Chương 145: Chương 15

Viên thuyền trưởng chiếc tàu cướp biển gỡ mặt nạ ra để lộ gương mặt trẻ trung, làn da sạm nắng tương phản với đôi mắt màu gio và mái tóc vàng hoe của hắn. Nhưng những nếp nhăn nhỏ tạo cho hắn một vẻ chua chát lạ thường và mi mắt chảy sệ xuống chứng tỏ hắn từng ăn chơi trác táng. Tóc mai cũng đã điểm bạc.

- Trong nghề của tôi - hắn nhận xét với vẻ mặt kiêu kỳ - tôi chưa từng thấy một đoàn thủy thủ nào lại thảm hại đến thế. Ngoài cái anh chàng người Marseille nom khá hơn cả nếu hắn không bị một viên đạn ở vai, chỉ có hai thằng nhãi gầy guộc và hai lão già ngớ ngẩn, một lão thì, không rõ vì lí do gì lại giả làm một tên nhọ.

Hắn túm lấy chòm râu của Savary và kéo lại gần mình:

- Lão thay đổi màu da phỏng có lợi ích gì? Đen hay trắng, cái thân xác lão cũng chẳng đáng giá hai mươi đồng.

Gã thuyền phó có băng đen ở mắt mập mạp, da ngăm đen trỏ ngón tay run run về phía ông già.

- Đúng là tên này… tên này đã bắn chìm… thuyền của chúng ta bằng một quả đại bác.

Quần áo hắn ướt sũng hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Hắn cùng ba tên nữa được vớt lên, nhưng năm tên trong đoàn thủy thủ của tàu Hermes đã bỏ mạng trong trận đụng độ với chiếc thuyền buồm con nom có vẻ hiền lành kia.

- Thật ư? Vậy ra là thằng này à? - Tên cướp biển nhắc lại, đôi mắt rắn độc của hắn như xuyên qua lão già răn rúm, nom tiều tụy đến nỗi khó mà tin vào lời tên thuyền phó.

Hắn nhún vai và quay lại nhìn đám Savary, Flipot, Mutcho và Scaino, quần áo ướt nhỏ xuống sàn tàu, đến nhìn viên thuyền trưởng vạm vỡ người Marseille nằm sóng sượt trên sàn, mặt méo xệch vì đau.

- Cái bọn Provence điên rồ kia sao chúng kiêu hãnh đến thế? Chúng nó chỉ vờ vĩnh thôi ch chúng dám tấn công cả một hạm đội đấy. Đồ ngu! Bọn bay liều lĩnh táo tợn như thế thì được cái gì nào? Nếu thuyền của chúng mày không tốt như thế thì tao đã đánh chìm ngay xuống đáy biển. Nhưng giờ ta hãy xem chàng trai này, có lẽ trong cả đám chết tiệt này chỉ có hắn là món hàng duy nhất có giá thôi.

Hắn lừ lừ tiến đến gần Angélique đang đứng tách hẳn khỏi đám người kia. Nàng cũng đang run cầm cập trong bộ quần áo ướt sũng, vì lúc đó mặt trời đã lặn và gió đã trở rét. Những cuộn tóc ướt mèm của nàng rủ xuống đôi vai.

Tên thuyền trưởng ngắm nghía nàng cũng với vẻ lạnh lùng như đối với những người kia.

Nàng cảm thấy lo ngại khi đôi mắt hắn lướt trên người nàng, vì nàng biết rằng bộ quần áo ướt dính sát người đang làm lộ thân hình đàn bà của nàng. Đôi lông mày thưa của tên cướp sít lại dần, đôi mắt hắn nheo lại và một nụ cười tinh quái nở trên môi hắn.

- Thế nào, chàng trai - hắn nói - đi biển thích chứ? Hắn rút kiếm ra dí vào ngực Angélique, chỗ cổ áo mà theo bản năng nàng khép vội lại. Nàng cảm thấy chất thép nhọn chích vào da thịt, nhưng nàng vẫn thản nhiên.

