Mặt trời đã xà xuống mép ngọn cây, giẫy dụa tỏa ra ánh sáng đỏ vàng quật cường trước khi bị đường chân trời kéo lấp hẳn. Ánh chiều tà treo ở trên không trung, lộ ra một mảng bừng bừng, nhuộm đỏ nửa bầu trời.
‘Hai tuần địa ngục’ cũng đã trôi qua, bây giờ đã hơn một tháng kể từ ngày Lê Minh được đưa lên trại. Có nghĩa là anh cũng đã đi được nửa chặng đường của chương trình huấn luyện khắc nghiệt tại đây. Chiều hôm nay là cuối tuần, sau khi kết thúc buổi huấn luyện, anh ở lại cùng Duy Thành phụ trách vệ sinh khu trại theo định kỳ được phân công. Lau dọn các thiết bị huấn luyện một hồi, Lê Minh ngồi xuống bậc thềm nghỉ ngơi, rút một điếu thuốc ra châm lửa hút. Quay sang gọi Duy Thành đang cặm cụi ngồi lau dầu mấy khẩu súng.
“Ê Thành! Ra nghỉ tay ra làm điếu thuốc đi.”
Duy Thành lau tay dính đầy dầu mỡ vào cái khăn. Hắn đi lại rồi ngồi bệt xuống đất. Lê Minh ném cho hắn bao thuốc ba số rồi hỏi.
“Ngày mai được nghỉ cậu tính làm gì không?”
“Làm gì ngoài rủ em Cúc đi chơi. Còn cậu?”
“Linh Giang lên thành phố thăm em gái. Tôi chắc nằm đọc sách qua ngày thôi.”
Duy Thành uể oải nằm ngả ra nền gạch ngửa mặt lên trời, mắt nhắm lại thư thái thả một hơi thuốc rồi nói.
“Nghe lão Tiệp giảng bài sáng nay mà tôi buồn ngủ díp cả mắt, mấy lần ngủ gật may mà lão không phát hiện ra không thì lại bị phạt.”
“Tôi cũng học môn này trong trường luật rồi nhưng để áp dụng thực tế thì chưa từng.”
“Tôi đã được đào tạo môn tâm lý tội phạm này trong trường cảnh sát rồi, lại có kinh nghiệm thực chiến nhiều năm làm trinh sát, cũng tham gia thẩm vấn nhiều đối tượng nên nắm khá vững.” Duy Thành rít một hơi thuốc sâu rồi chậm rãi nói .
“Cậu đánh giá như thế nào về bài học vừa xong nếu áp dụng thực tế trong các cuộc điều tra của tổ trọng án? Tâm lý tội phạm trong các vụ án mạng thì diễn biến như thế nào?” Tự mình châm một điếu thuốc mới, Lê Minh vặn cổ kêu rắc một cái rồi hỏi.
“Trên thực tế các vụ án được phá nhanh, cũng nhiều khi do chính tội phạm tự tiết lộ hành vi của bản thân chúng, như là sau khi gây án thì vội vàng bỏ trốn khỏi địa phương, có thái độ bất thường, quay lại nơi gây án để kiểm tra, tâm lý hoảng loạn, bất an. Ngoài ra cũng có loại tội phạm giết người động cơ vì trả thù, vì khoái cảm bản thân hoặc mắc một chứng bệnh tâm thần nào đó.” Duy Thành thành thục trả lời.
“Tôi nhận thấy bất cứ ai cũng có thể trở thành tội phạm tiềm ẩn, cậu nghĩ có đúng không?” Lê Minh cắt ngang chen vào.
“Tôi đồng ý!” Duy Thành gật đầu nói. “Mọi người bị ảnh hưởng bởi môi trường, hoàn cảnh, những trải nghiệm tiêu cực mà con người ta có. Những yếu tố phạm tội bao gồm khuynh hướng di truyền, tuổi thơ bất hạnh, bị lạm dụng, bị đả kích khi chúng tương tác thì sẽ càng trở nên trầm trọng. Nên tại sao mà nghề cảnh sát chúng tôi nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Cũng bởi va chạm quá nhiều vụ án, thẩm vấn các loại người trong xã hội. Có những tội phạm tôi đã từng ngồi thẩm vấn có loại nhìn mặt trẻ con búng ra sữa, có loại thì cực kỳ cáo già, có loại thì hung tợn dữ dằn.”
