Chương 134: Chương 04

Nàng phản đối viên sĩ quan lập tức chìa cho nàng xem một tờ lệnh có chữ ký của La Reynie, cảnh sát trưởng chỉ thị cho họ không được để Plessis-Bellières phu nhân rời thành phố.

“Lại Đêgrê bày ra chuyện này rồi!” Nàng nghĩ - Anh ta hoàn toàn có thể giúp đỡ nàng nhưng anh ta chẳng chịu. Anh ta sẽ cung cấp cho nàng mọi thông tin có thể được về vụ chồng nàng biến mất nhưng anh ta cũng sẽ làm mọi cách để thi hành lệnh của Đức vua.

Nàng nắm chặt tay và nghiến răng ra lệnh cho xà ích quay xe lại. Sự can thiệp vào những gì nàng muốn thực hiện đã khơi dậy bản năng chiế của nàng. Joffrey de Peyrac dù bơ vơ và bị truy nã vẫn tìm cách lọt được vào Paris. Được, nàng sẽ ra khỏi Paris ngày hôm nay cho mà xem.

Nàng cử người đến Saint-Cloud và sau đó chẳng bao lâu Florimond đã đến cùng với người bảo trợ. Người này cho biết: theo chỉ thị của nàng ông ta đã bắt đầu thương lượng về việc bán chức vụ của Florimond. Ngài đờ Lônê muốn mua cho cháu trai của mình và sẵn sàng trả giá cao. “Chúng ta sẽ bàn về chuyện ấy sau”. - Angélique nói. Nàng muốn trước khi bỏ đi và vì thế khiến Đức vua nổi giận phải lo chu tất cho các con mình khỏi bị phiền phức lôi thôi.

- Tại sao con lại phải bán chức vụ của con? - Florimond hỏi. Mẹ đã tìm cho con một việc tốt hơn rồi sao? Con có phải trở lại Versailles không? Con đang làm việc rất tốt ở Saint-Cloud. Ngay cả Hoàng đệ (em của vua Louis 14) cũng nhận thấy điều đó. Charles-Henri reo hò mừng rỡ khi gặp lại Florimond. Nó tôn sùng anh cả và Florimond cũng yêu quý em. Mỗi lần đến Paris, Florimond đều kiệu em trên vai và cho nó nghịch thanh kiếm của mình. Cậu ta mừng rơn khi nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp của Charles-Henri.

- Em con là đứa bé xinh nhất trần gian, phải không mẹ? Đúng ra Thái tử là nó, chứ không phải cái thằng đần độn kia.

- Florimond cháu nói năng phải thận trọng nhé, tu viện trưởng Lesdiguières nhắc nhở.

Angélique nhìn đi chỗ khác trong khi đó Charles-Henri tóc vàng mũm mĩm và hồng hào đang giương đôi mắt xanh đáng yêu chăm chăm nhìn ông anh trai da ngăm ngăm. Mỗi lần nhìn cái đầu xoăn tít của đứa con trai sinh với Philippe nàng đều cảm thấy bơ vơ và hối tiếc. Tại sao nàng lại lao vào cuộc hôn nhân ấy? Vừa rồi Joffrey de Peyrac có cử người về tìm nàng và qua người này ông được biết nàng đã tái giá. Quả là một tình thế bi đát không tìm ra lối thoát. Lẽ ra Chúa không nên để xảy ra một việc như thế.

