Chương 3: Hồ Điệp

Hoài Lan khóc không ra hơi nữa, cứ tiếp tục thế này chắc cô khan tiếng vì khóc quá nhiều mất, dù không biết là ma thì còn cảm giác rát cổ họng hay không. Cô quay sang đập mạnh vào vai Đăng, nhưng tay của cô không chạm được vào nó. Cô than thở:

"Nè, tao chết thì cũng đã chết rồi. Mày phải lo tìm hung thủ giết tao đi chứ. Không thì đừng trách biển xanh lại mặn nhé."

Hải Đăng đang khóc tự dưng nín khe, nó lau vội nước mắt. Hoài Lan còn tưởng nó nghe được lời mình nói, cô vẫy vẫy tay trước mặt nó mà nó không thấy cô. Rồi cô nghe có tiếng bước chân vội quay đầu nhìn về phía người đang đi tới. Đó là Duyên đang đi về phía này. Cô mỉm cười và vẫy tay chào con bé, nhưng dĩ nhiên cô là ma, chỉ có cô nhìn thấy cô bé mà thôi.

Duyên là bạn thân của Nguyệt, nhỏ hơn cô ba tuổi, bây giờ đang là sinh viên năm hai ngành quản trị kinh doanh thì phải. Ai cũng nhìn ra Duyên có tình cảm với Đăng. Nhưng thằng ấy quá ngốc để nhận ra tình cảm của em ấy. Cô nhớ cô đã rất nhiều lần mai mối cho hai người mà không thành. Chủ yếu thằng Đăng không chịu hợp tác chút nào. Nó nói nó có người trong lòng rồi, không muốn yêu đương với ai. Mà cô gặng hỏi nó bao nhiêu lần, nó cũng không hé răng nửa lời bật mí cái người mà nó thích là ai.

Duyên ngồi xuống cạnh Đăng (ra là nguyên nhân thằng ấy lau khô nước mắt, nó nghe được tiếng bước chân của người ta, tai nó thính lắm). Cô bé nói:

"Nguyệt nói với em là anh ở đây."

Đăng sụt sịt vài cái, tằng hắng lấy lại giọng cho bình thường nhất, mới trả lời Duyên:

"Anh ngồi ở đây một chút. Chút nữa anh vô nhà, em cứ tự nhiên đi."

Duyên trầm giọng:

"Em nghe nói anh muốn liên lạc với công an tỉnh điều tra vụ án của chị Lan?"

Đăng gật đầu, không trả lời. Đôi mắt của nó sáng rực với quyết định đó. Ngay cả Hoài Lan cũng cảm động nhìn thằng bạn thân. Nó luôn luôn nghĩ cho cô. Thì ra nó đã có ý định tìm chú Nghĩa điều tra án oan cho cô, nhưng cô lại hiểu lầm nó, đói cho nó thấy “biển xanh lại mặn”. Cô có lỗi với nó quá.

Duyên không vui nói tiếp:

"Anh muốn người ta cười vào mặt anh hả? Chị Lan tự tử chết, mắc gì anh đi điều tra. Cả xóm cả làng ai mà chẳng biết chuyện chị Lan cặp đại gia ở Bình Dương, bị vợ người ta đánh ghen túi bụi. Kết cục chỉ tự tử mà chết. Chỉ có một mình anh cố chấp tin chị ấy không phải kiểu người đi phá vỡ gia đình người khác thôi. Anh không nhớ sao? Ngoài một tuần trong hè chị ấy về đây chơi, anh và chị Lan có gặp nhau thường xuyên không? Chị ấy đi Bình Dương biệt tích ở đó, không liên lạc với ai cả. Chị ấy đã thay đổi ra thành cái dạng người đó mà anh vẫn còn cố chấp tin tưởng sao?”

Mặt của Đăng trở nên tái mét vì tức giận. Những lời quá đáng của Duyên khác nào là cái tát vào mặt nó đâu. Nó bắt đầu mất kiên nhẫn. Nó lạnh lùng nói:

"Em đừng xúc phạm Lan. Lan không phải kiểu người đi tự tử chết đâu. Không phải cô ấy chưa trải qua đau đớn nào trong quá khứ. Chuyện bị người ta hiểu lầm là kẻ thứ ba không khiến cô ấy chọn cách tiêu cực như vậy. Với lại, từ nhỏ nó đã không chịu được đau, nó làm sao có gan tự rạch mặt mình như thế?”

