Sải chân của hai thanh niên vừa to vừa vội, đi mà như chạy, giữa chừng còn ghé vịnh Bàn Long để lấy cuốc, thùng nước, dao rựa, v.v.
Lúc về tới thôn, trời hơi hửng sáng.
Mùa đông ngày ngắn đêm dài, tiếng gà trống thi nhau gáy ở thôn bên cạnh, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa vì bị giật mình.
Trần An rón rén về đến nhà, đặt cái cuốc lên chuồng lợn, hai con lợn đen đang rúc trong chuồng tưởng có người tới cho ăn, thế là thở phì phì, trở mình đứng dậy, ủi vào ván cửa khiến cánh cửa kêu lạch cạch.
Trần An giật nảy mình, vội vàng nhét hết số đồ đã mua vào trong chiếc giỏ tre vừa lấy ra từ trong chuồng, sau đó lại tìm cái túi da rắn rồi nhanh chóng đi theo con đường mòn xuống đại lộ bên dưới, sợ đánh động đến bố mẹ xong bị bắt trở về.
Đợi hơn mười phút, Hồng Sơn cũng vác theo một cái giỏ tre chạy tới.
Nhân lúc trời đang tờ mờ sáng, hai người tăng tốc rời đi.
Cuối năm vào đúng dịp rét đậm của "Chuỗi 9 ngày thứ tư" của mùa đông, có dãy Tần Lĩnh ở phía Bắc ngăn cách, dù năm nay tuyết không rơi dày, nhưng cái lạnh trên núi lúc này cũng đủ khiến người ta xoa tay xoa chân tay, nghi ngờ liệu có phải tai mình bị đóng băng rồi không.
(Mùa đông được chia thành 9 chuỗi 9 ngày, tính từ ngày Đông Chí. Sau 9 chuỗi đó tức là 81 ngày thì mùa xuân đến, người xưa cho rằng chuỗi 9 ngày thứ tư của mùa đông, tức là ngày thứ 28 đến ngày thứ 36 tính từ ngày Đông Chí, là thời điểm rét nhất của mùa đông)
Đi theo con đường nhỏ phủ đầy sương giá trong núi hơn nửa tiếng, mới tìm được con đường cũ từ thuở xưa gần ngã ba.
Con đường này như một vết nứt bị bổ ra của núi Đại Ba rộng lớn, ngoằn ngoèo xuyên qua hàng trăm dặm núi non, sông ngòi và thung lũng.
Nhiều nơi chỉ có đúng một chỗ đặt chân, cũng có không ít bậc đá bị vô số tổ tiên xa xưa giẫm lên, mài nhẵn thín.
Con đường nhỏ mọc đầy rêu xanh trơn trượt này là đoạn nằm trên đường Mễ Thương mà trước kia "Bối Nhị Ca" hay qua lại giữa Tứ Xuyên và Hán Trung.
(Bối Nhị Ca: người vác đồ trên lưng để kiếm sống = người khuân vác)
Bối Nhị Ca từng là một phần của khung cảnh trên đường Mễ Thương, họ vác vật tư nặng nề, đi xuyên qua các quận huyện, thậm chí là các tỉnh thành, chịu trách nhiệm lưu thông vật tư ở Tứ Xuyên và Thiểm Tây, để lại không ít truyền kỳ.
Nhiều năm về trước, đường đi đến Hán Trung đã được khơi thông, đường Mễ Thương cũng dần dần bị bỏ hoang, sau này trở thành một tuyến đường ngắm cảnh.
Ở thôn Thạch Hà Tử cũng có cụ từng làm nghề khuân vác, Trần An và Hồng Sơn đã từng nghe họ kể rất nhiều chuyện liên quan tới đường Mễ Thương.
Dọc đường, hai người không có lòng dạ nào ngắm phong cảnh mà chỉ lo cúi đầu bước đi.
Men theo rìa núi đóng băng, giẫm lên những tảng đá sắc nhọn, vượt qua những con suối nhỏ uốn lượn, di chuyển thật nhanh qua các khe núi.
Càng đi cây cối càng rậm rạp, mương càng sâu, sương băng càng nhiều, đường càng khó đi.
Hai bên đường, núi non trập trùng, rất khó nhìn thấy một ngôi nhà.
Con đường mòn quanh co khúc khuỷu như một con rắn dài nhỏ đang trườn, uốn lượn quanh các thung lũng, sườn núi, vách đá dốc đứng, nhưng từ đầu tới cuối chỉ thấy mỗi thân rắn chứ không thấy đầu rắn.
Mãi đến trưa, hai người mới cảm thấy mệt lả sau khi đi ít nhất 30 ~ 40 dặm trên con đường gồ ghề, đến một bờ sông nhỏ, vội vàng ăn vài miếng lương khô, uống chút nước suối, nghỉ ngơi lại sức một chút rồi mới tiếp tục lên đường.
Thấy đã rời khỏi địa phận Tứ Xuyên, vẫn chưa nhìn thấy người dân, Hồng Sơn hơi sốt ruột:
"Đi lâu như thế rồi, đừng nói là thôn, ngay cả một bóng người cũng chẳng thấy, sợ là không dễ đổi?"
Trần An khẽ nhíu mày, đường trong núi đan xen bắt ngang bắt dọc tới các trấn khác nhau, trước kia đúng là chưa từng đi qua đây, hắn cứ cảm thấy càng đi càng vắng vẻ, cũng nghi ngờ có phải hai người đã đi nhầm hướng rồi không, hắn nghĩ tới việc đổi đường, đi lâu vậy rồi vẫn không thấy bóng ma nào, trong lòng dao động.
"Chúng ta đến chỗ cao xem!"
Trần An dẫn Hồng Sơn đi thẳng lên núi dọc theo đường mòn cạnh con mương, bò lên đỉnh xem có thể tìm thấy nhà nào không.
Thật trùng hợp, ông trời rất khéo chiều lòng người, đứng trên đỉnh núi lại có thể nhìn thấy một căn nhà tranh nằm lưng chừng ngọn núi khác, bên cạnh có một cây óc chó cao to.
Đúng là tìm mỏi mắt cũng không thấy, nhà đều ẩn sâu trong rừng.
Hai người lập tức tìm tới gia đình kia.
Căn nhà tranh đó không có tường rào, Trần An đứng ở rìa sân hô to:
"Trong nhà có ai không?"