Chương 2: Đám Tang

Hoài Lan bắt đầu nghĩ về số phận bi ai của mình. Cô lớn lên trong một gia đình thiếu vắng tình thương của cha lẫn mẹ, gia tài duy nhất cha mẹ để lại cho cô là món nợ lên đến trăm triệu. Người ta đến xiết nợ, lấy luôn ngôi nhà duy nhất của cha mẹ. Số tiền tiết kiệm ít ỏi vốn không đủ cho cô mua một căn nhà mới, mà chỉ đủ cho cô tiếp tục học cấp ba.

Hoài Lan phải qua nhà dì Năm bán bánh xèo ở nhờ. May mà dì Năm (dì là bạn thân của mẹ, cũng là mẹ của thằng Đăng bạn mình) thương tình giúp đỡ cô, không những cho cô một mái ấm gia đình, mà còn luôn cho thằng Đăng đi theo bảo vệ cho cô, coi cô như đứa con gái của mình. Cô đã tự hứa với lòng sẽ trả ơn nuôi dưỡng, sẽ chăm sóc và phụng dưỡng dì Năm như mẹ ruột của mình. Lần này cô về quê cũng vì nghe được bệnh tình của dì trở nặng. Cô dù bận rộn thế nào cũng muốn về thăm dì bằng được. Cô không muốn bản thân phải hối hận khi chưa tỏ lòng hiếu đạo với dì.

Người đàn ông đã thôi kéo cô trên đường. Gã cầm trên tay con dao từ lúc nào. Gã giơ cao bàn tay đang cầm dao. Rõ ràng gã muốn giết chết Hoài Lan bằng một nhát chém vào tim. Cô nắm lấy cơ hội bò dậy, đá mạnh vào bụng tên giết người, rồi co giò chạy trối chết. Cô không cần lấy lại va-li nữa. Đợi đến khi gặp thằng Đăng, cô sẽ cho nó một trận nhừ đòn, sau đó ép nó đi lấy va-li thay cô.

Hoài Lan chạy mãi, chạy mãi, vậy mà vẫn chưa rời khỏi con đường ấy. Còn đường xa thăm thẳm, heo hút, không nhìn thấy điểm cuối đường đâu cả. Cô ôm bụng thở dốc, không biết mình đang lâm vào hoàn cảnh gì đây. Cô quay người nhìn xem người đàn ông kì lạ kia có đang đuổi theo mình hay không, nhưng không có ai cả. Xem ra ông ta bị thương quá nặng nên mới không đuổi kịp cô.

Hoài Lan tưởng đã thoát khỏi nguy hiểm, ngờ đâu cô nghe được tiếng khóc nỉ non của ai đó hòa vào tiếng rít của gió. Cô lạnh người, không dám thở mạnh, càng đừng nói đến việc chạy tiếp.

Kia kìa, đứng trước mặt cô là một cô gái mặc đầm trắng, đang đứng vẫy tay như cô là bạn bè thân thiết lâu năm mới gặp của nó. Đêm khuya thanh vắng như thế này, không có ai đi mặc cái đầm trắng dính đầy máu như cô ta. Hoài Lan cố xua ý nghĩ trong đầu đi, rằng người đang đứng trước mặt mình là ma nữ được đồn thổi lâu nay, mà không tài nào xua nó ra khỏi đầu. Người con gái trước mặt đích thị là ma rồi, cô không còn suy đoán nữa.

Hoài Lan phải làm sao đây? Trước mặt là ma, sau lưng lại là người đàn ông xa lạ muốn giết chết mình. Cô nên quay đầu hay chạy về phía trước. Những lúc như thế này cô phải thật bình tĩnh mới được, phải tỉnh táo mới nghĩ được kế sách hay ho.

