(Lưu Ý: Các nhân vật, tình tiết trong truyện là hư cấu, giả tưởng, không có thật trong lịch sử.)
---
Nguyễn Phục vốn từ nhỏ ưa thích tập võ, hễ cứ nghe tới võ công là hai mắt sáng lên. Nay sơ nhập giang hồ thì chẳng khác chi cá về biển lớn, tưởng chừng như muốn trổ hết sở trường bình sinh ra mà so tài hơn thua.
Nhưng chàng biết rằng tổ truyền “Hoành Quán Bát Phương” thương pháp của dòng họ mình, chiêu nào chiêu nấy đều ngầm chứa sát ý. Một khi thi triển ra không những lộ hết tài nghệ bản thân mà còn gây nguy hiểm cho đối phương. Nên từ đầu chí cuối chàng chỉ sử mỗi thương pháp căn bản.
Thương thuật cơ bản là "Cầm thương vững trơn, trước quản sau khóa", tức là cầm phía trước thì lỏng để dễ điều khiển, phía sau chặt chẽ, vững vàng. "Hai tay cầm thương chắc mà không chết cứng, trơn mà không tuột". Thương thế hay thế giữ thương chú trọng ở "Tứ Bình": đỉnh bằng, vai bằng, chân bằng, thương bằng, gốc không rời hông. Đâm thương thì ra thẳng, vào thẳng, phải bằng, ngay, linh hoạt, mau lẹ, kình lực mạnh từ hông đâm thẳng thấu ra tận đầu mũi, thế thương vào ra như giao long ẩn hiện.
Người áo trắng kia giao thủ cùng chàng một lúc, tuy né tránh được hết chiêu yếu hại. Nhưng trước thương pháp tinh diệu như thế không hề phản kích được chút nào, đánh hồi lâu cũng đã thấm mệt. Gã hú lên một tiếng dài, nhảy lùi ra sau, nói lớn:
- Thôi thôi không đánh nữa! Võ công túc hạ ghê gớm lắm. Tại hạ cam bái hạ phong.
Nguyễn Phục thu thương lại, cười đáp:
- Võ công của túc hạ cũng không tầm thường. Chẳng qua tại hạ lợi ở binh khí, chứ đánh tay đôi chưa chắc đã chiếm thượng phong.
Người kia hừ một tiếng, nói:
- Thua là thua, tại hạ trộm ngựa của các hạ ấy là phạm phải lỗi lầm. Nay quyền cước cũng chẳng sánh được, muốn xử lý thế nào các hạ cứ việc nói. Tôi mà nhíu mày thì không xứng là bậc trượng phu.
Phục còn chưa kịp nói, Yết Kiêu đã bước lên trước, hỏi:
- Xin hỏi, các hạ phải chăng là Bạch Ngọc Phiến Vũ, Võ Sanh?
Người kia không nghĩ đối phương đoán ra danh tính của mình, trong bụng nghĩ: “Mình hôm nay trộm ngựa, nếu vào tai nhân sĩ giang hồ các nơi thì anh danh sau này đâu còn?” Nhưng gã cũng là người thẳng thắn, từ trước nay làm sai chuyện chi thì nhận lỗi. Bây giờ bị bắt tại trận muốn chối cũng chẳng được, bèn thở dài một cái rồi đáp:
- Chính thị, không biết tôn danh hai vị là chi?
Yết Kiêu tự giới thiệu, ngón tay chỉ sang Nguyễn Phục, nói:
- Tại hạ Yết Kiêu, còn vị huynh đài này tên là Nguyễn Phục.
Võ Sanh vừa nghe xong, “Ồ” lên một tiếng ngạc nhiên, vội ôm quyền làm lễ, nói:
- Phải chăng Giao Long Quái Kiệt, Yết Kiêu đấy ư? Tại hạ có mắt mà chẳng ngó thấy Thái Sơn. Xin thứ cho lỗi bất kính.
Rồi lại quay qua Nguyễn Phục, ôm quyền nói:
- Tại hạ làm việc lầm lỡ, sự đã trót rồi thì muốn hối cũng không được. Xin huynh đài rộng lòng lượng thứ.
Yết Kiêu là gia tướng của Hưng Đạo đại vương. Từng cùng Tam Anh Song Kiệt đại phá quân Nguyên Mông ở Đông Bộ Đầu. Nên trên giang hồ tiếng tăm lẫy lừng, ai ai cũng khâm phục là bậc hào kiệt. Vậy nên Võ Sanh mới chỉ nghe danh tánh thì vừa kinh ngạc, vừa hối hận mình thất lễ.
