(Lưu Ý: Các nhân vật, tình tiết trong truyện là hư cấu, giả tưởng, không có thật trong lịch sử.)
---
Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
---
Bầu trời lúc hoàng hôn, từng tia nắng cuối ngày đang chìm dần dưới ngọn núi.
Ở trên gò đất cao, có hai người đứng đối diện với nhau. Ánh chiều tà le lói chiếu rọi vào thanh đao của một gã thanh niên. Ánh sáng vàng lấp loé, thanh đao kia đã nhằm vào đầu vai trái nam tử trung niên chém tới thật lẹ.
Nam tử trung niên giơ kiếm gạt phăng ra, nghe “Keng!” một tiếng, hai món binh khí chạm nhau tiếng ngân u u không dứt. Nam tử trung niên múa kiếm, đâm liên tiếp ba phát vào ngực, bụng và đùi của đối phương. Thanh niên kia lùi lại một bước, đao bên tay phải vung lên thành một vòng trước mặt ngăn cản thế chiêu phóng tới.
Nào ngờ nam tử kia đâm ba kiếm thì có hai kiếm ở ngực và bụng là hư chiêu. Kiếm quyết chưa sử xong thì rút về, thực chiêu nhắm đùi trái thanh niên mà đâm tới.
Hai người võ công nhanh nhẹn, ra hết sức đấu với đối phương.
Chỉ thấy ngay lúc ấy, thanh niên kia trợn trừng mắt, đao bên tay phải đi quá đà dự không rút về phòng thủ kịp thời. Y nhanh trí bỏ luôn thanh đao đang cầm trong tay, sấn người lên trước một bước. Nghe vù một tiếng, tay phải hoá quyền làm chưởng nhắm mặt trung niên nam tử nọ đánh tới.
Đấu pháp “Vây Ngụy Cứu Triệu” trong võ công không phải hiếm gặp. Nếu như nam tử kia cứ tiếp tục đâm kiếm tới, cùng lắm chỉ làm thương được đối phương. Nhưng nếu để đối phương đánh một chưởng trúng mặt, thì y chín phần mười nắm chắc cái chết. Trong tình huống nguy cấp như thế mà thanh niên kia phản ứng lanh lẹ dị thường, sẵn sàng bỏ cả binh khí. Quả nhiên là một tay giang hồ hảo thủ.
Nam tử trung niên bình tĩnh ứng đối, lập tức thu kiếm về, tay trái giơ chưởng lên nghinh tiếp chưởng đối phương. Nào ngờ đối phương sử chưởng này cũng là hư chiêu, khi nam tử nọ thu kiếm về rồi. Gã thanh niên cũng không đánh thêm nữa, thâu hồi chưởng pháp chộp lấy thanh đao sắp rơi xuống đất kia. Hai người quát một tiếng: “Thu!” Rồi đồng thời nhảy tách nhau ra.
Nói thì lâu chứ mọi việc diễn ra chỉ trong chớp mắt. Hai người chiêu đối chiêu, hư đối hư, chỉ một thoáng mà chàng thanh niên cùng trung niên nam tử đã trao đổi được mấy chục chiêu. Ánh chiều tà vàng ươm chiếu rọi vào hai món binh khí khiến khung cảnh xung quanh thật quỷ dị.
Thanh niên kia tuy thắng hiểm một chiêu, nhưng xét cho cùng thì võ công cũng không bì lại được đối phương. Phép Vây Ngụy Cứu Triệu kia chỉ sử được một lần, nếu lặp lại đối phương ắt có biện pháp ứng đối. Bất quá, thanh niên kia cũng là kẻ gan lớn, tuy võ công không thắng được nhưng tâm trí lại chẳng sợ hãi gì cả. Y đứng thẳng người, hoành đao trước mặt, quát rằng:
- Các hạ võ công lợi hại lắm, trên giang hồ tôi chưa thấy một ai sử kiếm được bằng. Võ công cao như thế trên giang hồ đều là bậc anh kiệt, danh tiếng lẫy lừng. Hà cớ gì mà lại làm chuyện lỗi đạo, phò trợ kẻ ác như thế? Chẳng lẽ không sợ anh hùng thiên hạ chê cười!
Nam tử kia không trả lời, chỉ thở dài, rồi nói:
- Các hạ phải chăng là Yết Kiêu, gia tướng của Hưng Đạo đại vương đấy ư? Tại hạ nghe danh đã lâu, nay gặp mặt mới mở rộng tầm mắt. Quả nhiên là thiếu niên anh hùng.