Angélique mất rất nhiều công phu để giấu kín công việc chuẩn bị rời khỏi Paris. Nàng sẽ gửi Charles-Henri và chị bảo mẫu Barbe và các gia nhân khác đến lâu đài Plessis ở Poitou. Dù giận dữ Đức vua cũng không thể trút giận vào đứa bé và tài sản của cựu thống chế của mình. Nhưng đối với Florimond nàng có những kế hoạch khác, quanh co hơn. “Chắc chắn Đức vua sẽ rất giận ta” nàng tự nhủ như để trấn mình. “Nhưng làm sao Ngài có thể phản đối việc ta đi Macxili một chuyến? Ta sẽ trở về…”

Để đánh lạc hướng mọi sự nghi ngờ và để tỏ ra biết phục tùng nàng cho mời anh trai mình là Gonteran đến nói rằng nàng đã có thì giờ để cho họa chân dung hai con trai nàng. Trong khi nàng vật lộn với sổ sách kế toán, chỉnh đốn công việc chi tiêu, nàng nghe Florimond bịa ra nhiều chuyện để dỗ em trai:

“Thiên thần con với nụ cười Thiên sứ nhỏ, yêu quá đi thôi!”

Chú nhóc háu ăn, béo như cha xứ, yêu quá đi thôi!”

Rồi nàng nghe thấy giọng nói của Tu viện trưởng Lesdiguières “Florimond cháu không nên chế giễu như thế. Cháu có thái độ quá bất kính đấy. Cháu làm thế ta không yên lòng!” Chẳng chú ý đến ông, Florimond tiếp tục hát:

“Chú cừu non, gặm kẹo ngọt yêu quá đi thôi!”

“Ma trơi con, lắm trò quỷ, yêu quá đi thôi!”

Nó tiếp tục hát, nhại bản kinh cầu nguyện.

Charles cười lăn cười bò, Gonteran vẫn làu bàu như thường lệ, và hai mái đầu, cái vàng hoe, cái đen sẫm của hai đứa con trai Angélique hiện rõ nét dần trên bức vẽ, Florimond de Peyrac, Charles Henri du Plessis-Bellières mỗi đứa phản ánh hình bóng của một người đàn ông nàng yêu.

Một buổi tối khi Angélique đang ngồi trước lò sưởi thì Florimond đến bên nàng.

- Mẹ ơi - nó đi thẳng vào việc - Chuyện gì đã xảy ra thế? Con nghĩ rằng mẹ không còn là nhân tình của Đức vua nữa vì Ngài cứ giam lỏng mẹ ở Paris.

- Florimond! - Angélique thốt lên hơi bối rối - Việc gì đến con?

Florimond biết rõ bản tính thất thường của mẹ, và hết sức cẩn trọng để tránh gây ra chuyện rắc rối với mẹ. Nó kéo một chiếc ghế và ngồi dưới chân nàng ngước đôi mắt đen ngời sáng nhìn nàng một cách trìu mến. Nó biết rõ rằng như thế mẹ nó sẽ hoàn toàn bị tước vũ khí và phải khuất phục.

- Mẹ có phải là tình nhân của Đức vua không?

Angélique phân vân không biết có nên cho con trai một cái tát và chấm dứt ngay câu chuyện không nhưng rồi nàng tự kiềm chế, Florimond chẳng có động cơ gì xấu xa. Nó hỏi một câu hỏi mà mọi người ở trong Triều đang đặt ra; từ quan đại thần cho đến tên thị đồng hạng bét, tức là kết quả của cuộc “đấu kiếm” giữa Montespan phu nhân và bà Plessis-Bellières phu nhân ra sao? Nhưng vì bà thứ hai là mẹ nó nên nó quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là từ khi những tin đồn về vị trí cao sang của bà trong bậc thang sủng ái của nhà Vua đã nâng uy tín của nó trong các đồng sự. Các triều thần đang còn trong giai đoạn phôi thai này ra sức tranh thủ nó “Bố tớ bảo mẹ cậu bắt Đức vua làm gì cũng được”. Thằng d’Aumale bảo nó. Cậu đang gặp may! Sự nghiệp của cậu đã an bài. Chớ có quên bạn cũ nhé. Xưa nay lúc nào tớ cũng đứng về phía cậu, đúng không?”. Florimond ngẩng cao đầu tự cho mình là một cha Joséph, ông cố vấn đầy quyền lực của Richelieu. Nó hứa sẽ phong cho Bernard de Chateauroux chức thủy sư Đô đốc và phong cho Philippe d’Aumale chức Bộ trưởng chiến tranh. Thế mà giờ đây mẹ nó định đưa nó ra khỏi cung Hoàng đế, lại nói chuyện bán chức vụ thị đồng của nó cho các công chúa nhỏ tuổi, và lui về nghỉ hưu tại Paris cách xa Triều đình ở Versailles.

