Chuyển ngữ: Wanhoo
Trần Lực không tin bí kíp võ công gì đó, nói với Ninh Thư: “Anh sẽ bảo vệ em.”
Thấy Trần Lực không tin, Ninh Thư điều động kình khí ung dung nhẵm lên tường nhảy ra ngoài.
“Nhị Muội.” Trần Lực mở cổng chạy ra, khiếp đảm: “Em làm kiểu gì?”
Ninh Thư phủi tay: “Em nói là tu luyện bí kíp hiệp khách cho mà, anh có luyện không?”
“Có có…”
Ninh Thư nói cho Trần Lực biết tâm pháp và phương pháp tu luyện Tuyệt Thế Võ Công, rồi cầm tay dạy hắn cách tu luyện.
Bà Lý thức đêm may quần áo cho Ninh Thư và Trần Lực, vừa may vừa khóc. Ông Trần cũng mất ngủ, rít thuốc cả đêm, khói ngập phòng không nhìn rõ người.
Hai ngày sau, Ninh Thư mặc quần áo bà Lý may, buộc lưng quần. Quần áo không đo nhưng vừa vặn.
Bà Lý chải đầu, búi tóc kiểu thanh niên cho Ninh Thư. Ninh Thư tháo đôi bông tai lá trà.
Cầm bọc đồ, trong bọc có lương khô, bánh mì khô bà Lý chuẩn bị cho hai anh em.
Người trên huyện thống kê số người điều đi ở cổng làng, bốn người đi ra cổng làng. Ai nấy cũng buồn bã, bi thương. Chuyến này đi không biết ngày nào về, không biết có về được không.
Trong bầu không khí này, bà Lý cũng bật khóc ôm Ninh Thư và Trần Lực.
Ninh Thư vỗ lưng bà Lý, an ủi: “Mẹ yên tâm, con và anh sẽ sống sót về thăm mẹ.”
“Con của ta.” Bà Lý ôm chặt Ninh Thư và Trần Lực, không muốn buông tay.
Ông Trần kéo bà Lý, giọng hơi nghẹn ngào dặn dò Ninh Thư: “Phải đảm bảo anh mày còn sống.”
Ninh Thư gật đầu: “Con biết ạ.”
Ninh Thư không cảm thấy bất công, vì ở cái thời này con gái không quan trọng bằng con trai.
Sau nửa ngày thống kê nhân khẩu, quan phủ cử đội lính áp giải nhóm bọn cô đến nơi sửa đê.
Ninh Thư ngoảnh lại nhìn cổng làng xa dần, chuyến đi này không biết vận mệnh sẽ thế nào.
Thà làm chó ở hòa bình cũng không muốn làm người sống trong thời loạn.
“Nhị Muội đừng sợ, có anh ở đây em sẽ không sao đâu.” Thấy Ninh Thư ngoảnh lại, Trần Lực tưởng Ninh Thư sợ nên an ủi em gái.
Ninh Thư mỉm cười, nói chuyện khác: “Anh tu luyện đến đâu rồi?”
Trần Lực bảo: “Người hơi tê tê, nhưng mà nhanh đói.”
Tế bào đang hấp thụ năng lượng.
“Lải nhải gì đấy bước nhanh cái chân lên.” Một tên lính vụt roi vào người khác.
Quan binh cư xử rất tệ, hơi chút rút roi đánh người. Có người lớn tuổi bị vụt một cái không đứng dậy được.
Không đứng dậy lại bị quan binh vụt liên tục.
Rất nhiều lần Trần Lực muốn xông lên can ngăn nhưng luôn bị Ninh Thư giữ lại. Ninh Thư lắc đầu với Trần Lực, chưa phải lúc.
Mới lên đường, mọi người phẫn nộ quan binh nhưng vẫn nhịn được. Dân đen nhẫn nhịn giỏi, chỉ cần có cái ăn cái mặc là nhịn được mọi điều. Chưa chạm đến giới hạn sẽ không phản kháng.
Càng đi xa, quan binh càng to gan, hơi chút lại đánh chửi. Đi liên tục không cho nghỉ ngơi, không theo kịp đội sẽ bị đánh bị thương khắp người.
Trời nóng nực, áp giải tráng đinh cũng vất vả. Quan binh nhận việc áp giải đều là những kẻ thừa thãi bị sai làm việc vô tích sự.
