(Lưu Ý: Các nhân vật, tình tiết trong truyện là hư cấu, giả tưởng, không có thật trong lịch sử.)
---
Hai người kết bạn rồi sóng vai cùng đi, đến tối muộn hôm đấy mới tới sát Trường Yên. Yết Kiêu kéo Nguyễn Phục vào một quán trọ ở tạm. Rồi sai điếm tiểu nhị sắm hai con ngựa tốt để sáng mai lên đường trở về Thăng Long.
Nguyễn Phục vội kéo lại, nói:
- Huynh chỉ cần mua một con là đủ. Ngựa của tiểu đệ gắn bó đã lâu, không nỡ bỏ nó.
Yết Kiêu nghe thế lấy làm kỳ, nói:
- Con ngựa kia huynh thấy nó gầy lắm. Chúng mình cách Thăng Long chừng độ mấy trăm dặm đường. Sợ cước lực nó chịu không nổi.
Phục cười đáp:
- Huynh chớ nhìn nó gầy mà kinh thị. Huynh đã từng nghe tới Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử hay chưa?
Yết Kiêu nói:
- Ồ! Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử là giống ngựa quý lắm, thời tam quốc có vị anh hùng Triệu Vân, cưỡi nó mà tung hoành sa trường. Chẳng lẽ ngựa của đệ cũng là giống ấy?
Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử là giống ngựa quý hiếm, toàn thân lông trắng như tuyết, tương truyền một ngày có thể đi hàng nghìn dặm. Ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có một hàng lông dày, trông giống như bờm sư tử, tính khí nóng nảy cực kỳ. Yết Kiêu vốn là võ tướng theo Hưng Đạo Vương từ lâu, ngựa quý hiếm gặp nhiều rồi? Chỉ riêng Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử là chưa thấy bao giờ. Nay nghe người huynh đệ mình mới quen có con ngựa quý thì khó mà tin được.
Nguyễn Phục cười nói:
- Có vẻ huynh không tin. Cái giống ngựa này ngoài cái tính nóng nảy, vào buổi tối toàn thân phát ra ánh sáng như trăng bạc. Nên mới gọi là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. Huynh cứ ngó ra cửa sổ là thấy.
Yết Kiêu bán tín bán nghi, theo lời bước lại mở cửa sổ ra ngó xuống chuồng ngựa. Quả nhiên thấy bên trong có con ngựa gầy, nhưng bờm rậm, lông trắng tợ tuyết, phát ra ánh sáng lập lòe như bạc. Y không khỏi giật mình, cảm thán:
- Huynh chỉ nghe người ta đồn đãi sự thần kỳ của Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử, hôm nay tận mắt chứng kiến. Quả là giống ngựa kỳ lạ. Nhưng sao nó lại gầy như thế?
Nguyễn Phục đau buồn, nói:
- Đó là ngựa của phụ thân đệ. Sau khi người mất, nó bỏ bữa không chịu ăn uống. Cho dù đệ chăm sóc tận tình cỡ nào cũng vậy. Nếu không phải đệ từ nhỏ đã quen thân thì chưa chắc nó đã cho đệ cưỡi.
Yết Kiêu nói:
- Quả là con ngựa có lòng trung nghĩa. Hỡi ôi, vậy mà trên đời này có người còn chưa bằng con ngựa! Thật đáng tiếc thay.
Nguyễn Phục biết y đang nói tới người giao thủ lúc chiều. Trong bụng chàng tự nhủ: “Nam tử họ Đoàn kia ám sát Hưng Đạo đại Vương bất thành, tưởng chừng như có kẻ đứng sau bức bách. Chứ phong cách chiến đấu của y quang minh lỗi lạc, đâu lại đi làm chuyện bất nghĩa như thế được?” Tuy nhiên đây là chuyện khó mà mở miệng khuyên can, Phục cũng chỉ tự nhủ lòng thế mà thôi.
Hai người trò chuyện thêm một lúc nữa, đợi trời trở canh mới lên giường đi ngủ.
Nửa đêm đang say giấc nồng thì bên ngoài đột nhiên có tiếng ngựa hí người kêu. Phục với Yết Kiêu giật mình choàng tỉnh, nghe phía dưới lầu có tiếng hô bắt trộm cướp. Hai người nhìn nhau, còn tưởng là nam tử họ Đoàn lúc chiều quay lại báo thù. Vội hốt hoảng mặc đồ áo, cầm binh khí đi xuống xem cớ sự gì. Mới bước ra khỏi cửa thì có tên điếm tiểu nhị hớt hoảng chạy tới, thất thanh nói:
- Hai vị thiếu hiệp ơi, có tặc nhân xông vào chuồng ngựa trộm đi con ngựa quý của thiếu hiệp. Kẻ đó lợi hại lắm, chúng tôi không cản lại được. Nên vào đây cho hai vị được biết.
