Chương 4: "Lan Và Điệp"

Cô Thủy và cả lớp đang nhìn chằm chằm Hoài Lan và Hồ Điệp, người tung kẻ hứng vô cùng nhịp nhàng. Có vài tiếng xì xào nổi lên, nào là “thấy hai vợ chồng nó bênh nhau ghê chưa?”, hay “Bình thường không thấy tụi nó nhiệt tình với nhau, gặp chuyện cái là thành đôi liền.”

Hoài Lan tức giận ngồi xuống rất mạnh, mạnh đến nổi nó cảm thấy xương hai bên hông phát ra âm thanh của sự nức vỡ, khiến nó khẽ kêu lên “úi da”. Nó chống cầm, không thèm quan tâm chuyện của Điệp nữa, cứ mặc cho nó tự giải quyết còn hơn mang danh “bạn gái của Điệp”.

Hồ Điệp bất mãn nhìn cả lớp, nhìn luôn sự vô tình mà họ đang dành cho mình. Chỉ vì giờ ra chơi nó không ra khỏi lớp, liền bị quy chụp cái mũ “ăn trộm” lên đầu. Ngay cả khi lục soát cả cặp sách lẫn túi quần nó thì người ta vẫn chưa tin nó vô tội. Họ còn hạch họe người duy nhất đứng về phía nó là Hoài Lan, khiến cô nàng cũng bỏ mặc nó luôn.

Hồ Điệp hừ lạnh. Nếu họ đã vô tình với nó như thế thì nó đừng nên suy nghĩ cho kẻ biến nó thành ăn trộm nữa. Dù kẻ này có bao nhiêu lý do biện minh cho hành vi ăn cắp, còn vu oan cho nó là gì, nó cũng không muốn tha thứ đâu. Nó quyết định nói lời cuối cùng:

“Nếu em nói em biết thủ phạm là ai thì sao cô? Người đó không những ăn cắp mà còn hả hê khi em bị tình nghi, em khai cái tên của bạn đó ra thì bạn đó có bị đuổi học hay không?”

Cả lớp nghi ngờ nhìn Hồ Điệp, ngay cả Hoài Lan cũng không tin nó có thể tìm ra hung thủ lấy trộm số tiền kia. Cô Thủy hứa với nó nếu bắt được người lấy trộm tiền sẽ đình chỉ một tuần. Lan thấy Điệp chỉ cười cười, rõ là nó không quan tâm kẻ đó có bị đình chỉ hay không, chỉ cần nó khai cái tên người đó ra, những tháng ngày về sau của người đó trên ghế nhà trường không mấy tốt đẹp đâu.

Rồi đột nhiên, ở cuối lớp truyền lên tiếng kêu của Hoa, người ngồi gần Nga. Cô bạn này lượm được sấp tiền được gói rất gọn gàng của Nga ở dưới chân ghế. Nhỏ Hoa đưa cho cô Thủy và nói:

“Em thấy nó ở dưới đất nè cô.”

Cô Thủy lấy sấp tiền và công bố Hồ Điệp không phải kẻ trộm và rày la Nga một trận vì tội không cẩn thận để rơi tiền, còn nghĩ oan cho Điệp lấy cắp. Cô Thủy cũng bắt Nga phải nói lời xin lỗi Điệp.

Điệp thấy số tiền đã được tìm ra, nên lặng lẽ ngồi xuống, không còn muốn truy tìm thủ phạm đến cùng nữa. Mọi người đều biết hung thủ sợ bị phát hiện nên mới ném cục tiền đi. Hoài Lan rất thắc mắc người lấy trộm tiền là ai, rõ ràng thằng Điệp biết, nhưng nó lại câm như hến. Cho đến bây giờ vẫn không ai biết người lấy trộm tiền của Nga là ai.

Vụ án trộm tiền quỹ vừa khép lại, cặp đôi Lan và Điệp càng bị chọc nhiều hơn trước. Người ta còn nói cái câu: đồng vợ đồng chồng tát cạn biển Đông nữa cơ. Đúng là đáng ghét không tả nổi. Kể từ hôm đó, Hoài Lan không bao giờ bắt chuyện với Điệp thêm câu nào nữa, cô sợ lời đồn về chuyện tình Lan và Điệp lại càng lan ra. Lâu lâu cô mới quay sang mượn cây viết, rồi lại mượn cuốn tập chép bài thôi.