Yết Kiêu hừ lạnh, nói:
- Chớ nói lời ba hoa. Lộ võ công của các hạ ta đã rõ mồn một từ lâu, kiếm pháp Đoàn gia Đại Lý có gì đâu mà lạ. Các hạ là người Đại Lý, đại vương của bọn ta với Đoàn gia không thù không oán. Tại sao lại muốn mưu đồ ám sát?
Nam tử họ Đoàn mặt tái đi, bậm môi nói:
- Người trong giang hồ thân bất do kỷ. Tại hạ… tôi…
Nam tử nói đến đó thì không thốt được lời nào nữa.
Yết Kiêu nói:
- Đã là nam tử đại trượng phu có chuyện cần phải nói thì cứ nói, việc gì phải úp úp mở mở. Nhân sĩ võ lâm hào kiệt thì cái chết cũng chẳng sợ? Có chi mà không dám nói?
Nam tử kia cầm chặt thanh kiếm trong tay, mũi kiếm nghiêng nghiêng, lạnh giọng nói:
- Tại hạ trong thâm tâm không hề muốn làm chuyện ác, nhưng khổ nỗi bị người bức bách không thể không làm theo. Ôi thôi, sự đã trót rồi thì hối làm sao được. Các hạ đã đuổi theo tôi bốn ngày liền, tôi không ra chiêu sát thủ ấy không phải là sợ gì đâu. Chỉ vì thấy thiếu niên anh hùng mà táng mạng chỗ này thì thật là đáng tiếc. Nếu các hạ không chịu lui trở về thì chớ trách mũi kiếm này vô tình.
Yết Kiêu giận lắm, quát:
- Cuồng đồ lớn mật, đã làm chuyện ác còn bày biện từ bi làm chi. Coi ta lấy mạng mi đây.
Nói rồi múa đao lướt tới.
Nam tử kia vung kiếm đón đỡ. Hai người lại lao vào vòng quần chiến. Đao chiêu, kiếm quyết tung hoành khắp nơi, tia lửa bắn tung toé.
Yết Kiêu vốn là gia tướng dưới trướng Hưng Đạo đại vương. Tên thật là Phạm Hữu Thế, người làng Hạ Bì, tổng Phương Duy. Trước trên giang hồ danh tiếng lẫy lừng lắm, không những có tài bơi lội giỏi, võ công cũng không tầm thường. Người ta vẫn hay gọi với cái tên Giao Long Quái Kiệt. Sau gia nhập quân ngũ, được Trần Hưng Đạo coi trọng. Trở thành Ngũ Hổ tướng dưới quyền của ông. Cùng Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô, Cao Mang, Đại Hành, gọi chung là Tam Anh Song Kiệt. Cũng có thể coi như người có danh tiếng trong Võ Lâm Nam Việt.
Còn nam tử trung niên đối diện kia là người nước Đại Lý. Họ Đoàn, tên là Đoàn Cao Huy.
Mấy ngày trước, Đoàn Cao Huy trà trộn vào hoàng đình muốn ám sát Hưng Đạo Vương, nhưng sự sắp thành lại bị cao thủ Thiên Môn Đạo ngăn cản. Phải liều mình mãi mới chạy thoát khỏi kinh thành Thăng Long, nào ngờ bị Yết Kiêu ghi thù truy tới tận Thanh Đô. Hai người giao chiến được mấy trận, Cao Huy thấy Yết Kiêu trẻ tuổi không nỡ lòng hạ sát thủ, mấy bận sắp giết được đều tha cho. Mãi tới hôm nay thì nhịn không được nên quyết chiến thêm một trận nữa.
Đoàn Cao Huy là con cháu hoàng gia chính thống của nước Đại Lý, từ nhỏ được giáo dục gắt gao nên cực kỳ am hiểu kiếm pháp cùng môn võ gia truyền “Nhất Dương Chỉ”. Võ công đâu chỉ hơn Yết Kiêu một bậc? Muốn giết được thì dễ lắm. Nhưng ông biết mình làm chuyện lỗi đạo, thẹn với lương tâm nên chiêu nào chiêu nấy đều lưu lại sức lực. Cốt cho Yết Kiêu thấy khó mà lui.
Yết Kiêu trong cơn giận dữ nào để ý được nhiều như thế. Đao pháp như sóng biển, cuồng dã mà dồn dập. Đoàn Cao Huy đỡ mãi cũng thấy tức, vung kiếm phản công. Chỉ thoáng chốc, hai người lại giao thủ với nhau được bảy chục chiêu. Đột nhiên, Cao Huy hít sâu một hơi, ngón trỏ bên tay trái điểm ra thật nhanh. Đó là phép “Nhất Dương Chỉ”. Song nội lực của ông không cao, mấy ngày liền chạy trốn đã hao tổn tinh thần lẫn thể xác. Chỉ lực phóng ra không vượt quá năm trượng.
