Chương 45: Chuyện quân ngũ

Ngu Thanh Nhàn nghe rất chăm chú, theo lời kể của Văn Thanh Yến, cô dường như nhìn thấy từng sinh mạng đang hiện ra trước mắt mình.

Giọng Văn Thanh Yến càng ngày càng nhỏ lại, đề tài cũng theo đó trở nên nặng nề hơn.

Ngu Thanh Nhàn hỏi Văn Thanh Yến:

"Anh có hối hận khi tham gia quân ngũ không?"

Văn Thanh Yến lắc đầu:

"Không hối hận, làm sao lại hối hận chứ? Quốc gia, có quốc rồi mới có gia, hơn nữa bọn phát-xít không phải là người, vô cùng tàn nhẫn, nếu để bọn chúng xâm lược thành công, cuộc sống của nhân dân cả nước không khác gì địa ngục."

"Lúc tổ quốc nguy nan, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm, chân trời phiêu bạt, ta không nhà." Sau lần đầu tiên đọc được câu nói này, Văn Thanh Yến đã coi nó thành niềm tin bất diệt.

Lúc chiến tranh, câu cuối cùng trong di thư anh mang theo bên người cũng là câu nói này, vì đất nước mà chiến đấu, anh chưa bao giờ hối hận.

Anh chỉ buồn phiền vì mình quá nhỏ bé, không thể làm được quá nhiều cho tổ quốc.

Nhưng không sao cả, anh còn có vô số đồng chí, vô số đồng bào.

Họ giống như mỗi hạt cát nhỏ bé, nhưng khi họ cùng chung một lòng tin, tập hợp lại với nhau thì sẽ trở thành sa mạc rộng lớn, không ai có thể lay động được.

Giây phút đó, ánh mắt Văn Thanh Yến sáng như sao.

Giờ phút này, Ngu Thanh Nhàn có nhận thức nhiều hơn đối với người đàn ông này, cũng như cuộc sống của quân nhân và chiến tranh.

Văn Thanh Yến còn tiếp tục nói, Ngu Thanh Nhàn cũng thêm phần sùng kính quân nhân của quốc gia này.

Cô càng nghe càng cảm thấy nhiệt huyết sôi trào, chưa từng có cảm giác này khi ở Thanh Vân Giới.

Thục Sơn Tông là nhà của cô, cô đương nhiên yêu thương tông môn của mình, yêu thương đồng môn của mình, nhưng đây giống một loại trách nhiệm được gánh trên lưng từ nhỏ.

Ngoại trừ đệ tử của cha cô và sư huynh muội đồng môn thì cô không quen biết ai cả. Họ có thể kề vai chiến đấu, cũng có thể tin tưởng lẫn nhau, nhưng tình huống vô số người cùng nhau nỗ lực vì một mục tiêu như Văn Thanh Yến kể cô chưa bao giờ gặp được.

Núi không cao lắm, chẳng mấy chốc họ đã leo lên đến đỉnh. Trên đỉnh núi có một chòi nghỉ mát hình bát giác được xây dựng từ thời cổ xưa, lúc họ đi lên đã có rất nhiều người ở đấy.

Họ có người ngồi trong đình nghỉ mát, có người ngồi trên chiếu bên ngoài, họ đều đang nói chuyện, dù có quen hay không cũng có thể nói dăm ba câu.

Có một vài thanh niên tìm nơi phong cảnh đẹp, dựng khung vẽ vẽ tranh, cảnh sắc phía xa xa dần dần thành hình dưới ngồi bút của họ.

Không biết Lục Mộc Tâm đã đến phía sau lưng họ từ bao giờ, nhìn rất nhập tâm, chưa bao giờ thấy cô bé chăm chú như vậy.

Lục Thủy Tâm theo người mới quen chạy khắp nơi.

Ngu Thanh Nhàn và Văn Thanh Yến tìm một nơi đứng nói chuyện.

Ánh mắt Ngu Thanh Nhàn đảo qua hai đứa con gái.

Lục Thủy Tâm nhìn thấy họ, chạy tới đòi nước uống, Lục Mộc Tâm nhìn đám thanh niên vẽ xong bức tranh mới đi tới.

Văn Thanh Yến nhìn cô bé hỏi:

"Mộc Tâm, cháu thích vẽ à?"