- Mẹ có làm phiền lòng Đức vua không? Tại sao?

Angélique đặt tay lên vầng trán nhẵn lì của con trai, rẽ mấy cuộn tóc dày và đen xõa trên đầu nó. Nàng cũng cảm thấy buồn man mác giống như cái ngày Cantor xin phép mẹ ra trận, cảm thấy choáng váng giống như bao bà mẹ khác khi nhận thấy con cái mình bỗng nhiên trở thành những người có quyền tự định đoạt và suy nghĩ theo cách riêng của chúng.

Nàng dịu dàng trả lời câu hỏi của Florimond.

- Đúng, mẹ đã làm phiền lòng Đức vua và Ngài rất giận mẹ.

Nó nhíu mày bắt chước vẻ hoang mang lo lắng nó vẫn nhìn thấy trên gương mặt các triều thần thất sủng. “Tai hại quá! Chúng ta sẽ ra sao bây giờ? Con xin đánh cược rằng mọi chuyện đều do con điếm Montespan sắp đặt cả. Đồ chó đ

- Florimond! Con ăn nói như thế đấy à?

Florimond nhún vai. Đó là kiểu người ta nói trong các phòng đợi của Triều đình. Bỗng nhiên nó có vẻ nhẫn nhục như thể nó đang đương đầu với thực tế, với quan điểm triết học của một kẻ đã từng chứng kiến bao cảnh thăng trầm.

- Con nghe nói mẹ sắp đi xa.

- Ai bảo con thế?

- Con chỉ nghe nói thôi.

- Chán thật. Tôi chẳng muốn bất cứ ai biết những dự định của tôi cả.

- Con sẽ không bảo cho ai biết cả, con xin hứa. Nhưng con cũng muốn biết mẹ định làm gì với con giờ đây khi mọi thứ đều đảo lộn cả, mẹ có định đưa con theo không?

Nàng cũng đã tính sẽ mang nó theo, nhưng sau đó lại thôi. Toàn bộ câu chuyện đều do số phận định đoạt. Thậm chí nàng cũng không biết làm thế nào để ra khỏi Paris, hay sẽ nhận được thông tin gì của cha Antoine ở Marseille, và việc đó sẽ xoay nàng theo hướng nào. Đem theo một đứa bé cho dù là một đứa trẻ linh lợi như Florimond có khi lại là một bất lợi.

- Thôi đi con trai của mẹ, ta nói chuyện nghiêm túc nhé. Điều mẹ định nó với con không hấp dẫn lắm đâu, nhưng đã đến lúc con phải nhét một ít hiểu biết vào cái đầu ngốc nghếch của con rồi. Mẹ có ý định giao phó con cho bác con, bác đã đồng ý cho con vào một trong các trường thuộc dòng chúa cứu thế ở Poitou. Tu viện trưởng Lesdiguières sẽ đi với con và sẽ tiếp tục làm cố vấn và người hướng dẫn cho con trong khi mẹ đi xa.

Quả thật nàng đã đi thăm cha Raymond de Sancé và năn nỉ ông chăm sóc Florimond nếu cần, và quan tâm đến việc giáo dục nó.

Florimond bĩu môi đúng như nàng dự kiến. Nó trầm tư một lúc lâu, đôi mày nhíu lại. Angélique vòng tay ôm hai vai nó để giúp nó nuốt trôi cái tin không vui ấy. Nàng sắp sửa thuyết trình cho nó nghe về những niềm vui được học hành và của cuộc sống ở trường, thì nó ngẩng đầu lên và nói rất nghiêm chỉnh:

- Được rồi, nếu trước mắt con tất cả chỉ có thế thì con thấy chỉ còn có một việc phải làm là đi tìm Cantor.

