Chương 6: Vợ cũ

Khẩu hiệu thì hô rất to, nhưng thực ra ai có mắt cũng thấy rõ sự nhơ nhớp bên trong.

Thực ra những chuyện như thế này cũng không phải là lần đầu tiên thấy, nhưng Trần Đức Mậu là người ngay thẳng, không vừa mắt những kẻ có vấn đề về nhân cách nên lập tức chú ý đến Chu Bằng. Sau khi nhìn thấy ở các mặt anh ta cũng không xông xáo nổi trội, ông đã thêm anh ta vào danh sách xuất ngũ.

Đây không phải là cố ý nhắm vào, nhưng theo ông, một người đến gia đình nhỏ của mình cũng không chung thuỷ được thì đừng nói gì đến trung thành với Tổ quốc.

Nếu như người khác hiểu lầm ông và Chu Bằng là cùng một loại người, chắc chắn Trần Đức Mậu sẽ đen mặt.

Nhưng đây lại là con gái ruột của ông... Ông chỉ có thể bất đắc dĩ giơ tay xin hàng gật đầu với cô gái nhỏ rồi bắt đầu kể cô nghe về chuyện của ông với vợ cũ.

Theo như Trần Lộng Mặc thấy, chuyện của cha cô không phức tạp, cũng không giật gân kịch tính như những gì cô đã tưởng tượng.

Năm 1940, Trần Đức Mậu mười tám tuổi kết hôn với Tào Thu Hoa hai mươi hai tuổi nhà hàng xóm. Hai người đính hôn theo sự sắp đặt của cha mẹ.

Thời buổi ăn được miếng no cũng khó, nhà nào trong làng cũng vậy, cứ đúng tuổi lấy chồng, chẳng ai thèm để ý mấy chuyện yêu đương nhắng nhít vốn chỉ là thú vui của người giàu.

Trong khi Tào Thu Hoa tám tuổi đã ra đồng nai lưng làm việc, có thể coi như là một nửa người lao động thì Trần Đức Mậu bốn tuổi vẫn bỏ củ cải nhỏ vào cái quần thủng đáy.

Nếu nói nghiêm túc, Tào Thu Hoa là người nhìn Trần Đức Mậu trưởng thành.

Quen biết nhau từ nhỏ do đó sau khi kết hôn, cả hai sống rất tốt, nội ngoại hai bên càng yêu thương nhau hơn.

Vốn nghĩ rằng có thể bên nhau tốt đẹp mĩ mãn cả đời, nhưng vào lúc Tào Thu Hoa đang mang thai được bốn tháng, một chuyện không may đã xảy ra.

Giặc ngoại xâm tràn vào trong thôn cướp lương giết người, hơn nửa người dân trong thôn đã ngã gục dưới bàn tay tàn ác của kẻ thù.

Khi đôi vợ chồng trẻ đến bệnh viện thị trấn để kiểm tra sức khỏe, thoát được kiếp nạn trở về, từ sáng sớm đến khi trời chạng vạng, chỉ trong một ngày ngắn ngủi, nhân gian đã trở thành địa ngục.

Trừ đôi vợ chồng trẻ ra, hai gia đình không còn một ai sống sót.

Một đòn choáng váng như vậy khiến ngay cả Tào Thu Hoa là người cứng rắn lanh lẹ cũng bị kích thích suýt nữa sảy thai.

Sau đó hai người chôn cất người nhà xong xuôi, trong lòng hừng hực thù hận, dồn tất cả sức lực để báo thù. Thương lượng bàn bạc xong, Trần Đức Mậu đi nhập ngũ.

Sức khoẻ của mẹ Trần Đức Mậu không tốt, ông là con một trong nhà, tài chính tương đối khá hơn nên cũng đi học, đã theo học một trường cấp ba được một năm. Vào những năm bốn mươi, chắc chắn ông được liệt vào hàng học sinh xuất sắc. Sau khi đi lính rồi, không mất bao lâu lại được đưa đi bồi dưỡng trọng điểm.

Nhưng lúc ấy chiến tranh kháng Nhật diễn ra ác liệt, thông tin lưu hành cũng rất kém. Trần Đức Mậu liên tục di chuyển theo toàn quân, một năm cũng không chắc viết được một bức thư gửi về nhà.

Nhưng có thể gửi thư, thậm chí một lá thư mỗi năm vẫn là một giấc mơ.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào năm 1943.

Năm thứ ba, Tào Thu Hoa dẫn con trai đến thôn, nhận được tin Trần Đức Mậu qua đời.

Trong những năm đó rất nhiều anh hùng đã chết, Tào Thu Hoa không chịu tin, một mình nuôi con nhỏ chờ thêm bốn năm nữa mới hoàn toàn chết tâm, chấp nhận sự theo đuổi của một người thợ săn vẫn luôn một mực âm thầm giúp đỡ bà ấy, gả đi một lần nữa.

Không lấy chồng là không thực tế, từ xưa đến nay goá phụ luôn phải chịu rất nhiều lời ra tiếng vào, huống chi là một goá phụ còn trẻ trung xinh đẹp.

Nếu năm đó người dân còn lại trong thôn không đoàn kết và không có cả sự giúp đỡ âm thầm của người thợ săn, cuộc sống đã cơ cực của Tào Thu Hoa sẽ ngày một khó khăn thêm.