Trong một ngôi chùa tại làng Cổ Pháp, người dân đang tụ họp nhau lại nghe sư thầy giảng pháp, một người trưởng lão của làng đã đặt ra câu hỏi: “Bạch thầy, xin thầy cho chúng con biết Hoàng Đế của đất nước có phải là vô thượng thánh nhân không ạ? Con nghe nhiều người dân đồn như thế nhưng cũng chưa biết thực hư ra sao. Bạch thầy xin giải hoặc cho chúng con ạ?”
Những người dân khác nghe vậy thì xon xao bàn tán. Bàn về Hoàng Đế xưa nay thường là cấm kị trong dân chúng, bàn giữa đông người lại càng coi như là phạm húy. Không cẩn thận sẽ bị khép tội khi quân xử trảm cả nhà. Thế cho nên mọi người có nói chuyện với nhau cũng chỉ trong nhóm nhỏ vài người hoặc trong gia đình.
Họ cũng không dám nhắc tới danh từ Hoàng Đế hay tên húy của Hoàng Đế. Thường họ sẽ lấy tay chỉ lên trời hoặc chắp hai tay về phía kinh đô bái lạy trước khi nói và gọi vua là thánh nhân. Việc hỏi thẳng giữa chốn đông người thế này quả là xưa nay ít gặp. Những người khác đều sợ hãi và bảo ông lão này thật to gan, dám nghi ngờ thân phận của Hoàng Đế.
Sư thầy Thích Minh Đăng trạc tuổi 40 mặc áo nâu sòng, thân trên phủ áo cà sa ngồi khoanh chân phía trên chủ tọa cầm cây gỗ đánh vào cái chuông đồng để ra hiệu cho mọi người thôi ồn ào bàn tán. Quả nhiên, tiếng nói im bặt, mọi người hiếu kỳ lắng nghe.
“Kinh thưa Đại chúng, kính thưa lão Phật Tử, câu hỏi của Phật Tử cũng là thắc mắc của nhiều người trong đại chúng. Bần tăng xin đại diện cho nhà Phật trả lời câu hỏi trên. Theo quan điểm của nhà Phật thì chúng sinh trong cõi Ta Bà này có rất nhiều giống loài nhưng có sáu loài đặc biệt đại diện cho lục đạo luân hồi. Sáu loài này từ trên xuống dưới có tên là Người Trời ở Thiên Giới, Atula ở Atula giới, loài người và loài súc sinh ở Nhân giới, loài quỷ đói ở Ngạ quỷ giới và loài Ma quỷ ở Địa Ngục giới.
Sáu loài này vì chưa tu thành nên đều có tuổi thọ và chịu quy luật sinh lão bệnh tử và nỗi khổ luân hồi. Những chúng sinh chịu khó tu tập và đạt thành thánh quả thì sẽ thoát khỏi sáu giới này để đi về 4 cõi phía trên gọi là tứ thánh cảnh hay bốn cảnh giới của thánh đó là thanh văn, duyên giác, bồ tát và Phật.
Thật ra, trong mỗi phút giây, chúng ta có thể trải nghiệm một trong mười cảnh giới này, tùy theo chiều hướng suy nghĩ của chúng ta. Với suy nghĩ trí tuệ và tình thương, trong khoảng khắc đó chúng ta ở trong cảnh giới giác ngộ. Với suy nghĩ buồn sân hay tham đắm, chúng ta có thể ở nơi cảnh giới u mê. Trong suốt một ngày, chúng ta cũng có thể đi qua 10 cảnh giới.
Nếu chúng ta cảm nhận được niềm vui trong tâm khi gặp gỡ mọi người, nếu chúng ta dâng hiến vô điều kiện giúp đỡ tha nhân thăng hoa cuộc sống để họ được thanh thản và hạnh phúc thì ngay ở khoảng khắc đó tâm ta là tâm Phật. Đức Phật coi mỗi chúng sanh như là con một của Ngài. Nổi đau của họ là nổi đau của Ngài, hạnh phúc của họ là hạnh phúc của Ngài. Trái tim nhân hậu như vậy, tựa như trái tim của người cha hiền từ, là trái tim của đức Phật.