- Trời ơi, Florimond - Angélique thốt lên - đừng nói dại, lạy chúa! Con không định chết đấy chứ?

- Chắc chắn là không - Thằng bé bình tĩnh trả lời.

- Thế tại sao con lại nói đến cái chuyện khủng khiếp kia là đi theo Cantor?

- Bởi vì con muốn gặp lại em con. Con chán ngấy rồi. Con thà đi ra biển còn hơn cứ hát bằng tiếng la tinh với bọn dòng chúa cứu thế.

- Nhưng mà… Cantor đã chết rồi, Florimond ạ.

Florimond lắc đầu.

- Không, em con đi đến với bố con.

Angélique sắp ngất xỉu. Hay là nàng mất trí?

- Gì... gì cơ? Con nói gì vậy?

Florimond nhìn thẳng vào mắt mẹ:

- Đúng, bố con… bố kia… mẹ biết rồi đấy… cái ông mà người ta định thiêu sống ở Quảng trường Grève ấy.

Angélique im bặt. Nàng chưa hề nói với các con về chuyện ấy. Chúng không chơi với các con của Hortense, còn chị gái của nàng thì có xẻo tai cũng chẳng bao giờ nhắc đến vụ bê bối khủng khiếp kia. Lúc nào nàng cũng nhạy cảm trong việc tránh cho chúng phải nghe những câu chuyện đàm tiếu, lo lắng không biết sẽ phải nói gì với chúng khi chúng phát hiện ra tai tiếng và số phận của cha chúng. Nhưng chúng chưa hề hỏi nàng một câu nào về ông, và mãi đến lúc này nàng mới nhận thấy sự im lặng của chúng là bất thường. Sở dĩ chúng không hề hỏi nàng là vì chúng đã biết.

- Ai bảo con thế?

Như thế đã sắp xếp ý nghĩ của mình và chuẩn bị cho câu trả lời, Florimond ngập ngừng nhìn mẹ và quay về phía lò sưởi, nhắc cái cời than và xếp lại mấy thanh củi đang cháy ở quãng giữa. Mẹ nó sao mà ngây thơ thế! Và sao mà dịu hiền thế! Bao nhiêu năm rồi nó nghĩ mẹ nó là một người khắc nghiệt. Nó vẫn sợ mẹ nó và trước kia Cantor vẫn khóc bởi vì đúng vào lúc chúng hi vọng bà đến chơi với chúng thì bà lại bỏ đi. Nhưng gần đây nó nhận thấy mẹ nó cũng có những giây phút yếu đuối. Nó đã dò xét nỗi đau khổ ẩn sau nụ cười của mẹ, mà vì nó đã chịu đựng những nhận xét độc địa mà nó nghe người ta bí mật rỉ tai nhau về chuyện ai sẽ là người Đức vua sủng ái, nó đã có một thái độ chín chắn hơn về mẹ nó. Sẽ có ngày nó trưởng thành và ngay lúc đó nó sẽ bảo vệ bà.

Florimond quay nhìn mẹ với nụ cười rạng rỡ và dang hai tay ra như một người chiến thắng “Mẹ yêu quý…” nó thì thầm.

Nàng áp mái đầu quăn của nó vào lòng. Chắc chắn trên cả thế gian này không đâu có đứa bé xinh xắn hơn, đáng yêu hơn. Nó đã kế thừa cái duyên dàng hấp dẫn trời phú của Bá tước Peyrac.

- Con ơi con biết con giống bố con biết chừng nào không?

- Có, con biết. Cụ Pascalou bảo con thế.

- Pascalou! Hóa ra vì thế mà con biết!