Nhưng môn “Nhất Dương Chỉ” này là tuyệt học hiếm gặp trên đời, dù cho nội lực ông hao tổn không phải ai cũng đỡ được. Hơn nữa, Đoàn Cao Huy đột nhiên sử ra chính là Xuất Kỳ Bất Ý, Công Kỳ Vô Bị. Nào ngờ chỉ lực của Đoàn Cao Huy chỉ cách Yết Kiêu chưa đầy ba tấc, thì đột nhiên y chùng người xuống né đi.
Nghe “Bụp” một tiếng, chỉ lực điểm trúng cái cây phía sau khiến thân cây thủng một lỗ to tướng.
Đoàn Cao Huy ra đòn này đinh ninh giết được đối phương, dè đâu Yết Kiêu lại né được. Chỉ pháp điểm trượt ra ngoài, ông giật mình kinh hãi vô cùng. Lúc định thần nhìn lại mới thấy, hoá ra có người túm vai Yết Kiêu đè xuống khiến y thoát khỏi chiêu đấy.
Chỉ thấy người kia cũng là một thanh niên, tuổi chừng đôi mươi, mày rậm mắt sáng, tóc để xõa dài tới tận lưng. Tướng mạo có vẻ nghiêm nghị, pha lẫn chút phong trần. Y mặc trên người bộ quần áo màu tro cũ kỹ, sau lưng đeo một thanh trường thương.
Hai cao thủ đang tỷ đấu với nhau, đao kiếm tung hoành mà kẻ này ra vào như chốn không người. Lại giữa lúc tính mạng Yết Kiêu như chỉ mành treo chuông, ngang nhiên túm lấy vai y rồi đè xuống. Võ công quả là ghê gớm, thật khó mà tưởng tượng. Đoàn Cao Huy võ công trác tuyệt, tự nghĩ mình cũng không thể làm được như thế.
Ông tâm linh mẫn tiệp, đối phương đã ra tay cứu Yết Kiêu ắt cũng là đồng bạn. Một mình Yết Kiêu đã khó đối phó, nếu để hai người đồng loạt ra tay thì ông không phải đối thủ. Nghĩ thế, Đoàn Cao Huy giơ kiếm trong tay, múa tít lên như gió táp mưa sa. Phép “Nhất Dương Chỉ” kết hợp với Đoàn Gia kiếm pháp liên tiếp điểm ra, toàn nhằm vào các huyệt trọng yếu trên người đối phương.
Tên thanh niên kia xách Yết Kiêu lùi về, tay còn lại túm lấy trường thương ở sau lưng. Mũi thương vút lên một tiếng xẹt qua như ánh sao, chém xiết lên. Đấy là chiêu “Vân Long Giơ Vuốt” trong thập bát ban võ nghệ. Chiêu thức tưởng chừng như đơn giản ấy, trong tay gã thanh niên kia, vận dụng lại thật kỳ diệu tuyệt luân.
Nghe đánh “Rắc!” Một tiếng, kiếm của Đoàn Cao Huy bị gãy làm đôi. Ông ngấm ngầm kinh hãi, võ công của đối phương cao cường hơn dự tính. Chỉ một chiêu mà đã phân thắng bại rạch ròi.
Hoảng sợ không biết phải đánh làm sao, Cao Huy hú lên một tiếng quái dị, vứt thanh kiếm gãy trong tay quay đầu chạy tuốt.
Gã thanh niên kia cũng không muốn truy, thu lại binh khí, tay kia buông Yết Kiêu ra.
Yết Kiêu bị phép “Nhất Dương Chỉ” dọa sợ, bấy giờ mới hoàn hồn, vội lạy tạ ơn, rồi nói:
- Nhờ huynh đài ra tay cứu giúp mà tôi mới giữ được tánh mạng. Không biết tôn danh huynh là gì, ở nơi chốn nào. Tôi còn biết mà ra sức đền ơn.
Thanh niên kia nói:
- Tại hạ họ Nguyễn, tên một chữ Phục. Người đất Hàm Hoan. Lúc nãy đi ngang qua đây nghe tiếng binh khí giao nhau, nên tới xem thử. Cuộc đối thoại vừa rồi của các hạ cùng người kia tôi đứng ngoài nên nghe rõ mồn một. Vì không muốn một vị anh hùng đất Việt ta uổng mạng nên mới giúp đỡ, chứ nói gì ơn nghĩa đâu?