Hoài Lan suýt nữa bật khóc thành tiếng, cô chỉ khóc trong lòng. Dù đã tự nhủ phải thật bình tĩnh, nhưng cô vẫn không cách nào thoát khỏi cái suy nghĩ sẽ chết ở đây. Đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy một con ma, sao lại không hoảng sợ được. Nếu cô nói với thằng Đăng rằng cô nhìn thấy ma, không biết nó sẽ nghĩ gì, chắc chắn sẽ nghĩ cô bị điên cho coi.

Đang chần chừ không biết làm gì, ma nữ trước mặt đột nhiên bay vút lại gần cô. Phải, cô ta bay vút đến cạnh cô. Lúc này Hoài Lan không còn nhấn nhá gì thêm nữa, cô hét lên thất thanh rồi co dò bỏ chạy thụt mạng, bỏ ngoài tai tiếng gọi tan thương của cô gái ấy.

Hoài Lan cuối cùng cũng ra khỏi con đường làng ma quái. Cô thở phào nhẹ nhõm. Chỉ còn hai bước chân nữa thôi, cô đã về đến đầu ngỏ, cũng là nhà dì Năm. Cô nhất định gọi điện cho chú Nghĩa báo án. Chú Nghĩa là công an xã, rất giỏi điều tra mấy vụ giết người. Người đàn ông kia rất có thể là hung thủ của vụ án nào đấy, ông ta một mực muốn giết chết cô mà.

Hoài Lan đứng trước cửa nhà dì Năm. Tiếng nhạc tang thương vang lên đều đặn, mùi nhang xộc vào mũi của cô, khiến cô đứng im bất động. Cô thấy thằng Đăng chạy ra chạy vô, lo mời bà con hàng xóm vào nhà. Cô đứng chết lặng một chổ. Nhà dì Năm đang lo đám tang cho ai đó. Cô dáo dác khắp nơi tìm kiếm dì Năm trong biển người, lo sợ dì Năm có mệnh hề gì. Nghĩ tới việc cô về không kịp gặp mặt dì lần cuối, trái tim cô lại đau nhói.

Cuối cùng, Hoài Lan cũng lấy hết can đảm tiến vào bên trong nhà. Cô thấy dì Năm đang ôm ảnh của ai đó gào khóc thảm thiết. Cô cảm thấy có điều không đúng liền tiến lại gần dì Năm giật lấy tấm ảnh trên tay của dì. Kỳ quái là cô không chạm được vào tấm ảnh, rõ ràng cô đã dùng hết sức rồi.

"Sao con dại dột quá, Lan ơi." Hoài Lan nghe dì Năm nghẹn ngào. Dì buông di ảnh của Hoài Lan xuống, khóc đến tím tái mặt mày.

Bé Nguyệt, con gái út của dì Năm, ôm lấy mẹ mình, xoa xoa tấm lưng của bà, rồi đau lòng nói:

"Má còn đang bệnh mà má. Chị Lan cũng không yên tâm nếu má cứ như vậy hoài."

Lúc này, Hoài Lan mới bàng hoàng nhận ra người chết là... mình. Cô dụi dụi mắt, lại tát vào má mình hai cái, thầm nghĩ đây có thể là một cơn ác mộng. Cô đâu thể chết được, rõ ràng cô đã leo lên xe và nhắm mắt ngủ cho đến... Hoài Lan không nhớ mình có tỉnh dậy lúc nào.

Là mơ thôi. Tất cả chỉ là mơ. Hoài Lan cố gắng tỉnh trí, lấy hết bình sinh muốn thoát khỏi cơn ác mộng này. Nhưng dù cô có nhắm mắt và mở mắt bao nhiêu lần, cô vẫn thấy mình đứng trước di ảnh và cả quan tài trước mặt. Cô hít một hơi thật sâu, rồi lê bước đến bên cạnh quan tài. Cô cúi người nhìn vào cái xác đang nằm bên trong đó và bật ngửa ra đằng sau.

