(Lưu Ý: Các nhân vật, tình tiết trong truyện là hư cấu, giả tưởng, không có thật trong lịch sử.)
---
Khen ai khéo họa dư đồ
Giữa nơi thành thị có hồ xanh trong
Ngựa xe muôn nẻo phố đông
Một tòa cổ miếu, đôi dòng thanh lưu
Trăng soi nước, nước in cầu
Bức tranh thiên cổ đượm màu yêu thương
Có hoa ánh bóng tà dương
Nghìn xưa hưng bá đồ vương chốn này.
---
Từ Thanh Đô phải đi qua bốn quận Trường Yên, Thiên Trường, Kiến Xương và Long Hưng mới đến được Kinh Đô.
Hai người Võ Sanh cùng Nguyễn Phục lần đầu đặt chân tới chốn đô thành, cảnh vật đều khác với bình sinh vẫn thấy, trong lòng rất khoan khoái, cùng nhau sóng ngựa phi nước đại, chỉ thấy bên tai gió lộng vù vù, nhà cửa cây cối san sát không ngừng chạy ngược lại phía sau.
Yết Kiêu chỉ cười cười không vội đuổi theo, một mình cưỡi ngựa đi từ từ, bên cạnh dắt lấy con Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. Mấy hôm trước Phục nghe lời Võ Sanh, cảm thấy mình chưa xứng với bốn chữ Anh Hùng Hào Kiệt. Nên không dám cưỡi con bảo mã ấy nữa, thành thử ba người phải thuê ba con ngựa khác để đi. Còn con Dạ Chiếu thì chỉ dắt cạnh bên.
Đến lúc Phục cùng Sanh chạy một hơi tới cạnh bờ Hồng Hà, hai con ngựa dưới hông thở gấp mới chịu dừng lại ở một quán nước cạnh đường, đợi lấy Yết Kiêu.
Phục chưa bao giờ thấy sông nào lớn như thế, bèn hỏi thăm. Chủ quầy nước ấy là một bà lão, nói:
- Sông này tên là Hồng Hà do nước sông có màu đỏ nhạt. Bắt nguồn từ dãy Hoành Đoạn sơn bên nước Đại Lý. Từ chỗ này đi dọc theo con sông dần về phía Bắc, có chia làm hai nhánh nhỏ. Dân ở đấy gọi là Nhị Hà.
Võ Sanh ngước nhìn, thấy mặt sông nước chảy cuồn cuộn. Sang tới bờ bên kia cũng phải hơn ngàn trượng, bèn hỏi:
- Sông lớn như này qua bằng cách nào?
Bà lão đáp:
- Đến xế chiều có thuyền đưa qua, mấy cậu lên đó thì họ chở tới bãi Phúc Xá. Từ bãi đấy lại trung chuyển qua thuyền khác là sang tới bờ bên kia.
Sanh ngạc nhiên, hỏi tiếp:
- Sao không ngồi một lèo sang thể, còn trung chuyển làm chi cho mất công?
Bà lão đáp:
- Bây giờ đang mùa lũ, thuyền dân nhỏ không sang được hết sông nên mới phải làm thế.
Mấy người đang ngồi trò chuyện giải khuây thì chợt nghe có tiếng lọc cọc, một chiếc xe trâu trên đường lớn chạy mau tới. Phục hiếu kỳ rướn cổ lên nhìn, thấy phía xa con Trâu kéo xe mình đen như mực, cặp sừng nhọn hoắt chẩu ngược lên trước. Chàng từ nhỏ ở miền quê, nhưng chưa từng gặp giống Trâu nào lạ thế. Chỉ thấy trên xe ngồi lấy ba người đàn ông, tuổi đều tầm trung niên.
Ba người kia tới sát quán nước thì hò cho trâu dừng chạy, nhảy xuống đất bước vào quán, thân pháp đều rất nhanh nhẹn, không giống người nông dân bình thường.
Nguyễn Phục âm thầm quan sát, thấy người dẫn đầu khuôn mặt hốc hác, mặc một bộ áo xanh sẫm màu. Hai người bên cạnh cũng mặc y chang như vậy, nhưng người mé tả trên mặt có vết sẹo dài kéo từ khoé miệng đến mí mắt. Người bên mé hữu thì mặt vàng như bôi nghệ.
Người mặt sẹo thấy Nguyễn Phục cứ liếc qua nhìn thì khó chịu, trừng mắt quát:
- Nhóc con, nhìn cứt chi rứa? Cha mi khoét mắt bây giờ!
Khẩu âm nghe không giống người bản xứ, Phục thấy mình thất lễ bèn ngoảnh mặt đi nhìn chỗ khác.
