Tàu Gale của Hoàng gia tiến vào cảng Marseille. Giống như một tấm gương màu xanh, vũng tàu phản chiếu màu đỏ rực của các cờ đuôi nheo bằng lụa, tua vàng bay trong gió. Ở đỉnh cột buồm phấp phới các cờ hiệu màu đỏ thêu kim tuyến của hải quân Hoàng gia.
Trên bến tàu không khí tưng bừng náo nhiệt. Những người bán cá bê những sọt tôm cua, sò ốc và những người bán hoa ôm cả sọt vả và mimosa, dưa và cẩm chướng lao đến chỗ chiếc tàu đẹp đẽ kia sẽ thả neo, vừa chạy vừa gọi nhau í ới. Rồi đến lượt những người ăn mặc lịch sự dắt theo chó cảnh, những người đánh cá đội mũ đỏ đã tạm dừng tay vá lưới. Hai người phu khuân vác Thổ Nhĩ Kỳ mặc quần đỏ và xanh lục, ném bịch xuống đất những bó cá khô to tướng vác trên vai rồi ngồi xuống để rút từ khăn quàngi ra những chiếc tẩu thuốc lá. Việc tàu gale Hoàng gia cập bến tạo cho họ cơ hội nghỉ tay rít mấy hơi thuốc trong khi đó toàn bộ hoạt động náo nhiệt của bến cảng dịu hẳn đi. Viên thuyền trưởng giám sát việc bốc hàng các thương nhân hò hét chạy lên chạy xuống theo sau là các nhân viên và kế toán đã kịp đặt cân xuống để xả hơi trong chốc lát. Họ ùa tới chiếc tàu như ùa tới một đám rước không cốt để ngắm vẻ duyên dáng của nó khi nó lướt trên mặt nước và các sĩ quan mặc đồng phục viền đăng ten mà để xem các tội phạm đang chèo tàu. Đó là một quang cảnh kinh khủng khiến đám phụ nữ phải làm dấu thánh tuy họ vẫn dán mắt nhìn.
Angélique đứng lên từ cỗ xe chở pháo, nơi nàng đã ngồi đợi suốt bao nhiêu tiếng đồng hồ. Flipot mang chiếc túi đi theo sau nàng. Hai người hòa lẫn vào đám đông.
Đến gần Tháp Saint-Jean tàu gale trông như một con chim to lớn vẻ ngập ngừng. Ánh nắng lấp lánh trên những nét chạm thiếp vàng. Cuối cùng nó lướt về phía bến cảng với hai mươi bốn mái chèo quạt mạnh, khuấy động làn nước thành những cuộn trắng xóa. Nó trở buồm hướng về phía biển khơi, cái mũi tàu dài thon thả, bằng gỗ mun chạm hình một tiên cá khổng lồ và phô bày cho khán giả dạo chơi trên cầu cái đuôi tàu chạm trổ. Bên trên là mái rạp đồ sộ bằng những mảnh gấm màu đỏ và vàng, nơi tụ tập của các sĩ quan.
Một nhóm sĩ quan quân phục chỉnh tề xuất hiện trên khoang lái bên cạnh cầu thang gỗ. Một trong số họ ngả người về phía trước, nhấc chiếc mũ cắm lông chim và giơ lên vẫy về phía Angélique. Nàng quay lại thở phào khi thấy một nhóm tiểu thư đài các và công tử hào hoa từ trong một cỗ xe bước ra. Một tiểu thư tóc đen đường nét thanh tú có những nốt ruồi giả trên mặt mừng rỡ kêu lên: “Ôi Vivonne đáng yêu! Mặc dù là thủy sư đô đốc và có nhiều quyền lực hơn cả Đức vua tại Marseille chàng vẫn dễ thương và giản dị làm sao! Chàng nhìn thấy chúng ta và vẫy mũ chào mà không hề một phút đắn đo”.
Khi nhận ra Công tước Vivonne, Angélique vội vàng chen vào giữa đám đông. Em trai của Montespan phu nhân nện gót giầy đỏ trên vỉa hè nhớp nháp tiến thẳng về phía tiểu thư tóc đen hai tay dang ra phía trước.