Yết Kiêu cả giận, quát:
- Bọn tặc nhân ghê gớm thật, dưới vùng trời này mà dám cả gan làm loạn. Thật không sợ phép vua luật nước nữa sao. Để ta đi coi cho biết mặt!
Nói rồi cầm đao hùng hổ chạy xuống lầu. Phục cũng cầm thương chạy theo sau. Nhưng khi hai người xuống tới nơi thì kẻ trộm ngựa đã chạy mất rồi. Yết Kiêu dậm chân bực tức, nói:
- Chết thật, chết thật, con ngựa quý của đệ bị tặc nhân trộm mất rồi!
Nguyễn Phục không hoảng hốt tý nào, cười nói:
- Tưởng chi ghê gớm lắm. Hoá ra là mấy tên trộm ngựa!
Yết Kiêu mặt giận, nói:
- Đệ còn cười được! Bọn nó cướp con Dạ Chiếu rồi. Con ngựa ấy là di vật của bá phụ, ngàn vàng cầu còn chẳng được. Nay mất rồi thì phải biết làm sao?
Nguyễn Phục thấy Yết Kiêu còn lo hơn cả mình, trong bụng không khỏi nhủ thầm: “Yết Kiêu quả là bậc nghĩa khí, chỉ mới quen nhau chưa bao lâu mà đã lo lắng cho ta như thế.”
Nghĩ vậy, bèn cười đáp:
-Tưởng cướp của đệ đâu có dễ. Huynh coi đây!
Nói rồi chụm môi huýt một hồi sáo thật dài. Nội lực của Phục sung túc, tiếng sáo vang vẳng khắp nơi. Yết Kiêu đứng cạnh cũng phải khâm phục, nói:
- Ta tưởng đệ có tài thương pháp là ghê gớm lắm rồi, không ngờ nội công cũng cao cường như thế!
---
Nói tới con Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử bị một người áo trắng trộm đi mất, nhưng hễ y có ý định cưỡi lên thì con ngựa lại lồng lộn hất vó sau, đạp vó trước. Thành thử cưỡi không được, nhưng y đoái tiếc con ngựa này quý hiếm nên cũng không dám buông dây cương. Một người một ngựa cứ thế mà chạy song song với nhau một quãng dài. May thay khinh công người này cũng thuộc loại ghê gớm, chạy ngang hàng cùng ngựa mà không mệt hay gấp, hơi thở vẫn đều đều. Chạy được độ tầm hai dặm đường thì phía xa xa nghe tiếng huýt sáo dài.
Người áo trắng kia nghe tới thì giật mình hoảng kinh, thầm nhủ: “Người huýt sáo này là ai mà công lực ghê gớm thế?”
Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử nghe thấy tiếng huýt sáo, lập tức quay đầu, theo đường cũ chạy ngược về. Người áo trắng kia hết sức hoảng hốt, vội kêu:
- Mã đần, mã thối ơi! Đừng có quay lại. Mi quay lại thì anh danh một đời ta mất hết.
Y hết sức kéo dây cương cố bắt con ngựa quay đầu, lại sợ dùng lực quá lớn khiến bảo mã bị thương. Thế nhưng tuy con Dạ Chiếu bị kéo nghẹo cả đầu sang một bên, thân hình vẫn cứ thẳng đường chạy tới. Người áo trắng không biết phải làm sao, cưỡi không được, kéo cũng không xong, mà bỏ mặc thì tiếc của, đành chạy theo về cùng.
Chỉ trong thoáng chốc, Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử đã chạy về đến nơi. Phục cùng Yết Kiêu đứng trông, thấy có người chạy song song với bảo mã thì không khỏi giở khóc giở cười. Trên đời này có người cưỡi ngựa, chứ chưa thấy ai chạy cùng ngựa bao giờ.
Yết Kiêu tuốt đao ra khỏi vỏ, sấn lên trước quát lớn:
- Bớ tên trộm ngựa kia, mi chạy đâu cho thoát.
Quát rồi toan lao tới động thủ. Nhưng bị Phục kéo lại nói rằng:
- Huynh cứ từ từ đã, để đệ thử tài tên kia một phen!
Nguyễn Phục biết tài bảo mã nhà mình, ngày đi ngàn dặm không nói chơi. Nó mà phi nước đại thì khó ai mà đuổi kịp. Nhưng người áo trắng kia không những đi song hành, mà xem chừng còn không mệt mỏi tý nào. Khinh công bực đấy trên đời quả là hiếm gặp. Chàng mới bước chân vào giang hồ không lâu, cái tính thích tỷ võ bỗng dưng nổi lên, muốn so tài với đối phương một phen. Tuy lúc chiều có giao thủ với nam tử họ Đoàn kia một chiêu. Nhưng chàng liệu bề địch không lại đối phương nên chỉ ra đòn hù dọa. Chứ chân tài thực học đối chiến thì chưa chắc hơn thua ra sao. Nay có người dám cướp ngựa của chàng, nhìn người này võ công có vẻ không tầm thường, lại vừa hay có lý do tỉ thí.
