Trong chớp mắt xung quanh trở nên yên lặng.
Lý thị đành phải giải thích: "Sáng nay Dương thúc bán đi chiếc xe ngựa kia, được hơn bốn trăm lượng. Mặt khác hắn mua lại hai chiếc, tốn hơn hai trăm lượng, còn lại đều ở đây. Ý của Thần ca là để con quản gia, con cứ cầm lấy đi."
"Nhiều như vậy sao?" Ngẫm lại nguyên chủ mười mấy năm tích trữ chỉ được hơn một trăm lượng. Chiếc xe ngựa này đáng giá nhiều tiền như thế. Nàng bật thốt lên: "Sớm biết vậy đã không trả lại chiếc xe ngựa kia..."
Lý thị: "..." Bị nàng nói như vậy, bà cũng cảm thấy thật đáng tiếc, đây lại là chuyện gì xảy ra?
"Dùng bữa đi!" Tống Cảnh Thần cắt ngang ảo tưởng không thực tế của Thẩm Dịch Giai, thản nhiên nói. Về phần tại sao lại để Thẩm Dịch Giai giữ tiền, Tống Cảnh Thần cho rằng như vậy có thể khiến đối phương cảm thấy mình được tín nhiệm, càng nhanh lộ ra dấu vết.
Ăn cơm xong không đợi Tống Cảnh Thần mở miệng, Lý thị đã dẫn theo Hạo ca và Hoan tỷ vào chiếc xe phía sau. Xe ngựa mới này chỉ có kích thước bình thường, cứ như vậy Thẩm Dịch Giai và Tống Cảnh Thần chỉ có thể đi chiếc xe phía trước.
Đây là lần đầu tiên nàng ở riêng với tướng công, nội tâm tiểu nhân của Thẩm Dịch Giai chính là đang ngửa mặt lên trời cười dài. Đáng tiếc Tống Cảnh Thần cũng không cho nàng cơ hội, vừa lên xe đã nhắm mắt dưỡng thần.
Thẩm Dịch Giai: "...". Có một câu MMP nàng không biết có nên nói hay không.
Lộ trình tiếp theo so với mấy ngày trước chậm hơn rất nhiều.
Nếu buổi trưa gặp thành trấn, Tống Cảnh Thần sẽ cho dừng lại dùng bữa mãi cho đến buổi chiều. Vì vậy mọi người sẽ ngủ lại quán trọ. Về phần ý kiến của đám người Lâm Mộc? Có quan trọng không?
Tuy rằng cũng phải chịu xóc nảy trong xe ngựa, nhưng tinh thần của mọi người rõ ràng đã tốt hơn không ít. Trên đường vừa đi vừa nghỉ ngơi, đợi đoàn người bọn họ tiến vào Lệ Châu đã là một tháng sau.
Tổ trạch của Tống gia nằm ở thôn Hạ Câu của trấn Thanh Bình, huyện An Dương, Lệ Châu. Nói là tổ trạch, thật ra lúc bé Tống Cảnh Thần cũng chỉ từng tới một lần khi còn chưa nhớ chuyện. Đó là thời điểm tằng tổ mẫu qua đời nhà họ đến phúng viếng, từ đó về sau Tống gia không còn ai trở về nơi này nữa.
Tống lão thái tổng cộng có hai nhi tử, lão Quốc công gia chính là trưởng tử.
Khi đó thiên hạ đại loạn, trượng phu và trưởng tử mười lăm tuổi của bà đều theo luật bắt trai tráng mà bị sung quân, chỉ còn lại tiểu nhi tử tám tuổi Tống Đại Hải và Tống lão thái sống nương tựa lẫn nhau.
Những năm đầu hai mẹ con họ sống có mấy phần gian nan. Sau đó trượng phu chết trận, được chút tiền trợ cấp, cộng thêm tiền lương của lão Quốc công cũng gửi hết về nhà. Bà cụ Tống cùng với đứa con trai ngược lại trở thành một gia đình giàu có trong thôn.
Có lẽ do trưởng tử không ở bên cạnh, Tống lão thái có chút cưng chiều đối với ấu tử sống nương tựa từ nhỏ với mình. Trong nhà lại dư dả, dần dần nuôi Tống Đại Hải thành một tên lưu manh ăn chơi lêu lổng, tham hoa háo sắc. Hắn ta ở trong thôn thường xuyên lẻn vào nhà của các quả phụ.
Thanh danh quá thối dẫn đến các cô nương con nhà lành chẳng ai muốn gả, bà cụ Tống vì hắn mà phải mua về một thê tử. Bà nghĩ rằng khi có con cái rồi hắn có thể thu liễm vài phần tính nết. Cô nương kia cái bụng cũng mắn đẻ, trong ba năm đã sinh cho Tống Đại Hải một trai một gái..
Đáng tiếc Tống Đại Hải chẳng những không thu liễm tính tình, mà động một chút lại về nhà đánh vợ. Cô nương đó bị Tống Đại Hải một lần say rượu sẩy tay đẩy ngã, cứ như vậy mà ra đi.
Vào lúc này cuộc chiến tranh dài đến mười năm cuối cùng cũng bình ổn lại. Đại Hạ vừa lập, lão Quốc công đã được phong làm Trấn quốc đại Tướng quân.
Chuyện đầu tiên ông muốn làm là đón bà cụ Tống và cả nhà em trai vào kinh thành sống. Đây vốn là một chuyện tốt, nhưng lão Quốc công không ngờ đệ đệ nhà mình lại là hạng người như thế.
Hỏi đến mẹ hai đứa nhỏ, bà cụ Tống liền viện cớ nói rằng nàng đã chết vì bệnh. Bọn họ đều là người nhà của mình, Tống lão Quốc công tất nhiên không hoài nghi.
Tống Đại Hải dám hoành hành bá đạo trong thôn nay đã đến kinh thành, còn có chỗ dựa lớn là Trấn quốc Tướng quân. Hắn không khác nào các khách làng chơi hay tiến vào thanh lâu, lại ngày càng không chút kiêng kỵ.