Ba người kia ngồi xuống bàn, người mặt vàng gọi bà lão bán nước:
- Chủ quầy, cho ba cốc nước chè đi.
Bà lão nói:
- Hết chè mất rồi, chỉ có nước vối thôi.
Người mặt vàng hừm một tiếng rồi nói:
- Thôi nước vối cũng được, lấy cho ba cốc. Thêm ít lá trầu với cau cho mấy ông nhai.
Nói rồi lại quay qua trò chuyện với hai người kia rất hăng say. Nguyễn Phục thấy ba người này ăn nói sỗ sàng, trong bụng không ưa. Nhưng đôi bên không quen biết gì cả nên cũng chẳng để ý lắm.
Chợt nghe một người trong đó nói:
- Tìm được tung tích thằng bé họ Đinh kia chưa?
Một người khác đáp:
- Nghe đồn nó chạy tới vùng Hà Bắc. Mấy hộ vệ đi cùng đều bị ám toán mà chết hết. Khả năng lớn là cao thủ Lý nô cùng Nguyên cẩu tham dự.
Người mặt sẹo nghe thế liền đập mạnh xuống bàn, giận quát:
- Lẽ nào như thế được! Bọn cẩu tặc phương Bắc dám dự vào chuyện giang hồ đất Nam này ư. Không thể tha thứ được.
Bấy giờ đế quốc Nguyên Mông đại trướng, chiếm được Đại Lý rồi nên nhòm ngó sang nước Việt. Bọn chúng cho cao thủ không ngừng sang thám thính địa hình. Nước Đại Lý bị đánh chiếm nhưng vẫn giữ nguyên cho họ Đoàn quản lý quốc gia. Thành thử cao thủ giang hồ Đại Việt hễ cứ gặp nhân sĩ Đại Lý thì gọi là Lý nô, còn gặp người Nguyên thì gọi Nguyên cẩu. Không ai nhường ai, đánh nhau bát nháo, loạn xì ngầu.
Gã mặt vàng níu áo tên kia cho bình tĩnh lại, quay qua hỏi gã mặt gầy:
- Chuyện đó chẳng có chi lạ, nhưng truyền thuyết… Thần Binh ấy có thiệt ư?
Gã mặt gầy biến sắc, suỵt một tiếng rồi nói nhỏ:
- Bọn bây im im cái miệng chút, truyền thuyết ấy đương nhiên có thật. Cao thủ Thiên Môn Đạo đã thừa nhận chẳng lẽ sai được ư?
Phục nội công cao, rất thính tai, tuy hai bên ngồi cách nhau khá xa nhưng vẫn nghe được rõ ràng. Khi nghe đến hai chữ “Thần Binh” thì lấy làm kỳ. Bèn hỏi Võ Sanh:
- Đệ là người trong giang hồ, có biết lai lịch ba gã này không?
Võ Sanh nói:
- Ba gã này là Ngưu Gia Hồ Tam Đao, quái nhân xứ Châu Phong, là người trong hắc đạo. Huynh đừng để ý đến làm chi.
Phục trong bụng ngạc nhiên, nước Việt xưa nay chưa thấy có ai họ Ngưu bao giờ cả, bèn hỏi lại:
- Cái tên Ngưu Gia Hồ Tam Đao là tên một người hay là phong hào?
Sanh đáp:
- Đấy là phong hào, ba huynh đệ kia họ Hồ. Đại ca là tên gầy nhom kia, gọi Hồ Đại Ngưu. Người thứ hai là gã mặt vàng, gọi Hồ Nhị Ngưu. Đứng hàng ba là Hồ Tam Ngưu. Ba huynh đệ chuyên dùng Đao, tiến thủ có nhau. Đánh hợp kích ghê gớm lắm.
Lời hai người nói chuyện cũng không giữ ý, nên bên kia cũng nghe được. Võ Sanh vừa dứt miệng, gã mặt sẹo Hồ Tam Ngưu cười lớn, nói:
- Nhóc con bản lĩnh không biết a răng, nhưng kiến thức được lắm còn biết tới Ngưu Tam gia!
Võ Sanh mặt trở giận, thiến phiến trong tay xòe ra, phất ngược lại một cái. Một luồng kình phong cách không bắn ra, hướng tới gã mặt sẹo.
Ba huynh đệ họ Hồ không ngờ đối phương chưa nói gì mà đã động thủ. Kình phong bắn tới rát hết mặt mày, bụng không khỏi kinh hoàng vội nhảy ra né tránh. Nghe “Bụp” một tiếng, cái bàn ba người vừa ngồi ấy nát tươm chia năm xẻ bảy, mảnh gỗ bắn tứ tung.