- Cũng không hẳn thế - Florimond huênh hoang - Cụ Pascalou là bạn thân của chúng con. Ngày trước cụ thường thổi tiêu và đánh trống ếch cho chúng con nghe và kể cho chúng con mọi chuyện. Lúc nào cụ cũng bảo là con giống con người hào hoa phong nhã xấu số kia, người đã xây cất biệt thự Beautreillis. Cụ biết người ấy khi người ấy còn là một cậu bé và cụ nói là con giống người ấy như đúc chỉ khác ở chỗ mặt người ấy bị một vết sẹo do kiếm chém. Thế rồi chúng con xin cụ kể thêm về con người thần kỳ ấy, con người việc gì cũng làm được, thậm chí có thể biến bụi thành vàng. Giọng người ấy vô cùng hấp dẫn nên mỗi khi nghe ông hát người ta cứ đứng lặng, đến cả từng thớ thịt cũng ngừng cử động. Ông đấu kiếm với mọi kẻ thù. Cuối cùng người ta ghen ghét ông đến mức đã thiêu sống ông một cách hèn hạ tại Quảng trường Grève. Nhưng cụ Pascalou nói như chắc chắn ông đã trốn thoát, vì cụ Pascalou trông thấy ông khi ông trở về nhà ở đây sau khi mọi người nghĩ là ông đã chết. Cụ Pascalou vẫn bảo rằng cụ sẽ yên lòng nhắm mắt khi biết được con người vĩ đại, chủ cũ của cụ vẫn sống.

- Tất cả đều đúng, con ạ. Bố con vẫn còn sống, còn sống thật.

- Nhưng một thời gian dài chúng con không hề biết con người đó là bố chúng con. Chúng con hỏi cụ Pascalou ông ta tên gì nhưng ông cụ không chịu nói. Cuối cùng cụ cho chúng con biết một điều bí mật lớn: đó là Bá tước Peyrac, Hoàng thân Toulouse và Aquitaine. Con còn nhớ là hôm ấy chỉ có hai đứa chúng con với cụ ở trong phòng dành cho gia nhân. Tất nhiên Barbe cũng có mặt. Mụ nghe được câu chuyện thế là mụ nổi cơn tam bành lên. Mụ bảo cụ Pascalou là không nên kể cho chúng con những chuyện kinh khủng như thế. Có phải cụ muốn trút cái tội của người cha vào đầu bọn trẻ sau khi mẹ chúng đã cố gắng hết sức để cứu chúng khỏi số phận hẩm hiu không? Mụ cứ huyên thuyên như thế mãi, còn bọn con thì chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cả, cụ Pascalou cũng vậy. Cuối cùng cụ Pascalou nói: “Thưa bà có phải bà định nói hai đứa bé này là con ông ấy không?” Barbe há hốc mồm non như cá mắc cạn. Rồi mụ ta lắp bắp nom đến buồn cười. Nhưng mụ ngốc nghếch quá, cứ nghĩ như thế là xong. Chúng con cứ hỏi mãi mụ “Ai là bố chúng tôi, Barbe? Có phải Bá tước Peyrac không?”. Một hôm Cantor và con trói mụ vào một cái ghế trước lò sưởi rồi bảo mụ nếu mụ không cho chúng con biết sự thật và tất cả những gì mụ biết về ông bố thật của chúng con thì chúng con sẽ đốt hai gan bàn chân của mụ, như kiểu bọn lục lâm vẫn thường làm…

Angélique thét lên một tiếng kinh hoàng. Có thể nào hai đứa trẻ này đã chịu lễ ban thánh thể mà lại không xưng tội…! Florimond cười phá lên hồi tưởng lại tất cả mọi việc.

- Khi bắt đầu hơi bỏng một tí mụ phun ra hết, nhưng mụ bắt chúng con phải thề là sẽ không bao giờ hở môi với bất cứ ai. Chúng con đã giữ lời hứa, nhưng, chúng con vui sướng và tự hào cha chúng con đã thoát khỏi nanh vuốt của bọn người đê tiện. Thế rồi Cantor nảy ra ý định phải theo đường biển đi tìm cha.