- Dũng cảm nhỉ?

Hắn ấn mạnh một tí nữa, thần kinh của Angélique quá căng thẳng suýt đứt tung. Đột nhiên lưỡi kiếm luồn vào khe áo và rạch toạc lớp vải, cặp vú trắng muốt bỗng phơi ra.

- A, một cô nàng!

Bọn thủy thủ cười phá lên khi Angélique vội vàng kéo chiếc sơ mi rách che ngực. Đôi mắt nàng quắc lên.

Tên cướp biển tiếp tục cười:

- Một cô nàng! Hôm nay quả là ngày lắm trò vui trên tàu Hermes. Một lão già giả dạng là một tên da đen, một người đàn bà cải trang là đàn ông, một tên xứ Provence đóng vai người hùng và ngay cả lão già Coriano đây cũng cải trang làm thần biển.

Cảười ầm lên khi quay sang nhìn tên thuyền phó xấu xí có băng vải che mắt tên là Coriano.

Đợi tiếng cười dứt hẳn Angélique nói:

- Và một con lợn cải trang làm một nhà quý tộc Pháp.

Tên thuyền trưởng chấp nhận lời xỉ vả một cách tỉnh bơ, nụ cười vẫn không tắt trên môi hắn.

- Hay lắm, hay lắm - Thêm nhiều chuyện bất ngờ nữa! Một phụ nữ có tài đối đáp tuyệt vời! Thật là của hiếm ở các hải cảng vùng Levant. Ngày hôm nay rốt cuộc cũng chẳng đến nỗi tồi tệ lắm, anh em nhỉ? Quý nương ở đâu nhỉ? Provence chứ?

Nàng không đáp. Hắn tiến sát đến bên nàng và đặt tay lên eo nàng. Nàng lùi lại nhưng hắn bất chấp, giật lấy con dao găm và chiếc hầu bao, hắn nhấc xem nặng nhẹ và mỉm cười ma mãnh. Rồi hắn mở hầu bao, gieo những đồng tiền vàng từ tay này sang tay kia, bọn thủy thủ sán tới, mắt sáng trưng. Một cái quắc mắt của hắn cả bọn lại trở về chỗ cũ.

Hắn lục lọi trong hầu bao xem còn đồng vàng nào nữa không và rút ra những tờ giấy ủy nhiệm được bọc trong giấy không thấm nước. Khi mở thư ra hắn có vẻ bối rối.

“Phu nhân Plessis-Bellières” - Hắn đọc. Rồi nói giọng dứt khoát:

- Xin phép tự giới thiệu, Hầu tước D’ Escrainville!

Cung cách cúi chào của hắn chứng tỏ hắn có ít nhiều giáo dục và phẩm tước của hắn là có thực. Bỗng dưng Angélique hi vọng rằng hắn có thể kính nể mình ít nhiều do địa vị ngang bằng của hai người trong xã hội.

- Tôi là quả phụ của một thống chế nước Pháp - nàng nói - và tôi đi đến đảo Crète để trông nom các quyền lợi của người chồng quá cố của tôi tại đó.

Đôi môi hắn chúm lại thành một nụ cười nham hiểm, nhưng đôi mắt vẫn lạnh l

- Người ta gọi tôi là Nỗi kinh hoàng của Địa Trung Hải - hắn nói.

Sau một phút suy nghĩ, hắn ra lệnh đưa nàng đến cabin dành cho khách quý, đặc biệt là phụ nữ.

