(Lưu Ý: Các nhân vật, tình tiết trong truyện là hư cấu, giả tưởng, không có thật trong lịch sử.)
---
Ba người đi dạo một lượt quanh chợ. Cảnh tượng tuy phồn hoa nhưng người người chen lấn xô đẩy. Dạo hồi lâu cũng thấy nhàm chán, Yết Kiêu bèn dắt hai người tới phủ Hưng Đạo vương.
Tới vương phủ, Nguyễn Phục thấy nơi đây khí phái lạ thường, hai bên cắm ngọn cờ cao vút thêu hình long phụng, phía trước có cánh cổng sơn son đỏ thắm. Hai con sư tử bằng đá oai vệ ngồi hai bên, một dãy bậc thềm đá trắng dẫn thẳng tới tiền sảnh. Giữa cửa lớn có quân binh canh gác, phục sức nghiêm trang, giáo gươm tề chỉnh, trên cao treo đại tự viết bốn chữ thiếp vàng “Hưng Đạo Vương Phủ”.
Phục từ nhỏ cũng được dạy qua binh pháp, thấy quân lính đứng nghiêm cẩn, vị trông thì lộn xộn, nhưng lại tuân theo lối đại khai đại hợp. Tưởng chừng như xếp thành trận đồ, tiến có thể công, lùi có thể thủ. Chàng bất giác trong lòng rung động:
“Hộ vệ của Hưng Đạo Đại Vương dường như xếp theo lối binh trận. Thế mà gã họ Đoàn kia có thể ra vào phủ ám sát không để lại chút vết thương nào. Võ công quả là ghê gớm!”
Đang cảm thán trong bụng, chợt một tên lính bước tới làm lễ, nói:
- Cung nghênh Thân Vệ Thống lãnh Yết Kiêu đại nhân.
Trong năm người dưới trướng Trần Hưng Đạo thì Yết Kiêu đứng hàng thứ ba. Tuy có công chống giặc Nguyên, nhưng vì thân phận gia nô không được phong quan tước. Bởi thế nên Hưng Đạo đại vương mới giữ y bên người làm thân vệ.
Hai người Nguyễn Phục cùng Võ Sanh nghe tên lính kia xưng hô như thế, trong bụng tuy nghi hoặc. Nhưng hai người chưa tiếp xúc với quân ngũ nhiều nên cũng chẳng để ý. Yết Kiêu cười nói:
- Hưng Đạo đại vương hôm nay ở phủ chứ? Ta có hai vị khách quý, muốn được diện kiến.
Tên lính thưa:
- Bẩm, Đại Vương đăng triều gặp Thánh Thượng. Bây giờ còn chưa hồi phủ.
Yết Kiêu kinh ngạc, hỏi lại:
- Có chuyện chi mà gặp Thánh Thượng muộn thế?
Tên lính đáp:
- Bẩm, tiểu nhân không biết được. Đại Vương rời phủ lúc chiều, đã đi được ba canh giờ rồi.
Yết Kiêu trong bụng ngờ vực, quay qua nói với Phục cùng Võ Sanh:
- Hai vị vào phủ uống nước chờ tạm. Đại Vương bận chuyện triều chính. Chắc sắp về tới nơi rồi đấy. Để ta đi gọi Đại Hành với Cao Mang đến cho mọi người gặp mặt.
Nói rồi sai tên lính dẫn hai người tới tiền sảnh. Tên lính dẫn Phục với Sanh vào cửa lớn, quay qua bảo:
- Hai vị thiếu hiệp có thể gửi binh khí lại đây được chăng?
Phục nghe vậy, đoán thầm trong bụng: “Phủ Hưng Đạo đại vương mới xảy ra sự kiện ám sát. Nên phải canh phòng cẩn thận như thế.” Hắn gật đầu một cái, gỡ thanh trường thương sau lưng ra đưa cho gã.
Tên lính đỡ lấy thương, cảm giác như cầm phải thiết bảng nặng cả trăm cân. Bất giác hai tay trầm xuống, Phục tiến tới dìu lên cười bảo:
- Quân gia cẩn thận, thương của tại hạ hơi nặng xíu.
