường dài với vết thương nặng trên người nên đã ngất xỉu vì kiệt sức. Nhưng nhiêu đó thông tin thôi cũng đủ để Lý Nguyên phải nuốt nước mắt vào bên trong, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đối đầu với Tôn Hà sắp tới.

Và chưa chuẩn bị được bao lâu thì thông tin của Tể tướng Tôn Hà đã tiến đến rất gần thành Ngọa Long, chỉ còn cách vài trăm dặm là đã xuất hiện trong tầm mắt của Lý Nguyên rồi. Tuy nhiên, tốc độ hành quân thần tốc, chẳng bao lâu nữa thôi, trận chiến sẽ diễn ra không khoan nhượng giữa hai ông cháu nhà họ Tôn – Lý.

“Rầm!!!”

Tiếng nổ lớn vang lên bên ngoài thành Ngọa Long, khiến cho cả thành rung chuyển, người dân bên trong thành cũng một phen hoang mang vì tiếng động đó. Tin tình báo được quân lính cấp báo ngay sau đó khiến cho kế hoạch của họ Lý buộc phải thay đối.

“Thành chủ (biệt hiệu mà mọi người trong thành gọi Lý Nguyên thay vì Vĩnh Bình vương) vũ khí tấn công từ xa của quân họ Tôn vừa tấn công thành của chúng ta.”

Phát súng đó chẳng khác nào là đòn cảnh cáo mà Tôn Hà dành cho người cháu ngoại của mình, hắn ta muốn thị uy sức mạnh quân sự của hắn để răn đe đứa cháu đã lâu không gặp của mình với suy nghĩ rằng Lý Nguyên sẽ nhanh chóng đầu hàng.

Nghĩ như thế mà hắn ta đã tỏ ra đắc ý với sức mạnh của quân đội mà hắn mang đến thành Ngọa Long này. Không chỉ là dàn kị binh tính bằng vạn mà còn là những vũ khí tấn công từ xa, cung tên và máy bắn đá. Tất cả lực lượng quân Đại Thuận dường như đã được huy động cho cuộc chiến lần này với thành Ngọa Long.

Nhưng tất cả chỉ là khởi đầu của cuộc chiến này khi mà Tôn Hà cũng sẽ chẳng thể nào lường trước được sự phản kháng đến từ cháu trai của mình trước sức mạnh ấy.