Ánh mắt Lục Mộc Tâm tỉnh thoảng vẫn còn nhìn về phía đám thanh niên kia, nghe vậy thì cô bé quay lại liếc nhìn Văn Thanh Yến rồi lại nhìn Ngu Thanh Nhàn.

"Con có thích không?" Ngu Thanh Nhàn hỏi cô bằng giọng dịu dàng.

"Thích ạ." Lục Mộc Tâm lớn như vậy, đây là lần đầu tiên cô bày tỏ sở thích của mình với người khác.

"Được, vậy mẹ cho con đi học vẽ." Với điều kiện kinh tế của họ, không phải là không học nổi.

"Vậy thì tốt quá, vợ của đồng đội tôi là cô giáo trường cao đẳng mĩ thuật ở Cáp Thị, cô ấy có chút danh tiếng trong giới mỹ thuật. Hai hôm nữa tôi rảnh sẽ dẫn Mộc Tâm đến gặp cô ấy. Nếu có thể nhận cô ấy làm thầy là tốt nhất, nếu không thì để cô ấy đề cử cho Mộc Tâm một vài thứ cần dùng trong học vẽ." Văn Thanh Yến lập tức nói.

Ngu Thanh Nhàn liền nói chuyện với anh về cô giáo dạy mỹ thuật kia:

"Hai đứa nó sắp thi, đợi thi xong rồi đi."

"Được, ngày mai đi làm, tôi sẽ nói trước với đồng đội."

Lục Mộc Tâm cầm chai nước, cười vô cùng rạng rỡ, hai mắt sáng lấp lánh.

Bầu trời trên đỉnh đầu xanh ngắt, mây trôi qua trắng ngần, phong cảnh đỉnh núi vừa nên thơ vừa mát mẻ, ánh mặt trời rực rỡ, bên tai là mẹ đang hỏi những tri thức mà cô bé muốn học.

Cuộc sống thế này đẹp biết bao.

Không có việc nhà chồng chất như núi, không có tiếng chửi bới ngày đêm không ngừng nghỉ, cũng không có những ánh mắt kỳ dị theo như hình với bóng.

Thật sự hy vọng cuộc sống cứ tiếp tục như thế này...

Giang Bảo Quốc bị đánh một trận, cuối cùng cũng yên, không dám lượn lờ trước mặt Ngu Thanh Nhàn nữa.

Thời gian trôi như thoi đưa, thoáng cái đã đến tháng bảy, Lục Mộc Tâm và Lục Thủy Tâm phải thi.

Hai cô bé biết được tầm quan trọng của việc đi học hơn bất cứ ai, chỉ cần có thời gian là hai chị em sẽ tập trung vào ôn tập.

Căn bản của hai chị em không ổn lắm, cho nên không biết từ lúc nào Văn Thanh Yến đã trở thành giáo viên phụ đạo của hai chị em.

Vừa vặn Văn Thanh Yến cũng bận rộn công việc xong, rất rảnh rỗi, vô cùng tình nguyện làm việc ấy. Thời gian này, anh thường xuyên ở chung với Ngu Thanh Nhàn.

Chẳng mấy chốc đã đến ngày thi, hôm nay Ngu Thanh Nhàn dậy rất sớm, cô nhóm lửa đun nước, bà Lục thì mang một chậu bánh quẩy tới.

Bà ngồi trước bếp giúp Ngu Thanh Nhàn nhóm lửa:

"Lúc trước Thanh Yến đi học, cứ đến kỳ thi là bảo thím rán bánh quẩy cho nó, nói ăn một cái bánh quẩy và hai quả trứng gà là có thể được một trăm điểm. Nhưng những thứ này nó lại ăn không đủ no, cho nó thêm bát cháo lại bảo sẽ phải đi vệ sinh nhiều, không tiện. Lúc đó thím lại bảo nó ăn bát mì khô."

"Trời còn chưa sáng đã phải bận đi làm, đợi nó ăn xong đi học là vừa kịp chuyến, rất giày vò người ta, nhưng nhìn nó cầm thành tích về, thím lại cảm thấy bao nhiêu khổ cực cũng đáng giá."

Ngu Thanh Nhàn rất tò mò với cuộc sống lúc đó của Văn Thanh Yến:

"Thành tích của anh ấy tốt vậy à?"