- Thật là sung sướng được gặp lại tiểu thư ở bến cảng này, Ariane xinh đẹp và đáng yêu. Cả tiểu thư Cassandra nữa. Còn kia có phải là Calistro thân yêu không? Hạnh phúc quá!
Trong cái cảnh nhộn nhạo và kiểu cách khiến cho các giám thị há mồ nhìn, Đô đốc và các bạn của ngài tay bắt mặt mừng. Bá tước Vivonne nom oai phong lẫm liệt nhất trong vai trò của một phó vương. Nước da rám nắng rất hợp với đôi mắt xanh và bộ tóc dày dài màu vàng hoe. Dáng người cao lớn của chàng khiến người ta không chú ý đến thân hình hơi béo của chàng. Như một diễn viên trung thực chàng đang đóng vai rất đạt. Vui nhộn, hoạt bát và nhanh trí chàng có rất nhiều đức tính của bà chị xuất sắc, người tình của Đức vua.
- Thật may mà tôi có thể cập bến hôm nay - chàng nói - Đúng ra tôi lại phải lên đường để đi Candia trong vòng hai ngày. Nhưng một trận bão gây ra quá nhiều thiệt hại và tình trạng sức khỏe của đoàn thủy thủ quá xấu, nên tôi phải cặp bến Marseille. Nào các bạn đã có mặt cả ở đây, xin mời các bạn dự hai ngày tiệc vui vẻ nhé.
Cả nhóm giật mình khi nghe một tiếng nổ như tiếng súng lục. Một trong những người gác bọn nô lệ chèo thuyền đang vụt ngọn roi da xua đám đông.
- Chúng ta đi nào các bạn thân yêu - Vivonne nói - đặt hai bàn tay đi găng da trắng sực mùi nước hoa lên vai các tiểu thư - Bọn tù sắp sửa lên bờ. Tôi đã cho phép khoảng năm chục tên trở về trại trong vụng nhỏ Rocher để chôn một tên trong bọn chúng, tên này đã dại dột chầu trời trong khi chúng tôi đang tiến vào cảng. Chính vì thế mà chúng tôi đến hơi chậm. Ông chỉ huy phó của tôi đề nghị ném xác hắn xuống biển như thường lệ khi tàu gale ở ngoài khơi và tôi đã đồng ý. Nhưng cha tuyên úy phản đối. Ông nói sẽ không đủ thì giờ cho ông đọc kinh như thường lệ và tiến hành các nghi lễ và ông ta không thể đối xử với một linh hồn Giatô như thể là một linh hồn chó được, và tóm lại ông ta muốn mai táng cái xác ấy. Tôi đồng ý vì chúng tôi ở rất gần cảng và kinh nghiệm cho tôi biết rằng cuối cùng vị Cha dòng Laza bé nhỏ này thế nào cũng thắng. Một khi ông ta đã có một ý niệm trong đầu thì không một cách nào dù mềm mỏng hay cứng rắn có thể làm ông ta thay đổi. Vậy ta đi nào, tôi muốn đưa các bạn đến hiệu Scevola để dùng một chút pistachio sherbet và cà phê Thổ Nhĩ Kỳ.
Họ ra đi trong khi người gác tiếp tục quất roi ở dưới chân ván cầu, như một người dạy sư tử giục các con thú chui ra khỏi chuồng tiến vào đấu trường.
Từ trong thân tàu vang lên những tiếng xích kéo loảng xoảng và những giọng the thé. Có tiếng xì xào trong đám đông khi những tù nhân đầu tiên xuất hiện trên ván cầu, thân hình họ lỉnh kỉnh những chuỗi xích dài mà họ mang trên vai hay ở cánh tay, để cho trọng lượng của chúng không phương hại đến th của họ. Họ nối đuôi nhau đi qua tấm ván nối liền con tàu với bến cảng. Họ bị xích bốn người một. Họ cuộn những mảnh giẻ quanh mắt cá, nơi các xích sắt khớp với nhau nhằm bảo vệ da thịt, nhưng nhiều mảnh đã loang lổ máu. Đám đông, cả đàn ông lẫn đàn bà, làm dấu thánh khi đám tù đi qua.
