Chương 5: Gặp Mặt

Hoài Lan và Hồ Điệp không có dịp trò chuyện thêm, vì Đăng vừa về tới nhà. Nó nghe lại câu chuyện từ Lan và tức giận cành hong, đòi gặp mấy tên gây chuyện, muốn cho tụi nó một trận tơi bời. Nhưng Điệp đã ngăn lại và kêu nó lo mà đi đón mẹ nó, dì Năm chắc đang gặp chú Nghĩa trình báo chuyện đã xảy ra rồi.

Đăng lại bỏ đi một lần nữa và Lan với Điệp lại tiếp tục rơi vào trạng thái không ai nói chuyện với ai. Một mặt là do họ đang bận cắm cúi dọn dẹp, phần còn lại do họ ngại phải nói chuyện riêng với nhau. Lan và Điệp không thân thiết đến mức rù rì với nhau cả buổi đâu.

Kể từ hôm Điệp giúp dì Năm, giúp Lan cản lại cái tát của tên côn đồ, dì Năm càng hăng máu hơn trong việc ghép đôi hai đứa. Cảnh tượng Hồ Điệp bảo vệ Hoài Lan trước mặt hai tên cồn đồ đã tiếp lửa cho dì Năm, mặc sức tưởng tượng ra viễn cảnh hôn lễ của hai người. Ngày mà thằng Điệp lên đại học, dì Năm còn ngâm nga một câu trong tuồng cả lương:

"Lan ơi, mai Điệp ra chốn thành đô, nhà xe rực rỡ..", cô liệu mà chạy xa trước khi dì Năm lại tiếp tục chọc ghẹo cô với Hồ Điệp. Nào là:

"Lan đừng để Điệp lên thành phố học nha con. Không ý, con theo Điệp lên thành phố học luôn đi con."

Dù cô và Điệp cũng học chung một thành phố, chỉ khác trường thôi. Năm nhất vào kỳ nghi hè, cô với thằng Đăng về thăm dì Năm, lại thấy dì mở cái tuồng Lan và Điệp. Mỗi chủ nhật, Hồ Điệp đến ăn sáng, dì Năm lại reo lên:

"Lan ơi, Điệp đến ăn bánh xèo nè Lan."

Hoài Lan chỉ muốn chạy ra bịt cái miệng của dì lại. Rồi có hôm, cả nhà dì Năm đang ăn cơm, dì Năm lại tiếp tục:

"Lan, con nhắm lấy Điệp đi con. Thằng Điệp cũng đẹp trai, tương lai rộng mở. Để dì mở lời nói với dì tư Lành một tiếng. Đừng giống trong tuồng, dì Năm buồn lắm."

Mỗi lần dì Năm chọc ghẹo Hoài Lan với Hồ Điệp, thằng Đăng là người phản ứng kịch liệt nhất. Lúc ấy thể nào Hải Đăng cũng làu bàu:

"Má mắc gì đi lo chuyện hàng xóm lấy vợ vậy. Con trai má đây mà má không lo." Hoài Lan lại được một trận cười đã đời.

Những năm sau đó, Lan bận rộn làm thêm nên không thường xuyên về thăm dì Năm dịp hè nữa. Cô phải lo trang trải cuộc sống và học phí đắt đỏ khi học đại học. Cô không thể làm phiền dì Năm mãi được, dì đã nuôi cô bao nhiêu năm rồi.

Bây giờ, Hoai Lan đã hai mươi ba tuổi, cô và Hồ Điệp không thấy nhau cũng mấy năm. Không biết cậu ta có chịu giúp đỡ cô hay không. Biết có ngày này, cô chơi thân với thằng ấy, đừng liếc ngang liếc dọc nó, chịu luôn cái danh “bạn gái của Điệp” có phải tốt hơn không.

Hoài Lan đã tới nhà Hồ Điệp. Cô đứng bên ngoài, không dám xông vào bên trong. Vì ngoài cửa nhà dán đầy bùa chú xua đuổi tà ma. Cô không muốn bị thương như lần cố gắng ban nảy. Chả là cô đã ỷ lại mình là hồn ma đã nhào vô nhà người ta mà không cần gõ cửa, cuối cùng bị mấy lá bùa kia hất mạnh ra bên ngoài, lại còn thêm đau đớn nữa. Có khi cô phải đợi thằng ấy ra khỏi nhà mới được.