- Tại sao lại theo đường biển?

- Bởi vì biển rộng bao la.

Vừa nói Florimond vừa khoát rộng cánh tay. Hình như nó nghĩ rằng biển lái gì nó không có ý niệm rõ rệt, nhưng đó là cái cổng đi vào các lãnh địa trong đó mọi ước mơ sẽ trở thành hiện thực. Angélique có thể hiểu được.

- Cantor có làm một bài hát - Florimond nói tiếp - Con không nhớ hết lời nhưng rất hay. Đó là câu chuyện về cha chúng con. Em con vẫn thường nói: Đi đâu em cũng sẽ hát bài này nhiều người sẽ nhận ra đó là cha và sẽ bảo cho em biết cha ở đâu…

Angélique cảm thấy cổ họng thắt lại và mắt nàng rưng rưng. Nàng có thể hình dung cảnh hai mẹ con đi tìm kiếm người hát rong nhỏ bé hát về sự tích của con người truyền thuyết ấy.

- Con không đồng ý với em con - Florimond nói - Con không muốn đi vì con rất thích công việc ở Versailles. Ta không thể đi xa trên đường sự nghiệp bằng biển cả, phải không? Nhưng Cantor đã đi; Barbe vẫn thường nói: “Chú ấy còn tệ hơn mẹ chú khi đã quyết tâm làm một việc gì”. Mẹ ơi, liệu em đã gặp cha con chưa?

Angélique xoa đầu vuốt tóc con trai, không đáp. Nàng không thế nào nhắc lại một lần nữa là Cantor đã hi sinh như các Hiệp sĩ của Chiếc giũa thần vì theo đuổi một bóng ma. Hiệp sĩ tí hon đáng thương! Chú bé hát rong đáng thương! Nàng có thể nhìn thấy khuôn mặt của nó, mắt nhắm nghiền, môi mím chặt, bập bềnh trôi trong lòng biển xanh trong sâu thăm thẳm chuồi đi như một hình ảnh chiêm bao.

- Bằng lời hát - Florimond thì thầm, cùng mải theo đuổi một dòng suy nghĩ.

Trước giờ nàng không hề biết cái gì đằng sau đôi mắt chân thật của nó. Thế giới tuổi thơ pha lẫn khôn ngoan và dại dột, đã từ lâu vượt xa phạm vi hiểu biết của nàng.

“Trẻ con đứa nào cũng có những ý nghĩ điên rồ” - nàng tự nhủ “điều tệ hại nhất là những ý nghĩ điên rồ của mình đã giúp chúng thực hiện ý nghĩ của chúng”.

Florimond ngồi im một lát, đoạn nó ngẩng đầu bối rối và buồn rầu.

- Mẹ ơi - Nó nói tiếp - Đức vua có lên án cha con không? Con đã nghĩ về điều này rất nhiều khiến con lo lắng vì Đức vua là một người công

Nó đau đớn nghĩ rằng Đức vua mà nó sùng bái có thể đã sai lầm. Để làm cho nó yên lòng, Angélique nói:

- Chính những kẻ đố kỵ đã hại cha con… Đức vua đã tha tội cho cha con.

- Ôi con vui sướng quá - Florimond kêu lên - Con yêu Đức vua, nhưng con còn yêu cha con hơn. Bao giờ thì cha con về? Đức vua đã tha thứ rồi, liệu cha con có được khôi phục lại chức tước của mình không?

Angélique thở dài. Lòng nàng trĩu nặng.

- Câu chuyện rắc rối vô cùng con ạ. Cách đây không lâu mẹ vẫn tưởng là cha con đã chết. Ngay cả bây giờ mẹ vẫn cứ ngỡ là mình đang nằm mơ. Cha con không chết mà trốn thoát và đã trở về đây tìm lại số vàng. Đúng là như thế, nhưng thật phi lí. Mọi cửa ô Paris đều được canh giữ. Cảnh vệ được bố trí khắp nơi trong nhà này. Làm sao cha con có thể lọt vào trong được?

