Bên trong đại doanh dưới chân núi Lỗ, Tôn Kiên chau mày liếc nhìn danh sách vật tư quân đội chất cao như núi, cuối cùng thở dài khép sổ lại rồi trả cho chủ bạ.
Hắn gật đầu bảo:
“Ta biết rồi, ngươi mau chóng chuẩn bị, đại quân sắp bắt đầu hành động, tuyệt đối không được sai sót!”
“Tuân lệnh.”
Chủ bạ cung kính hành lễ rồi lui ra ngoài.
Tôn Kiên lại thừ người ra, ngón tay gõ nhịp nhàng trên mặt bàn như có điều suy ngẫm.
Đổng Trác…thằng mập này là đối thủ cũ của mình, trận này chắc hẳn khó đánh nha…
Nhớ năm đó Biên Chương cùng Hàn Toại thấy triều đình nhà Hán suy yếu sau khi mới dẹp xong khởi nghĩa khăn vàng, liền dấy binh tạo phản, uy hiếp vùng Tam Phụ ở gần Trường An.
Lúc ấy Đổng Trác vẫn là Trung Lang Tướng, chẳng có công lao gì nhưng nhờ hối lộ các đại thần, đặt biệt là nhóm hoạn quan nên được phong làm Phá Lỗ tướng quân.
Khoảng ba năm sau, triều đình lại phong cho Tư Không Trương Ôn làm Xa Kỵ tướng quân, tiếp tục bình định Biên Chương. Vì Trương Ôn là người quận Ngô, cho nên hắn dâng tấu tiến cử Tôn Kiên làm tham mưu chiến dịch.
Tiếc thay cho người tên Trương Ôn này, dưới dáng vẻ khí phách phong trần ấy lại không chứa một trái tim kiêu hùng.
Đó cũng là lần đầu tiên Tôn Kiên gặp Đổng Trác.
Mặc dù chức quan của Đổng Trác thời đó chỉ là Trung Lang Tướng, nhưng gã mập đó đã tích lũy được lực ảnh hưởng rất khủng khiếp, địa vị trong lòng dân Tây Lương vô cùng cao.
Nhớ lại lúc đó Trương Ôn cho người triệu tập Đổng Trác tới, vậy mà hắn cố ý kéo dài thời gian, thành ra đến trễ, khi bị Trương Ôn trách móc còn bày ra vẻ mặt kiêu ngạo.
Thân làm người phụ tá, Tôn Kiên ra sức thuyết phục Trương Ôn chém Đổng Trác, hắn bảo:
“Trác đã không sợ tội còn tỏ ra phách lối, ngài nên triệu hắn đến rồi xử trảm theo quân pháp.”
Dè đâu Trương Ôn cân nhắc tới tầm ảnh hưởng của Đổng Trác ở Tây Lương, do dự mãi, cuối cùng không đồng ý giết Đổng Trác.
Tôn Kiên nào phải kẻ tầm thường, khi ấy bỏ công thuyết phục Trương Ôn, vạch ra ba tội lớn để có thể quang minh chính đại cho Đổng Trác bay đầu, nhưng Trương Ôn làm gì mạnh mẽ như cái mã ngoài của hắn, cho rằng Đổng Trác có uy tín với dân Tây Lương, nếu giết đi thì sợ người bản địa không ủng hộ.
Hắn nhớ mình đã nói thế này:
“Trương đại nhân, ngài đích thân lãnh binh triều đình, uy chấn thiên hạ, há lại cần nể mặt Đổng Trác? Lời Trác nói ban nãy vừa thiếu lễ nghi vừa khinh thường thượng cấp, chẳng khác nào xem nhẹ đại nhân, đó là tội thứ nhất.
Biên Chương, Hàn Toại làm loạn nhiều năm, lúc này cần nhanh chóng dẹp yên, vậy mà Trác lại bảo không được hành động, làm quân tâm rối loại, là tội thứ hai.
Trác nhận nhiệm vụ do triều đình giao phó, đã không đạt được thành quả nào lại tỏ ra tự cao tự đại, chống lại quân lệnh, là tội thứ ba.
Danh tướng xưa nay đều dùng võ khống chế quân đội, dùng hình xử trảm để lập uy, thế nên thời Xuân Thu mới có tích Nhương Thư chém Trang Giả, Ngụy Giáng chém người hầu của Dương Can. Nay ngài rộng lượng đề bạc mà Trác tỏ thói kiêu căng, nếu không mau chém đầu thị chúng, sẽ ảnh hưởng đến uy danh của ngài vậy.”