Họ đi chân đất, tay luôn gãi chỗ lở và mắt cụp xuống. Quần áo họ mặc trên người chỉ vẻn vẹn có một cái sơmi và một quần len đỏ thắt bằng một dây lưng rộng bản trước kia vốn là màu trắng, tất cả đều nhuốm nước biển và bốc lên một mùi khẳm không thể chịu nổi. Phần lớn họ đều để râu dài. Chiếc mũ lưỡi trai bằng len đỏ kéo sụp xuống tận lông mày che lấp bộ tóc bện của họ. Một số đội mũ lưỡi trai màu xanh lục, chứng tỏ những người này vốn là những “tay chơi”.
Toán đầu đi qua không hề nhìn ngang nhìn ngửa. Những toán tiếp theo hiến cho công chúng cái cảnh tượng mà họ đang chờ đợi. Anh nào anh nấy mắt sáng trưng sán đến chỗ phụ nữ với những lời tán tỉnh thô bỉ và những cử chỉ tục tĩu. Một trong những “tay chơi” trêu chọc một công dân trầm tĩnh chỉ vì theo hắn đúng ra hai người phải đổi chỗ cho nhau.
- Vui lắm hử? Đồ khốn kiếp! - Người gác tù vung cao chiếc roi bằng sợi gai quất vào làn da vốn đã đầy vết thương đóng vẩy. Đám phụ nữ há hốc mồm tỏ vẻ thương hại.
Tuy nhiên một toán lính mới lại xuất hiện, người nào người nấy cũng cầm mũ trên tay. Môi họ mấp máy và liền sau đó người ta nghe thấy tiếng rì rầm cầu kinh. Đám đông im bặt, trang nghiêm. Hai tù nhân bước xuống cầu ván khiêng một cái xác bọc trong vải buồm. Đằng sau họ là Cha tuyên úy. Chiếc áo thụng đen Cha đang mặc tương phản với đám giẻ rách màu đỏ của tù nhân.
Angélique đăm đăm nhìn Cha. Nàng không chắc có thể nhận ra Cha. Đã mười bốn năm rồi nàng không gặp ông và lần cuối cùng lại là trong hoàn cảnh chẳng lấy gì làm vui vẻ đáng để nhớ.
Toán tù nhân ít ỏi đi qua, tiếng xích va lách cách vào đá lát đường. Angélique túm lấy ống tay áo Flipot.
- Bám lấy linh mục. Đó là Cha Antoine. Khi nào đuổi kịp ông ta thì bảo ngay - nghe cẩn thận đây - bảo ngay ông ta: “Peyrac phu nhân đang ở đây, tại Marseille này và muốn gặp cha tại quán “Sừng vàng”.
- Mời Cha vào - Angélique nói.
Linh mục ngập ngừng ở khuôn cửa vào phòng, nơi bà đại mệnh phụ này đang ngồi, phục trang giản dị nhưng đắt tiền. Rõ ràng ông cảm thấy lúng túng vì đôi giày thô kệch và tấm áo thụng dầu dãi, ống tay tơi tả hơi ngắn để lộ hai cổ tay rám đỏ, nứt nẻ vì ngâm nước muối.
- Thưa Cha, thật không phải khi tiếp Cha trong phòng riêng - Angélique nói - Tôi đến đây vì một sứ mệnh bí mật và không muốn để lộ mặt.
Linh mục tỏ vẻ thông cảm và cho là đối với ông điều đó chẳng quan trọng gì. Ông ngồi xuống một chiếc ghế đẩu. Bây giờ nàng đã nhận ra Cha. Trông Cha vẫn giống như cái đêm nàng nhìn thấy Cha ngồi xổm trước ngọn lửa giàn thiêu, hai vai rụt lại, nom giống một con dế rét cóng, chỉ có đôi mắt là ngời sáng khi Cha ngước lên nhìn.