Nghĩ vậy, Phục giơ thương lên nói lớn:
- Các hạ nhân sĩ phương nào? Sao nửa đêm nửa hôm xông chuồng ngựa, trộm đi bảo mã của tại hạ?
Người áo trắng kia biết chủ nhân bảo mã đứng trước mặt, cũng không dám quá trớn. Thả dây cương ra cho con Dạ Chiếu trở về, cười nói:
- Tại hạ có trộm bao giờ đâu, ngựa của các hạ trở về rồi đấy thôi!
Nguyễn Phục cười thầm, sấn lên đâm một thương rồi nói:
- Đừng nói nhiều làm chi, thử đỡ một thương của tại hạ rồi hẵng giải thích.
Người áo trắng kia không ngờ đối phương nông nổi như thế, y thấy mũi thương hươi hươi nhằm bụng dưới mà đâm vào, bèn đưa tay gạt đi. Nghe “Keng” một tiếng vang dội, đầu thương của Phục bị đánh bật ra.
Nguyễn Phục tay phải tê rần, tưởng chừng như đánh phải tảng đá chứ không phải cánh tay con người. Trong bụng chàng đoán tám, chín phần cổ tay người áo trắng kia có cất giấu binh khí.
Quả nhiên, người áo trắng rút trong tay ra một cây thiết phiến, xòe ra phe phẩy trước mặt. Phục cùng Yết Kiêu có thể mơ hồ nhìn thấy một bề cây phiến đó vẽ “Giang sơn họa đồ”, bề còn lại ghi một chữ “Võ”.
Yết Kiêu dường như nhận biết người này, nhưng do trời tối nên cũng không dám đoán bừa. Tay phải vẫn cầm ở đốc đao, nếu là người quen thì chẳng sao, không may gặp kẻ địch còn biết liệu đường mà ứng đối.
Phục bị mất tiên cơ chiêu đầu tiên, nhưng tâm tình không hề sa sút, lại bước lên đâm lại một thương, trông không khác chi chiêu đầu. Nhưng những kẻ mắt tinh tai thính có thể cảm nhận được chiêu này khác xa vừa rồi. Mũi thương của Nguyễn Phục rung bần bật liên hồi như lạc rang.
Người áo trắng kia giật mình, bất giác lùi lại mấy bước, hô lớn:
- Thương Long Quán Hải, chiêu thức ghê gớm thật!
Hoá ra, hai chiêu thương thuật mà Nguyễn Phục vừa dùng ấy là trong thập bát ban võ nghệ, những chiêu thức cơ bản nhất. Nhưng trong tay chàng biến hoá hai lần lại khác nhau một trời một vực, lần này người áo trắng mà khinh thị nữa thì ắt phải nếm trái đắng.
Binh pháp nói: “Trường Binh dĩ đoản.” Giang hồ lại có câu: “Dài một tấc, mạnh một tấc.” Nhưng mấy ai biết được rằng, ngoài hai câu đó ra, còn một câu khác là: “Ngắn một tấc, hiểm một tấc.” Thiết phiến tuy là đoản binh, khi giao đấu không mạnh mẽ bằng các món binh khí như đại đao, hay trường thương. Nhưng nó lợi thế ở ngắn, khi ra chiêu hiểm độc cực kỳ, người ta khó lòng phòng bị.
Thường thường cao thủ sử Thiết Phiến là chuyên gia trong món điểm huyệt, người áo trắng kia cũng không ngoại lệ. Y lùi mấy bước né được phong mang, nhưng mũi thương của Phục vẫn theo sát không rời. Đoán chừng lùi cũng không thoát được, người kia thiết phiến trong tay điểm ra trúng đầu mũi thương. Chính là chiêu “Kim Tinh Trấn Hải.” Trong Mai Hoa Bát Phiến.
Nguyễn Phục thấy đối phương thân pháp nhanh nhẹn lạ kỳ, mũi thương của chàng đang rung rinh bị y điểm trúng thì dừng bặt. Phục âm thâm kinh hãi, vội biến chiêu, trường thương quét ngang qua thành chiêu “Thanh Long Xuất Thuỷ.” Người áo trắng nọ lại dùng chiêu “Phá Thủ Trầm Chu.” mà phá đi.
Hai người kẻ công, người thủ, chỉ dùng những thế võ cơ bản. Nhưng bất kỳ ai đứng ngoài xem cũng phải hít sâu hơi lạnh, chỉ thấy hàn quang trong đêm lóe sáng, binh khí chạm nhau nghe chan chát, rít cả màng nhĩ.