Chương 205: Đồng đội năm xưa

Lại nói về Vương Doãn, lão xuất thân từ họ Vương ở Thái Nguyên, gia tộc đời đời làm quan cống hiến cho triều đình.

Thuở thiếu thời, Vương Doãn vô cùng chăm chỉ, lập chí thành tựu công lao to lớn.

Lúc này nhà Đông Hán vẫn thịnh hành phong tục cổ đại, người quân tử cần tinh thông lục nghệ, cho nên Vương Doãn sáng học kinh thi, đến tối lại luyện tập cưỡi ngựa bắn cung, có thể nói là văn võ song toàn.

Tuy vậy Vương Doãn nổi danh không phải nhờ tài hoa văn chương, mà vì lão dám đứng ra chống lại cường quyền, ví như đối đầu với các quan chức lớn hơn, hoặc đứng bên chiến tuyến đối chọi hoạn quan.

Vào năm lên mười chín, Vương Doãn làm chức tiểu lại quận thừa, khi ấy Triệu Tân đứng gác cổng Hoàng Môn tham lam sa đọa, trở thành ngôi sao chổi trong huyện, tên này không chỉ vơ vét lắp đầy túi tham mà còn thường xuyên hiếu kính đám hoạn quan bề trên của mình.

Vương Doãn vừa nhận chức, việc đầu tiền là thu thập chứng cứ rồi tìm một tội trạng, sau đó hạ lệnh chém bay đầu Triệu Tân.

Người xưa có câu đánh chó phải ngó mặt chủ, Triệu Tân chết đi, Vương Doãn lập tức đắc tội với hoạn quan ở đế đô, thế là đám bất nam bất nữ rỉ tai với hoàng đế, hòng vu vạ tội lên đầu lão.

Kết quả chuyện gì đến cũng đến, hoàng đế trong cơn giận dữ đã sai quân đến nơi Vương Doãn công tác, hạ chiếu đem… Thái Thú Lưu Kỳ đang ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì tống thẳng vào ngục và hành hình đến chết.

Vị thái thú xui xẻo này đã trở thành hòn đá kê chân cho Vương Doãn vang danh thiên hạ, bởi vì lý do rất buồn cười, dựa theo suy nghĩ của hoàng đế và đám hoạn quan, một tiểu lại quận thừa làm gì có gan ăn cướp trên miệng rồng, chắc chắn có kẻ đứng sau xúi bẩy.

Để tỏ lòng tiếc thương vị cấp trên tai bay vạ gió, Vương Doãn đưa thi thể Lưu Kỳ về quê quán, lại vì Lưu Kỳ mà ở lại thủ tang ba năm mới trở về nhà mình.

Không lâu sau, Vương Doãn lại được gọi ra làm quan, lần này lão đụng trúng một gia đình giàu có nhưng thiếu phẩm đức.

Ở thời Hán, cái gọi là thiếu phẩm đức không hẳn chê bai ngươi sống lỗi với mọi người, mà hầu như dùng để ám chỉ những gia tộc không thuộc giới sĩ tộc.

Gia đình đó có một người tên Lộ Phật được Thái Thú Vương Cầu phong cho chức quan, Vương Doãn thấy thế không theo, thẳng thắn can gián làm Vương Cầu mất mặt, muốn trừ khử lão.

May thay Thứ Sử Tịnh Châu nghe đến thanh danh của Vương Doãn, công khai khen ngợi Vương Doãn chí công vô tư, bày tỏ thái độ muốn cấp ô dù cho lão, Thái Thú Vương Cầu thấy thế cũng không dám đụng tới Vương Doãn nữa.

Vậy là Vương Doãn càng thêm nổi danh, còn Lộ Phật mất cơ hội làm quan.

Người xưa thường nói, bất hạnh của kẻ này lại là may mắn của kẻ khác, Trung Bình Nguyên Niên là những năm xui rủi của nhà Đông Hán, nhưng đối với Vương Doãn, đây là lúc ánh sáng của số mệnh chiếu đến chỗ lão.