Nàng ngồi xuống trước mặt Cha:
- Cha còn nhớ tôi không? - Nàng hỏi.
Một nụ cười khô héo thoáng trên đôi môi mỏng của Cha Antoine:
- Tôi có nhớ.
Ông nhìn nàng chăm chú, so sánh người phụ nữ trước mặt mình với con người phờ phạc, quẫn trí vào một buổi hoàng hôn mùa đông mà ông đã nhìn thấy đi lang thang quanh đám than hồng giàn thiêu bị ngọn gió thổi bay tang tóc.
- Ngày ấy bà đang mang thai - ông khẽ khàng hỏi - Chẳng hay là công tử hay tiểu thư?
- Con trai - Nàng nói - cháu sinh ra đúng vào cái đêm ấy. Nhưng cháu không còn nữa. Cháu chỉ sống đến năm lên chín - nghĩ đến Cantor bất giác nàng quay nhìn ra cửa sổ - Địa Trung Hải đã cướp mất đứa con của tôi - Nàng trầm ngâm nói tiếp.
Màn đêm đã buông xuống. Tiếng la hét, tiếng í ới gọi nhau, tiếng hát hò vang lên từ các ngõ hẻm nơi những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ả Rập, Nêpan, da đen và Anh-điêng đi lại rộn rịp vào lúc các quán rượu và nhà chứa bắt đầu mở cửa. Từ đâu đó không xa nổi lên tiếng đàn ghita, tiếp theo là một giọng hát ấm. Một khúc nhạc chiều. Thế nhưng bên dưới tiếng ồn ào náo nhiệt đó vẫn rì rầm bản trường ca muôn thuở.
Cha Antoine vẫn đăm đăm nhìn nàng, trầm ngâm suy nghĩ. Hầu như không có một sợi dây liên hệ nào giữa người đàn bà kiều diễm này với người thiếu phụ tuyệt vọng mà ông còn nhớ mãi. Bây giờ nom nàng rất tự tin, họat bát và đầy uy quyền. Ông lại nhìn nàng, cố tìm ra dấu vết của những thống khổ mà nàng đã trải qua. Ông không thể nhận ra nàng, và khó mà nhận ra được nếu không có cái nét buồn thoáng trên gương mặt khi nàng nhắc đến đứa con trai bạc phận.
Nàng quay lại nhìn Cha. Cha tuyên úy khoanh tay trên đầu gối như thể chuẩn bị ngồi lâu. Đột nhiên ông thấy sợ không dám nói điều gì. Nàng có thể buộc ông phải nói ra tất cả và sẽ đặt lên đôi vai ông một trách nhiệm nặng nề.
- Thưa Cha - Angélique nói - Tôi chưa hề biết - và bây giờ tôi muốn biết - những lời cuối cùng của chồng tôi ở giàn thiêu là gì… ở giàn thiêu - nàng nhắc lại - vào giờ phút lâm chung, chồng tôi đã nói điều gì?
Linh mục nhíu mày:
- Ước nguyện của bà hơi quá muộn, thưa bà - ông nói - Xin bà tha lỗi cho tôi đã không nhớ được. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua từ ngày ấy, và tôi, than ôi, đã chăm sóc phần hồn cho bao nhiêu người phạm tội rồi. Bà hãy tin tôi, tôi không thể thuật lại thật chính xác.
- Được rồi, nhưng tôi thì có thể. Ông ấy chẳng nói gì cả. Ông ấy chẳng nói gì cả vì ông ấy đã chết rồi. Họ đã trói một người chết vào cột, còn chồng tôi, vẫn còn sống, lúc ấy đang bị lôi xềnh xệch qua đường hầm trong khi công chúng dõi nhìn ngọn lửa thi hành bản án mà chồng tôi đã chịu một cách oan uổng. Đức vua đã thú nhận với tôi điều đó.