Duyên cự cãi:

"Nhưng đó là sự thật. Khi người ta không còn ý định sống tiếp, thì chuyện gì người ta chẳng làm ra được?" Duyên dịu giọng nói tiếp: "Em nói như vậy không phải em ghét chị Lan, em cũng giống như Nguyệt, luôn xem chị ấy như chị ruột của mình. Em muốn anh tỉnh táo lại. Đừng làm những chuyện điên rồ, mất thời gian và tiền bạc nữa. Chị Lan trên trời linh thiêng cũng không muốn anh đau khổ mãi đâu."

Hoài Lan nghe không lầm. Vụ án của cô bị kết luận là tự tử vì tình với ông đại gia nào đó ở Bình Dương. Cô cười khổ. Lời đồn quả nhiên còn mạnh hơn cả sự thật. Cô những tưởng mình không để tâm mấy lời đồn đại của xóm làng là tốt, chỉ cần bản thân cô trong sạch, không thẹn với lòng, sẽ trải qua những tháng ngày bình yên. Không ngờ, lời đồn theo chân cô cho đến khi cô chết. Và người ta còn thêu dệt ra cả đoạn tình lâm li bi đát của cô.

Hoài Lan xinh đẹp, hát hay, lại học giỏi. Đám trai làng theo đuổi cô nhiều vô số, nhưng ngại thằng Đăng mới không dám hó hé đến gần cô. Đăng luôn nghe lời mẹ trong khoản bảo bọc Lan, lại còn rất nhiệt huyết trong chuyện ngăn cản mấy thằng muốn đến gần cô.

Có điều sau khi tốt nghiệp đại học, vì chuyên ngành theo học của Hoài Lan mà cô ra Bình Dương xin việc làm. Tại đây mọi rắc rối cũng vây quanh cuộc sống của cô. Vì xinh đẹp mà cô luôn rước phiền phức, đặc biệt là những lời tán tỉnh của cấp trên luôn khiến cô muốn nghỉ việc cho xong. Đáng tiếc là Đăng ở lại Sài Gòn, không theo cô về Bình Dương, mới không thể bảo vệ cô lần nào nữa.

Hoài Lan luôn từ chối những lời mời, những lời tán tỉnh có cánh của người mình không thích. Cô chỉ chuyên tâm làm tốt công việc của mình. Nhưng những tin đồn thất thiệt vẫn lan truyền trong công ty khiến cô không chịu nổi mà nộp đơn thôi việc. Cô quyết định về với dì Năm, thăm dì là chính, phụ dì bán bánh xèo là mười.

Vậy mà số phận của cô vẫn không khá hơn là mấy. Cô vẫn bị giết chết, còn chết trong đàm tiếu và suy diễn của mọi người. Đăng liệu có tin cô nữa, hay là tin những gì Duyên đang nói.

Hoài Lan thấy thằng Đăng giận dữ bỏ đi một mạch. Duyên chỉ đứng nhìn trời mà nói:

"Chị Lan à, chị có cần tự tử ngay cái ngày chị về thăm dì Năm không? Nếu chị còn thương dì, thương Nguyệt, thương anh Đăng thì chị làm ơn phù hộ cho ảnh qua cái ải này đi."

Hoài Lan càng nghĩ càng thấy vô vọng. Cô bị giết, không phải tự tử. Cô làm sao nói được điều này cho Đăng biết. Cô còn không thể giao tiếp với người sống thì làm sao tự chứng minh mình vô tội. Cô chán nản đi ra đi vào nhà Đăng, thả mình xuống chiếc võng ngoài hiên, suy nghĩ cách cứu vãn tình thế.

"Phải rồi há." Hoài Lan hò reo sung sướng, quên luôn nỗi buồn vừa rồi của mình. Cô nhớ ra có một người có thể nhìn thấy cô. Có điều người này thật sự không ưa gì cô giống như cô không ưa gì nó vậy.

Thằng ất ơ đó tên Hồ Điệp, học chung cấp hai và cấp ba với cô, nhà cách đây khoảng hai cây số đi về hướng nam khu nghĩa trang trong làng. Con trai lại có cái tên Hồ Điệp, cái thằng này bị người ta ăn hiếp đến nổi không có lấy một người bạn. Một tên kì quái nhất trong những kẻ kì quái mà cô biết.