Tên lính dạ dạ mấy tiếng, nói thầm: “Thanh binh khí này nặng phải đến trăm chục cân mà kêu hơi nặng xíu?” Tuy trong lòng nghĩ vậy, nhưng Phục cùng Sanh là khách quý của Yết Kiêu nên gã cũng chẳng dám phàn nàn. Vội gọi thêm hai tên khác đến đỡ lấy trường thương. Xong xuôi, gã mới ngước nhìn sang Võ Sanh.
Võ Sanh cười cười, lấy thiết phiến giấu trong tay áo ra, nói:
- Cây quạt này có tính là binh khí không?
Tên lính là người trong quân ngũ, chưa biết giang hồ võ khí kỳ lạ đến nhường nào? Làm sao biết được cây quạt đấy trong tay cao thủ võ lâm ghê gớm ra sao? Gã nhìn cây quạt một lúc rồi nói:
- Quạt này không giấu ám khí bên trong là được.
Võ Sanh đưa thiết phiến cho gã, nói:
- Quân gia cứ tuỳ tiện kiểm tra.
Tên lính thấy vậy, cần quạt lật lên lật xuống một hồi. Thấy quạt này nan làm bằng sắt, đuôi quạt đính ngọc châu, thân mềm như tơ lụa, không giống một món binh khí tẹo nào. Trong bụng gã đoán chừng đây là vật trân quý, nhìn xong vội trả lại, nói:
- Quạt này mang theo được. Hai vì thiếu hiệp đi theo tôi.
Nói rồi đi trước dẫn đường.
Kiến trúc Vương phủ xây theo lối Tứ Hợp Viện. Đi qua cửa lớn thấy trước mặt có tầm bình phong bằng đá, cao một thước tám, rộng ba trượng vuông. Trên khắc hình song long hí châu. Bước qua bình phong là sân lớn, bốn góc bày chậu cây cảnh. Bên phải là giá đỡ binh khí, bên trái có hai con mộc nhân. Hiển nhiên, chủ nhân ngôi nhà này là một người thích tập võ.
Phục cùng Sanh được dẫn vào đại viện ngồi chờ, chỉ thoáng chốc thấy người hầu bưng lên nước uống cùng hoa quả. Hai người trong bụng hồi hộp nên cũng không ăn được miếng nào, ánh mắt không ngừng dò xét chung quanh.
Qua được một lúc, chợt nghe phía ngoài cửa có tiếng ngựa hí. Hai người đoán thầm Hưng Đạo Vương đã hồi phủ, bèn vểnh tai lên nghe ngóng. Từ ngoài kia vào tới trong sảnh cách mấy chục trượng, nhưng hai người nội công cao thâm, tập trung hết mực cũng nghe được bên ngoài nói gì.
Chỉ nghe tên lính lúc nãy nói:
- Cung nghênh Thần Vũ Tướng Quân.
Thời bấy giờ nhà Trần, Võ Ban nội thị có mười sáu chức vụ, gồm Tiết chế thống lĩnh chư quân, Phiêu kỵ đô Thượng tướng quân, Phủ quân tư, Xa kị Thượng tướng quân; Long tiệp phụng thần nội vệ Thượng tướng quân; Điện súy đại tướng quân; Thủy quân đại tướng quân; Đốc tướng; Thân vệ Tướng quân; Thần Vũ quân tướng; Thị vệ quân tướng; Thánh dực quân tướng; Quản thiết liêm quân; Quản thiếp giáp quân; Quản thiếp thương quân; Thông nghị đại phu.
Người kia được xưng là Thần Vũ Tướng Quân, chức vụ không phải là thấp. Phục với Sanh nghe xong thì bất giác cả kinh.
Chỉ nghe người kia gấp gáp hỏi:
- Đại Vương hồi phủ chưa?
Tên lính kia đáp:
- Dạ, chưa.
Người kia nói:
- Thôi, ta vào trong phủ đợi đại vương về vậy.
Nói rồi xuống ngựa đi thẳng vào trong. Bước đi nhanh thoăn thoắt.
Võ Sanh giật mình, quay qua nói với Phục:
- Người này khinh công ghê gớm lắm, không hề dưới đệ.