Hoài Lan nghe dì tư Lành nói vọng ra từ sau hiên nhà:

"Con có qua thắp nhang cho Lan chưa? Dù sao cũng là hàng xóm láng giềng, hai đứa còn học chung bảy năm. Con bé chết trẻ, thật tội nghiệp. Cái mệnh của nó khổ như Lan trong tuồng. Má thiệt buồn hết sức."

Hồ Điệp nói vọng ra:

"Con đi bây giờ nè."

Dì tư Lành thầy Hồ Điệp đi ra từ trong nhà mới cất tiếng nói theo:

"Má không hiểu sao con bé lại dại dột như vậy. Có gì giải quyết không được mà lại tìm cái chết chứ."

Hoài Lan trông thấy một cậu con trai cao, gầy, nước da ngăm đi ra từ trong nhà. Khuôn mặt cậu lộ rõ nét u buồn hiếm thấy. Cô thầm tặc lưỡi, tấm tắc khen ngợi vẻ ngoài tuấn tú của cậu. Cậu ta cũng coi như dậy thì thành công đi. Cô nhất định phải đợi cậu ta đi ra đây mới lộ mặt.

Bỗng dưng Hoài Lan nghe Hồ Điệp nói:

"Dạ Cổ Hoài Lang không phải kiểu người tự tử đâu má à."

Trái tim Hoài Lan đập loạn vài nhịp, nó nhồn nhột kỳ lạ. Hồ Điệp nói được câu như vậy thật khiến cô bất ngờ. Hai người vốn dĩ chưa từng chơi thân, chưa từng có ký ức đẹp (nếu không tính cái lần nó giúp cô thoát khỏi tên côn đò lúc nhỏ), cũng chưa từng nói vài câu qua lại quá lâu. Vậy mà cậu ta tỏ ra hiểu cô hơn những người khác. Hải Đăng là bạn thân của cô thì không lạ, nhưng câu nói này xuất phát từ miệng của Hồ Điệp nghe thật cảm động làm sao.

Dì tư Lành thở dài. Dì biết Điệp có lý của nó. Nó trở thành thám tử mà từ chối lời mời của chú Nghĩa, không muốn bì gò bó trong đồn công an. Chắc có lẽ do trực giác của thám tử mà nó tin rằng vụ án của Hoài Lan là một vụ giết người chăng.

Dì tư Lành chợt nhớ ra chuyện gì đó mà đứng dậy, chạy lại chổ Điệp và nói với nó:

“À, hồi chiều dì Bạch mẹ của bé Nhàn xóm trên có đến tìm con, muốn nhờ con chuyện gì đó. Má nói là sẽ nói lại với con mà quên mất. Con xem qua nhà dì Bạch thử coi dì cần mình giúp gì thì giúp nha con.”

Hồ Điệp đáp:

“Con biết rồi.”

Hồ Điệp ăn mặc chỉnh tề, sơ mi màu nâu đóng thùng đàng hoàng, trên tay cầm một chiếc hộp màu nâu, không biết đựng cái gì bên trong. Cậu đang đi thẳng về phía nhà dì Năm.

Hoài Lan rình rập, tìm đúng thời cơ mới xuất hiện trước mặt Hồ Điệp, tránh cho việc cậu ta sẽ bất ngờ đến lên cơn tim khi gặp mình. Thế nhưng, điều khiến cô kinh hãi là Hồ Điệp dường như biết có người đi theo mình. Bởi vì cậu ta đang đứng im không nhúc nhích, cậu ta còn xoay người nhìn ngó khắp nơi một hồi.

Hồ Điệp nói:

"Chú út cứ như vậy đến bao giờ? Bao năm qua hù dọa con, con không sợ mà vẫn cố gắng quá ha.”

Hoài Lan còn tưởng Điệp đang nói chuyện với người quen nào, nghe nó gọi người đó là “chú út” thì mới há hốc mồm nhìn về phía đó. Kia kìa, có người đàn ông trước mặt Điệp, còn trưng bộ mặt tái ngắt, thân hình ướt sũng, đung đưa trước gió như ngọn đèn dầu. Người đó đích thị là...ma.