Ở đó, trong một cái hòm bọc đồng cũ bừa bộn, Angélique tìm thấy nhiều trang phục kiểu u và Thổ, vài chiếc mạng che mặt, đồ trang sức giả và giày dép. Nàng ngần ngại không muốn thay quần áo vì cảm thấy những cặp mắt đang thèm khát nhìn trộm nàng qua các khe ván của cabin. Thế nhưng quần áo của nàng cứ dính sát vào người như những tấm vải liệm lạnh buốt và hai hàm răng của nàng cứ va vào nhau mãi. Cuối cùng nàng quyết định trút bỏ bộ quần áo trên người và đành phải mặc một chiếc áo liền váy khá vừa với cỡ người nàng, nhưng rất cổ lỗ và không phù hợp với tính cách của nàng. “Trông mình giống như con ngoáo ộp quá” nàng nghĩ thầm. Nàng khoác lên vai một chiếc khăn san của Tây Ban Nha để tôn dáng vẻ đôi chút. Nàng ngồi thu lu trên đi văng rất lâu, lòng vô cùng buồn chán. Tóc nàng dính bết và sặc mùi nước biển giống như mùi gỗ của cabin và cái mùi ghê tởm đó khiến nàng buồn nôn.

Bỗng nhiên bằng một giọng trầm trầm, Savary khuyên nàng đừng nản lòng, trong vòng vài ba hôm nữa họ sẽ trốn thoát.

- Trốn thoát? Cụ cho là có thể làm được à? Bằng cách nào?

- Xuỵt! Chẳng phải dễ dàng đâu. Nhưng Panassave có những thuyền trưởng, ngư dân và thương nhân đã giúp Rescator trong công việc làm ăn buôn bán. Panassave đã nói hết với tôi, và trước đây bà cũng nghĩ như thế. Trong hội của chúng ta, tên chuyên chở “hạt thông” thấp hèn nhất, dù là Công giáo hay Hồi giáo đều có thể được đảm bảo không bao giờ phải mục xương trong hầm nô lệ. Rescator có đủ phương tiện khắp nơi để giải phóng người của y. Vì thế có rất nhiều người làm việc cho y.

Savary ghé về phía trước giọng lão thì thầm:

- Thậm chí ngay trên tàu này cũng có nhiều người của Rescator. Bọn lính gác sẽ nhận ra Panassave nhờ những hộ chiếu bọc trong giấy dầu mà ông ấy mang theo và bọn chúng sẽ giúp đỡ ông ấy.

Cụ có tin rằng bọn lính gác của tên d’ Escraniville khủng khiếp kia là đồng đảng của Rescator không? Họ đang đùa với cái chết đấy!

- … Hay trở nên giàu có! Trong hội này kẻ nào giúp đỡ một người tù trốn thoát thì có quyền nhận một số tiền rất lớn. Đó là sắc luật của con người ẩn hiện có cái tên Rescator mà chúng ta có một vinh dự hội ngộ. Chẳng ai biết Rescator là người gì, Berber, Thổ hay Tây Ban Nha, một tên công giáo phản đạo hay Hồi giáo gốc, nhưng có một điều chắc chắn là hắn không bao giờ bỏ rơi bọn thương nhân, cướp biển ở Địa Trung Hải. Bọn này dù da trắng hay da đen đều là bọn buôn nô lệ cả. Còn bà, thưa bà, bà đã đối xử rất tốt đối với tôi, và đã trân trọng những sự tìm tòi khoa học, bà không đáng phải mất tích trong một hậu cung nào đó, để chỉ làm đồ chơi cho một trong những tên Hồi giáo dâm dật nào. Tôi quyết định làm tất cả để giúp bà tránh khỏi số phận đó.

- Cụ có nghĩ rằng đó là số phận mà Hầu tước d’ Escrainville muốn dành cho tôi không?

- Nếu hắn không làm như thế thì mới lạ.

- Không thể thế được. Hắn có thể là một tên lục lâm bẩn thỉu, nhưng hắn cũng vẫn là một người Pháp như chúng ta và hắn xuất thân từ một gia đình dòng dõi quý tộc. Ngay cả cái ý nghĩ xấu xa đó chưa chắc hắn đã có.

- Hắn là một kẻ trước giờ vẫn sống ở vùng Levant, bà ạ, mặc dù hắn có dòng dõi Pháp. Đối với hắn dòng dõi chẳng khác nào bộ quần áo đã bỏ đi. Tâm hồn của hắn - nếu quả hắn có tâm hồn - là tâm hồn phương Đông. Cũng khó mà thoát khỏi điều đó - Savary cười khà khà - Ở phương Đông người ta quen sỉ nhục đàn bà như quen dùng cà phê vậy. Một là d’Escrainville sẽ bán bà đi hai là sẽ giữ bà lại làm của riêng mình.