Hồ Tam Ngưu cả giận, chạy lại chỗ xe Trâu cầm đao toan động thủ. Hồ Đại Ngưu vội kéo lại, nói:
- Tam đệ bình tĩnh đã.
Gã biết hôm nay đụng phải tảng đá cứng, võ công đối phương ghê gớm. Ba người họ liên thủ cũng chưa chắc nắm phần thắng, bèn tiến tới ôm quyền xin lỗi.
Võ Sanh hừ một tiếng, thiết phiến điểm ra một phát trúng cái cây cách đó không xa, nghe cái “Bụp” trên thân cây xuất hiện một lỗ thủng, đoạn quay qua lạnh giọng nói:
- Quản cái miệng thúi của các ngươi lại. Giang hồ sợ Ngưu Gia Hồ Tam Đao chứ ta thì không đâu.
Hồ Đại Ngưu thấy công phu cách không điểm huyệt của đối phương cao siêu, trong đầu nghĩ lại một loạt cao thủ mình từng gặp nhưng chưa thấy ai có tài ghê gớm đến thế. Đang nghĩ ngẩn người thì Hồ Nhị Ngưu bước lên trước, ôm quyền nói:
- Các hạ phải chăng là Bạch Ngọc Phiến Vũ đấy ư? Hạnh ngộ, hạnh ngộ, tam đệ tôi có lời đắc tội, mong các hạ rộng lòng bỏ qua cho.
Võ Sanh hừ một tiếng, nếu bình thời y nông nổi sẽ lao vào hơn thua với ba tên này một phen. Nhưng hôm nay đi cùng Nguyễn Phục, không muốn bị mất mặt trước vị huynh đệ, nên chỉ nói:
- Các ngươi có chuyện của các ngươi, giang hồ người không phạm ta, ta không phạm người. Sau này ăn nói cẩn thận một chút!
Hồ Đại Ngưu nghe ngữ khí Võ Sanh bất thiện, kêu tốt một tiếng. Rồi cùng hai huynh đệ leo lên xe Trâu mà đi, trước đó còn không quên ném lại cho bà lão bán nước năm đồng tiền. Coi như tiền nước cùng phí sửa bàn ghế.
Võ Sanh đợi cho ba tên ấy đi rồi mới quay qua bảo Phục:
- Huynh mới nhập giang hồ còn chưa biết đường quanh lắt léo. Đối phó bọn này đều là giang hồ mõm, mình phải cứng chúng nó mới sợ. Chứ mềm dẻo thì chúng nó càng lấn tới.
Phục âm thầm ghi nhớ trong lòng, đang định hỏi thử xem Thần Binh mà ba gã kia nhắc tới là gì, chợt thấy Yết Kiêu cưỡi ngựa phóng tới. Bên phải dắt thêm con Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. Chàng bèn đem nghi vấn đấy mà hỏi hai người. Yết Kiêu ngạc nhiên, nói:
- Bọn chúng nhắc đến Thần Binh thật ư?
Phục đáp:
- Đúng thế, họ còn nói tìm tung tích của đứa bé họ Đinh nào đấy.
Yết Kiêu nghe tới đây thì hoảng hốt, bật dậy nói:
- Chúng mình phải về kinh mau mau. Chuyện này lớn lắm, tôi không tiết lộ được.
Nguyễn Phục không ngờ phản ứng của Yết Kiêu lớn như thế, quay qua thì thấy mặt Võ Sanh cũng trầm ngầm. Bèn hỏi rõ sự ra làm sao, Võ Sanh nói:
- Đệ cũng không biết được, trên giang hồ chỉ nghe tới Danh Khí chứ chưa nghe Thần Binh bao giờ. Có khi… có khi bọn chúng nhắc tới Thần Binh chính là Danh Khí cũng nên.
Yết Kiêu “Ồ” lên một tiếng, nói:
- Không nghĩ đệ cũng biết tới Danh Khí. Nếu tôi đoán không nhầm, Thần Binh mà ba gã kia nhắc tới chính là Bát Đại Danh Khí trong võ lâm.
Nguyễn Phục mới nhập giang hồ, còn chưa hiểu biết gì cả. Nghe tới Bát Đại Danh Khí thì tính tò mò nổi lên, hỏi hai người xem đó là gì.
Yết Kiêu nói:
- Trời cũng xế chiều rồi, chúng mình lên thuyền qua bãi Phúc Xá rồi tôi hẵng kể chi tiết.
