(Lưu Ý: Các nhân vật, tình tiết trong truyện là hư cấu, giả tưởng, không có thật trong lịch sử.)
---
“Cồ Việt thiên thai, chủ hữu anh hùng thần tráng liệt.
Đại Hoàng địa tú, gia vi khởi tổ quốc nguyên huân”
Những câu đối trên được tìm thấy ở đền thờ, thôn Vĩnh Ninh, làng Đại Hữu, nơi phát tích của dòng họ Nguyễn đại tông. Ca ngợi về vị anh hùng Nguyễn Bặc, từng phò Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn mười hai sứ quân. Thống nhất một cõi, lập ra nước Đại Cồ Việt.
Ở trong điện thờ còn có thể tìm thấy bộ câu đối chứng minh cho điều ấy:
“Hoa Lư kết nghĩa anh hùng chúa.
Đại Hữu ân khâm tướng quốc công”
Hoặc như:
“Chính thống phù Đinh khai đế Việt,
Uy danh bình sứ lẫm Nam thiên.”
Sử thần xưa có ghi chép rằng, Nguyễn Bặc xuất thân hào môn, có công lớn trong cuộc dẹp loạn mười hai sứ quân, được Đinh Tiên Hoàng ban chức “Định Quốc Công” và giao cho quyền chỉ huy “Nội thông vạn cơ”.
Mọi việc đang tốt đẹp thì đến rằm tiết thu, năm Kỷ Mão (979), sau một bữa tiệc, cha con Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn bị đầu độc và bị giết chết ở cung đình. Sự kiện bi thảm oan khốc này kéo dài ngàn năm lịch sử mà đến nay vẫn chưa được phán xét công bằng.
Sau Lê Hoàn giành được thế nhiếp chính đã cùng thuộc hạ mưu sự chiếm ngôi. Nếu không có công chống Tống vào năm Tân Tỵ (981) thì Lê Hoàn đã phạm tội bất trung và lịch sử vẫn giữ nguyên nghi án.
Nguyễn Bặc cùng Lưu Cơ chiêu binh mãi mã chống lại Lê Hoàn nhưng không đặng. Bị Hoàn bắt được đem ra hành quyết. Con cháu ông bỏ làng chạy lên Kinh Bắc và vào Tống Sơn. Nguyễn Bặc có hai con trai là Nguyễn Đê và Nguyễn Đạt. Sau này Nguyễn Đê đã giúp Lý Công Uẩn lật đổ Lê Ngọa Triều, lên ngôi vua, thay nhà Tiền Lê đã mục nát. Dòng Nguyễn Đê, con cả Nguyễn Bặc, về sau cũng rất phát đạt. Nguyễn Trãi thuộc đời thứ mười. Nguyễn Hoàng, Chúa Nguyễn đầu tiên mở mang và gây nên nghiệp lớn nhà Nguyễn sau này thuộc đời thứ mười lăm của Nguyễn Bặc.
Người đời sau thán rằng:
“Cắt tóc há mê thiền, mắt giận Lê gia nhòa ánh nhật.
Đánh Hoàn không phải vị kỷ, lòng đau Đinh nghiệp ngút trời sương.”
Nhà Lê tồn tại được hai chín năm thì tới nhà Lý. Nhà Lý trị vì được hai trăm mười hai năm lại tới nhà Trần.
Trải qua năm tháng ròng rã, dòng họ Nguyễn di xứ khắp quận Cửu Chân, Nhật Nam... Đền thờ Nguyễn Bặc vì thế cũng được xây dựng ở nhiều nơi. Ở Hàm Hoan thuộc Cửu Chân cũng có đền thờ của ông. Nhánh này được truyền từ chi Nguyễn Đạt, đến thời Vua Trần Nhân Tông thì gia đạo suy sút. Lúc bấy giờ chủ nhà họ Nguyễn là Nguyễn Đức Hùng.
Nguyễn Bặc vốn là dòng dõi nhà tướng, làm quan võ thời Đinh, nổi tiếng với mười tám đường thương pháp, uy chấn khắp cõi Nam. Người đời gọi là "Hoành Quán Bát Phương" thương pháp. Đến đời con cháu vẫn được giữ gìn và lưu truyền. Sau này tới thời Tây Sơn thì chỉ còn lại bảy thức, gọi là U Linh Thương Pháp.
Nguyễn Đức Hùng được tổ phụ truyền cho thập bát thương pháp, cũng coi như truyền thừa chính tông.
Đức Hùng lấy vợ, sinh được một người con, đặt tên là Nguyễn Phục. Ý tứ muốn phục hồi lại uy danh của bậc tiên hiền.