Yết Kiêu quay qua nói với Phục:
- Tôi biết người này, y trên giang hồ phong hào Bạch Ngọc Phiến Vũ. Là người hào sảng, chuyên hành hiệp trượng nghĩa giúp đời. Hôm nay mắc lỗi lầm với huynh đệ chắc có điều chi khuất tất. Chúng mình cứ vào trong rồi tỏ rõ sự việc. Nếu quả thật y có mưu đồ bất chánh, tôi nguyện bắt về quy tội.
Phục nghĩ rồi ậm ừ gật đầu.
Yết Kiêu cả mừng, vội tiến tới dìu đỡ Võ Sanh, dắt tay đứng lên rồi nói:
- Chúng mình là người giang hồ, mấy cái lễ ấy bỏ qua đi. Nay trời cũng tối khuya rồi, tôi nghĩ chúng mình nên vào nhà lấy rượu ra mà tỏ tường sự việc. Như thế có được hay chăng?
Võ Sanh không ngần ngừ nói luôn:
- Tại hạ không uống rượu buổi đêm, chỉ xin một cốc chè xanh là được.
Yết Kiêu cùng Nguyễn Phục đều bật cười, gật đầu ưng thuận.
Nói rồi ba người rủ nhau vào nhà, sai tiểu nhị dọn một mâm cỗ hoa quả đơn giản. Rồi lấy ấm nước đun chè, khi trước sau vào ngồi đủ cả, ba người mới so tuổi tác, Phục cùng Yết Kiêu bằng tuổi nhau, riêng Võ Sanh kém hai người một tuổi.
Trò chuyện được một lúc, Võ Sanh chợt đứng dậy ôm quyền, hướng Phục xá một cái rồi nói:
- Tiểu đệ trộm bảo mã của huynh, tội ấy lớn lắm. Huynh không những không trách phạt mà còn mời đệ vào ngồi chung mâm. Tiểu đệ cảm kích không sao tả xiết. Nay có chén chè thay cho rượu, kính xin mời huynh một chén.
Nên biết là, thời nhà Trần ngựa vẫn là một phương tiện giao thông hiếm gặp, không phải ai muốn có là có. Từ khi đế quốc Nguyên Mông đánh Đại Việt thất bại ở Đông Bộ Đầu (Lần 1). Thì nguồn cung ngựa của Đại Việt lại càng ít ỏi. Vậy nên chỉ có những người nhiều tiền, hoặc quan binh mới có ngựa cưỡi. Chớ nói chi tới con Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử còn quý hơn vàng của Nguyễn Phục?
Phục chỉ cười đáp lễ, cả hai cụng chén rồi uống cạn, coi như thù oán xoá sạch.
Không khí lại trở nên vui vẻ, Yết Kiêu bèn hỏi vì sao Sanh trộm ngựa.
Võ Sanh đỏ mặt, ngượng ngập hồi lâu mới nói:
- Không giấu gì hai huynh, đệ từ nhỏ gia cảnh cũng khá tốt. Hồi ấy đệ có nuôi một con bạch mã, nhưng khi đệ tròn mười sáu thì con bạch mã ấy sinh bệnh mà chết. Nãy đi ngang qua đây, thấy chuồng ngựa lấp lóe ánh sáng bèn vào coi, thì gặp ngay con ngựa của Phục huynh. Đệ mới nhìn liền biết đấy là giống Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử, nhưng con này vóc dáng gầy nhom như sắp chết đói tới nơi. Bụng đệ thương tiếc, nghĩ bị chủ nó... bạc đãi... Nên mới nảy lòng xấu trộm đi.
Yết Kiêu cùng Phục đều cười ha hả, vội đem chuyện xưa mà kể ra. Bấy giờ Võ Sanh mới biết mình hiểu lầm, con Dạ Chiếu ấy nào có bị bạc đãi gì đâu? Nó đoái tiếc chủ cũ mà bỏ ăn uống nên mới gầy nhom như thế. Sanh càng nghĩ càng thấy mất mặt, đoạn hỏi thử:
- Hai huynh biết tới Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử, vậy chăng đã nghe tới Xích Thố Mã hay chưa?