- Cả hai viễn cảnh ấy đều chẳng làm tôi thích thú chút nào.

- Vậy thì tại sao bà lại đâm đầu vào tường? Chúng ta đang trên đường đến Messina, cái chợ nô lệ gần nhất. Tôi hi vọng Panassave sẽ khỏi trước khi chúng ta đến đó, để chúng ta còn thực hiện kế hoạch của chúng ta chứ.

-----------------

Con tàu rẽ sóng tiến lên, và Angélique lúc nào cũng tự nhủ rằng mình càng ngày càng đi gần tới đích. Nàng vẫn hằng mơ ước những chuyến đi biển như thế này từ cái hôm anh trai nàng là Giôxơlanh thốt lên: “Anh sắp ra khơi…”.

Con tàu đưa nàng đến với người yêu, nhưng người yêu của nàng cứ lui dần đến tận chân trời. “Joffrey de Peyrac có nhớ đến ta không? Chàng còn thiết gì đến ta nữa! Ta đã từ bỏ tên tuổi của chàng và có thể chàng đã quên ta rồi”.

Một buổi sáng nàng thức giấc thấy đầu đau như búa bổ. Miệng khô đắng và da thịt như có lửa đốt.

- Chúng ta đang ở đâu? - Nàng hỏi chú bé da đen vẫn thường mang mâm thức ăn đến cho nàng.

- Ngoài khơi đảo Sicile. Chắc đêm qua bà có nhìn thấy ánh núi lửa.

- Sicile… - Nàng nhắc lại như một cái máy.

Tro từ núi Etna tạt vào qua lỗ cửa sổ - “Ta sẽ chết dưới đám tro này” - Nàng tự nhủ - “Ta cảm thấy bức bối quá, và nó đang thiêu đốt ta, thế mà chẳng có ai đến cứu ta”.

Vừa lúc ấy cửa mở và ánh đèn bão len vào căn phòng tranh tối tranh sáng. Khuôn mặt của d’Escrainville giống như một thứ đồ sứ rạn nứt cúi xuống bên nàng.

- Thế nào, nỗi cuồng nộ của ta, nàng đã chịu ngoan ngoãn hơn chưa?

Lúc đó nàng đang nằm sấp, đầu kê trên một cánh tay, như một pho tượng cẩm thạch, tóc trải trên đôi vai trắng ngần. Nàng nằm im, nhưng không ngủ.

Tên cướp biển cau mày, đặt cây đèn ngủ lên cái giá nhỏ. Khi hắn cúi xuống nâng nàng dậy toàn thân nàng bủn rủn trong cánh tay của h. Đầu nàng gục xuống.

Da thịt nàng nóng như lửa. Hắn nhảy lùi lại, giật mình. Đầu nàng chúi xuống như thế bị mái tóc dày nặng lôi đi. Miệng nàng nói lảm nhảm. Hắn chỉ nghe được mấy tiếng: “Anh yêu, anh yêu…” và hắn mỉm cười.

Hắn lại đặt nàng xuống giường và lấy chăn đắp cho nàng. Ra đến cửa hắn nói với ai đó ở bên ngoài:

- Bà ta ốm, hãy trông nom bà ta.

Con tàu sắp thả neo, Angélique cảm thấy điều đó khi nó nhẹ nhàng lắc lư như ru nàng trong giấc ngủ. Ánh nắng lọt qua khe cửa. Nàng đoán là ánh nắng gay gắt đã làm nàng thức giấc và nàng dịch sang một bên để tránh. m thanh bên ngoài ầm ĩ. Những bàn chân trần bước thình thịch qua cửa phòng nàng. Tiếng thét và tiếng còi át cả tiếng ồn và tiếng chân chạy loạn xạ, xô đẩy nhau.