**dịch giả chú thích:
-Tư Mã Nhương Thư: danh tướng nước Tề do thừa tướng nổi tiếng Án Anh tiến cử, được đánh giá là Khương Tử Nha 2.0, ông hẹn Trang Giả đến quân doanh nhưng Trang Giả kiêu ngạo, không phục Nhương Thư nên đến muộn. Vì thế Trang Giả bị Nhương Thư chém đầu.
-Ngụy Giáng: danh tướng nước Tấn, trong lúc Tấn kết minh với Lỗ và Ngô, Dương Can nói năng ngông cuồng ảnh hưởng đến quân đội, vì là em vua nên ông sai người chém người đánh xe thay thế. **
Thật ra Tôn Kiên và Đổng Trác không quen biết nhau nên hắn chẳng có thù hằn cá nhân gì cả, tuy nhiên lần đầu tiên Tôn Kiên nhìn thấy Đổng Trác, hắn đã biết bản thân mình và Trác cùng một loại người, đều là kẻ kiêu hùng mang dã tâm bừng bừng.
Vì thế hắn ra sức thuyết phục đồng hương Trương Ôn đang nắm quân quyền thay mình tiễn một đối thủ chính trị mồ yên mả đẹp.
Lúc đó Tôn Kiên vẫn còn một lý do nữa không nói ra, bởi vì lý do này là trực giác của bản thân, không có chứng cứ rõ ràng nên cũng không tiện trình bày, chỉ bảo dựa vào ba điều trên, Trương Ôn đủ tính chính danh để cho Đổng Trác đi bán muối.
Trong sự kiện tạo phản của Biên Chương, Hàn Toại, Tôn Kiên nghi ngờ Đổng Trác có bỏ tiền ra âm thầm viện trợ cho đám phỉ tặc, thậm chí trực tiếp tham dự vào.
Kết quả lịch sử đã chứng minh nghi ngờ của Tôn Kiên hoàn toàn có cơ sở, bởi vì tháng 11 thuộc năm Trung Bình nguyên niên thứ ba, Trương Ôn dũng mãnh phá tan căn cứ Mỹ Dương của Bắc Cung Bá Ngọc, lại phái Đãng Khấu tướng quân Chu Thận mang quân tấn công thành Du Trung; đồng thời giao cho Đổng Trác ba mươi ngàn quân, sai đi đánh người Khương.
Có thể nói cục diện đã dần ngả ngũ, dè đâu người tính không bằng trời tính, Chu Thận, Đổng Trác vậy mà cùng nhau thua trận.
Chu Thận ngoan cố dốc sức đánh thành, hắn nhiều lần khuyên Chu Thận dùng kỳ binh cắt đứt đường vận lương của địch nhưng bị bác bỏ, ngược lại Hàn Toại và Biện Chương cho người lẻn ra sau cắt đường lương của Chu Thận khiến quân triều đình thảm bại, toàn quân bị diệt.
Bên Đổng Trác cũng chẳng khá khẩm hơn, bị người Khương vây ở huyện Vọng Hoàn, cũng thua to nhưng gã mập đó lại nói dối là bảo toàn được quân đội.
Về sau, Đổng Trác còn vung tiền lo lót cho đám Trung Thường Thị, chẳng những không bị truy cứu tội thua trận mà còn được phong làm Ngao Hương Hầu, ngược lại Tôn Kiên bị tước mất quân quyền, chuyển về làm nghị lang.
Chỉ ít lâu sau, Khu Tinh ở Trường Sa phản loạn, tập hợp gần mười ngàn người đánh phá khắp nơi, triều đình không chịu nổi mới phong Tôn Kiên làm thái thú Trường Sa.
Kể từ dạo đó, Tôn Kiên cách xa quê hương đã tròn bốn năm, đến nay vẫn chưa có dịp trở về.
Những năm này Tôn Kiên đã vì triều đình mà dốc cạn bầu tâm huyết, liên tục đánh phá Khương Hồ, đập tan khăn vàng, rồi ngược bắc xuôi nam để tiêu diệt phản tặc, nhưng ngoại trừ danh hiệu Ô Trình Hầu ra, hắn chẳng có chút thực quyền nào cả.
Ngày hôm nay hắn lại lần nữa cưỡi ngựa xuất chinh, bắt đầu một hành trình mới, nhưng lần này hắn rất kích động và hưng phấn, bởi vì lần này hắn đánh nhau vì chính bản thân mình.