Nàng đợi ở linh mục một cử chỉ ngạc nhiên hay có thể là phản đối, nhưng ông vẫn ngồi trơ như đá.
- Cha cũng biết rõkhông? - Nàng thở dài nói - Cha đã biết từ đầu ư?
- Không, không phải từ đầu. Người ta đã đánh tráo tài tình quá đến nỗi lúc ấy tôi không hề mảy may nghi ngờ. Họ đã chụp lên đầu người tử tù một cái mũ trùm. Chỉ mãi sau đó tôi…
- Sau đó? Khi nào? Ở đâu? Ai đã cho cha biết? - Nàng nhào về phía trước, ngực nàng phập phồng, hai mắt rực lửa - Cha nhìn thấy ông ấy sau lúc thiêu?
Linh mục đăm đăm nhìn nàng. Giờ đây ông đã hoàn toàn nhận ra nàng. Nàng không hề thay đổi.
- Đúng thế - ông nói - Tôi đã nhìn thấy ông nhà. Bà hãy nghe tôi nói.
Thế là linh mục bắt đầu câu chuyện lạ lùng.
Việc đó xảy ra tại Paris vào tháng hai năm 1661, cũng vào cái đêm giá buốt khi cha Bécher qua đời, bị ác quỷ tra tấn và kêu thét lên: “Hãy tha thứ cho ta Peyrac…”.
Cha Antoine đang cầu nguyện trong nhà thờ nhỏ, bỗng một tín đồ khác dòng đến báo cho ông là có một người nghèo khổ cứ đòi gặp ông - một người nghèo mà lại dúi một đồng vàng vào bàn tay của người ngoài giáo hội. Người này không dám tống ông ta ra. Cha Antoine trở lại phòng khách. Ông ta đứng ở đấy, tựa vào một chiếc nạng chắc chắn, cái bóng lắc lư hầu như dị dạng của ông ta phản chiếu lên bức tường quét trắng được ngọn đèn dầu chiếu sáng. Trang phục của ông ta xứng hợp với con người. Ông ta mang một mặt nạ thép. Khi ông ta nâng mặt nạ lên, Cha Antoine quỳ xuống, cầu Trời giải thoát cho ông khỏi những cảnh tượng khủng khiếp, vì trước mắt ông là một bóng ma của người phù thủy mà ông đã nhìn thấy bị thiêu sống ở quảng trường Grève.
Bóng ma mỉm cười chế giễu. Ông ta cố nói, nhưng âm thanh duy nhất phát ra từ miệng ông ta nghe ồ ồ cha không hiểu gì cả. Thình lình bóng ma biến mất. Mãi một lát sau cha Antoine mới nhận thấy hóa ra là ông ta ngất đi và nằm trên phiến đá dưới chân ông. Ông trấn tĩnh lại và cúi xuống con người đang bất tỉnh kia, tuy chưa chết nhưng đang thoi thóp. Thân hình thực sự chỉ là một bộ xương. Nhưng hầu bao của ông ta đựng một tài sản ngợp cả mắt, toàn vàng và châu báu.
Trong s bao nhiêu ngày liền người khách vật vờ giữa cái sống và cái chết. Sau khi báo tin cho Cha cả biết điều bí mật ấy, cha Antoine đã tận tình chăm sóc ông ta.
- Ông ta đã đến trong tình trạng kiệt quệ. Khó mà tưởng tượng nổi làm thế nào mà sau khi bị tên đao phủ tra tấn đến như thế ông ta lại có thể làm được cái việc phi thường đó. Một chân của ông ta, bên chân thọt, còn mang đầy các thương tích khủng khiếp ở đầu gối và đùi vì những cú đá bằng ủng da. Các vết thương vẫn há miệng gần một tháng, vì ông ta đã phải đi bộ suốt thời gian ấy. Một nghị lực như thế quả là một sự ngợi ca đối với loài người, thưa bà!
Con người đã từng là Bá tước Peyrac de Toulouse đầy uy quyền nói với Cha tuyên úy thấp hèn: “Kể từ nay Cha là người bạn duy nhất của tôi”.