Hoài Lan khiếp vía núp vào thân cây bên đường, thầm hy vọng chú ma kia đừng nhìn thấy cô. Hồi nào giờ cô chưa từng thấy ma nào mà ướt đẫm như vậy, ghê rợn như vậy.

Hoài Lan nghe tiếng “chú út” hừ lạnh. Rõ ràng chuyện Điệp phát hiện ra “chú út” khiến chú ấy không vui vẻ gì mấy. Có lẽ chú ấy đang cố hù dọa thằng cháu trai của mình mấy lần mà nó cứ dửng dưng. Phải mà chú hù dọa Lan thì cô đã hét lên inh ỏi ồi ngất xỉu rồi không.

“Chú út” không vui ra mặt, chú nói:

“Mười hai năm rồi mà lần nào con cũng đoán ra là chú hay vậy?”

Điệp cười nói:

“Hồi nào giờ con chưa thấy ma nào mà nhảy cà tưng cà tưng, rồi rên la ú ớ như chú. Những hồn ma khác luôn rủ rượi, vồ lấy con, chứ không phải theo đuôi con như chú đâu. Với lại con nhận ra giọng của chú mà.”

“Chú út” mặt mày bí xị, chú đã trở lại dáng vẻ một hồn ma bình thường, không còn tím tái, không còn ướt sũng. Chú không vui nói:

“Chú không theo đuôi con nảy giờ đâu nhé. Người theo đuôi con là một ma nữ khác.”

“Chú út” chỉ tay về phía thân cây, nơi mà Hoài Lan đang núp, khiến cô tá hóa té ịch xuống đất. “Chú út” ấy đã phát hiện ra cô theo đuôi Hồ Điệp từ lâu, chỉ chưa vạch mặt cô mà thôi.

Hoài Lan đâu thể nào trốn tiếp được, cô phải lú mặt ra ngoài đường, nhe răng cười thật tươi, vẫy tay thay màn chào hỏi Hồ Điệp. Cô có cảm tưởng nếu mình gây ấn tượng ban đầu khá dễ thương thì nó sẽ niệm tình “Lan và Điệp” ngày nào mà đưa tay giúp đỡ nó.

Điệp có vẻ sửng sốt khi nhìn thấy Lan. Nó vội vàng chạy đến cạnh cô. Cô thấy rõ ràng trong ánh mắt của nó có một chút vui mừng, chờ mong. Nó đứng trước mặt cô, nhìn cô thật lâu, rồi run giọng gọi tên cô:

“Lan...”

Tiếng “Lan” mà Điệp gọi tha thiết đến mức khiến mắt của cô cay xè. Trong lòng cô đầy ngổn ngang, rất muốn dựa dẫm vào đôi mắt đầy quan tâm đó. Cô chỉ đứng đó cho Điệp ngắm, trong một phút, cả hai không ai nói với ai câu nào cả. Bởi vì Hoài Lan và Hồ Điệp không thân nhau đến cái mức gởi một cái ôm thân tình đâu.

“Chú út” là người phá vỡ bầu không khí im ắng kia. Chú đằng hắng rồi nói:

“Đây là Lan mà con hay nhắc ấy hả? Dạ cổ hoài lang đấy ư?”

Hồ Điệp phớt lờ “chú út” của mình. Nó vẫn chưa rời mắt khỏi Lan, làm như nó sợ Lan sẽ biến mất theo cái chớp mắt của nó. Nó ngậm ngùi nói với Lan:

"Đã mấy năm không gặp nhau. Tui không ngờ chúng ta lại hội ngộ trong hoàn cảnh này."

Hoài Lan cười khổ:

"Tui cũng tự thấy ly kỳ." Cô gãi đầu gãi tai nói tiếp: "Chuyện lúc nhỏ ông nói thấy ma ấy, tui xin lỗi vì đã không tin những chuyện điên rồ mà ông nói."