- Ta ở đâu đây?

Nàng đưa tay vuốt mặt như muốn xua tan cái làn sương mù bao phủ tâm trí nàng như một tấm vải liệm. Ôi, ngón tay nàng sao mà gầy guộc, xanh xao đến thế! Thế nhưng tóc nàng vẫn sạch sẽ và mềm mại, như thể vẫn thường xuyên được chải, thậm chí bôi nước hoa. Nàng nhìn quanh tìm quần áo, và thấy chúng được gấp cẩn thận trên hòm. Nàng đứng lên, mặc vào và ngạc nhiên thấy chúng quá rộng. Tìm mãi không thấy giày, nàng xỏ chân vào một đôi dép Thổ. Đoạn nàng lục lọi khắp nơi tìm chiếc hầu bao.

-Ô, đúng rồi, tên cướp đã lấy mất.

Trí nhớ nàng dần dần trở lại. Khi nàng đứng lên hai chân nàng bủn rủn. Song, tựa người vào bàn ghế, nàng mon men ra khỏi cabin.

Ngay bên ngoài, boong tàu như hoang vắng, nhưng xa chút nữa người đi kẻ lại nhộn nhịp. Không khí mát mẻ khiến nàng lảo đảo suýt ngã. Rồi nàng khẽ thốt lên một tiếng hân hoan. Trước mắt nàng là một hòn đảo, và ở đỉnh ngọn đồi xa xa ngôi đền cổ in những đường nét tuyệt mỹ trên nền trời vàng chói. Ngôi đền nhỏ giống như chiếc thuyền mơ chuẩn bị dong buồm rẽ sóng về cõi bồng lai. Quanh đền vươn lên những cột đá trắng, đầu ngẩng lên như những bông hoa huệ từ đám cỏ xanh tươi chứng tỏ nơi đó xưa kia có nhiều đền thờ, điện thờ khác, bây giờbiến đi, chỉ còn trơ lại cảnh hoang tàn.

Bỗng cánh cửa ngay cạnh Angélique mở tung và một người lao vụt ra. Hắn đi qua không nhìn thấy nàng nhưng nàng nhận ra chiếc áo đại y màu đỏ đã hơi bạc màu, chỗ thêu đã sờn, và nhất là bộ mặt ngăm đen có những nếp nhăn nho nhỏ khiến thoạt nhìn đã biết hắn đang trong cơn thịnh nộ điên cuồng. Hầu tước d’ Escrainville. Nàng đã nhìn thấy hắn cúi xuống bên nàng trong khi nàng chống chọi lại cảm giác ngột ngạt khủng khiếp. Cái cười rộng ngoác của hắn gợi nàng nhớ lại cuộc vật lộn kinh khủng vừa qua. Nàng cố thu người lại để không ai nhìn thấy.

Tất cả tụ tập ở mũi tàu nên Angélique có thể nhìn thấy rõ đám nô lệ ở dưới hầm tàu. Họ gồm đủ loại người già, trẻ, gái, trai, đủ loại chủng tộc và sắc tộc, trang phục đủ kiểu từ những chiếc vét thêu sặc sỡ của nông dân vùng bờ biển Adriatic đến những áo trùm kín đầu màu trắng của những người Arập và các mạng che mặt màu đen của phụ nữ Hi Lạp.

D’ Escrainville đăm đăm nhìn họ như thể hắn đang bị ảo giác, rồi nói với Coriano đang chậm rãi len chân về phía hắn với một dáng điệu triết gia.