Đó là xác chết của một cô gái, khuôn mặt trương phù rách nát đến mức không còn nhìn ra hình dạng gì nữa. Trên tay của thi thể đeo một chiếc lắc tay vàng, rất giống của cô. Cô bàng hoàng, chết điếng trong lòng, nhận ra mọi thứ là thật chứ không phải cơn ác mộng nào cả.

Nước mắt cô tự dưng trào ra, trong lòng nhói lên từng cơn. Người chết quả thật là Hoài Lan, đây không phải là cơn ác mộng nào cả. Chiếc lắc tay kia là đúng là của cô, nó là của hồi môn mà bà ngoại tặng lại cho mẹ, nó có khắc chữ “Thoại – Quang” trên đó. Cô không phải là người, cô là ma, một linh hồn không biết mình đã chết. Cô nhớ ra vài điều, người vừa chết trong ba ngày đầu họ không biết mình đã chết. Linh hồn cô mang chấp niệm về thăm dì Năm, mới đi về làng.

Chẳng trách cô gọi bao nhiêu lần, Hải Đăng cũng không bắt máy, chẳng trách mỗi bước đi của cô đều làm cho đèn điện chập chờn, chẳng trách sao cô nghe tiếng khóc của hồn ma trong khu nghĩa đia, rồi gặp phải hồn ma người đàn ông và cả người phụ nữ ngoài kia, bởi vì họ là người chết giống cô.

Hoài Lan thu hai gối lại, ôm lấy cái đầu đang đau như búa bổ. Một vài ký ức vụn vặt dần dần xuất hiện trong đầu cô. Cô nhớ ra rồi, ngày cô lên xe về quê thăm dì Năm, tại trạm dừng chân, cô đi vào phòng vệ sinh công cộng rửa mặt. Lúc đó, phòng vệ sinh nữ chỉ có mỗi mình cô. Giờ nghĩ lại, cô cũng cảm thấy kỳ lạ. Trên xe có đến bốn người là giới tính nữ, nhưng chỉ mỗi mình cô xuất hiện trong nhà vệ sinh công cộng. Cô tưởng họ không có nhu cầu giải quyết "nỗi buồn" mà thôi.

Và khi cô đang chỉnh trang lại đầu tóc, có đến ba người đàn ông đeo khẩu trang, lao vào tấn công cô. Chúng không nói không rằng mà lôi cô vào một phòng, một tên trong số chúng đâm cô một nhát vào bụng. Cô nhớ mang máng vài điều mà họ nói với nhau:

"Làm cho giống vào. Người đó không muốn lộ một chút sơ hở nào cả."

Một người khác lại nói:

"Biết rồi, biết rồi. Mày cứ càm ràm suốt từ nảy đến giờ. Giỏi thì mày tự làm đi."

Người kia lại hằn hộc:

"Bộ một mình tao có lời hả?"

Rồi Hoài Lan không đủ sức nghe thấy họ nói gì sau đó nữa. Cô thấy đau lắm, cô nằm trong vũng máu, mắt nhìn lên trần nhà, cơn khó thở kéo dài trong bao lâu cô không nhớ rõ. Cô đoán do cô chết, linh hồn thoát ra khỏi xác.

Hoài Lan ngước lên nhìn di ảnh của mình. Lòng cô rối như tơ vò, tất cả đều là hoang mang, hoảng sợ, lại có chút xót xa chính mình. Những người đó là ai, tại sao lại nhẫn tâm giết chết cô, dù cô không có thù oán gì với họ. Đến cả khuôn mặt của cô cũng bị rạch tan nát. "Người đó" trong câu nói của họ có phải là kẻ chủ mưu, người muốn cô chết hay không? Cô muốn biết, cô muốn họ phải trá giá, cô muốn họ phải đền mạng.