Trương Giác quấn khăn tự xưng Thiên công tướng quân, hiệu triệu giặc khăn vàng tấn công vào các thôn trang, hễ gặp nha môn là đốt phá, chỉ trong không đầy 10 ngày, người trong thiên hạ hưởng ứng rất nhiều, kinh đô Lạc Dương chấn động.

Hán Linh Đế vội vàng bổ nhiệm Vương Doãn làm Thứ Sử Dự Châu, cùng Hoàng Phủ Tung tham gia trấn áp loạn khăn vàng.

Lúc này triều đình Đông Hán nguy cơ bốn phía, hoàng đế đành phải cúi đầu trước sĩ tộc, hạ chiếu giải trừ lệnh đảng cấm, từ đó mở ra đường làm quan cho rất nhiều danh sĩ đế quốc.

Ngày vừa nhận chức, Vương Doãn lập tức cho mời một trong bát long là Tuân Sảng và ngôi sao mới nổi Khổng Dung đến giúp đỡ.

Có dân bản địa đứng ra hỗ trợ, Vương Doãn đánh dẹp quân khăn vàng ở Dĩnh Xuyên một cách nhẹ nhàng, tin tức chiến thắng liên tiếp đưa về triều, đồng thời lão hiến kế cho Tả Trung Lang Tướng Hoàng Phủ Tung, Hữu Trung Lang Tướng Chu Tuấn tiếp nhận hơn trăm ngàn quân khăn vàng đầu hàng, nhờ đó danh hiền giả lại càng vang xa.

Năm 189, Hán Linh Đế chết, Hán Thiếu Đế Lưu Biện lên thay, lãnh đạo phe ngoại thích là đại tướng quân Hà Tiến mâu thuẫn với hoạn quan, nhân lúc Vương Doãn tiến về kinh đô chịu tang đã gọi lão đến bàn mưu, nhân danh Hán Thiếu Đế phong lão làm Tư Đồ.

Đổng Trác vào kinh thành, Vương Doãn bị chuyển công tác thành Thái Bộc, sau lại phong thêm chức Thượng Thư Lệnh.

Về cái ghế Thượng Thư Lệnh, đây là vị trí thấp điển hình trong hệ thống quan chức thời Hán.

Dựa theo cơ cấu bộ máy chính quyền thời đó, Thượng Thư Đài là khu vực trung tâm để đưa ra quyết sách, chiếu chỉ của Hoàng Đế đều được đưa đến Thượng Thư Đài phác thảo, việc bổ nhiệm quan lại cũng có quyền hỏi đến, bởi vậy có thể nói toàn bộ công việc hành chính triều đình đều được tập trung ở Thượng Thư Đài.

Về mặt lý thuyết, Thượng Thư Lệnh nằm dưới Thiếu Phủ, chế độ đãi ngộ chỉ tầm khoảng 25 tấn lương thực, trên thực tế chức quan này được hoàng đế chỉ định, nắm quyền lực to lớn.

Từ đó có thể thấy, Vương Doãn trong mắt Đổng Trác đáng tin hơn so với những quan chức khác….

Vào một ngày đẹp trời, Vương Doãn đang nằm thư giãn bên trong phủ, chợt nghe nói Thái Phó Viên Ngỗi ghé thăm.

Lão vội vàng ăn mặc chỉnh tề rồi chạy ra đón tiếp, sau vài câu thăm hỏi vô thưởng vô phạt, Vương Doãn mỉm cười bảo:

“Viên Thái Phó đến đúng lúc nha, lão phu vừa được người tặng trà, muốn mời Thái Phó cùng nhau thưởng thức!”

Lông mày Viên Ngỗi giật mấy cái, lão sửng sốt bảo:

“Ồ, đó có phải là trà do Cát Thiên Sư phơi không?”

“Đúng vậy! Ha ha ha ha…”

Vương Doãn vuốt ria mép một cách tự đắc, Viên Ngỗi tỏ vẻ chờ mong cũng đúng thôi, dù sao đây chính là trà do chính tay đạo sĩ nổi tiếng nhất đế quốc – Cát Huyền tiên sinh luyện chế cơ mà, số lượng vô cùng ít ỏi, dù là sĩ tộc bốn đời tam công cũng chưa chắc được uống thường xuyên.