Trong năm đó Hồ Điệp còn phá được một vụ án khác: vụ án con mèo chết trong phòng bác bảo vệ. Con mèo của Nhàn, lớp học kế bên lớp của Hoài Lan. Ngay hôm đó, Nhàn tự dưng đưa con mèo vào trường học, vì sợ bỏ mèo ở nhà thì mèo đói mà chết. Nhưng Nhàn sợ thầy cô biết Nhàn mang theo con mèo, nên đã lén để mèo lại đằng sau phòng bắc bảo vệ và cột nó lại cẩn thận.

Cuối ngày, Nhàn không thấy con mèo đâu cả và khóc lóc khiến mọi người đang ra về đều đứng lại nhìn. Một số ra về, còn một số tò mò vẫn ở lại coi sao. Mười phút sau, bác bảo vệ phát hiện xác chết của con mèo bên trong phòng bảo vệ, liền đem nó ra bên ngoài.

Nhàn vừa nhìn thấy con mèo yêu quý của mình bị chết thì khóc càng to hơn. Nó đổ thừa bác bảo vệ đã giết chết con mèo của nó và đòi bắt bác ấy bồi thường thiệt hại tinh thần lẫn tiền bạc.

Bác bảo vệ oan ức kể khổ, nhưng chẳng ai tin. Ai cũng biết bác ấy ghét chó mèo, con mèo lại còn chết bên trong phòng mình. Bác ấy bị oan, nhưng lại không cách nào kêu oan.

Thầy phó hiệu trưởng giải tán đám đông đan bàn tán, chỉ chỏ về phía bác bảo vệ. Duy chỉ có Hồ Điệp không chịu đi đâu cả, nó tiến lên một bước, lặt cơ thể con mèo lên và xem xét cái gì chẳng ai biết cả. Rồi đột nhiên nó đứng dậy, chạy đến bàn lấy trái chanh, còn cắt ra làm hai và vắt chanh vào miệng con mèo.

Chỉ thấy vài phút sau, con mèo nôn mửa. Nhận thấy tín hiệu của sự sống Hồ Điệp nói to:

“Mèo bị ngộ độc. Mọi người nhìn xem: da, miệng, cổ họng, móng cũng sưng đỏ, có mụn nước li ti, chảy nhiều nước dãi và đang hôn mê, chưa có chết. Bạn nên đưa em mèo đến bác sĩ thú y gần nhất coi sao đã, tui chỉ mới sơ cứu cho bé mèo chút thôi. Còn nữa, bạn phải xin lỗi bác Thành. Bác ấy không liên quan đến mèo của bạn.”

Hoài Lan chứng kiến tất cả và phục Hồ Điệp sát đất. Cậu ta chỉ quan sát một chút đã phát hiện tình trạng của bé mèo. Thì ra bé mèo không chết mà chỉ đang hôn mê do bị ngộ độc.

Nhàn nhanh chóng đưa bé mèo đến bệnh viện thú y, đã kịp xin lỗi bác bảo vệ. Bác Thành nắm lấy tay của Điệp và cảm ơn nó rối rít. Hoài Lan nghe nó nói với bác bảo vệ:

“Mèo bị Nhàn cột lại đằng sau phía kia. Có thể em mèo bị đói nên tìm cách vào trong nhà tìm đồ ăn. Con đoán bé mèo ăn phải thuốc chuột, hoặc thứ gì đó gây ngộ độc.”

Hoài Lan hỏi ngay:

“Làm sao ông biết mèo bị ngộ độc.”

“Tui quan sát biểu hiện của nó. Hy vọng Nhàn cứu được bé mèo, cũng hy vọng bạn ấy đừng để mèo lung tung như thế.”

Hoài Lan cười và nói:

“Sau này ông mà không trở thành một thám tử thì thật là uổng phí. Tui thấy tài quan sát, suy luận của ông quá đỉnh.”

Hoài Lan giơ ngón tay cái lên khen ngợi Hồ Điệp và lần đầu tiên cô thấy nó cười. Cô bối rối và bỏ đi một mạch. Nếu cô còn nấn ná thêm, thể nào lời đồn về chuyện tình “Lan và Điệp” càng trở nên chân thật hơn. Tốt nhất là cô nên tránh xa thằng ấy một chút.

