Hoài Lan đang ngồi trên chiếc va-li nặng ịch, liên tục xem giờ trên chiếc điện thoại di động của mình.
"9 giờ đêm."
Hoài Lan nghiến răng nghiến lợi, tự thì thầm với chính mình. Cô nhét điện thoại vào túi quần, ngước mắt nhìn ánh trăng sáng tựa ban ngày trên cao. Nó tròn vành vạch và đẹp đẽ làm sao, chẳng trách nhà thơ nhà văn lại luôn dùng chủ đề ánh trăng trong những bài thơ, bài văn của mình. Nếu mà có người chịu nghe cô bây giờ, cô có thể sáng tác và đọc rành mạch ra hàng trăm bài thơ về ánh trăng đêm rằm ấy chớ.
Hoài Lan đã chán chuyện ngắm trăng, cô chuyển sang đếm sao trên bầu trời cho đỡ chán. Khi cô đếm đến vì sao thứ hai mươi ba thì cô bắt đầu chán nản hơn ban nảy. Chốc chốc Hoài Lan lại đứng lên, đi đi lại lại, gãi đầu gãi tai, coi bộ đang rất gấp gáp. Cô nheo mắt, cố nuốt lấy bóng đêm vô tận phía bên kia con đường, mong mỏi bóng người thân quen xuất hiện.
Hoài Lan lầm bầm:
"Tao mà gặp mày rồi, tao sẽ ném mày xuống sông."
Hoài Lan rất muốn chửi thề, nhưng đâu đó bên trong con người văn minh như cô thì không cho phép những lời tục tĩu ấy phát ra từ đôi môi xinh đẹp này. Vì thế cô ôm cục tức, tiếp tục liếc nhìn đêm đen.
Chả là thằng bạn tri kỉ từ hồi cởi truồng tắm mưa vẫn chưa đến đón cô. Bình thường nó sẽ lãnh nhiệm vụ ra bến xe chở cô về nhà. Vậy mà dù cô có gọi bao nhiêu cuộc vẫn không thấy nó bắt máy, nhắn hàng chục tin nhắn vẫn không thấy nó trả lời. Nó chưa bao giờ đối xử tệ bạc với cô như thế. Có lẽ sau khi gặp nhau, họ nên ngồi lại, trò chuyện một cách nghiêm túc về cách đối nhân xử thế dạo gần đây của nó mới được.
Cho dù có kiềm chế bản thân như thế nào đi chăng nữa, Hoài Lan vẫn tức tối hét lên inh ỏi:
"Bớ thằng Đăng con bà Năm bán bánh xèo đầu ngõ. Bà sẽ cho mày biết vì sao biển xanh lại mặn."
Rút cuộc, Hoài Lan đành chấp nhận sự thật đã bị thằng bạn thân ngó lơ, phớt lờ. Cô tức giận cành hong, vươn tay chụp lấy va-li kéo đi. Cô cần gì cái "thằng ấy" đâu chớ. Cô đã hai mươi ba tuổi rồi, không lẽ cô còn sợ bãi tha ma như hồi cô còn nhỏ xíu. Nói vậy thôi, chứ trái tim của cô đập nhanh như trống đánh đây nè.
Hoài Lan cẩn trọng nhích từng bước tiến vào cái lối tối om trước mặt và thầm hy vọng tiếng va-li (đang ma sát với lòng đường) đừng tạo ra âm thanh nào thu hút những kẻ vô hình đang núp quanh đây. Cô vừa đi vừa lảm nhảm một mình:
"Cái thằng đó, vậy mà còn nói là anh em chí cốt. Nó thừa biết mình sợ ma mà không thèm tới đón mình."
Hoài Lan bực bội kéo chiếc va-li đi vào làng. Từ bến xe vào nhà cô mất đến hai mươi phút đi bộ. Cô nào ngại chuyện cuốc bộ, cô ngại cái bãi tha ma hai bên con đường kia kìa. Bao nhiêu câu chuyện ma được thêu dệt cũng bắt nguồn từ đây. Mà nghĩ cũng lạ, con đường làng được tu sửa đàng hoàng lại nằm giữa bãi tha ma. Cô ngao ngán lê từng bước chân tiến về phía trước.
Con đường làng dài hơn thì phải. Hoặc do cô sợ hãi quá độ mà ảo tưởng nó dài hơn bình thường. Hai bên đường đều có đèn, ấy vậy mà cô vẫn thấy mọi thứ chìm vào màn đêm đen u tối. Chưa bao giờ Hoài Lan cảm thấy con đường làng lại dài, lại lạnh lùng và tăm tối như vậy. Chắc có lẽ bởi vì thằng Đăng luôn bên cạnh cô, nên cô mới cảm thấy nó vốn dĩ không đáng sợ chăng.