Ba người nói rồi, cưỡi ngựa theo dọc sông Hồng một đoạn, quả nhiên thấy có bến phà. Võ Sanh dắt ba con ngựa thuê đi trả, chỉ thoáng chốc rồi quay về. Ba người lên thuyền sang bãi Phúc Xá. Ngồi trong khoang, Yết Kiêu kể:
- Giang hồ Đại Việt lưu truyền tám món binh khí. Lần lượt là:
1/ Điểu Vân Phá Hồn Thương
2/ Bá Vương Quỷ Diện Giáp
3/ Tru Ma Đao
4/ Thiên Vấn Bảo Kiếm
5/ Huyền Vũ Phá Thiên Cung
6/ Lục Chỉ Cầm Ma
7/ Huyễn Ngọc Thiên Trượng
8/ Bách Ngọc Diệt Hồn Châm
Nghỉ lấy hơi một lúc, Yết Kiêu lại nói tiếp:
- Trong mấy món Danh Khí tôi chỉ mới gặp hai món, ấy là Thiên Vấn Bảo Kiếm cùng Huyền Vũ Phá Thiên Cung. Nói tới thanh kiếm Thiên Vấn vốn là bội kiếm của Tần Thuỷ Hoàng. Sau này tặng lại cho Lý Ông Trọng. Lý Ông Trọng mang kiếm về nước Văn Lang (Tiền thân của nước Đại Việt). Hiện nay đang ở trong phủ của Hưng Đạo Đại Vương.
- Còn thanh thứ hai mà tôi gặp là Huyền Vũ Phá Thiên Cung. Tương truyền Thần Cung xuất phát từ thời nhà Đinh. Được làm từ lẫy của Rùa Thần. Bất quá, lai lịch cung này dính dáng tới tiên thần nên khả năng là đồn bậy. Hiện nay Thần Tiễn Nguyễn Địa Lô đang giữ món bảo vật ấy.
Phục hỏi:
- Thế mấy món Danh Khí kia có chi ghê gớm chăng mà được gọi là Thần Binh?
Yết Kiêu lắc đầu, nói:
- Cái đấy tôi không biết được. Tôi cũng chỉ nhìn lướt qua hai món bảo vật ấy thôi. Chứ chưa chứng kiến uy lực nó ra sao, ngoài vẻ đẹp mã ra cũng chỉ trưng trong phòng chớ làm nên tích sự chi? Chẳng qua Danh Khí tiếng tăm đồn đãi thành thử ai ai cũng muốn có. Nếu sự mà như ba người kia nhắc tới, giang hồ Đại Việt ắt nảy ra cuộc tranh đấu đẫm máu. Lúc đó quân Nguyên nhân cơ hội tràn binh qua xâm chiếm thì đỡ sao nổi!
Võ Sanh hỏi:
- Thế đứa bé họ Đinh mà chúng nhắc tới thì có ý gì? Chẳng lẽ nó biết tung tích của mấy món Danh Khí còn lại?
Yết Kiêu chần chừ, nói:
- Cái này… Cái này, đó là chuyện quân cơ. Tôi không tiện tiết lộ. Hai huynh đệ gặp Hưng Đạo Đại Vương hỏi chắc sẽ có câu trả lời. Chứ tôi không dám…
Hai người thấy Yết Kiêu ra chiều khó nói, cũng không ép buộc. Dù sao mấy người cũng chỉ là bèo nước gặp nhau, không nhất thiết cái gì cũng phải kể. Đợi đến gần tối hôm đó, ba người mới qua được bờ bên kia. Đối diện là Kinh Đô.
Năm xưa vào thời nhà Lý, tương truyền khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên gọi tên kinh đô nên mới đặt tên là Thăng Long.
Phục cùng Sanh bước đi vào, mặc dù trời đã sẩm tối nhưng dân chúng vẫn qua lại nườm nượp, thật là nhộn nhịp không nơi nào sánh bằng. Bên phải có đền Bạch Mã, bên trái có tháp Bảo Thiên, trước mặt có Phủ Phụng Thiên nguy nga tráng lệ.
Nguyễn Phục lớn lên ở vùng quê sông núi, đời nào thấy qua cảnh tượng như vậy?
Chỉ thấy đèn treo rợp ngõ, cửa đỏ rèm thêu, lầu cao gác xép, người đi qua lại chật như nêm cối, huyên náo phi thường. Phía trước có chợ, quầy buôn tiệm bán, đầy đủ mọi thứ từ thức ăn, thịt thà các thứ, cho tới vải vóc gấm lụa, hàng hoá quý báu. Dọc đường còn có trà đình tửu điếm, khách khứa nườm nượp, đúng là muôn vàn màu sắc, hương nức một vùng, khiến một thiếu niên quê mùa như chàng thấy hoa cả mắt. Những vật nhìn thấy, trong mười có đến chín không biết là món gì.