Nếu chúng ta ấp ủ ước nguyện chân thành được giác ngộ và hướng dẫn hết thảy chúng sanh, thì tâm của chúng ta là tâm của một vị Bồ tát. Bồ tát làm việc để mang niềm vui đến mọi người và giải thoát họ khỏi khổ đau. Khi nhu cầu vật chất con người đã được sung mãn, Bồ tát liền khéo léo hướng dẫn những người này đến sự hiểu biết chân thật về cuộc sống, để họ có thể thật sự thoát ly khỏi khổ đau. Đây là điều ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Chúng ta có thể phụng sự như một vị Bồ tát ở đây và bây giờ.
Nếu chúng ta cảm thấy cuộc đời đầy dẫy những khổ đau và ước vọng muốn học và hành pháp để có thể giải thoát, thì tâm chúng ta lúc này là tâm của một vị thanh văn: một hành giả tâm linh học Pháp qua lắng nghe và tham cứu những lời dạy của Phật.
Hoặc chúng ta quán tưởng mọi hiện tượng của thế giới này và những đổi thay trong thiên nhiên, và từ sự quán tưởng đó nhận chân ra được tính vô thường của vạn vật và nhìn ra rằng mọi vật hiện hữu là kết quả của nhân và duyên, thì lúc đó tâm của chúng ta là tâm của một vị duyên giác: một hành giả tâm linh đạt được tuệ giác từ việc quan sát thế giới.
Mặc dù thanh văn và duyên giác có thể phát triển nhân cách thanh tịnh và trí tuệ cao vời, họ không thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn như Phật. Bởi vì, chỉ có tu học để giác ngộ cho mình và cho mọi loài mới dần dần đưa một người đạt đến giác ngộ hoàn toàn.
Xét trên những căn cứ như trên thì Hoàng Đế Bệ Hạ chủ trương toàn dân giáo dục khai trí để diệt giặc dốt, toàn dân học nghề để diệt giặc đói, bãi bỏ sưu cao thuế nặng lao dịch nặng nề diệt nỗi khổ nhọc của chúng sinh. Ngài ấy chủ trương không phân biệt giới tính, không phân biệt giai cấp là tức chúng sinh bình đẳng.
Ngài mượn trường học để dạy nghề cho phụ nữ, mượn quân đội để dạy nghề cho phụ nam, thực hiện chính sách lương hưu để bảo vệ người già…tất cả những chính sách ấy đều là hành vi của những bậc thánh nhân, bồ tát. Ngài ấy chính là Bồ Tát sống, thánh nhân sống, danh xưng Vô thượng thánh nhân là xứng đáng.
Tuy nhiên, những hành động vĩ đại đó xưa nay chưa từng có nên cần có thử thách trui rèn. Quân giặc sắp xâm phạm nước ta là thử thách đầu tiên đối với Hoàng Đế Bệ Hạ cũng như với dân chúng. Nếu dân chúng đoàn kết vươn lên thì xứng đáng nhận phúc trạch mà Việt Hoàng ban cho, nếu chúng ta hèn yếu sợ hãi thì coi như mất đi tư cách.
Cơ duyên phúc trạch không phải ai cũng được nhận, không phải ai cũng có thể gặp được. Cơ duyên này trước giờ chưa từng xuất thế trên thế giới. May mắn thay dân ta được chứng kiến và có cơ hội hưởng dụng. Tai kiếp này chính là khảo nghiệm người Việt chúng ta có đủ tư cách nhận lấy hay không.
Thế nên bần tăng kêu gọi toàn thể đại chúng hãy dũng cảm đứng lên, tùy theo sức của mình để giành lấy cơ duyên. Dân tộc ta bao đời chịu khổ nạn đau thương, nay vật đổi sao rời minh quân xuất thế, lẽ nào chúng ta lại lui bước bỏ qua.
Cũng nhân tiện ngày tụ họp hôm nay, bần tăng cũng xin thông báo đến đại chúng và quý Phật Tử một chuyện. Buổi giảng pháp này sẽ là buổi cuối cùng của bần tăng trong năm nay, từ ngày mai bần tăng xin xếp áo cà sa và bàn giao chùa cho chư vị bô lão chăm sóc. Bần tăng vẫn còn trẻ nên quyết định xuôi Nam đi ra chiến trường hộ đạo.