Ngày bình thường, Hoài Lan chẳng hơi đâu tin vào mấy chuyện ma quái mà người ta vẫn đồn đại trong xóm. Ấy vậy mà tại khắc này, mấy câu chuyện ma lại liện tục hiện lên trong não bộ của cô, mà có xua đuổi thế nào nó vẫn không ngừng vang vọng.
Nghe đâu tại bãi tha ma này, cũng có một cô gái trẻ bị người ta giết hại ngay trong đêm. Linh hồn của cô gái nọ vẫn còn vất vưởng đâu đây. Nó luôn rình rập những kẻ yếu bóng vía, hù dọa người ta, lại còn nhập hồn vào những người yếu bóng vía hòng giết hại đàn ông đi ngang qua đây.
Hoài Lan lại là một cô gái yếu bóng vía. Đó mới là điều khiến cô đâm ra sợ hãi như vậy. Lỡ như cô bị ả ma kia nhập xác, rồi giết chết ai thì sao? Cô sẽ trở thành hung thủ giết người, bị bắt, có lẽ còn bị tử hình và trở thành hồn ma trinh nữ, lưu lạc khắp nơi trên trần gian. Mới nghĩ đến thôi là cô đã sợ rồi.
Đèn đường đột nhiên chập chờn theo mỗi bước chân của cô. Hoài Lan nghe trong gió có tiếng hát ru của ai đó, nghe như ai oán. Môi cô run run, toàn thân lạnh toát, da gà nổi lên đầy hai cánh tay. Chân của cô không nhích được thêm một bước nào, nó như bị đóng băng.
Hoài Lan chấp tay, cầu trời khẩn phật cho mình đi qua được nghĩa trang này, bù lại cô nhất định sẽ ăn chay trường kỳ. Phải rồi, cô nhớ ra ma cỏ rất sợ phật. Thế là cô bắt đầu niệm chúa, thầm mong thành công:
"Nam mô a di đà phật. Nam mô a di đà phật." Cô híp mắt thành một đường dài. Hầu như cô không dám mở mắt nhìn phía trước, chân từ từ di chuyển thật chậm.
Bỗng dưng một tiếng hét dài vang lên xé tan bầu không khí u ám, tĩnh mịch. Hoài Lan nhảy dựng lên, cô bỏ cái va-li, co giò chạy một mạch. Cô đoán chắc chắn mình bị ma nhát rồi.
Hoài Lan chạy mãi, chạy mãi vẫn chưa ra khỏi khu nghĩa địa này. Mà kì quái nhất chính là mặc dù đã chạy xa khỏi nơi phát ra tiếng hét, vậy mà cô có cảm giác như người hét lên inh ỏi kia đang đứng bên cạnh mình. Tự dưng tiếng hét vẫn còn vang vọng đâu đây.
"Ngộ nhỉ?" Hoài Lan lẩm bẩm. Tay cô bất giác thò vào túi quần lôi ra chiếc điện thoại. Tiếng hét ban nảy từ đây mà ra, là nhạc chuông báo thức của cô.
Hoài Lan tức giận chính mình. Cô giậm chân, dùng tay tự tát mặt mình hai cái rõ đau. Cô nhớ ra rồi: Tuần trước nhóm bạn của cô đã thách thức lòng can đảm của nhau bằng việc thay nhạc chuông điện thoại. Mỗi người phải chọn nhạc chuông ma quái, càng rùng rợn càng tốt. Cô còn nhớ như in cái bản mặt sợ hãi của nhỏ bạn cùng phòng khi nhạc chuông của cô vang lên. Đợt đó suýt nữa thì nhỏ bỏ phòng trọ luôn, nó không thèm ngủ chung với cô nữa.
Nghĩ cũng lạ, Hoài Lan thay nhạc chuông muốn hù dọa người khác, ai mà ngờ có ngày bị chính nhạc chuông của mình làm cho kinh hồn bạt vía đâu. Dù sao cũng không phải cô bị ma nhát, điều đó đáng ăn mừng hơn. Cô nhảy chân sáu đi tiếp, chỉ còn một đoạn nhỏ nữa thôi đã về đến nhà rồi.