Nguyễn Phục vốn không để ý, thấy Võ Sanh nói thế mới chăm chú lắng nghe. Quả nhiên người kia bước đi mà chẳng phát ra tý tiếng động nào. Khinh công bực đấy quả là cao siêu.
Người kia chớp nhoáng cái đã đi tới tiền sảnh, y thấy có hai người đang ngồi đó, ngạc nhiên nói:
- Ô hay, đại vương hôm nay có khách ư?
Phục với Sanh không dám thất lễ, vội tiến lên ôm quyền, nói:
- Hai người bọn tôi ngưỡng mộ Hưng Đạo Đại Vương. Nên theo Yết Kiêu tới đây mà ra mắt. Tướng quân hữu lễ!
Chỉ thấy, vị tướng quân kia tuổi tầm hai lăm, dung mạo tuấn tú, mày sắc như kiếm, mắt sáng như sao. Y khoác trên người một bộ võ phục màu xanh nhạt, lưng đeo binh khí. Món binh khí sau lưng y được bọc bằng vải bố nên hai người cũng không biết y giỏi về môn võ công gì. Chỉ nhìn thoáng cái rồi cũng không để ý.
Y thấy hai người làm lễ với mình, vội đáp lại rồi nói:
- Hoá ra là bằng hữu của Yết Kiêu. Tại hạ họ Nguyễn, tên Địa Lô. Không biết danh tánh hai vị là chi?
Võ Sanh ồ một tiếng, nói:
- Phải chăng Thần Tiễn Nguyễn Địa Lô đấy ư? Tại hạ ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu.
Nói rồi chỉ qua Nguyễn Phục tiếp lời:
- Vị huynh đài này cũng họ Nguyễn, đơn danh là Phục. Người xứ Châu Hoan. Còn tiểu đệ là Võ Sanh, từ nhỏ phiêu bạt giang hồ nên không có quê quán, người ta vẫn hay gọi bằng Bạch Ngọc Phiến Vũ.
Nguyễn Địa Lô ít khi bôn tẩu giang hồ, nên cũng chẳng biết danh hào Bạch Ngọc Phiến Vũ là chi. Nhưng nói không biết thì tỏ vẻ mình không có kiến thức, vội chắp tay đáp lễ rồi nói:
- Hai chữ Thần Tiễn thật không dám nhận bừa. Hai vị khách khí.
Ba người chào hỏi lễ trước sau đủ cả, chia ghế ra ngồi chờ. Địa Lô là tướng võ, ăn nói hào sảng, còn Phục với Sanh là người vùng quê; nên ít lời văn vẻ, nói chuyện chỉ thoáng chốc mà tựa đã quen thân từ lâu. Đợi thêm được một lúc nữa thì ngoài cổng nghe tiếng còi chiêng, tiếng xe ngựa huyên náo. Địa Lô nói:
- Tiếng chiêng này ắt là Đại Vương hồi phủ rồi đấy. Chúng mình ra tiếp rước khỏi thất lễ.
Nói rồi cả ba đi ra cổng đón rước. Chỉ thấy phía bên ngoài cửa chạy tới hai cỗ xe ngựa. Một cỗ xe đi trước được sơn son thiếp vàng, đầu xe nạm ngọc, cửa xe phủ rèm, có hai con ngựa trắng cùng kéo. Trên đầu treo đại kỳ, viết dòng chữ “Chiêu Quốc Vương”.
Cỗ đi sau thì đơn sơ hơn, trên đầu xe cũng treo đại kỳ viết “Hưng Đạo Vương”.
Hai xe dừng lại trước cổng, quân lính đứng quanh vội bắc ghế, kéo rèm lên. Người trong xe bước ra, chỉ thấy đó là một nam tử, tuổi trạc ba mươi, đầu đội mão Bình Đính, thân khoác bào gấm vàng, trên thêu hình Trí Lân. Nhìn thoáng qua hẳn là vương tôn quý tộc. Nguyễn Phục với Võ Sanh không biết là ai lại ai, vội hỏi Nguyễn Địa Lô.
Nguyễn Địa Lô nói:
- Vị kia là Chiêu Quốc Vương, Trần Ích Tắc.
