Chương 28: Món “cạc cạc” (1)

Ngày đầu tiên đi học, Ô Đào rất là hoa mắt, cũng may là có Mạnh Sĩ Huyên đã giúp cô bé rất nhiều thứ. Có cái gì không hiểu, Mạnh Sĩ Huyên đều sẽ giải thích cho cô bé.

Ô Đào cũng rất nhanh đã quen biết với hai bạn nam ngồi ở hàng cuối cùng cùng với Mạnh Sĩ Huyên, một bạn tên là Vương Vân Đức, một bạn là Trình Văn Siêu, hai cậu này khá nghịch ngợm, bình thường cũng không cố gắng học tập mấy.

Nghe bọn họ nói, điểm thi của trường là thang điểm năm, năm điểm là lớn nhất. Người giống như Vương Vân Đức, Trình Văn Siêu và Mạnh Sĩ Huyên thì sẽ được khoảng chừng ba điểm, còn ai mà chép bài gian lận, có thể làm đến bốn điểm.

Nhưng mà giáo viên đều một mắt nhắm một mắt mở cho qua, dù sao thì ở thời đại này, trẻ con nghịch ngợm gây sự giáo viên cũng không dám quản, tùy các người muốn làm gì thì làm. Dù đang học mà đi ra ngoài chơi cũng được, chỉ cần không ảnh hưởng đến bạn học khác, giáo viên cũng mặc kệ.

Sau khi tan học, Ô Đào đeo bọc sách về nhà. Trên đường đi, thật sự là rất lạnh, mặt bị gió thổi, lạnh như bị kim đâm. Cô bé lúc này mới nhớ ra, hình như trong phòng học không lạnh, vô cùng ấm áp.

Thế là cô bé nhớ lại, ở trước phòng học, ngay bên cạnh bục giảng hình như có một cái lò, cái lò kia đốt than đá, đốt rất nhiều, hèn chi lại ấm áp như thế.

Cô bé liền bắt đầu cảm thấy thích thú, nghĩ thầm đi học thật tốt. Đi học thì sẽ có thể hưởng thụ phòng học ấm áp, không cần lo lắng mùa đông lạnh.

Cô bé nghĩ như vậy rồi bước nhanh về đến nhà, lúc này trong viện đã có người trở về nhà bắt đầu nấu cơm. Trong bầu không khí khô lạnh, khói bếp nổi lên bốn phía, đồ ăn thơm từ các nhà bay ra, điều này khiến bụng Ô Đào kêu lên ọt ọt.

Cô bé lập tức bắt tay vào nấu cơm, bữa nay cô bé sẽ làm món “cạc cạc.”

Món “cạc cạc” là một món làm từ bột bắp, vào lúc trời lạnh ăn cái này là thích hợp nhất. Ô Đào nhớ kỹ mấy năm trước mình còn nhỏ, thành phố Bắc Kinh lạnh đến mức chết cóng cả người, cô bé nhặt lõi than trở về, vô cùng ngóng trông ăn một bát “cạc cạc” nóng hổi.

Trước tiên cô bé múc bột bắp thô ra khỏi hũ sứ, múc khoảng hai bầu rưỡi bột bắp, sau đó cho thêm mấy muỗng nhỏ bột mì, rồi liền lấy phích nước nóng đổ nước vào bên trong, dùng nước nóng để nhào trộn bột. Cô bé chậm rãi dùng đũa trộn, chờ hết nóng, bột liền rắn lại. Cô bé múc cục bột ra, cho lên trên thớt, dùng dao chặt thành lát mỏng, sau đó liền dùng sống dao để đập.

Cô bé sức yếu, nhưng mà rất có kinh nghiệm đập, hai cánh tay nắm chặt cái dao dùng sống dao đập.

Đập “bộp bộp bộp”, đập đến khi nào bột chắc chắn, phần mặt bóng loáng trơn trượt thì coi như là đập xong.

Cô bé lại bắt đầu dùng dao để thái, thái thành những sợi rất nhỏ. Bột bắp này vốn vàng óng ánh, bây giờ thái thành những sợi nhỏ nhìn cũng vàng óng ánh, trông rất là đẹp mắt. Ô Đào lại rải một ít bột bắp lên, đặt vào chậu sứ, ôm chậu bắt đầu lắc. Cô bé lắc rất phí sức, nhưng mà cũng không cảm thấy mệt mỏi.

Sau khi lắc xong, cô bé không vội làm, chỉ đặt vào chỗ cũ.

Chờ mẹ và anh trai trở về, cho cái này vào nước sôi, đun sôi bỏ ra, xào cùng hoa hẹ và đậu rang muối rán là có thể ăn rồi.

Cô bé lại quét dọn nhà cửa một lượt, sau đó liền xách giỏ trúc lên ra ngoài nhặt lõi than.

Lúc ra cửa liền gặp được Phan gia.

Phan gia là một lão đầu bếp làm ở Cục điện lực, làm đã rất nhiều năm, có không ít đệ tử. Gia cảnh ông cũng tốt, nhưng mà ông không con không cái, thân thể bà Phan lại không ổn, luôn cảm thấy già rồi mà không có ai nương dựa. Cho nên tiền bạc được dùng rất kĩ lưỡng, bình thường một phân tiền đều tách ra thành hai bên để tiêu.

Hiện tại Phan gia đã tan việc, đang đứng ở ngay trước cửa sân hút thuốc, nhìn thấy Ô Đào, thuận miệng hỏi: "Hôm nay Ô Đào đi học hả? Thành người văn hóa rồi chứ gì?”

Ô Đào nhếch môi, cười nói: "Mới học một ngày ạ, con chẳng hiểu gì hết, phải chậm rãi học ạ.”

Phan gia gật đầu: "Rất tốt, rất tốt, học văn hóa, về sau sẽ có tiền đồ.”

Bên cạnh, mẹ của Thuận Tử đang ở trong sân giặt quần áo, nghe lời này bèn nhếch miệng: "Đây không phải là làm loạn sao, sắp tết đến nơi rồi còn đưa đi học? Lãng phí không ít tiền! Theo cháu thấy, mẹ Ô Đào cũng vờ ngốc mà thôi! Còn ngại cuộc sống không đủ khổ hay sao?”