Hoài Lan vừa phát hiện ra mình nói hơi sai sai. Cô chỉnh lại ngay, sợ làm phật lòng Hồ Điệp:

"Dĩ nhiên không phải ông điên." Cô nói dối trắng trợn: "Tui chưa bao giờ nghĩ ông điên luôn á. Thiệt."

Hoài Lan cười gượng gạo. Hồ Điệp đương nhiên nhận ra cô đang mất tự nhiên. Cậu ta không để tâm, dù sao nó cũng đã quá quen với việc ngươi ta coi nó là một kẻ điên, một kẻ lập dị.

Hoài Lan thoáng thấy khuôn mặt cái tên Điệp này biến sắc. Cô liền đổi chủ đề:

"Mà sao ông gọi tui là dạ cổ hoài lang vậy?"

"Tui nghe thấy mẹ của bà hay gọi như vậy. Nghe dì nói ngày trước dì thích nghe cải lương lắm, cái tuồng dạ cổ hoài lang ấy. Rồi dì mới định đặt tên bà như vậy."

Cô cũng thật không hiểu người lớn nghĩ gì. Đúng thật là mẹ của cô đã định đặt tên cho cô là "Dạ Cổ Hoài Lang", thế rồi ba cô không đồng ý, dù sao cô cũng là con gái mà có cái tên Lang nghe như kiểu đàn ông quá, mà chữ "Lang" lại gợi cho cha cô nghĩ ngay đến người hay lang thang đâu đó. Mẹ cô nghe vậy thấy cũng hợp lý, đành bỏ đi chữ 'g' đi. Cuối cùng đặt cho cô cái tên Võ Hoài Lan thay vì Võ Dạ Cổ Hoài Lang.

Hoài Lan bĩu môi hỏi:

"Ông thân với mẹ tui từ hồi nào vậy?"

Hồ Điệp cười cười, không trả lời. Mặt nó tỏ vẻ bí hiểm, như đó là bí mật riêng của nó và mẹ cô. Nó đã không muốn nói, cô có gặng hỏi thế nào nó cũng không cho cô biết, chi bằng cho qua. Cô đành chuyển chủ đề thêm một lần nữa:

"Cái hộp đó là gì vậy?"

Hồ Điệp vội vàng nhét chiếc hộp vào trong túi quần, hơi bối rối. Nó lắc đầu không nói, chỉ xoay người đi tiếp. Hoài Lan rượt theo sát nút. Không lẽ cô vừa hỏi một câu khá riêng tư khác ư? Cũng đúng, nó với cô có thân đến mức tâm sự chuyện thầm kín cho nhau nghe đâu.

Hoài Lan lại khơi chuyện:

“Lúc nảy tui tính vào nhà ông, mà nhà dán nhiều bùa quá, tui vào không được.”

Hồ Điệp ậm ừ, rồi nói:

“Chút nữa về nhà, tui sẽ bỏ hết mấy thứ đó xuống.”

“Ông không sợ ma sẽ đến làm phiền sao?”

“Bây giờ không sợ nữa.”

Hoài Lan không hiểu hết hàm ý trong câu nói vừa rồi của Hồ Điệp, nhưng “chú út” thì hiểu. Chú cười khà khà bên cạnh hai người, ra vẻ người lớn nhìn một phát là biết ý tứ của thằng cháu trai nhà mình, khiến Điệp đỏ mặt tía tai.

Hoài Lan lúc này mới lớ ngớ nhờ ra vẫn còn một hồn ma khác ở đây ngoài cô. “Chú út” thấy cả hai đứa nhỏ phớt lờ mình, nên tức giận cười phá lên đây mà, cô còn lạ gì.

Hoài Lan hỏi “chú út”:

“Chú biết cháu nữa ạ? Hồ Điệp kể gì về cháu cho chú nghe vậy ạ?”

Chú út ưỡn ngực, dõng dạc nói:

“Nhiều lắm. Chủ yếu chú biết cháu tại vì ngày xưa hai đứa còn học sinh, hai đứa thường bị người ta chọc ghẹo. Chú cũng là một trong số đó. Ha ha. Cháu bây giờ khác xưa nhiều, xinh đẹp hơn, nhìn trưởng thành hơn.”

Hoài Lan buồn bã nói thêm:

“Và là một hồn ma, một người đã chết.”