"Cái va-li." Hoài Lan chết lặng, rồi lại bật cười đau khổ. Vì quá sợ hãi, cô đã bỏ luôn chiếc va-li mà chạy. Bây giờ, cô phải lết cái thân gầy gờm, ốm yếu này trở lại đằng đó lấy nó. Hỡi ôi, cái thân xui xẻo của cô.
Hoài Lan than thở rõ dài:
"Người ta nói trong cái rủi có cái may. Sao đời tui trong cái rủi toàn có cái xui, cái rất là xui như vầy."
Hoài Lan vuốt ngực, nuốt nước miếng, quay đầu, bước đi rất hùng hồn đến lấy lại cái va-li. Nếu không phải nhạc chuông báo thức đột ngột vang lên, cô đâu cần khổ sở như vậy. Cô nhất định phải đổi nhạc chuông sau khi an toàn nằm trên giường của mình.
Hoài Lan cẩn thận bước đi. Nhưng cô lại dẫm phải thứ gì đó mềm mềm mà té ngã ngửa. Cô ngẩng đầu nhòm vào thứ cản bước chân của cô. Đó không phải là thứ gì, đó là con người. Không hiểu sao lúc này, cô không còn sợ hãi ma cỏ gì nữa, tất cả đều là tò mò. Máu trinh thám dâng trào, cô quyết định một quyết định khiến cô phải hối hận: Cô lật ngược người đàn ông đang nằm dưới đất lên.
Bởi vì quá tối, Hoài Lan không thấy rõ mặt ông ta. Cô soi đèn trên điện thoại vào mặt người đàn ông và thứ trên mặt ông ta kinh đến mức cô phải hét toáng lên mới giữ được bình tĩnh. Mặt của người đàn ông đầy máu, trên mặt có một vết dài từ thái dương bên trái sang tận mang tai bên phải, trông như vừa bị chém, vết cắt khiến gương mặt như bị chia làm hai.
Hoài Lan hoảng loạn cắn lấy môi đến chảy máu. Cô chầm chậm đưa tay lên mũi người đàn ông, muốn biết người này còn sống hay đã chết.
"Chú ấy chết rồi." Hoài Lan kinh hãi lùi ra sau hai bước, rồi ngã ạch xuống đường.
Khi Hoài Lan đang hoang mang không biết phải làm gì (không phải lúc nào cô cũng nhìn thấy xác chết, trong lòng dĩ nhiên có chút vừa sợ vừa bối rối), xác chết nằm trên đường đột nhiên mở hai mắt nhìn cô. Bàn tay đầy máu của ông ta nắm lấy cổ chân của cô kéo về phía mình.
Hoài Lan kinh hãi tột độ. Ngoài hò hét người khác cứu mạng mình ra, cô chẳng còn cách nào khác. Sức mạnh của ông ta mạnh đến mức in lại vết hằn trên cổ chân của cô. Cô nghĩ mình phải chết tại đây rồi. Xác chết tự dưng sống lại, hoặc suy đoán ban đầu của cô đã sai, ông ta hoàn toàn chưa chết. Nếu như vậy, chi bằng cô cố thuyết phục ông ta. Cô hít một hơi rồi la làng, hy vọng người đàn ông này mủi lòng:
"Chú ơi, chú tha cho con đi chú. Con sẽ đưa chú đi bệnh viện xã mình, con sẽ trả tiền thuốc men cho chú mà chú."
Nhưng người đàn ông không trả lời cô, cũng không thả cô ra. Gã kéo lê cô dưới đường nhựa. Thân thể của cô trầy xước, đầy vết thương, ngay cả áo bên ngoài cũng rách do ma sát với con đường. Cô nghe rõ ràng những lời thì thầm của ông:
"Tất cả đều tại mày. Tại mày mà tao phải chết. Mày sẽ không thoát khỏi tao đâu."
Hoài Lan gào lên thảm thiết:
"Chú ơi chú, con làm gì quen biết chú đâu. Chú hiểu lầm con với ai rồi. Chú tha cho con đi mà chú."
Hoài Lan cảm thấy tủi thân vô cùng, có được không. Rõ ràng cô không hề quen biết chú ấy, rõ ràng chú ấy đang hiểu lầm cô là kẻ giết người, nên mới đối xử với cô như vậy. Thật không công bằng mà. Chắc cô sẽ chết tại đây thôi.
Hoài Lan tuyệt vọng òa khóc, trông đáng thương vô cùng. Vậy mà người đàn ông vẫn lạnh lùng kéo chân cô đi. Không một dấu hiệu nào cho thấy ông ta sẽ tha cho cô.