Nguyễn Phục từ nhỏ được chăm sóc rất gắt gao, tuy gia đạo sa sút nhưng cũng học được lễ nghĩa đàng hoàng. Đến khi mười tuổi thì được truyền lại võ nghệ. Phục đam mê học võ, chưa tới năm năm thì tinh thông hết mười tám đường Hoành Quán Bát Phương thương. Cũng coi như là cao thủ hiếm gặp trên giang hồ.
Năm chàng mười tám tuổi thì mẫu thân bệnh nặng mà thác, Đức Hùng cũng vì thế mà u sầu. Bệnh nặng một trận, hai năm sau cũng không khỏi đặng. Một hôm Đức Hùng gọi con vào mà thác lời rằng:
- Con ơi, cha bệnh nặng khó lòng qua khỏi. Chỉ tội con phải côi cút một mình. Nay ta gọi con tới là có điều muốn phó thác.
Nguyễn Phục nước mắt rưng rưng, nói:
- Cha có điều gì cứ nói cho con nghe.
Đức Hùng nhìn về phía bàn thờ, nơi treo bài vị của các đời họ Nguyễn mà than rằng:
- Thuỷ tổ Nguyễn Bặc chúng ta là tướng quốc dưới triều nhà Đinh. Được phong tới chức Quốc Công, dòng họ ta vốn là bậc trâm anh thế phiệt. Nào ngờ hoạn quan Đỗ Thích mưu sát nhà vua, khiến triều đại nhà Đinh rơi vào tay Lê Hoàn. Thuỷ Tổ ta giận hắn là kẻ phản chúa nên cất binh thảo phạt. Dẫn đến kết cục bi thảm, bị hành hình giữa chốn chợ búa. May thay hai con của ngài là Nguyễn Đê và Nguyễn Đạt chạy trốn kịp thời, nên mới lưu lại dòng máu họ Nguyễn.
Nghỉ lấy hơi một lúc, ông lại nói tiếp:
- Bởi vậy nên họ Nguyễn với họ Lê thù sâu như biển. Tuy tới thời của cha gia đạo sa sút, võ nghệ thụt lùi không thể kiếm hậu nhân Lê gia báo cừu được. Nay ta sắp thác mệnh về trời, nên giao việc này cho con để con được biết. Chớ quên mối cừu hận của Thuỷ Tổ!
Mấy lời cuối Đức Hùng như gào lên, nói xong thì hết hơi tắt thở. Nguyễn Phục đau lòng khôn xiết, ôm thây cha mà khóc mãi không thôi.
Mất hồi lâu, Phục mãi mới kìm được nỗi đau lòng, theo phong tục tam lễ (Lễ Mộc Dục, Lễ Ngậm Hàm, Lễ Khâm Liệm) mà để tang cha đàng hoàng. Nhà chàng gia cảnh cũng không khá giả, làm xong tang lễ cho cha thì đồ trong nhà cũng vừa bán sạch, chỉ còn một cây Tố Anh Thương mà chàng hay dùng tập võ, cùng một con ngựa già gầy nhom.
Nguyễn Phục ngồi trước sân nhìn ngôi nhà trống trơn, bụng chán lắm, thầm nghĩ:
- Lời phó thác của phụ thân thật khó mà làm được. Nay đang thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông, cách thời Đinh Tiên Hoàng những hai trăm năm. Bấy lâu đó đủ cho một gia tộc di xứ khắp nơi, làm sao tìm được hậu nhân Lê Hoàn mà báo thù?
Càng nghĩ càng đau đầu, bình thời đầu óc chàng tuy không linh hoạt nhưng gặp chuyện nghi nan thì quyết đoán cực kỳ nhanh nhẹn. Nếu như việc không rõ ràng thì gác qua một bên chứ không thèm nghĩ tới nữa cho mệt đầu. Thế nhưng đây là lời thác của phụ thân trước khi lâm chung, chàng là phận con không nỡ làm trái.
Trong lòng vừa buồn bực vừa rối rắm, Nguyễn Phục nghĩ bụng:
- Đồ đạc cha mẹ để lại cũng đã bán sạch, ta mà ở quê nhà thì cũng chỉ có đi làm thuê làm mướn tính kế mưu sinh. Cứ thế năm năm, mười năm cũng chỉ là một kẻ sai vặt, không danh không tiếng, tiền kiếm được chưa chắc sống nổi qua ngày, chớ nhắc chi đến chuyện thù oán?