Hai người đều gật đầu, Yết Kiêu đáp:
- Biết chứ biết chứ, Nhân trung Lã Bố, Mã trung Xích Thố. Cái câu đấy ai mà không biết! Thời Tam Quốc Lã Bố vì con ngựa ấy mà phản chủ. Sau này mang xú danh gia nô ba họ, muốn xóa cũng không được.
Sang hỏi tiếp:
- Thế lúc Lã Bố chết dưới tay Tào Tháo thì con Xích Thố mã ấy có bỏ bữa đến nỗi gầy nhom hay không?
Hai người lắc đầu, lần này Phục nói:
- Xích Thố mã tuy trung với chủ, nhưng không đến nỗi bỏ ăn uống. Cho đến khi Tào Tháo tặng cho Quan Vũ, vẫn được khen là tuấn mã. Bất quá chuyện này có liên quan gì tới con Dạ Chiếu?
Võ Sanh cười nói:
- Sao lại không liên quan, Bảo Mã biết đường chọn chủ. Lã Bố tuy là chủ cũ của Xích Thố, nhưng nó không coi Lã Bố là bậc anh hùng hào kiệt. Nên mất đi thì thôi chứ không đoái tiếc. Còn như Quan Công là bậc trượng phu, nghĩa khí lẫm thiên. Khi ông mất rồi con Xích Thố mới nhịn ăn nhịn uống, đến nỗi tống táng theo chủ. Ấy gọi là Bảo Mã xứng Anh Hùng.
Hai người Phục và Yết Kiêu nghe xong thì lấy làm kỳ, suy nghĩ hồi lâu cũng thấy có lý.
Sanh lại nói tiếp:
- Theo như đệ thấy, bá phụ của Phục huynh là bậc anh hùng hào kiệt. Con Dạ Chiếu này đoái tiếc chủ cũ không muốn phục tùng ai nữa, nên mới tuyệt thực.
Phục nghe Võ Sanh tâng bốc phụ thân mình là bậc anh hùng hào kiệt, trong bụng không khỏi mừng. Nghĩ thầm: “Phụ thân ta xuất thân gia giáo, con nhà dòng tướng. Ở quê vẫn hay giúp đỡ người nghèo khó, đánh tan bọn giặc cỏ. Quả là xứng với bốn chữ Anh Hùng Hào Kiệt.” Nhưng Phục lại chợt nghĩ con Dạ Chiếu tuyệt thực chờ chết thì quả là đáng tiếc, mình còn chưa xứng làm bậc anh hùng để cưỡi nó.
Yết Kiêu hỏi:
- Vậy đệ có cách nào khiến con ngựa ấy ăn uống trở lại chăng?
Sanh cười khổ nói:
- Đệ cũng chỉ mới sực nhớ ra cái sự kiện Xích Thố mã ấy thôi. Nãy đệ trộm ngựa, muốn cưỡi nó chạy đi mà nó còn lồng lộn lên không cho. Thử hỏi còn cách chi khác? Nếu…
Võ Sanh định nói: “Nếu muốn con Dạ Chiếu ăn uống trở lại, trừ khi có người xứng đáng khiến nó phục tùng.” Nhưng chợt nghĩ lại, nếu nói thẳng ra như thế chẳng phải mắng xéo Nguyễn Phục không xứng là anh hùng hào kiệt? Nên lời vừa ra khỏi miệng đã ngừng bặt.
Bất quá, Phục cũng không để ý lời ấy, trầm ngâm hồi lâu mới nói:
- Sanh đệ nói có lý, bảo mã xứng anh hùng. Nếu quả thật gặp người như vậy, ta sẵn sàng tặng lại bảo mã cho xứng đôi vừa lứa.
Ba người trò chuyện vui vẻ, tới tận tờ mờ sáng mới tan cuộc.
Sáng hôm sau, Yết Kiêu rủ Võ Sanh cùng đi đến kinh thành Thăng Long yết kiến Hưng Đạo đại vương. Người giang hồ ai ai cũng khâm phục Hưng Đạo đại vương có công chống giặc Nguyên, Võ Sanh cũng không ngoại lệ. Nghe lời mời thì mừng lắm, đồng ý luôn.
Thế là cả ba sắm sửa đồ ăn thức uống, hướng Thăng Long mà đi. Dọc đường vừa du ngoạn ngắm cảnh, nên phải mất tới năm ngày mới đến được Thăng Long.