Những tên lính này trút giận lên dân đen, hơi chút đánh người, Ninh Thư ngậm bồ hòn làm ngọt cũng ăn vài cái roi.
Ninh Thư bị đánh, Trần Lực điên tiết muốn đánh trả song luôn bị Ninh Thư kéo lại. Chỉ bị vụt vài cái thôi, rồi sau sẽ cho chúng nó đẹp mặt.
Có một số người không chịu nổi bỏ trốn bị bắt về, trói lại cho ngựa kéo đến chết.
Thế mà bọn lính vẫn cười đắc chí, dọa nạt những kẻ manh nha ý đồ bỏ trốn trong đội.
Trần Lực căm phẫn vô cùng, Ninh Thư nhìn thấy hắn giật cơ bắp tay xem chừng muốn giết người.
Còn lâu cô đã đi sửa đê.
Ninh Thư định ra tay trước khi đến nơi sửa đê.
Không biết đã đi được bao lâu, giày của Ninh Thư cũng mòn đế. Không chỉ người trong đội rục rịch, ngay cả quan binh cũng bực bội.
Ngày nào cũng quản lý đống người hết ăn lại ỉa, đi vệ sinh cũng phải đi theo.
Quan binh dần để mắt đến phái nữ trong đội, định bắt các cô gái để giải tỏa.
Trời tối, quan binh dựng trại tạm thời, đội tráng đinh chỉ được ngủ vất vưởng ngoài trời mặc cho muỗi đốt. Ninh Thư bôi thuốc, muỗi không đốt cô.
“Em ơi, cứu chị…” Giọng nữ thê lương vang lên, Ninh Thư nhìn thấy hai quan binh lôi xềnh xệch một cô gái.
Em trai của cô gái hãy còn nhỏ, chỉ biết hoảng hốt gọi chị ơi.
Trần Lực đứng phắt dậy, lần này Ninh Thư không ngăn. Tính ngày bọn cô đã đi được nửa tháng, đã đi rất xa nhà.
Dọc đường cũng gặp nhiều dân tị nạn, chắc hẳn đã gần đến đích.
Bao nhiêu dân tị nạn không có công việc, không có cái ăn. Đã không bị áp giải đi sửa đê, dân tị nạn bị ngu hay sao mà ở lại đây, hay là ở lại được lợi gì.
Ninh Thư kéo Trần Lực, Trần Lực nói: “Anh không nhịn được nữa. Chúng nó làm nhục con gái, chưa biết chừng lần sau đến lượt em.”
Ninh Thư mỉm cười: “Giết hết, xúi giục những người khác giết bọn lính này.”
Trần Lực sợ hết hồn: “Em…”
Hắn chỉ muốn dạy dỗ quân lính, không ngờ em gái độc ác hơn mình.
Ninh Thư đưa dao găm cho Trần Lực: “Chúng ta không phản kháng thì đến nơi sửa đê cũng chẳng sống nổi.”
“Giết bọn lính này rồi chúng ta tập trung với quân khởi nghĩa.” Ninh Thư nói: “Chúng ta đi được một thời gian rồi, đi cũng nhanh, chắc cũng xa nhà mấy trăm dặm.”
Tin tức ở cổ đại đến chậm, dọc đường có chuyện gì thì cũng rất lâu sau mới biết.
Bên này đã đến nơi sửa đê nhưng bên kia cứ tưởng đang trên đường, bọn cô phải tận dụng thời gian này.
Đội tráng đinh không quan trọng, mất thì tập hợp đội khác.
“Em gái, anh…” Trần Lực tái mặt chần chừ.
Trần Lực đổ đầy mồ hôi, nếu làm thật, vậy trước mặt có thể là con đường tương lai xán lạn, hoặc cũng có thể vực sâu không đáy.
Ninh Thư nói: “Anh muốn đi đánh nhau mà?”
Trần Lực căng như dây đàn, nói nhỏ: “Nhưng đây là tạo phản.”
Ninh Thư nói: “Triều đình như cái cây bị mối đục rỗng, làm gì cũng sẽ đổ. Thời thế loạn lạc, phải đập đi thì mới có thể xây lại, lật đổ rồi lập nên trật tự mới.”