Thằng ấy có khả năng giao tiếp với ma quỷ. Ngày trước nó bị mọi người tẩy chay trong thời gian cũng vì cái tật nhìn đâu cũng bảo thấy ma của nó. Dĩ nhiên lúc đó mọi người đều nghĩ nó sinh tật muốn trêu ghẹo đám con nít nhát cáy trong làng thôi, riêng cô nghĩ nó bị điên. Nó lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại, tay không ngừng chỉ vào khoảng trống nào đó rồi hô hào có ma. Ai mà tin trên đời này có ma cơ chứ, không phải điên cũng là khùng khùng.

Rồi Hoài Lan nhận ra một sự thật đau lòng: Cô là ma. Và thằng ất ơ nhìn thấy ma tên Hồ Điệp kia có khi là hy vọng duy nhất mà cô có được. Nếu nó nhìn thấy ma thật thì nó sẽ nể mặt người quen mà giúp cô không chừng.

Hoài Lan bắt đầu di chuyển, cô lướt như một con ma trong bộ phim mà cô hay xem. Khi còn sống cô không thể tin rằng bay lại có cảm giác tuyệt cú mèo như vầy, dù đã chết thì không còn gì tuyệt vời nữa. Cô phải đến nhà Hồ Điệp ngay, hy vọng nó có ở nhà cho cô nhờ vả.

Lý do duy nhất khiến Hoài Lan không thể có cảm tình, dù một chút xíu xìu xiu, dành cho Hồ Điệp rất buồn cười. Đó là khi hai cái tên của hai người ghép lại thành hai nhân vật chính trong vở tuồng cải lương Lan và Điệp. Cả hai bị gán ghép suốt bốn năm cấp hai, và cả ba năm cấp ba vẫn không thoát cái cảnh bị gán ghép với thằng “điên” ấy.

Dù Hồ Điệp chưa bao giờ làm gì có lỗi với Hoài Lan thì cô vẫn ghét thằng ấy, không cần bất cứ lý do nào cả. Cô thấy nó rất thông minh. Ngày còn học phổ thông, nó đã từng phá rất nhiều vụ án nhỏ trong trường. Người ta đặt biệt danh cho nó là “thám tử tĩnh lặng”, do cái khuôn mặt lạnh tanh như tờ của nó mới có thêm hai chữ “tĩnh lặng” đó.

Hoài Lan nhớ rất rõ, năm đó khi học lớp mười một, cô bị cô giáo sếp cho ngồi gần Hồ Điệp. Dĩ nhiên cái đoạn này, mọi người lập tức hô to: Lan và Điệp.. Lan và Điệp để chọc ghẹo tụi nó. Cô còn nhớ mình đã liếc nó đến mức suýt lòi cả hai tròng mắt ra ngoài vì chán ghét. Còn thằng ấy thì chẳng có biểu hiện gì cả, mặt cứ trơ trơ ra, cũng chẳng giải thích cho người ta biết hai người họ chẳng có gì với nhau. Lúc đó cô đã ước giá mà thằng Đăng đập cho thằng này một trận vì cái tội... tội gì thì cô cũng không biết.

Năm lớp mười một, có một vụ án nhỏ xảy ra trong lớp, một vụ mất tiền quỹ lớp ngay giữa giờ ra chơi. Bình thường người luôn ở trong lớp giờ ra chơi chỉ có mỗi Hồ Điệp, thằng ấy không chơi với ai cả. Cho nên khi tiền quỹ lớp bị mất, mọi người đều nghi ngờ nó lấy trộm.

Cô Thủy chủ nhiệm lớp, kiêm giáo viên dạy văn đã bỏ luôn một tiết văn để tìm ra số tiền bị đánh cắp. Cả lớp, ngay cả nhỏ thủy quỹ cũng đều tố cáo thằng Điệp, nói rằng chỉ có mỗi mình nó không ra khỏi lớp giờ ra chơi.

