Chương 19: Làm ăn nhỏ không đơn giản

Trần An ngẫm nghĩ, cảm thấy 6 hào 1kg cũng xem như không tệ, lại sợ về sau không còn ai mua, bèn gật đầu:

"Thế cũng được, tại anh bảo sẽ mua hết đấy."

Người nọ lập tức đi mượn cái cân nhỏ, chia mười hai con chuột tre thành hai lần, tổng cộng 37kg 8 lạng, anh ta nhẩm tính rồi thẳng tay lấy ra 22 tệ 6 hào 8 xu đưa cho Trần An, sau đó giấu vào trong chiếc giỏ tre, vội vàng rời đi.

22 tệ 6 hào 8 xu, đây là khoản tiền đầu tiên Trần An kiếm được.

Trong này còn có một nửa là của Hồng Sơn, thật là tội lỗi!

Trên thực tế, cho dù là chuột tre cũng khó bắt, ở trong núi nào có nhiều thú hoang để người ta bắt như thế chứ.

Từ thời xa xưa đã có nghề săn bắn, nhất là những năm gần đây, không cấm súng cũng chẳng cấm săn, nên càng điên cuồng, muốn tìm được con mồi trên núi, ngoài kinh nghiêm vẫn cần một chút may mắn.

Sở dĩ hai ngày qua có thể bắt được nhiều chuột tre như thế là do Trần An hiểu rõ tình hình phân bố chuột tre ở chung quanh nên mới có thu hoạch.

Có nhiều không?

Không nhiều!

Đổi mấy địa điểm, đào tám cái hang chuột tre, chạy tới khá nhiều nơi mới bắt được hơn mười con.

Sau này muốn tìm cũng khó, sẽ không thiếu vất vả.

Chuyện diễn ra suôn sẻ, Trần An và Hồng Sơn đều thở phào nhẹ nhõm.

Muốn mua kim chỉ thì vẫn phải chờ hợp tác xã cung tiêu mở cửa, không giống vải vóc, phải dùng phiếu vải mới có thể mua được, mấy thứ lẻ tẻ nhỏ nhặt này cứ phang tiền là mua được ngay.

"Anh Đản Tử, tạm thời rảnh rỗi, chúng ta dạo quanh chợ đen một chút, xem bọn họ thường bán gì, chỉ nhìn thôi không nói."

"Được thôi!"

Hai anh em họ quan sát từng gian hàng nằm khuất trong chợ đen.

Bây giờ mà gào to thì đúng là tự rước phiền phức vào người, cùng lắm cũng chỉ chọn trúng một món đồ muốn mua, tụm lại thì thào mua bán, lại còn phải nhìn ngó xung quanh xem có gì hay không, lỡ có người tới phải giấu đồ đi, nhấc chân bỏ chạy.

Trong chợ đen, có người bán phiếu lương thực, phiếu dầu và phiếu vải, có người lại bán gà vịt trong nhà, cũng có người bán hàng rong.

Lúc đến chỗ mấy quầy hàng này, hai người nhìn thấy món mì gánh, không nhịn được chảy nước miếng.

Tối qua chỉ ăn chuột tre nướng lót dạ, bây giờ cả hai đều đã đói.

Mì gánh chính là một món ăn vặt rất phổ biến và nổi tiếng với hương vị đặc trưng của người dân Tứ Xuyên, sở dĩ có cái tên này vì người bán gánh hàng đi rao.

Cán bột mì thành sợi mì, thêm dầu ớt, tương mè, hành lá và các nguyên liệu khác. Sợi mì mảnh, nước súp ngào ngạt, đậm đà xen lẫn vị cay, thơm nức mũi.

"Ăn bát nhé?" Chủ quán thấy hai cậu thanh niên đứng trước quầy hàng của mình, khẽ mời.

"Bao nhiêu tiền?"

"8 xu với hai phiếu lương thực."

"Hơi chát, một đĩa thịt xào mới khoảng 2 hào thôi, mà giá một tô mì lại cao như vậy."

"Ở nhà ăn công xã cậu không ăn được đâu, nếu ăn ở đó, phiếu lương thực phải là phiếu lương thực tỉnh hoặc phiếu lương thực thô, loại phiếu lương thực tinh hoặc phiếu lương thực quốc gia đều không thể mua được. Nhiều người đứng xếp hàng, phiếu không đạt yêu cầu, có tiền lại không mua được mì, gấp tới mức giậm chân bình bịch, còn ở chỗ tôi thì không có nhiều yêu cầu như thế."

(1. Lương thực thô: ngô, khoai, sắn, 2. Lương thực tinh: bột mì, gạo)

"1 hào 6 thôi, không có phiếu, có bán hay không đây, có thì bán hai bát."

"Được, được."

"Làm đầy đủ cho tôi đấy nhé!"