- Không nghiêm thì như thế đấy! - Hắn hét lên - Ta để cho cái tên luyện đan quạ già kia lừa phỉnh. Bây giờ thì hãy xem lão đã làm những gì. Chuồn! Tên nô lệ thứ hai thoát khỏi móng vuốt của ta trong vòng một tháng. Chuyện đó chưa từng xảy ra với ta. Nỗi kinh hoàng của Địa Trung Hải! Không phải bỗng dưng ta có được cái biệt danh đó. Ấy thế mà ta lại để cho mình chui vào bẫy của cái đồ chấy rận khốn nạn kia. Ngữ ấy thì chẳng đáng giá năm mươi đồng ở Leghorn. Hắn dỗ dành ta đi đến những hòn đảo khốn kiếp này, bảo rằng có thể làm giàu bằng một sản phẩm thần kỳ kiếm được dễ như bỡn. Thế mà ta lại đi tin hắn, ngốc ơi là ngốc. Lẽ ra ta phải nhớ rằng ta đã vớt hắn cùng với cái tên người Provence khốn kiếp kia, cái tên đã trốn thoát bằng chiếc thuyền của nó sau khi ta đã tốn công tu sửa nó để bán với một giá cao. Ta chưa hề bị ai lừa như thế bao giờ. Thế mà nay cái lão dược sư giời đánh kia!

- Chắc chắn có ai giúp đỡ hắn. Hoặc bọn gác hoặc một tên nô lệ nào đó.

- Chính đó là điều ta phải tìm cho ra Coriano ạ. Đông đủ cả rồi chứ

- Vâng, thưa ngài.

- Thế thì cười to lên nào. Ha! Ha! Chẳng ai đùa cợt Hầu tước d’ Escrainville lâu được đâu! Ta mà tóm được cái lão già luyện đan khốn kiếp ấy thì ta sẽ bẻ làm đôi như bẻ con chấy rận vậy. Và ta cũng không bao giờ quên chính tên quỷ già ấy đã đánh đắm chiếc xuồng thoi của chúng ta. Tất cả lại đây!

Vì mọi người đã tề tựu đông đủ nên chẳng ai nhúc nhích. Ai nấy đều im lặng lo sợ, chăm chăm nhìn tên thuyền trưởng.

- Sẽ có người phải trả giá về chuyện này. Chiếc xuồng thoi biến mất rồi. Ta biết qua kinh nghiệm là chắc chẳng ai chịu nhận tội. Thế thì phải rút thăm để xác định thủ phạm. Người già nhất và người trẻ nhất trong đám nô lệ Công giáo sẽ rút thăm. Dưới mười tuổi thì thôi, ta không phải là quỷ sứ đâu.

Angélique thò đầu ra nhìn cái dáng người cuồng loạn khoác áo đỏ kia. Không khí yên lặng chết chóc bao trùm con tàu. Rồi từ hầm tàu bỗng nổi lên tiếng than vãn rên rỉ của những bà mẹ cố che chở cho những đứa con đang túm chặt lấy họ.

- Nhanh lên! Tên cướp biển gào lên - công lý phải được tiến hành nhanh chóng trên tàu, vì thế…

Vừa lúc đó một tiếng nổ dữ dội như thể từ lòng tàu dội lên, át cả tiếng của tên cuồng loạn. Mọi người sững sờ trong giây lát, rồi có tiếng thét lên: “Cháy”.

Khói trắng tỏa ra từ những lưới mắt cáo thông gió ở phía đuôi tàu Hermes.

Đám nô lệ kinh hoàng chạy toán loạn, nhưng chẳng mấy chốc những ngọn roi của bọn gác đã khôi phục trật tự.

D’ Escrainville và phụ tá của hắn lao về phía đuôi tàu.

- Thuyền phó đâu?

Một toán thủy thủ chần chừ không dám tiến lên, người nào người nấy khiếp sợ, mặt trắng bệch.

- Bốn người nâng cửa hầm lên, bốn người nữa xuống xem có chuyện gì! Tiếng nổ từ kho thực phẩm.

Chẳng ai nhúc nhích. Mọi người như biến thành đá.

- Thưa ngài, chắc quỷ dữ gây nên - một thủy thủ ấp úng - Ngài xem đám khói kia. Đó không phải là khói lành…

Thật vậy, những đám khói phun ra từ cửa hầm đang bò theo dọc boong tàu, thoạt tiên giống như một chất kem trắng, đặc sệt rồi bỗng nhiên tỏa ra như một đám sương mù dâng lên từ một hốc ẩm ướt. D’ Escrainville tiến đến như thể muốn bốc một tí và đưa lên mũi.