Nàng nhận thấy Florimond nhìn mình với nụ cười đắc thắng. Đột nhiên nàng tin chắc thằng bé đã biết. Nàng ngạc nhiên thốt lên:

- Con biết rồi phải không?

- Vâng - Nó ngả người về phía nàng thì thầm - Đi theo đường hầm dưới giếng - Nó đứng thẳng dậy và nắm chặt tay nàng - Mẹ theo con.

Khi hai mẹ con đi dọc theo gian phòng dài, nó cầm lấy ngọn nến ở cạnh cửa ra vào và kéo mẹ nó xuống bậc thềm dẫn vào trong vườn cây ăn quả. Trong ánh sáng mờ mờ của trăng thượng tuần, hai mẹ con tiến theo các lối mòn giữa những rặng cam được tỉa theo hình tròn cho tới khi họ đến bức tường ở cuối vườn um tùm cây cỏ. Một cây cột gãy, một cái khiên dãi dầu năm tháng nằm trên chiếc ghế dài, cái giếng cổ có vòm bằng sắt tất cả gợi lại thời huy hoàng của thế kỷ mười lăm khi nơi này là một lâu đài đồ sộ với cơ man những mảnh sân nhỏ, các vua chúa nước Pháp sống ở đó.

- Cụ Pascalou chỉ cho chúng con lối đi bí mật - Florimond nói - Cụ nói chính cha con đã từng giám sát việc xây dựng con đường hầm cũ khi Người cho xây ngôi nhà. Cha con đã trả rất nhiều tiền cho ba người thợ xây để họ giữ kín chuyện này. Cụ Pascalou cũng ở đấy. Rồi cụ chỉ cho chúng con xem tất cả các thứ vì chúng con là con trai của cha. Mẹ nom kìa.

- Mẹ chẳng nom thấy gì cả - Angélique vừa nói vừa cúi xuống cái hố đen ngòm.

- Khoan đã mẹ.

Florimond đặt ngọn nến vào bên trong chiếc xô gỗ nẹp đồng treo ở ròng rọc, rồi từ từ hạ xuống.

Ánh đèn chiếu sáng bờ giếng ẩm ướt. Dây đến nửa chừng thì cậu bé thôi không dòng dây xuống nữa.

- Kia kìa! Nếu nghiêng hẳn người mẹ sẽ nhìn thấy một cánh cửa gỗ nhỏ bên thành giếng. Đó là lối ra vào. Khi chiếc xô dừng ngay phía trước, mẹ có thể mở cửa chui vào hầm. Nó rất sâu. Chạy dài dưới các nhà hầm của các nhà lân cận và dưới các thành lũy của pháo đài Bastille. Kết thúc bằng một lối ra ở ngoại ô Saint-Antoine và thông với các hầm mộ cổ và dòng sông Xen xa xưa. Nhưng khi cha con cho xây lại, cha con kéo dài nó đến tận rừng Vincennes. Ở đó sẽ có lối ra bên trong một nhà thờ nhỏ. Cha con thật sự nhìn xa thấy trước mẹ nhỉ?

- Làm sao con biết là đường hầm này vẫn còn dùng được? - Angélique thì thầm.

- Dùng tốt chứ! Cụ Pascalou đã bảo dưỡng chu đáo. Then cài cửa lúc nào cũng được tra dầu mỡ. Chỉ khẽ chạm là mở được ngay, và cái lò xo cửa ra đưa mẹ vào nhà thờ hoạt động rất tốt. Cụ Pascalou nói là phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng đợi ngày cha con trở về. Nhưng ngày ấy cha con không về, và cụ Pascalou, Cantor và con thỉnh thoảng lại đến đợi cha ở nhà thờ. Chúng con lắng nghe và hi vọng nghe tiếng chân của cha - tiếng chân Người què vĩ đại của xứ Lănggơđốc.