“Cậu nghĩ sao về ‘Hiệu ứng bắt chước’ đó có phải là một hành vi tội phạm điển hình trong xã hội ngày nay hay không ?” Lê Minh gật đầu thừa nhận rồi hỏi tiếp.
“Hiệu ứng bắt chước xảy ra trong môi trường khi những con người sống gần nhau, thân thiết với nhau lâu ngày thì thường sẽ bị ảnh hưởng hành vi của nhau một cách ý thức hoặc vô thức một phần hoặc toàn bộ. Có nhiều người quá khứ rất tốt nhưng vì bạn bè rủ rê nên trở thành tội phạm lúc nào không hay. Thế nên trong ngành cảnh sát chúng tôi có câu nói vui là. ‘Dù bạn có bị tù oan thì vẫn là đi tù’ đời là vậy đấy.” Duy Thành nhả một cụm khói thuốc thành hình tròn rồi trả lời.
Hừm! Tỷ lệ oan sai trong ngành tư pháp thì chẳng ai còn lạ gì nữa. Nhất là dùng biện pháp ngăn chặn để bắt tạm giam, sau khi điều tra xong thì thấy tội của bị cáo nhẹ hơn mức tạm giam thế là tòa vác ra xử đúng bằng ngày tháng tạm giam rồi thả về, thế là xong. Chứ xử nó án tù mà nhẹ hơn thời gian tạm giam thì thành ngồi tù oan à. Tiền ngân sách đâu ra mà bù cho việc đó, lại mang tiếng cả ngành tư pháp ấy chứ.
Lê Minh chuyển sang câu hỏi khác, anh có ý muốn kiểm tra kiến thức của Duy Thành.
“Trong xã hội của chúng ta có những vụ thảm sát, mà tội phạm lại là những người còn rất trẻ tuổi. Cậu có nghĩ rằng hung thủ có thực sự mắc chứng bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng không? Hay là do một nguyên nhân khác tác động đến chúng?”
“Tôi nghĩ là có.” Duy Thành đáp. “Thông thường khi ta tương tác giao tiếp với một người ta chưa gặp bao giờ, ta sẽ có một sơ lược phác thảo về người đó dưới dạng hóa học thần kinh, dựa trên thái độ của bản thân ta đối với việc thế giới xung quanh có an toàn hay không? Con người có đáng tin hay không? Ta có tin vào trực giác hay không?”
Rít một hơi thuốc sâu hắn nói tiếp. “Tội phạm mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng, thường không tin tưởng người khác, lúc nào cũng nghi ngờ mọi người nghĩ xấu hay có ý đồ xấu với mình, mà không có bằng chứng hay lý do chính đáng. Với bạn gái, bạn trai hay chồng, vợ của mình, họ lúc nào cũng nghĩ là người kia ngoại tình, không chung thủy mặc dù họ không có bằng chứng gì để chứng minh điều đó. Họ đổ lỗi cho người khác cho những điều không may xảy ra với họ. Họ luôn luôn đúng, chỉ có người khác sai.”
Nhổm người dậy Duy Thành tiếp tục giảng giải như một vị giáo sư. “Người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường lúc nào cũng giận dữ, thù dai, ganh tỵ một cách bệnh hoạn, suy nghĩ lệch lạc. Những hành động, lời nói, cử chỉ bình thường, hay mang tính tốt đẹp đều bị họ coi là xấu xa, cười nhạo họ. Cảm xúc chủ đạo trong họ chính là giận dữ và nghi kỵ. Nói ngắn gọn, đặc điểm chính của các vụ án thảm sát là tội phạm bị rối loạn nhân cách, chúng đều rất bệnh hoạn, thù dai, đa nghi, cảm thấy bị đe dọa ngay cả với những hành động bình thường của người khác. Có trường hợp khi lên cơn ghen tuông, người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng có thể sẽ giết người yêu, thậm trí cả gia đình họ. Cũng có trường hợp chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, mà người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng sẵn sàng ấp ủ ý đồ mưu sát nhiều người. Tóm lại tội phạm mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường là rơi vào người trẻ tuổi, có nhiều cảm xúc tiêu cực.”