Hoài Lan đi về cùng với Đăng (nó đợi cô ngoài cổng nảy giờ). Cô kể cho nó nghe chuyện Điệp vừa cứu được mèo của Nhàn, cũng càm ràm chuyện mọi người cứ ghép đôi cô với thằng ấy, nên cô mới không muốn tiếp xúc với nó. Chứ thật sự cô thấy Điệp là một người bạn đáng để chơi cùng.

Hoài Lan nói với Đăng:

“Sao tao thấy nó lúc nào cũng lủi thủi một mình, tội hén mày?”

Đăng thể nào cũng nói:

“Chứ không phải mày ghét nó hả?”

Hoài Lan không trả lời mà lại nói câu khác:

“Nghe bảo nó bị vong theo hả mày? Theo mày thì nó có thật sự nhìn thấy ma hay không?”

Đăng cự nự:

“Ma quỷ làm gì có thật. Mày cứ nghe người ta nói tào lao không.”

Lúc ấy, Hoài Lan rất tò mò, nên quay đầu nhìn Điệp đang đi một mình, bị mọi người né tránh như né tà, vậy mà mặt nó vẫn không thấy đổi gì cả, vẫn trơ trơ như thể nó không quan tâm mấy chuyện bị người ta tẩy chay.

Trong ba năm phổ thông, Hồ Điệp còn phá nhiều vụ án nhỏ khác nữa. Nhờ phá được hai vụ án trộm tiền và con mèo bị ngộ độc, nó trở nên nổi tiếng và được nhiều người nhờ vả phá án giùm. Hoài Lan ngạc nhiên là họ vừa mới né tránh nó như né tránh ma quỷ, giờ lại tìm cách lấy lòng nó, nhờ nó đủ thứ chuyện. Cô biết tỏng là tụi này chỉ muốn lợi dụng lòng tốt của nó thôi, chứ sau lưng nó họ vẫn xì xào và nói nó bị điên. Đúng là thói đời, không sao hiểu nổi.

Và rồi mùa hè năm lớp mười hai, khi lớp mười hai vừa thi tốt nghiệp xong, tại quán bánh xèo nhà dì Năm xảy ra một vụ án ngộ độc thực phẩm. Hôm ấy cũng như mọi buổi sáng chủ nhật, Điệp luôn qua nhà dì Năm ăn bánh xèo, Lan ghét ra mặt, không thèm ra tiếp đón (Lan thường phụ dì Năm bưng bánh xèo ra cho khách), vì thể nào dì Năm cũng chọc hai đứa nó là một cặp trời sinh.

Mọi người đang ngồi ăn ngon lành, Hoài Lan ngồi trong nhà nhìn ra với vẻ thèm thuồng. Có điều nó ngại thằng Điệp nên không bước ra ngoài. Đột nhiên ba nam thanh niên bị đau bụng quằn quại sau khi ăn bánh xèo tại quán, một người trong số họ bị nặng đến mức nhập viện. Hai người còn lại lập tức đập bàn ghế, đuổi khách của dì Năm, còn đòi dì phải bồi thường tiền thuốc men.

Dì Năm bán bánh xèo mười mấy năm trời, chưa từng gặp trường hợp nào bị người ta tố cáo kiểu này. Dì luôn chọn thực phẩm tươi, ngon và mới ra lò. Không thể nào có chuyện ăn bánh xèo bị ngộ độc. Ngay cả Lan cũng thấy vô lý, nhưng dì đã cố giải thích cho hai tên kia, mà họ vẫn một mực đòi dì phải bồi thường, nếu không họ sẽ đem chuyện này lên chính quyền.

Nhưng hai tên kia chưa kịp hành động gì đã bị Điệp ngăn lại. Nó ngồi ăn bánh xèo ngon lành, trong khi những người khác đã sợ hãi bỏ chạy hết, còn chưa có ai thanh toán tiền cho dì Năm. Nó trừng mắt nói với hai tên kia như thể họ đã phạm một tội tày đình:

“Có giỏi thì báo công an xuống giải quyết đi rồi biết.”