Yết Kiêu chắt lưỡi tiếc thầm, lầm bầm nói:
- Tiếc thật, lại để tên kia chạy mất. Nếu không phải tôi lâu ngày không động tới binh đao thì đâu thua nó keo này. Quả nhiên hưởng thụ sung sướng làm người ta mất hết ý chí tiến thủ.
Nguyễn Phục cười nói:
- Huynh chớ sầu làm chi, tôi thấy người kia võ công quả là ghê gớm. Kiếm pháp điêu luyện, ắt phải là dòng dõi con nhà võ. Cái môn cách không điểm huyệt kia tôi tự nhận không chống lại được. Tôi đánh gãy kiếm của y chẳng qua để hù dọa mà thôi. Chứ hai chúng mình liên thủ, hoạ chăng đánh ngang cơ. Chứ muốn lưu y lại thì khó lắm.
Yết Kiêu nghe lời thẳng thừng như thế, mặt cũng hơi đỏ lên, gật gù, rồi nói:
- Gã kia ấy là dòng dõi họ Đoàn nước Đại Lý. Từ xưa tới nay nổi danh với hai môn Đoàn Gia kiếm pháp, cùng “Nhất Dương Chỉ!”. Hôm nay tận mắt chứng kiến quả là danh bất hư truyền.
Nguyễn Phục tuy học võ từ nhỏ, nhưng chưa nếm trải giang hồ bao giờ. Nghe tới hai môn võ công ấy thì lấy làm hiếu kỳ. Trong đầu thử suy diễn xem, nếu mình thay vào vị trí của Yết Kiêu thì nên công, thủ như thế nào? Chàng học thương pháp đã hơn chục năm, được dạy rằng “Trường Binh dĩ đoản”.(Các món binh khí như thương, kích khắc chế hầu hết đoản binh, kiếm, đao, quyền cước.) Nhưng hôm nay nhìn lại, thấy chỉ lực người kia có thể cách không điểm ra. Ấy là bù vào cái sở đoản của quyền cước thông thường. Bụng Nguyễn Phục tự nhủ: “Quả nhiên thiên hữu cao nhân, cao nhân trị. Nếu ta cứ khư khư giữ lối suy nghĩ cũ, sau này gặp phải cao thủ chân chính thì tánh mạng nguy ngập trong sớm chiều!”
Yết Kiêu thấy Nguyễn Phục trầm tư, giật ống tay áo rồi nói:
- Huynh đài võ công trác tuyệt, giang hồ còn chưa nghe danh. Ắt là mới bôn tẩu giang hồ không lâu. Tôi là gia tướng dưới trướng Hưng Đạo đại vương. Lần này về kinh tôi sẽ báo chuyện này lên trên, giúp huynh lĩnh thưởng trọng hậu.
Phục khoát tay, cười nói:
- Huynh chớ cầu kỳ như vậy làm chi. Tôi bỏ nhà ra đi, bây giờ một thân một mình phiêu bạt khắp chốn. Dù có trọng thưởng cũng đâu biết để chỗ nào?
Yết Kiêu giật mình, hỏi rõ nguyên do. Nguyễn Phục kể lại chuyện cha mẹ đã mất, gia đạo sa sút nên bán hết đồ đạc làm tang lễ. Bất quá, chuyện thù oán nhà Nguyễn, Lê thì giấu đi không kể.
Yết Kiêu nghe xong càng cảm phục, nói:
- Huynh quả là người có tấm lòng hiếu thảo. Hưng Đạo Vương rất trọng những bậc anh kiệt như thế. Nếu huynh không có chốn nương thân, cứ theo tôi về kinh thành Thăng Long. Tôi sẽ tiến cử huynh tới vua Trần cùng đại vương. Chúng mình phò quân diệt giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi nước ta. Há chẳng phải tốt đẹp lắm ư?
Phục nghe vậy cả mừng, lạy tạ:
- Ôi, được thế thì tốt quá. Tôi cũng đang muốn nhập ngũ đây. Nếu huynh tiến cử được thì bớt được bao nhiêu công sức!
Hai người vừa nói vừa chậm rãi đi sóng đôi quay trở về thành Thăng Long. Yết Kiêu vui mừng có được một người bạn tốt, trong lòng cực kỳ sung sướng. Dọc đường không ngừng kể về giang hồ Nam Việt, cùng đại vương Trần Hưng Đạo. Nguyễn Phục mới rời nhà, thế sự còn chưa hiểu rõ. Nên chỉ lắng tai mà nghe.