Duy Thành quả là có kiến thức. Hắn rất thông minh. “Nếu tội phạm không mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng, mà vẫn gây ra những vụ thảm sát thì sao? Vậy động cơ và mục đích của chúng khi giết nhiều người là như thế nào?” Lê Minh hỏi tiếp.
“Câu hỏi này của cậu hay đấy.” Duy Thành vứt tấm vải dầu dưới đất sang bên rồi mới trả lời. “Thực ra cũng nhiều vụ án xảy ra gây chấn động dư luận xã hội. Điển hình như bọn tội phạm trộm cướp tài sản, thường chúng không có chủ đích sẽ gây ra án mạng, nhưng lại luôn mang sẵn theo hung khí để phòng thân. Trong trường hợp bị phát giác, để đảm bảo an toàn, từ mục đích ban đầu chỉ là cướp tài sản, khi bị phát hiện các tay trộm thường thực hiện luôn mục đích phát sinh là giết người. Bọn trộm cướp tài sản thường rất manh động, sẵn sàng vì tiền và sự an toàn của bản thân,mà ra tay thảm sát tất cả những người có mặt trong nhà. Khi hợp thành băng nhóm, bọn tội phạm trộm cướp tài sản tỏ ra hung hãn, hiếu chiến sẵn sàng chống trả đến cùng. Nhiều trường hợp chúng còn thường sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá. Khi đó, mọi hành động của chúng đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ý thức con người vì những cơn thèm thuốc hay do ảo giác kích thích, chúng sẵn sàng giết người không ghê tay.”
“Vậy đối với tội phạm băng đảng có tổ chức so với băng nhóm trộm cướp tài sản thì nhóm tội phạm nào nguy hiểm hơn?” Lê Minh hỏi tiếp.
“Bọn tội phạm được tổ chức thành băng đảng, chúng thường manh động và tàn ác hơn. Khi đi theo nhóm, tâm lý tội phạm băng đảng phụ thuộc vào kẻ cầm đầu. Do hiệu ứng đám đông nên chúng thường cảm thấy mình an toàn và chiếm nhiều ưu thế hơn. Từ đó, nhóm tội phạm băng đảng sẵn sàng làm những chuyện vô cùng nhẫn tâm. Hành vi của chúng trở nên nguy hiểm và man rợ hơn để thể hiện bản thân của mình với các tên đồng bọn khác. Tội phạm băng đảng có tổ chức thường sẽ dễ mở rộng quy mô, thực hiện nhiều lĩnh vực phạm pháp như. buôn ma túy, vũ khí, tổ chức cờ bạc, rửa tiền, mại dâm, buôn lậu, bảo kê, vay nặng lãi và nhiều ngành phi pháp khác. Nên tính chất nguy hiểm của tội phạm băng đảng có tổ chức sẽ gây nguy hại cho xã hội nhiều hơn.”
“Cậu quả là có kiến thức sâu về chuyên môn tội phạm học. Tôi nghe cậu nói mà cũng mở rộng được tầm mắt.” Duy Thành ngợi khen hắn.
Duy Thành bật cười sảng khoái, sâu trong ánh mắt không giấu được vẻ tự hào.
“Có gì đâu. Tôi cố tình gây ấn tượng với cậu về đống kiến thức tâm lý phức tạp này thôi. Dù sao cậu cũng học luật rồi nên cũng dễ hiểu chuyện.”
“Chủ đề này hay đó, mai anh em mình lại bàn tiếp. Bây giờ chúng ta làm nốt việc đi rồi còn đi tắm rửa nghỉ ngơi.” Dụi điếu thuốc hút gần hết dưới chân, Lê Minh đứng dậy nói