Trần Ích Tắc là hoàng tử nhà Trần. Ông là con của Trần Thái Tông, em cùng cha khác mẹ với Trần Thánh Tông và Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải.
Y vừa dứt lời thì chiếc xe đi phía sau đã tới nơi, từ trên xe bước xuống là Hưng Đạo Đại Vương.
Nguyễn Địa Lô vội chạy lên trước bái kiến, hô lớn:
- Thuộc hạ Nguyễn Địa Lô tham kiến Hưng Đạo Đại Vương.
Trần Ích Tắc thấy đối phương không hành lễ bái kiến, tưởng chừng như mình chỉ là không khí. Trong bụng không khỏi giận, hừ nhẹ một tiếng trong cổ họng.
Hưng Đạo Đại Vương vén rèm bước xuống xe, Phục với Sanh chỉ thấy đó là một người đàn ông mặc võ phục, dung mạo khôi ngô, mắt tựa chim ưng, lông mày như cọp, dưới cằm để râu rậm, dáng vẻ cao lớn mà oai vệ. Hai người trông thấy mà không khỏi ngấm ngầm thán phục.
Chỉ nghe Trần Quốc Tuấn hỏi:
- Địa Lô không ở trong quân doanh, tới đây có chuyện chi?
Nguyễn Địa Lô lấy trong ngực ra một mảnh giấy, dâng lên rồi nói:
- Bẩm đại vương, có mật hàm gửi tới. Thuộc hạ sợ có chuyện quan trọng nên tới để gửi cho ngài xem.
Trần Quốc Tuấn hừm nhẹ một tiếng, đón lấy mảnh giấy đưa lên đọc. Giây lát sau sắc mặt hơi trầm xuống, nói:
- Chuyện này ta đã biết, lát nữa ngươi gọi Yết Kiêu, Dã Tượng, Đại Hành cùng Cao Mang tới phủ của ta để luận chuyện.
Nguyễn Địa Lô “Vâng” một tiếng rồi thối lui, lập tức nhảy lên ngựa đi gọi người.
Trần Quốc Tuấn đợi cho Địa Lô đi rồi mới bước vào phủ, quân binh đi theo sau bảo vệ gắt gao. Tới trước cổng, y chợt thấy có hai gã thanh niên đứng chờ ở đấy. Quốc Tuấn trong bụng ngờ vực, lướt mắt qua xem, chỉ thấy hai người này dáng vẻ đường hoàng. Một người mặc áo trắng, tay cầm quạt, người kia mặc áo xám tro, hơi có chút phong trần. Hiển nhiên, cả hai đều là nhân sĩ giang hồ, y vội bước tới hỏi:
- Hai vị thiếu hiệp đây là...
Nguyễn Phục với Yết Kiêu chắp tay hành lễ, kể đầu đuôi câu chuyện. Lát sau, Trần Quốc Tuấn mới hiểu ra, ôm quyền làm lễ, nói:
- Thì ra hai vị thiếu hiệp là bằng hữu của Yết Kiêu. Bản Vương thật thất lễ quá.
Nên hiểu rằng, nhân sĩ giang hồ Đại Việt đa số đều là người biệt xứ bôn tẩu khắp nơi, thân phận không cao, so với nông phu chỉ có thấp chứ không hơn. Nguyễn Phục mới vào giang hồ còn chưa hiểu biết, chứ Võ Sanh từ nhỏ bôn ba khắp chốn, chưa thấy quan lại, vương hầu khách khí với mình như thế bao giờ. Bất giác trong lòng càng kính phục. Nói:
- Đại Vương khách khí, bọn thảo dân tới đường đột, mới mong Đại Vương bỏ quá cho.
Trần Quốc Tuấn cười ha hả, quay qua nói:
- Chiêu Quốc Vương đã tới cũng nên vào phủ. Tôi sẽ sai người ngâm ấm trà nóng. Hôm nay khách quý tới nhà không thể lãnh đạm được.
Nói rồi dắt tay hai người Phục cùng Võ Sanh đi vào trong. Trần Ích Tắc cũng hừ nhẹ một tiếng rồi theo vào.