"Yên tâm đi, tôi người thật việc thật!"

Trần An lập tức lấy 3 hào 2 xu ra đưa cho chủ quán, sau khi nhận lấy, chủ quán bắt đầu nhanh tay nhanh chân hí hoáy.

Dân trên núi không giống người thành phố, tự mình trồng ra lương thực, đương nhiên sẽ không có phiếu lương thực gì đó, cho dù có cũng chỉ có phiếu vải miễn cưỡng đủ may bộ quần áo và phiếu dầu mà thôi. Nếu ra ngoài cần dùng đến phiếu lương thực thì phải đến đội sản xuất, lấy giấy chứng nhận của công xã, sau đó cầm theo lương thực phù hợp với tiêu chuẩn đến nơi quản lý lương thực để đổi lấy phiếu lương thực. Nếu muốn đi đường tắt thì đến chợ đen đổi, thể nào cũng có người dư những loại phiếu thế này.

Lát sau, trong tay hai người đều có một bát mì gánh, tuy nguyên liệu làm món này không nhiều, nhưng so với khoai lang, khoai tây và ngô ở nhà thì món này được làm từ bột mì, ăn khác bọt hẳn, cả hai húp xì xụp, miệng với cơ thể như trong cơn phê.

Mấy phút đã hết bát mì, ngay cả nước dùng cũng không còn cặn.

"Anh Đản Tử, ăn no chưa?"

"Rồi, chúng ta còn phải làm chính sự, tiết kiệm chút."

"Anh sợ hết tiền hả, ăn rồi kiếm lại được mà."

"Vậy… Thêm một bát nữa đi."

Thế là Trần An lại trả tiền, mỗi người thêm một bát, tới mức bụng căng tròn, đã cái nư.

Sau đó, hai người lại tiếp tục đi dạo chợ đen, một khu chợ đen nho nhỏ, đồ bên trong lại nhiều vô kể, bao gồm đủ loại thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm, còn có cả quần áo, vải vóc, đồng hồ, v.v.

Mặc dù kiếp trước Trần An sống trong núi, chưa từng ra ngoài bao giờ, nhưng nếu so với người thời này thì cũng được xem là người có hiểu biết, cho nên không ngạc nhiên. Trái lại khi Hồng Sơn nhìn thấy tất cả những thứ này, trong mắt tràn ngập tò mò.

Cuối cùng, hai người dừng lại trước một sạp hàng bán vải, trên sạp có bán kim chỉ mà bọn họ đang tìm. Sau khi hỏi thử một chút, bọn họ phát hiện giá cả cũng không chênh lệch với hợp tác xã cung tiêu là bao, lại còn có nhiều loại hơn. Sau khi cân nhắc một lượt, nếu chạy đến hợp tác xã cung tiêu mua chắc chắn sẽ khiến nhiều người để ý, chẳng thà mua ở đây cho riêng tư.

Hắn không chần chừ, bỏ ra hơn 10 tệ để mua các loại chỉ, cúc áo, kim khâu, cái đê, mũ trẻ con, dây thun và kẹp tóc của phụ nữ, chọn mỗi thứ một ít, được một bao khá to.

Hai người mua thêm ít bánh làm lương khô trên đường, lúc cả hai quay về thôn Thạch Hà Tử, trong tay chỉ còn lại khoảng 6 tệ 5 hào...

Trên đường về, Trần An dặn dò:

"Về rồi chúng ta cất dụng cụ đi, vác một cái giỏ và một cái túi, nhanh chóng lên núi đổi hạt thông, đừng nói gì với người nhà, nếu không khỏi đi luôn."

Hồng Sơn gật đầu, hơi nghi ngờ:

"Cẩu Oa Tử, e là những thứ này không đổi được bao nhiêu hạt thông đâu, kiếm được tiền thật hả?"

"Đồ trên núi không thể bán được, người dân sẽ cảm thấy chúng rất bình thường, chỉ cần dùng ít đồ là đổi được rồi, bọn họ cũng sẽ vui vẻ đổi cho chúng ta. Đương nhiên bọn họ cũng biết, nếu mang những thứ này ra ngoài có thể bán lấy tiền, nhưng có mấy người dám làm như thế chứ, ai cũng sợ bị bắt. Làm ăn nhỏ không đơn giản đâu… Anh không tin em sao?"

"Tin chứ, sao lại không tin? Chỉ là anh chưa từng làm, nên không chắc chắn lắm."

"Đi một chuyến là hiểu ngay… Như chuột tre này, trước khi làm chắc chắn anh cũng không ngờ tiền chúng ta kiếm được trong một ngày có thể bằng một tháng lương của công nhân trong thành phố. Chúng ta đi mau thôi, tiếp theo phải tốn nhiều sức đấy."

Hồng Sơn phấn khởi gật đầu:

"Được!"