Chương 42: Có lời

Ngu Thanh Nhàn có chút tiếc nuối vì nhà vệ sinh của mình là loại xả nước, và cô cũng không nuôi heo.

Trên mặt Văn Thanh Yến mang vẻ chờ mong, Ngu Thanh Nhàn mỉm cười đáp:

"Được rồi."

Nghe thấy cô không từ chối, Văn Thanh Yến mỉm cười.

Khi anh cười rộ lên không giống bình thường lắm, nhất là hai bên má còn có lúm đồng tiền.

Khí chất vốn nghiêm nghị cũng bớt đi vài phần vì hai má lúm đồng tiền này, lại thêm phần đáng yêu.

"Vậy tôi về đây."

"Đi đi."

Văn Thanh Yến về đến nhà, nụ cười trên mặt còn chưa tan hết.

Bà Lục nhìn thấy, biết ngay anh đã có tiến triển rất lớn ở bên phía Ngu Thanh Nhàn, trong lòng vui như mở cờ.

Nghỉ trưa một lúc, bà Lục không chờ nổi, chạy sang nhà Ngu Thanh Nhàn.

Ngu Thanh Nhàn đang đóng để giày, bà Lục bèn giúp cô cùng làm.

Ngu Thanh Nhàn bôi hồ lên phần đế giày, sau đó đặt một miếng vải sạch lên trên, lại bôi thêm một lớp hồ nữa lên trên miếng vải.

Bà Lục từ chỗ Văn Thanh Yến biết được Giang Bảo Quốc đến tìm ba mẹ con gây sự, trong lòng đầy giận dữ, mắng anh ta một trận, sau đó lại khéo léo nói tốt cho con trai nhà mình.

Ngu Thanh Nhàn nhạy bén đến mức nào chứ, nghe vậy là biết ngay Văn Thanh Yến đã kể hết cho bà Lục nghe.

Cô không khỏi quay sang nhìn bà Lục.

Bà Lục là người thẳng thắn, lập tức nói luôn:

"Thanh Nhàn này, thím cũng không giấu gì cháu, thằng bé nhà thím có ý với cháu. Thím là mẹ, cũng muốn tác hợp hai đứa."

Nói đến đây bà Lục lại vỗ đùi một cái:

"Cũng do thằng ranh kia kín miệng, nếu không thím cần phải mất nhiều thời gian cho nó đi xem mắt làm gì?"

Bà Lục rất hối hận, lúc trước bà chưa từng nghĩ đến chuyện tác hợp cho con trai nhà mình với Ngu Thanh Nhàn thành một đôi, thứ nhất là vì Ngu Thanh Nhàn đã tỏ rõ sẽ không tái giá, thứ hai là con trai nhà mình cũng không có tình cảm đặc biệt gì với Ngu Thanh Nhàn.

Nếu sớm biết con trai mình có ý định với người ta như thế thì dù phải xấu cái mặt già này, bà cũng sẽ tác hợp cho hai đứa.

Sắc mặt bà Lục chợt thay đổi, mặc kệ Ngu Thanh Nhàn nghĩ mình thế nào, bà vừa đóng đế giày, vừa kể lại những chuyện từ nhỏ đến lớn của Văn Thanh Yến.

Ngu Thanh Nhàn cảm thấy không giống lúc trước cùng bà Lục nói chuyện về Văn Thanh Yến.

Lúc trước bà Lục nói đến Văn Thanh Yến, phần nhiều là châm chọc anh, lúc này lại toàn là khen ngợi.

Ngu Thanh Nhàn nghe một lúc, cũng cảm thấy thú vị.

Hai người trò chuyện với nhau rất vui vẻ.

Cuối cùng, bà Lục nói với Ngu Thanh Nhàn:

"Thanh Nhàn à, thím đã ở tuổi này rồi, Thanh Yến cũng không còn trẻ nữa. Thím chỉ muốn tìm cho nó một người bạn. Nó không có anh chị em, thím sợ lúc mình và ông lão đi rồi, một mình nó lẻ loi hiu quạnh."