Tôn Kiên đã quá chán cảnh nghe người khác chỉ trỏ ra lệnh, mệt mỏi việc bị một thằng cha nào đó xông ra làm khó, lần này không như vậy nữa, hắn sẽ có lãnh địa của riêng mình!
Tôn Kiên đứng dậy, cao giọng quát:
“Người đâu, đánh trống điểm tướng!”
Binh sĩ gác bên ngoài hô vang tuân lệnh, tiếng trống đồng thời vang lên, hòa lẫn với tiếng chân chạy và tiếng ngựa hý tạo thành một khúc ca bi tráng.
Tôn Kiên ngẩng đầu đứng ngạo nghễ nhìn lên mây xanh, thầm nhủ trong lòng, thằng mập họ Đổng kia! Lần trước ta không lấy được mạng ngươi, bây giờ thời thế đã khác, ta sẽ dùng máu thịt ngươi trải phẳng con đường xưng bá của mình!
Ở một diễn biến khác, trong Thôi gia trang ngoài thành Lạc Dương, Thôi Hậu đã thảo luận với cha xong, cuối cùng chuyện gì đến cũng phải đến.
Nhà họ Thôi đã ngủ say quá lâu, từ ngày Thôi Liệt lên chức Tam Công rồi qua đời, gia tộc từ đỉnh cao danh vọng đã rớt xuống đáy xã hội.
Rất nhiều kẻ ngày trước xum xoe lấy lòng, nhưng người đi trà nguội, lập tức trở mặt không quen biết, đến tận bây giờ Thôi Hậu vẫn nhớ rõ gương mặt đáng hận của từng người.
Bao năm qua, nhà họ Thôi không tiếc tìm kiếm phương pháp, thậm chí bỏ luôn mặt mũi cùng tự trọng, đi cướp đoạt một vài bảo vật của thôn dân để tăng cho quan lớn trong triều, chẳng phải hy vọng có thể một lần nữa trở lại đỉnh cao quyền lực sao?
Cũng may Phỉ Tiềm nhớ tình xưa ghé thăm, không chỉ mang theo lính tư nhân mà còn mang theo hy vọng giúp nhà họ Thôi tìm lại vinh quang ngày xưa, thậm chí có khả năng trở thành thế gia nổi tiếng trong đế quốc!
Mặt khác, Phỉ Tiềm là chính mắt Thôi Hậu chứng kiến, từ một kẻ thuộc chi thứ nhà họ Phỉ, không một chút tiếng tăm, trong vòng nửa năm bỗng chốc trở nên nổi danh, không chỉ trở thành đệ tử của đại nho Thái Ung, mà còn được danh sĩ Kinh Tương Bàng Đức Công dốc hết sở học ra truyền thụ, ngoài ra còn trở thành con rể của gia chủ nhà họ Hoàng, một gia tộc thâm căn cố đế ở Đại Hán…
Biến hóa long trời lở đất khiến lòng tin trong Thôi Hậu tăng mạnh!
Phỉ Tiềm có thể làm được như ngày hôm nay, chắc chắn hắn có chỗ thông minh độc đáo, mặc dù thằng nhóc đó nói lời khiêm tốn suốt, có vẻ không kể hết mọi thứ, nhưng Thôi Hậu tin Phỉ Tiềm có sắp xếp của riêng mình.
Mà cũng đúng, trước đó Thôi Hậu còn chưa tỏ thái độ, Phỉ Tiềm giấu diếm chút chuyện lại cũng là điều đương nhiên.
Nhà họ Thôi ở Sơn Đông…hahaha…
Thôi Hậu chợt nở nụ cười, mặc dù gia tộc mình cắm rễ được ở thủ đô hơn trăm năm, nhưng nếu xét về nguồn gốc, bọn hắn cũng chỉ là chi thứ của nhà họ Thôi ở Sơn Đông mà thôi.
Vốn dĩ nhà họ Thôi xuất thân ban đầu là họ Khương, tổ tiên chính là Thái Công Khương Tử Nha, mang dòng máu của Thần Nông, lúc Đại Chu cấp cho đất ở nước Tề, người con cả được đưa đến Thôi Ấp, con cháu đời sau lấy tên Ấp làm họ, nên được đổi thành họ Thôi, vì vậy Lâm Truy ở Sơn Đông cũng là đất tổ của bọn hắn.
Đã có tấm gương Phỉ Tiềm, Thôi Hậu hắn cũng chưa chắc không thể giống như vậy!
Thôi Hậu nhìn Phỉ Tiềm bình tĩnh ngồi trong phòng khách, bộ dạng do dự ban đầu biến mất, dần thay thế bằng vẻ mặt kiên định…