Nếu may mắn thọ thân chưa hết giải xong kiếp nạn bần tăng sẽ trở lại chùa tiếp tục vì đại chúng mà giảng pháp giải hoặc. Nếu như phải trước thời hạn về với Phật Tổ thì cũng xin đại chúng chớ có nhớ thương lại lâm vào vướng mắc, không lợi cho việc luân hồi.
Phật pháp vốn chủ trương chúng sinh bình đẳng, từ bi hỷ xả nhưng thọ thân của bần tăng trước hết là của dân tộc này, ăn cơm của bá tánh dân tộc này, hưởng dụng cúng dường của dân tộc này nên đây cũng là cơ hội để bần tăng giải quyết một cọc nhân quả. Kính xin đại chúng thành toàn. Nam mô bổn sư thích ca mâu ni Phật, ma ha tát.”
Nói xong bài pháp, hai chú tiểu đi ra giúp đại đức Thích Minh Đăng làm lễ cởi áo cà sa, xếp gọn gàng phía trước bàn thờ Như Lai Phật. Ngài cúi lạy 3 lạy Như Lai, sau quay lại khấu đầu với đại chúng, kết thúc buổi lễ.
Dân làng Cổ Pháp lúc này cũng đã được giải hoặc chứng minh. Việt Hoàng chính là vô thượng thánh nhân sống, ngài đang vì bọn họ, vì dân tộc này mà mang đến cơ duyên. Ngay cả những người đức cao vọng trọng như đại đức cũng xếp áo cà sa mặc chiến bào lên chiến trường nhập sát giới để độ trì chúng sinh. Vậy những người dân như bọn họ lẽ nào lại ngồi yên chờ đợi?
Một niềm xúc động mạnh mẽ nảy sinh trong đầu biến thành lòng nhiệt huyết vô bờ. Một bô lão uy tín trong làng đứng lên trước đại chúng kêu gọi: “Hỡi bà con dân làng, Thánh nhân đã vì chúng ta mà chấp nhận thử thách của trời đất, nay tôi kêu gọi bà con hãy vì chính mình, vì chính con cháu đời đời của chúng ta mà đứng lên đóng góp dành lấy cơ duyên.
Thanh niên trai tráng hãy dũng cảm đến báo danh đi chiến trường hộ đạo Việt Hoàng. Đàn bà con gái hãy vì trượng phu mà may áo đóng giày. Người già chúng ta lo lương thực mang theo. Trẻ em hãy ngoan ngoãn trông nhau cho người lớn làm việc. Mỗi người một tay, mỗi người một việc. Làng chúng ta không có người hèn nhát, làng chúng ta không có người sợ chết. Làng chúng ta là làng của những anh hùng…”
Hàng loạt thanh niên trai tráng đứng dậy nhiệt huyết hô vang: “Chúng ta không sợ chết, chúng ta muốn hộ đạo Việt Hoàng, chúng ta là những anh hùng. Chúng ta phải lên sa trường bảo vệ ngươi thân”.
Một bà lão chống gậy cũng nói thật to: “Được lắm con trai, hãy an tâm đi lính, mẹ ở nhà trông con đắc thắng khải hoàn. Người Việt Minh không có người hèn nhát. Con của ta cũng là anh hùng”.
Một đám trẻ trâu thấy mọi người hô hào cũng nhiệt huyết xông đầu: “Chúng con cũng muốn đi chiến trường. Chúng con cũng muốn đi chiến trường…”
“Cút ngay. Chuyện đánh nhau đâu đến lượt chúng mày. Cút mau về nhà chăn trâu. Bố mày khải hoàn về sẽ kể cho chúng mày nghe. Ngoan ngoãn nghe lời người lớn. Thằng nào đi theo bố mày chặt chân chó thằng đó”.
“Ha ha…nít ranh…về nhà chăn trâu đi. Nhóc con mà đòi làm anh hùng. Không gây họa là chúng ta đã cảm ơn trời đất. Bọn bay chuẩn bị tiếp nhận cơ duyên đổi đời đi thôi. Sau này thằng nào mà lười học thì đừng có trách ta đánh chết.”