Angélique nhìn thẳng vào mặt con trai:

- Florimond, Cantor và con xuống giếng thật à?

- Thật chứ ạ - Florimond uể oải đáp - và không phải chỉ một lần đâu - Nó lại kéo cái xô lên, thở hổn hển vì phải ráng sức - Barbe thường vẫn ngồi đây đợi chúng con vừa đọc kinh vừa lần tràng hạtồn chồn lo lắng.

- Mụ điên ấy cũng biết chuyện này à?

- Mụ phải giúp chúng con kéo xô lên.

- Đáng lẽ mụ không bao giờ được cho phép các con làm cái việc nguy hiểm ấy. Thế mà mụ ấy chẳng nói gì với mẹ cả.

- Mụ chẳng dám đâu. Mụ đã sợ khiếp vía từ cái bận bị đốt lòng bàn chân rồi.

- Florimond con đáng bị đòn.

Florimond không đáp vì còn mải bận lấy cây nến ra khỏi xô. Cái giếng lại tối om và bí hiểm. Angélique đưa bàn tay vuốt mặt, cô bình tĩnh suy nghĩ.

- Có một điều mẹ không hiểu được - Nàng nói và suy nghĩ một mình - Thế làm sao cha con có thể ra khỏi giếng một mình chẳng có ai giúp đỡ?

- Không có gì - Ở thành giếng có những bậc thang bằng sắt nhằm mục đích đó. Song Pascalou không muốn chúng con sử dụng vì chúng con còn nhỏ quá, còn cụ thì già lắm rồi. Vì thế chúng con phải thỏa thuận với Barbe để mụ kéo chúng con lên, mặc cho mụ càu nhàu. Khi Pascalou biết lão sắp chết lão cho mời con đến. Lúc ấy con đang ở Versailles. Tu viện trưởng và con nhảy phóc lên ngựa và đến chỗ lão. Nhìn lão bộc qua đời buồn thật mẹ ạ. Con cầm tay lão đến giây phút cuối cùng.

- Thế là phải, con ạ.

- Lão bảo con: “Cậu phải trông nom cái giếng cho đến ngày ông chủ trở về” Con hứa sẽ làm. Cứ mỗi lần trở lại Paris con đều xuống giếng kiểm tra xem các máy móc có hoạt động không.

- Một mình à?

- Vâng, con chán Barbe lắm rồi. Vả lại nay con đã lớn rồi, đủ sức xoay xở một mình.

- Con xuống theo các bậc thang sắt?

- Vâng, dễ thôi, mẹ ạ.

- Tu viện trưởng có ngăn con không?

- Ông không hề biết. Ông ngủ say. Theo con, ông không nghi ngờ tí gì về chuyện ấy.

- Ngươi ta chăm sóc con cái chúng tôi cẩn thận như thế đấy - Angélique chua chát nói - Florimond này, một mình con ban đêm trong hầm tối như thế không thấy sợ sao?

Cậu bé lắc đầu. Giả dụ như nó cảm thấy sợ hãi nó cũng chẳng thú nhận. “Cha con ngày trước rất thích hầm mỏ, con nghe nói thế. Có lẽ vì thế con thích ở trong lòng đất”.

Nó ngẩng lên nhìn mẹ, rất khoái trá về vẻ khâm phục mà mẹ nó không thể nén được. Dưới ánh trăng, nàng nhận ra đôi môi trễ ra khinh miệt và đôi mắt đen ngời sáng cái vẻ tinh quái của người hát rong cuối cùng, vốn thích gây ra những vụ tai tiếng và làm đảo lộn sự thỏa mãn thấp thỏm của giới trưởng giả.

- Mẹ ơi, nếu mẹ muốn con sẽ đưa mẹ đi qua đường hầm.