Cô Thủy không tin Điệp ăn cắp (Hoài Lan cũng không tin, dù có ghét nó cỡ nào thì với tính cách cương trực của nó, cô không tin nó đã lấy số tiền), nhưng cô lại không ép được cả lớp phải tin cô. Lúc này Điệp đứng lên và nói to:

“Vì lý do gì mà mọi người nghĩ tui đã lấy số tiền đó?”

Thủ quỹ lớp – nhỏ Nga nói lớn:

“Tại ông cần tiền chớ sao. Giờ ra chơi chỉ có mỗi ông ở trong lớp học, không ông lấy thì ma lấy hả? Ông biết nhà tui không khá giả gì mà còn làm như vậy. Thưa cô, cô phải bắt bạn Điệp trả lại số tiền cho em.”

Nhỏ Nga òa khóc nức nở. Số tiền ba trăm sáu mươi ngàn lúc ấy là cả một vấn đề đối với Nga. Nhà nó nghèo, làm sao mà xoay xở số tiền đó đền cho lớp đây. Hoài Lan thấy tội nghiệp nó quá, cũng tò mò không biết Điệp giải quyết vụ này ra sao.

Điệp rất bình tĩnh, như nó không phải là người bị dồn vào thế bí ấy. Nó vẫn đứng đó, ngạo nghễ đối mặt với bao ánh mắt nghi hoặc đang nhìn mình. Nó dửng dưng đáp:

“Nếu mà nói tui cần tiền thì mắc mớ gì đụng vào số tiền cỏn con đó? Tiền của thằng Dự để trong cặp của nó còn lớn gấp đôi tiền quỹ lớp. Nếu có lòng tham, tui thà lấy của thằng Dự còn hơn.”

Hoài Lan thấy Dự ép cái cặp của nó vào bụng nó như thể sợ Hồ Điệp nhào vào lấy mất, trông bộ dáng rất buồn cười. Cô liền khúc khích cười khiến ai cũng nhìn mình kì lạ.

Hoài Lan thấy ai cũng nhìn mình thì nói:

“Em thấy lý do bạn Điệp ở trong lớp giờ ra chơi nên bạn ấy lấy cắp số tiền đó rất buồn cười. Liệu số tiền đó có còn cho đến khi ra chơi hay không, liệu có thật sự chỉ có mỗi bạn Điệp ở trong lớp khi ấy hay không, em rất tò mò.”

Nga đứng bật dậy, chua chát nói:

“Tui đã kiểm tra số tiền trước khi ra căng-tin. Nó vẫn còn, tui đã cố nhét vô trong cuốn sổ thu chi rất cẩn thận rồi mới đi.”

Hoài Lan cười nói:

“Vậy thì người trông thấy bạn Nga nhét sấp tiền vào trong cuốn sổ đó rất đáng nghi. Làm thế nào mà Điệp, một bạn ngồi hàng thứ ba lại có thể thấy được bạn Nga ở hàng ghế cuối giấu số tiền của mình được?”

Điệp lúc này cũng quay sang nhìn Hoài Lan, người đang đứng lên nói giúp cho mình. Có lẽ ngay cả cậu ta cũng ngạc nhiên khi cô lại đứng ra bênh vực mình. Ngày thường cô vẫn thường hay đối xử hằn hộc với cậu ta lắm.

Điệp ném cặp sách của mình lên trên bàn. Cậu ta dõng dạc nói trước cả lớp:

“Nếu số tiền đã mất trong giờ ra chơi, và em luôn ngồi trong lớp học, thế thì em sẽ không có thời gian giấu đi số tiền đó. Như vậy đi, mọi người và cô kiểm tra cặp của em và cả túi quần của em nữa. Xem chừng sẽ thấy số tiền bị mất đó.”

Hồ Điệp rất nghiêm chỉnh chờ đợi mọi người lục soát. Chỉ là ai ai cũng đưa mắt nhìn nhau, mà không ai lại gần nó. Hoài Lan thấy vậy nên với cương vị một người ngồi chung bàn với Điệp, cô đã nhanh nhảu lôi tất cả sách vỡ trong cặp của Điền ra, lại còn úp cặp sách xuống và đưa cho mọi người xem.

Hoài Lan chán ghét Hồ Điệp, nhưng không muốn thấy thằng ấy bị người ta vu oan. Cô nói:

“Không có chứng cứ, không có vật chứng, không nên nghi ngờ người khác lung tung.”