Hắn vừa dứt lời, có ba con chó một lớn hai nhỏ chui ra, sủa inh ỏi.
Trần An hơi giật mình, ba con chó này, con lớn màu hoa râm, còn hai con nhỏ hơn thì một con màu xanh đen, một con màu đỏ tím, đầu hình tam giác ngược, mõm đen hẹp dài, hai tai rủ xuống tới má dưới mắt.
Dù gì trong thời gian lên núi học hái thuốc đi săn với thầy, mà đi săn thì không thể thiếu chó nên nên hắn cũng biết khá nhiều kiến thức liên quan tới chó.
Hắn vừa nhìn đã nhận ra ba chú chó này là chó Thanh Xuyên.
Chó Thanh Xuyên phân bố ở vùng nông thôn thuộc huyện Thanh Xuyên tỉnh Tứ Xuyên, giống chó này thuộc loại bán hoang dã, là giống chó săn tự nhiên ở vùng núi. Ở bản địa, nó được gọi là chó săn, đi săn theo bầy, khỏe như vâm, di chuyển linh hoạt, vô cùng hung mãnh.
Nơi này thuộc vùng tiếp giáp của Tứ Xuyên và Thiểm Tây, nhìn thấy chó Thanh Xuyên ở đây, Trần An cũng không cảm thấy lạ chút nào.
Nghĩ đến việc mình sẽ hái thuốc săn bắn, chắc chắn phải cần chó săn, hắn nổi hứng cẩn thận quan sát, phát hiện mắt của hai con chó nhỏ hơn đều có màu nâu đỏ, đây là đặc điểm chính của chó Thanh Xuyên loại một.
Mặc dù hơi gầy, nhưng khuôn ngực rộng, sống lưng dài, chân sau và lưng tạo thành một hình vòng cung hoàn mỹ, tứ chi thon dài, ngực sâu eo nhỏ, đuôi thẳng nhưng không dài…
Hắn ngạc nhiên mừng rỡ, theo lời thầy nói thì hai con chó nhỏ hơn này đều là chó Thanh Xuyên loại một.
Cho dù là đi săn hay trông nhà đều cực kỳ tốt.
Ba con chó đều gầy trơ xương, chắc thiếu ăn nên suy dinh dưỡng.
Hắn lập tức động lòng.
Đúng lúc này, một bà lão tóc bạc run rẩy bước ra khỏi nhà tranh, quan sát hai người:
"Hai cậu tới đây làm gì thế?"
"Bà ơi, chúng cháu muốn đổi thần tiên gặm, nhà bà có không?"
Dân vùng núi gọi hạt thông là thần tiên gặm, Trần An nghe được từ một người bán hàng rong, nên hắn chỉ bắt chước nói theo thôi.
"Đổi thế nào? Vào nhà rồi nói."
Nói xong, bà lão quát ba con chó:
"Đừng sủa nữa, ra ngoài đi."
Ba chú chó này rất hiểu tính người, nghe thấy chủ nhân quát, không sủa nữa, nghe lời chạy tới nằm xuống cạnh chiếc bát đặt trong góc nhà, lúc này Trần An và Hồng Sơn mới có thể bước vào nhà.
Vừa vào cửa, tường trong nhà đen thui như được quét sơn đen, ánh sáng lờ mờ, nhưng lại vô cùng ấm áp.
Cách cửa lò có một chiếc giường đất, củi bên trong đang cháy đỏ rực, một sợi dây mây vừa dày vừa dài bị khói ám đen treo trên xà nhà, ở cuối có một chiếc móc được làm từ cái chạc, bên trên treo ấm sắt đen, nước đang sôi, hơi nóng bốc lên đập vào nắp ấm phát ra mấy tiếng cạch cạch.
Hai đầu giường đất đều để ghế gỗ dài, sau khi Trần An và Hồng Sơn ngồi xuống, bà lão hiếu khách lấy hai chiếc bát từ trong bếp ra, rót nước nóng trong ấm vào cho hai người, sau đó mới hỏi:
"Dùng gì để đổi?"
Trần An vội lấy kim chỉ trong giỏ ra đặt xuống trước mặt bà cụ, ngẫm nghĩ rồi học theo cách của mấy người bán hàng rong vào thôn đổi đồ trước đây:
"Cháu mang theo ít đồ như kim chỉ, nếu bà đồng ý, nhỏ thì đổi một bát hạt thông, còn lớn sẽ đổi 2 - 3 bát."
Bà lão vừa nhìn vừa lựa, lật trái lật phải, chọn chỉ để may quần áo, hai gói kim và một cái đê, tương đương với sáu bát hạt thông.
Bà cụ cũng không mặc cả, cầm cái bát đi đến chỗ cái túi đặt ở góc nhà nói:
"Bỏ vào đâu cho các cậu đây?"
Hồng Sơn lập tức cầm túi đưa sang, phành túi ra, nhìn bà cụ múc từng bát đổ vào trong túi, mỗi bát đều rất đầy, sạch sẽ, cẩn thận.
Trần An thuận tay cầm lấy hai hạt, bỏ vào miệng cắn vỡ, hạt thông to và đầy đặn, là hàng tốt.
Hồng Sơn chú ý tới một cái túi nhỏ ở góc tường, không nhịn được hỏi:
"Bà ơi, sao bà không mang hạt thông này đi bán?"
"Bán ở đâu? Trên núi thì ai cần, đến hợp tác xã cung tiêu thì lại chẳng có người thu mua. Đi mấy chục dặm đường núi để bán trộm thì lại không dám, đành để ở nhà, chờ người bên ngoài tới đổi lấy một vài thứ."
Hồng Sơn câm nín.
Anh ấy là người vùng núi, nên biết rõ lý do là vì sao, thở dài thườn thượt. Đồ muốn mua lại không mua nổi, vật muốn bán lại chẳng bán được, ngực như bị nghẹn vậy.
Trần An vỗ vai Hồng Sơn, trong lòng cũng khó chịu, khẽ nói:
"Sẽ tốt thôi, sắp rồi."
Sau đó, hắn nghiêng đầu nhìn bà cụ:
"Bà ơi, bà có bán hai con chó nhỏ kia không?"