Chính linh mục là người mà Bá tước đã nghĩ đến vào lúc ông cho rằng mình sắp chết sau khi dồn tất cả sức lực còn lại để trở về biệt thự Beautreillis. Đi bao nhiêu dặm đường để rồi ngã xuống khi sắp bước lên đài thắng lợi. Ông đã rời khỏi tòa nhà bằng một cửa bí mật trong vườn mà ông có chìa khóa, rồi ông lê chân khắp Paris để đến ngôi nhà giáo dân dòng Laza mà ông chắc sẽ tìm thấy Cha Antoine ở đấy.
Giờ đây ông phải chạy trốn vì ông không thể ở lại nước Pháp được. Cha Antoine chuẩn bị rời Paris đi theo một toán tù nhân xuống Marseille và để nhận nhiệm vụ mới ở đấy.
Joffrey de Peyrac nghĩ ra cách trà trộn vào đám tù nhân để đi Marseille. Ông cố tìm lại được tên đầy tớ cũ người Marốc tên là Cuaxi-Ba. Cha Antoine giấu chỗ vàng bạc châu báu vào quần áo mình và trả lại cho ông sau khi họ đến Marseille. Sau đó không lâu Bá tước và người More trốn đi trên một chiếc thuyền đánh cá.
- Từ ngày ấy ông có gặp lại họ không?
- Không.
- Ông không biết gì về số phận của Bá tước Peyrac sau khi ông ấy chạy trốn ư?
- Không.
Nàng lại nhìn vào đôi mắt, rồi hơi rụt rè hỏi:
- Sau đó mấy năm Cha có đến Paris để hỏi thăm tin tức của tôi phải không? Ai phái Cha đến?
- Thế ra bà biết về việc tôi đến thăm Đêgrê?
- Chính ông ấy bảo tôi.
Nàng sốt ruột chờ đợi Cha nói và khi thấy Cha ngập ngừng, nàng nhắc lại khẩn thiết: “Ai phái Cha đến?”
Cha tuyên úy thở dài:
- Thú thật là tôi không hề quen biết ông ta. Việc này xảy ra tại Marseille cách đây nhiều năm, lúc đó tôi đang bận bịu với bệnh viện tù nhân. Một thương nhân Arập trong số những người thường lai vãng đến cảng này đến gặp tôi. Anh ta bí mật báo cho tôi có một đám muốn biết về số phận của bà Bá tước Peyrac. Anh ta yêu cầu tôi đi thủ đô. Một luật sư tên là Đêgrê cũng như một số người khác mà anh ta cho tôi biết tên có thể cung cấp tin tức cho tôi. Để trả công họ sẽ cho tôi một số tiền khá lớn. Tôi nhận lời vì nghĩ đến các tù nhân đáng thương của tôi. Nhưng mọi cố gắng của tôi để tìm ra ai đã phái anh ta đến đều thất bại. Anh ta không chịu nói gì cả, chỉ cho tôi xem một chiếc nhẫn có gắn một con chim ruồi Topaz. Tôi nhận ra đó là một trong những chiếc nhẫn của Bá tước Peyrac. Tôi đi Paris để hoàn thành sứ mệnh. Ở đấy tôi được biết là phu nhân Peyrac đã trở thành vợ Hầu tước Plessis-Bellières, Thống chế của Đức vua. Bà ấy rất giàu có và có địa vị cao ở Triều đình, các con của bà cũng thế.
- Cha có sửng sốt khi nghe tin ấy không? Tôi đã tái giá trong lúc người chồng đầu tiên của tôi vẫn còn sống! Có lẽ lương tâm của Cha sẽ thanh thản hơn khi nghe tôi nói rằng Thống chế đã hi sinh ở Franche Comté, và sau đó tôi được coi như là hai lần quả phụ.
Cha Antoine không cảm thấy bị xúc phạm. Thậm chí ông còn khẽ mỉm cười nói rằng ông đã biết nhiều tình huống khá kỳ lạ, nhưng phải thừa nhận rằng chắc chắn Thượng đế đã dẫn dắt Angélique đi theo những con đường khúc khuỷu quanh co. Ông cảm thông sâu sắc với nàng.
