Chương 24: Núi đầy bảo vật, rừng toàn người nghèo

Trong hợp tác xã cung tiêu có rất nhiều cửa hàng.

Cửa hàng bách hoá chuyên bán nhu yếu phẩm như vải vóc, quần áo, mũ, cốc và bàn chải đánh răng, len… Có một số thứ phải mua bằng phiếu, có một số thứ lại không cần phiếu, ví dụ như vải dệt thủ công không cần phải mua bằng phiếu vải, chỉ cần bỏ tiền ra là mua được.

Cửa hàng thực phẩm thì bán dầu, muối, tương, giấm và các loại bánh kẹo.

Cửa hàng tạp hóa chuyên bán nồi, chảo, bát đũa, xô thùng và một ít nông cụ.

Quán ăn chủ yếu bán mì gạo, bánh bao, đôi khi sẽ có những món khác.

Bộ phận thực phẩm phụ trách thu mua lợn hơi, gà, vịt, trứng, v.v, đồng thời mổ lợn bán cho người có phiếu.

Bộ phận thu mua sẽ thu mua theo chỉ tiêu đặt hàng, do các nhân viên tổ nghề phụ của đội sản xuất đứng ra hoàn thành, như là thu mua nhựa thông, hoặc các loại dược liệu được trồng tập thể, đồng thời cũng thu mua lâm sản và dược liệu của cá nhân hoặc da lông thú săn được.

Trong bộ phận thu mua không đặt ra chỉ tiêu thu mua hạt thông, những hộ gia đình có hạt thông chỉ có thể tự ăn hoặc chờ tới khi có chỉ tiêu, nơi này không cần thì có nơi khác, cho nên có người sẽ tìm đến những nơi có sản lượng tương đối cao để thu mua.

Trước thềm cải cách mở cửa, nền kinh tế kế hoạch cũng dần được nới lỏng, đương nhiên sẽ có người liều, mang đồ mình không cần, hoặc những thứ nằm ngoài nhiệm vụ có thể được quy đổi thành tiền mặt đến một số chợ đêm hoặc một số nơi xa xôi hẻo lánh, thường được gọi là chợ đen để mua bán tự do khi thị trường vẫn chưa có quy định chính thức.

Đây cũng là nơi bị tấn công kinh khủng nhất.

Mọi thứ đều có quá trình, dù là chính phủ hay cá nhân, không phải muốn là có thể thả ga, mà phải dè chừng.

Người đàn ông thở dài:

"Bộ phận thu mua không thu thần tiên gặm, không phải chúng tôi chưa từng nghĩ tới chợ đen, nhưng không dám làm bừa. Năm ngoái, tôi cũng vác một bao tới Nam Trịnh bán một lần, cuối cùng bị bắt, chẳng kiếm được tiền lại còn bị giam mấy ngày, lúc trở về còn bị dán thông báo khắp xã đội. Nếu không, trên núi nhiều sản vật như thế, từ cây hương thung, ô long ngày xuân, đến hoa cúc, mộc nhĩ, hạt thông vào thu đông. Từ bờ sông, thung lũng đến sườn núi, có nơi nào không có óc chó với hạt dẻ lông đâu chứ? Rừng tre rừng trúc đầy rẫy, dược liệu khắp nơi, còn có thú hoang trên núi, có thứ nào là không thể bán lấy tiền đâu? Chỉ bởi vì không được phép, sợ thành tư tưởng xấu, bị gán tội đầu cơ trục lợi, chết đấy! Chỉ cần ăn no thôi, thà chịu nghèo cũng không dám liều nữa. Các cậu có gan, có cơ hội thì cố chạy nhiều một chút, mang nhiều đồ vào núi đổi, cuộc sống của chúng tôi có thể dễ dàng hơn là được."

Canh núi vàng không có tiền tiêu, nằm trên núi bạc chịu cảnh khốn khó, đây chính là tình trạng hiện giờ.

Có thể nói là: Núi đầy bảo vật, rừng toàn người nghèo.

Thành thật mà nói, tính ra việc cải cách mở cửa mới được hơn một năm, chính sách luôn có sự thay đổi nhưng cũng không nhiều, nền kinh tế kế hoạch vẫn là chính, kinh doanh tự do vẫn bị trấn áp. Mặc dù không nghiêm ngặt như trước, nhưng thỉnh thoảng vẫn cho người đi đuổi một lần, gà bay chó chạy loạn lên, ai bị bắt thì số người đó đen.

Cho dù là "Người hai kiếp" như Trần An cũng chẳng thể nói gì về chuyện này, nhưng nghĩ một hai năm sau, ruộng đất được khoán, nhiều chuyện sẽ dễ làm hơn.

Bây giờ, vấn đề mà hắn quan tâm hơn cả là chỗ qua đêm, bèn hỏi:

"Đại ca, trời cũng tối rồi, hai anh em chúng tôi cũng không quen nơi này, có thể ở lại nhà anh một đêm được không?"

"Ra ngoài bất tiện, lại còn vất vả, đều là vì bươn chải cuộc sống, ở lại một đêm thì có gì đâu!"

Anh chồng là người tốt, thật thà, chất phác, đồng ý ngay.

Chỗ nghỉ ngơi đã xong, Trần An và Hồng Sơn đều thở phào nhẹ nhõm.

Dưới sự tiếp đón của anh chồng, cả hai ngồi xuống bên cạnh lò sưởi hơ lửa, bắt đầu hỏi thăm chuyện nhà, quê quán và một vài chuyện linh tinh khác, sau đó cũng nói tới chuyện đi bán hạt thông bị bắt.

Hết dăm ba câu chuyện, chị vợ cũng nấu xong cơm tối, dân miền núi nhiệt tình, thật lòng đối đãi với người khác, tuy Trần An và Hồng Sơn là hai người lạ từ tỉnh khác khác đến, nhưng cũng múc cho hai người hai bát lớn.

"Làm phiền anh chị quá." Trần An cảm kích nói.

Anh chồng xua tay:

"Cái tốt ở trên núi là đủ cơm ăn, còn có thể len lén canh tác mấy mảnh đất hoang, ở xa nên cũng chẳng ai quản, việc ăn uống không thành vấn đề. Chỉ là kinh tế eo hẹp, không có tiền tiêu mà thôi. Đừng khách sáo, chút canh mọn thôi ăn đi."

Trong lúc hai người tán gẫu với anh chồng, họ đã ngửi thấy mùi thơm hấp dẫn của bột ngô tỏa ra từ cái nồi treo trên nóc nhà ở bếp, khiến dạ dày cồn cào, ứa nước miếng.