“Khà khà, đây là phúc của Vương Thái Bộc, lão phu cũng may mắn được thơm lây.”

Viên Ngỗi cười cực kì sáng lạn, nhưng trong lòng lạnh lùng hừ một tiếng, dù sao hiện tại Vương Doãn đã đủ lông đủ cánh, bắt đầu đối xử với người quen năm xưa một cách chính trị hơn, khiến cho Viên Ngỗi có cảm giác bó tay bó chân.

Chỉ chốc lát sau, người hầu đã dâng trà được nấu xong, hương khói thơm lừng bốc lên thoang thoảng trong không khí.

Viên Ngỗi cùng Vương Doãn tự mình cầm bát trà chậm rãi nhấp một ngụm, khói trắng mờ ảo lượn lờ giữa hai khuôn mặt già nua, chẳng ai chịu mở miệng lên tiếng, như thể bận chìm đắm trong hương vị thanh tao ấy.

Nhưng bát trà này không phải bát Thạch Sanh, nước dần cạn đáy, khói trà cũng tản mác đi mất.

Viên Ngỗi đã dùng xong trà, nhưng lão vẫn giờ cái bát trống không ở giữa miệng, ánh mắt đảo liên hồi như có chuyện cần suy ngẫm.

Trước khi đến đây, Viên Ngỗi đã toan tính rất nhiều điều, ai dè Vương Doãn đột nhiên cố ý phô bày một chút thực lực, tựa như muốn gởi lời cảnh cáo, làm Viên Ngỗi phải sắp xếp lại tính toán của mình một lần nữa.

Hiện nay triều đình do Đổng Trác nắm giữ, gã mập này thường xuyên tỏ vẻ độc đoán, nhưng tất cả chính lệnh vẫn không trực tiếp đưa xuống các nơi mà vẫn được ban hành thông qua Thượng Thư đài, từ đó thể hiện tầm quan trọng của Vương Doãn.

Ngày xưa Thượng Thư Đài là sân nhà của Viên Ngỗi, lão lập phe cánh rồi chỉ huy phía sau, đem hào quang nhà họ Viên chiếu rọi đến khắp ngõ ngách đế quốc, nhưng về sau Đổng Trác phát hiện ra điểm này, gã liền đem cái ghế Thượng Thư Lệnh trao cho Vương Doãn - một người biết nghe lời và biết phối hợp, chẳng khác nào cắt đứt đường thăng quan tiến chức của nhà họ Viên và đám con nhang đệ tử.

Viên Ngỗi nhẹ nhàng đặt bát trà xuống, vừa cười vừa nói:

“Trăm nghe không bằng mắt thấy, quả nhiên trà chỗ Vương Thái Bộc đúng là loại tuyệt hảo! Lần trước lão phu có phước được thưởng thức tại quý phủ, nên mồm miệng vẫn còn dư hương nhiều ngày. Ài, không biết lần này uống xong, hương trà lưu được bao lâu nhỉ?”

Thái Phó Viên Ngỗi lại phát huy kỹ năng chỉ hưu bảo ngựa, ý là ngươi đang phong quang hiển hách, nhưng cũng phải nhớ đến nghĩa xưa, trà dù có tốt bao nhiêu, cũng chỉ khiến người ta thấy sảng khoái nhất thời, chứ lưu hương nhiều ngày kiểu gì?

Lần trước Viên Ngỗi và Vương Doãn cùng nhau uống trà Cát Thiên Sư cũng là lúc Đổng Trác vừa mới vào kinh.

Khi đó Đổng Trác cướp công Vương Doãn hộ giá tiểu hoàng đế hồi triều, lại chiếm lấy quân của Hà Tiến và Đinh Nguyên để lại, bắt đầu dùng bạo lực để đoạt quyền, hai người Vương Doãn cùng Viên Ngỗi mới ngồi xuống bàn cách đối phó Đổng Trác.

Vương Doãn gật đầu cười, lại không lập tức đáp lời, lời nói giấu dao của Viên Ngỗi làm sao lão không nhận ra, nhưng xin lỗi bạn già nhé, sông có lúc người có khúc, thời thế giờ đã khác xưa nhiều…