Hoài Lan không biết nó dựa vào cái gì mà dám nói giọng thách thức hai tên đấy như thế, nhưng câu nói đó chỉ khiến hai ông nội kia điên thêm. Hai tên tiếp tục đá bàn, đá ghế, la hét om sòm như hai con heo nái bị chọc tiết.

Điệp ngồi gần hai vị khách ấy nên quan sát tất cả. Hôm ấy, ngoài bánh xèo ra, hai người còn mang theo một bịch đồ ăn bên ngoài, thứ gì đó đen xì mà nó cũng không nhìn thấy là thứ gì. Rất may khi Hoài Lan dọn dẹp bàn, thứ đó vẫn còn trong sọt rác.

Hoài Lan nói:

“Mấy anh không phải là người ở đây nên không biết, bánh xèo tại quán là món ngon nhất xã, không, là nhất huyện cơ. Ở đây bán lâu năm, không có chuyện bị ngộ độc đâu.”

Một anh thanh niên trừng mắt nhìn Hoài Lan, coi bộ muốn ăn tươi nuốt sống cô. Tên này sừng sộ lên:

“Làm sao mày biết lần này không ngộ độc? Mấy người phải bồi thường tiền cho anh em tụi tao, không là tao phá cái quán này.”

Tên thanh niên định giơ tay lên tát vào mặt Hoài Lan đã bị Điệp nắm lại. Cô hoảng hồn nhìn cơ bắp của tên kia, nếu một đòn ấy giáng xuống khuôn mặt của cô, không biết sẽ ra sao.

Hồ Điệp rất lạnh lùng. Nó ném tay của nam thanh niên sang một bên, đi đến bàn của hai người nọ đã ngồi, nhặt lên bịch đồ ăn lạ lên và ném vào mặt tên ấy. Nó nói:

“Muốn biết nguyên nhân bị ngộ độc không? Chúng ta ra bệnh viện đi, xét nghiệm thử bánh xèo có độc hay thứ mấy anh vừa ăn có độc.”

Hai thanh niên sợ hãi, cầm luôn bịch đồ ăn và chạy trốn. Rõ ràng chúng nhận lệnh của ai đó đến đây hãm hại quán bánh xèo của dì Năm. Khi thấy không thể làm gì nữa nên mới bỏ chạy. Dì Năm còn chưa kịp đòi đám người kia bồi thường mình.

Điệp nói với dì Năm:

“Dì báo với chú Nghĩa đi. Dì phải làm gắt vụ này mới được. Có như vậy lần sau tụi nó không dám tới phá nữa.”

Dì Năm gật đầu rồi dự định sẽ dọn dẹp mới rời đi, nhưng Điệp hứa sẽ giúp Hoài Lan dọn dẹp, còn dì Năm cứ qua công an xã báo án trước cái đã. Tiếc là Đăng đi đá banh với bạn bè nên không có nhà, nếu không chắc chắn sẽ có đánh nhau cho xem và hai thanh niên kia chưa chắc có thời gian bỏ chạy đâu.

Điệp chờ dì Năm đi mới quay sang hỏi thăm Hoài Lan:

“Bà ổn không?”

Hoài Lan gật đầu. Hành động bảo vệ cô vừa rồi của Điệp khiến cô bối rối. Lâu nay thằng Đăng vẫn là người đứng ra bảo vệ cô đầu tiên, chứ không phải một người mà cô không ưa nổi như Điệp. Cô ngượng ngùng xoay người, ngồi xuống và bắt đầu dọn dẹp. Điệp thấy vậy cũng phụ cô làm cho xong.

Lan lúc ấy mới hỏi Điệp:

“Làm sao ông biết mấy người kia do ăn cái kia mới bị ngộ độc?”

Điệp giải thích:

“Nếu vì ăn bánh xèo mà ngộ độc thì tui hẳn cũng đi bệnh viện rồi, những người khác cũng thế. Điều gì khiến ba người kia thành ngoại lệ? Chỉ có một khả năng, họ bị ngộ độc do ăn phải thứ khác. Mà tui ngồi cạnh họ nên thấy túi dồi trường mà họ đã ăn, đen xì, còn bốc mùi nữa.”

“Ông giỏi thiệt đó. May mà hôm nay có ông, nếu không tui và dì Năm không biết làm sao. Nhè bửa nay thằng Đăng nó đi đá banh.”