Hoài Lan ôm lấy đầu gối khóc như đứa trẻ, nước mắt nước mũi tèm lem. Cô còn quá trẻ, còn bao ước mơ hoài bão chưa thực hiện. Làm sao cô chấp nhận được sự thật này? Cô còn chưa trả ơn dì Năm, còn chưa biết mùi vị của tình yêu là gì, còn chưa được đi du lịch khắp nơi. Những tên đã giết chết cô đều đáng chết, kể cả tên chủ mưu cũng vậy.

Hoài Lan chợt thấy Hải Đăng đi đâu đó, liền đứng dậy theo sau nó. Cô thấy nó ngồi sau bụi chuối sau nhà, ngồi khóc hu hu. Cô nhẹ nhàng đi đến ngồi bên cạnh nó, nghe tiếng nấc nghẹn của nó. Cô đoán nó không dám khóc trước mặt dì Năm, nó còn phải làm chổ dựa vững chắc cho dì và bé Nguyệt mỗi khi họ buồn phiền. Dù sao nó cũng là người đàn ông duy nhất trong nhà. Nó không thể yếu đuối trước mặt họ.

Hoài Lan và Hải Đăng đã chơi thân từ thời còn nhỏ xíu. Lan khác với mấy bạn gái cùng trang lứa. Nếu người ta chơi búp bê, nhảy dây, chơi cò cò thì cô lại khoái chơi đấu kiếm, bắn bi, bắn súng, những trò chơi mà mấy bạn trai thích chơi. Vì vậy mà Lan có rất ít bạn là nữ, toàn chơi với mấy bạn nam là chính.

Càng lớn Lan càng trở nên xinh đẹp, mái tóc dài và bềnh bồng như thác nước đổ, làn da trắng mềm mại, thân hình trở nên thon thả. Đặc biệt nhất vẫn là đôi má lúm đồng tiền mà mỗi khi cười lên lại khiến bao anh chàng si mê. Đó cũng là lúc Đăng không còn cho cô theo cùng nữa. Bởi vì thay vì chơi cùng nhau thì mấy bạn trai cứ thích len lén nhìn cô, không chịu chơi nhiều như lúc còn bé.

Đăng trở thành vệ sĩ của cô từ thời cô dậy thì, năm đó là năm lớp mười một. Nó còn nhớ như in cái lần cô bị mấy thanh niên xóm trên chọc ghẹo, một mình Đăng đánh cả đám ra bả. Kết quả nó bị thương khắp người, do đánh không lại ba tên bự con hơn nó, còn ba tên đó cũng chẳng khá khẩm gì mấy, họ cũng bị Đăng đánh sưng mặt.

Cũng từ đó, danh tiếng của Đăng – vệ sĩ của Hoài Lan nổi lên như cồn. Không còn ai dám la cà quanh cô nữa, cũng không còn ai dám có ý định tán tỉnh cô nữa.

Năm cả hai lên đại học lại không học cùng chuyên ngành. Lan học trường Kinh tế, còn Đăng học trường Bách khoa, mỗi người một nơi. Mặc dù vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, nhưng nó không còn cơ hội trở thành vệ sĩ của Lan nữa, cũng chẳng kề kề bảo vệ cô nữa.

Hoài Lan ngồi xuống gần thằng Đăng. Cô rất muốn an ủi thằng bạn. Lần đầu tiên cô thấy nó khóc nhiều như vậy. Thằng này mạnh mẽ lắm, chẳng bao giờ thấy nó rơi một giọt nước mắt nào. Hôm nay nó khóc nhiều như thế khiến cô cũng chẳng còn lòng dạ mở lời an ủi. Thôi cứ để nó khóc như thế cho nhẹ lòng.

Từ nay hai người chẳng còn cơ hội gặp nhau nữa, cô cũng chẳng còn đánh đập nó mỗi khi giận dữ, cũng chẳng còn tâm sự chuyện buồn vui trên trời dưới đất với nó nữa. Có lẽ nó cũng nghĩ đến chuyện này nên mới buồn như thế. Cô ngồi bên cạnh, khóc cùng nó.