"Lúc trước nó tham gia quân ngũ ở bên ngoài, sống chết không rõ, bây giờ trở về rồi, người làm mẹ như thím luôn muốn sắp xếp cho nó một mối tử tế. Cho nên lúc trước mới giới thiệu nhiều đối tượng cho nó như vậy. Cháu cũng đừng để ý."

"Nếu cháu thật sự ở bên Thanh Yến thì thím rất yên tâm. Thím cũng rất yêu quý hai cô bé Mộc Tâm Thủy Tâm, nếu hai đứa nó trở thành cháu gái của thím, thím nằm mơ cũng có thể cười tỉnh."

"Thím cũng không bắt cháu sinh con, cháu muốn sinh thì sinh, không muốn thì thôi, đều tùy cháu, thím không ép." Bà Lục cũng không đặt nặng chuyện cháu đích tôn.

Lúc còn trẻ bà khó mang thai, gả cho ông Văn ba năm mới có thai Văn Thanh Yến, lúc mang thai còn bị nghén lên nghén xuống, nôn từ lúc có thai đến lúc sinh con, ăn cái gì cũng không thấy ngon.

Văn Thanh Yến sinh ra được hơn hai cân, nhỏ xíu, mấy bận bà tưởng đứa bé này không nuôi sống nổi.

Nếu sớm hơn mười năm, bà nhất định hi vọng con dâu sinh cho mình một đứa cháu trai. Nhưng bao năm qua bà Lục đã sớm nhìn thông suốt rồi, cũng giống như ông Văn thường xuyên khuyên bảo bà, con cháu có phúc của con cháu.

Ngu Thanh Nhàn thực sự không ngờ nói chuyện một lúc, bà Lục lại đưa đề tài đến tận chuyện sinh con rồi.

Người tu chân có tu vi càng cao thì con nối dõi càng ít, vì vậy họ càng coi trọng chuyện con nối dõi.

Ngu Thanh Nhàn không bài xích chuyện sinh con, nhưng cô chưa chuẩn bị sẵn sàng.

"Thím ơi, chuyện này, cứ để thuận theo tự nhiên đi."

Không mở miệng ra đã từ chối ngay thì vẫn còn hi vọng, bà Lục thả lỏng cả người, nụ cười trên mặt không sao hạ xuống được.

Sau khi quay về từ nhà Ngu Thanh Nhàn, bà bảo ông Văn đi ra chợ mua vải hoa về, bà phải may quần áo cho cháu gái của bà.

Ông Văn vào thành phố, đi tới đi lui trong tiệm vải. Ông cảm thấy màu này cũng đẹp, màu kia cũng xinh, mãi không quyết định được.

Bà chủ tiệm vải đi đến bên cạnh ông hỏi:

"Ông ơi, ông muốn mua vải gì? Mua cho ai đấy?"

Ông Văn mỉm cười:

"Mua cho cháu gái."

"Cháu gái à? Màu này với hoa văn này đẹp." Bà chủ tiệm vải chỉ vào một mảnh vải màu hồng hoa nhí.

Ông Văn lắc đầu:

"Không hợp, không hợp, hai cháu gái nhà tôi sắp học trung học rồi, loại vải hoa này mặc ở nông thôn còn được, mặc tới trường sẽ bị chê cười."

Bà chủ tiệm vải mỉm cười, sao lại chú ý thế chứ? Có vải hoa mặc đã không tệ rồi.

Nhưng có người đến mua hàng, lý nào lại đẩy đi chứ?

"Vậy ông xem loại này đi, đây là loại kẻ thịnh hành năm nay. Không phải tôi khoác lác đâu, con cái trong nhà cán bộ chính phủ đều mặc loại quần áo này đi học." Bà chủ chỉ vào một cuộn vải kẻ trắng đen cho ông Văn xem.

Con trai nhà mình cũng là cán bộ chính phủ đây, ông Văn hớn hở nói:

"Cái này đẹp, cái này đẹp, lấy cái này đi."

"Đều lấy hết đi, mùa hè may váy, mùa thu làm áo khoác, mùa hè làm áo bông." Trong tay ông Văn có tiền, lúc ra ngoài đã nói với bạn già, bảo ông cứ mua đồ tốt, đừng mua đồ rẻ.