- Thế là tôi trở lại Marseille và khi người thương nhân trở về tôi nói cho y biết những điều tôi thu thập được. T ngày đó tôi không biết tin tức gì về y. Tôi chỉ biết có vậy, đúng thế, thưa bà.
- Cái người Ả rập kia - Angélique hỏi - Y từ đâu đến? Cha có nhớ tên y không?
Cha tuyên úy nhíu mày, suy nghĩ.
- Nãy giờ - cuối cùng ông nói - tôi cố nhớ lại tất cả những gì tôi biết về y, tên y là Mohamed Raki, nhưng y không phải người Ả rập của vùng Biển Đỏ có xu hướng ăn mặc như người Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi những người ở miền duyên hải phía bắc châu Phi mặc áo choàng len gọi là burnous. Anh chàng này từ Algiers hay Marốc đến. Tôi chỉ biết có thế, chẳng còn gì để nói nữa. Còn một việc này, tôi nhớ có nói chuyện với y về một ông chủ của y mà tôi vừa sực nhớ ra tên: Ali Mektub. Tôi nói với y về một tên nô lệ Ả rập tôi biết ở trại lao dịch mà ông chủ giàu có của y đã mua lại tự do. Ali Mektub là một tay buôn bán lớn về ngọc trai, bọt biển và các loại nữ trang rẻ tiền. Ông ta sống ở đảo Crète và theo chỗ tôi biết thì nay vẫn ở đấy. Có lẽ ông ta có thể kể cho bà điều gì đó về người cháu của ông ta, Mohamed Raki.
- Ở Crète ư? - Angélique hỏi giọng tư lự.
Angélique và Flipot đi xuống khu cảng hi vọng tìm được một chiếc tàu có thể đưa họ đến các đảo vùng Mặt trời mọc. Hai người đang đi bỗng Angélique đứng lại dụi mắt ngỡ mình đang nằm mơ. Trước mặt nàng cách đó mấy bước là một ông già nhỏ bé vận quần áo đen, đang đứng trầm tư ở cạnh bến cảng, không hề để ý đến kẻ qua người lại và ngọn gió mistral đang quất mạnh vào chòm râu của lão. Qua cái mũ lưỡi trai thủy thủ, đôi gọng kính đồi mồi to, quần áo cổ lỗ và mấy cái lọ con con trong làn mây đặt dưới chân lão nàng biết chắc chắn đó là Savary, quan dược sư nàng vẫn gặp trong Triều.
- Thầy Savary - Angélique gọi to.
Lão giật thót mình đến nỗi suýt ngã xuống nước, mắt chăm chăm nhìn Angélique qua cặp kính.
- Thế ra là bà, nhà ngoại giao bé nhỏ của tôi! Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng sẽ gặp bà ở đây.
- Thế ư! Thật vậy, tôi có mặt ở đây hoàn toàn do một sự tình c
- Hừm, đúng là cơ may đã tập hợp các kẻ mạo hiểm lại với nhau. Bà tìm đâu ra một chỗ tốt hơn thế để xuống tàu lao vào những cuộc phiêu lưu kỳ lạ? Sớm hay muộn tham vọng của bà cũng sớm đưa bà đến Marseille thôi. Điều đó đã hằn trên trán bà. Bà có ngửi thấy các mùi hương làm ta ngây ngất của những bờ biển này không? Hương thơm của những chuyến đi biển diệu kỳ. Lão vung hai cánh tay lên hoan hỉ. Hương liệu, ôi hương liệu! Bà có đánh hơi thấy những nàng tiên cá đang quyến rũ những thủy thủ dũng cảm nhất không? - Lão bắt đầu tính trên đầu ngón tay: Gừng này, quế này, nghệ này, đinh hương, rau mùi, cari và ông hoàng của tất cả: Hồ tiêu! Hồ tiêu! - Lão lại thốt lên mơ màng.
.