Chàng bất chợt nhớ về mấy bữa trước có toán quân tới làng dán thông cáo trưng binh. Nghe đồn là đế quốc phương bắc muốn xâm lược Đại Việt. Vua Trần lệnh cho Hưng Đạo Đại Vương cầm quân chống cự. Trong lòng nổi lên hào khí, Phục tự nhủ:
- Bấy giờ đất Việt bị ngoại xâm nhòm ngó. Ta học võ từ nhỏ, coi chuyện bất bình mà rút đao tương trợ là cái lẽ tất nhiên. Nay đất nước nguy nan chẳng lẽ mặc kệ ngồi nhìn? Hay là ta cứ báo danh nhập ngũ, vừa kiếm được tiền mưu sinh, lại có danh tiếng bàng thân. Lúc đấy rồi hẵng tìm kẻ hậu nhân của Lê Hoàn mà báo cừu, thì may ra thành công cho đặng. Chứ ở mãi một xó xỉnh thế này, cho dù võ công cao đến mấy cũng chả làm nên tích sự gì.
Nghĩ vậy, Phục tới mộ cha mẹ vái lạy. Xong vác thương, cỡi ngựa bỏ nhà mà đi. Nhà chàng vốn chẳng có gì, nên lòng cũng không hối tiếc.
Nói tới nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông là đời vua thứ ba của nước Đại Việt. Thân phụ là Trần Thánh Tông, thân mẫu là Nguyên Hoàng Thánh Hậu. Khi ông lên ngôi, lúc đấy mới chỉ có hai mươi tuổi.
Gặp dịp vua tôi còn non trẻ, đế quốc Mông Nguyên ở bên Trung Quốc có mưu đồ đánh chiếm. Đại hãn là Mông Kha lệnh cho tướng Ngột Lương Hợp Thai dẫn binh mượn đường muốn đánh Nam Tống. Miệng tuy nói là mượn đường, nhưng thực chất âm mưu muốn chiếm lấy Đại Việt.
Ngột Lương Hợp Thai đóng binh ở phía bắc Đại Việt, lệnh cho hai sứ giả tới dụ hàng. Vua Trần không chịu, nhốt hai tên sứ giả vào ngục, trói bằng dây tre.
Theo lời đồn: Ngột Lương Hợp Thai không thấy tin tức hai viên sứ giả này, bèn sai tướng là Triệt Triệt Đô cùng đem ba ngàn quân, chia đường tiến binh tấn công Đại Việt.
Vua Trần xuống chiếu ra lệnh đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Trần Hưng Đạo và truyền cả nước sắm sửa vũ khí. Chiến tranh Đại Việt với quân Mông Nguyên từ đó mà xảy ra.
Nhắc đến Trần Hưng Đạo người này, tên thật là Trần Quốc Tuấn. Tước hiệu Hưng Đạo đại vương, tôn thất hoàng gia Đại Việt. Là nhà mưu lược xuất chúng, có tài cầm binh khiển tướng. Ngột Lương Hợp Thai sợ ông cản trở kế hoạch đánh chiếm của mình, nên cử người ám sát mấy lần nhưng đều bất thành. Sát thủ được phái tới đều bị cao thủ Thiên Môn Đạo bí mật ngăn cản.
Lúc bấy giờ, giang hồ Đại Việt tuy không rộng lớn và phong phú như Võ Lâm Trung Nguyên. Nhưng cũng coi như là nơi có truyền thống võ học lâu đời. Từ vùng Định Nguyên, Thiên Hưng (Hiện nay là nơi sát biên giới Trung Quốc) tới sát vùng Thuận Hóa, cao thủ giang hồ nhiều không đếm xuể. Lớn nhỏ hết thảy có năm môn, sáu phái, gọi chung là Võ Lâm Nam Việt.
Trong đó có những môn phái nổi tiếng, phải kể đến như Thiếu Lâm Nam Sơn, được một vị thiền sư tu sĩ dòng Phật giáo truyền đạo. Tổ sư của môn phái là Bồ Đề Đạt Ma. Truyền nhân đời thứ nhất cố đại lão võ sư Trương Cảnh, là người đã có công thay đổi, chấn chỉnh đem lại tinh hoa cho môn phái. Những tinh túy của võ học được truyền từ đời này sang đời khác. Hiện nay, đứng đầu môn phái là Lão võ sư Trần Đình Trúc
Tiếp theo là Thiên Môn Đạo, môn phái nổi tiếng với các môn võ Nhị Côn Đả Tam Diện, Tỏa Diện côn pháp cùng Bảo Mệnh Đao Pháp. Thiên Môn Đạo xuất phát từ thời nhà Đinh, do một tay Nguyễn Khắc Cống sáng lập. Tới thời nhà Trần thì chưởng môn là ông Nguyễn Khắc Nhượng. Môn phái này ảnh hưởng rất lớn từ quân đội thời nhà Đinh. Tương truyền là nơi mà Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh luyện quân. Sau này thời thế thay đổi, các triều Lê, Lý, Trần liên tiếp nổi lên, môn phái này chuyên cử người tới phò tá các bậc minh quân.
Hay tỷ như Nhất Nam Đường, một phái võ truyền từ vùng Châu Hoan, có các bí kíp võ thuật lưu truyền rộng trong giang hồ.