- Nó có một cái mùi kỳ lạ - Hắn trấn tĩnh lại và chộp lấy khẩu súng lục trong bao súng của Coriano - Ta sẽ bắn vào mông các người nếu các người không xuống ngay theo lệnh của ta.

Thình lình nắp hầm hình như tự nó nâng lên giữa đám hơi khói mù mịt. Những người đứng cạnh sợ hãi rú lên, d’ Escrainville cũng lùi lại một bước.

- Ma!

Trong một đám mây dày đặc một hình người quấn một tấm vải trắng ướt nhèm hiện ra, và một giọng ồm ồm cất lên:

- Tôi xin ngài đừng hoảng sợ, chẳng có gì đâu.

- Thế này là thế nào? - Tên cướp biển ấp úng - Cái tên luyện đan chết tiệt này, lão bắt chúng tao phải chạy nhớn nhác cả buổi sáng còn chưa đủ hay sao mà còn định đốt tàu nữa?

Hình người tuồng như đang gỡ cái kén bọc quanh người. Một lát sau cái đầu có chòm râu bạc của Savary hiện ra. Lão hắt hơi và ho. Rồi nhặt tấm vải quấn người lên lão giơ tay làm điệu bộ để trấn an đám đông rồi lại lao xuống hầm tàu và đậy nắp lại.

Angélique và mọi người cho rằng mình vừa chứng kiến một trò phù thủy. Nhưng chẳng mấy chốc Savary lại lên chiếc thang, bình tĩnh và sảng khoái, tuy mặt còn đầy muội và quần áo tả tơi của lão sặc một mùi lờ lợ kinh kinh. Tiếng nổ và hơi khói chỉ là kết quả của một “thí nghiệm mang những ý nghĩa to lớn cho khoa học nói chung và ngành hàng hải nói riêng”.

Tên cướp biển giận dữ nhìn lão từ đầu đến chân:

- Thế ra lão không chuồn à?

- Tôi chuồn à? Tại sao? Tôi rất vui sướng được ở trên tàu của ngài.

- Thế chiếc xuồng thoi thì sao? Ai thả nó xuống?

Bộ mặt đỏ tía tai của một thủy thủ trẻ có cái mũi hếch nhô lên trên mạn tàu. Hắn trèo lên chiếc thang dây buộc bên cạnh tàu và dừng lại ngơ ngác nhìn mọi người.

- Chiếc xuồng thoi à, thưa thuyền trưởng. Tôi bơi đi lấy rượu vang trên đảo sáng nay ạ.

d’ Escrainville dịu nét mặt, còn Coriano thì cười vang:

- Ha ha, thưa thuyền trưởng, từ cái ngày tên xứ Provence chết tiệt ấy chạy trốn thì chỗ nào ngài cũng thấy có kẻ chạy trốn. Chính tôi đã bảo Pierrick đi lấy rượu vang sáng nay.

- Đồ ngu - hắn nhún vai tỏ vẻ bực mình và quay nhìn chỗ khác.

Đúng vào lúc đó hắn nom thấy Angélique. Nét mặt hắn dịu đi như muốn cố tỏ ra hiền lành và thân mật.

- A, nữ hầu tước xinh đẹp của chúng ta đây rồi. Bà đã khỏe chưa? Bà thấy trong người thế nào?

Nàng vẫn đứng dựa người vào tường, mắt vẫn nhìn hắn nửa sợ hãi, nửa ngờ vực. Cuối cùng nàng nói rất khẽ:

- Tôi xin lỗi ông nhưng tôi vẫn chưa hiểu việc gì đã đến với tôi. Tôi ốm thật à?

- Đã hơn một tháng nay.

- Một tháng! Ôi lạy chúa tôi đang ở đâu đây?

Hầu tước khoát tay về phía đảo:

- Thưa bà ngoài khơi Keros, ở giữa quần đảo Cyclades.