Việt Hoàng xây dựng chính sách hưu trí chính là một trong những nỗ lực muốn ngăn ngừa những tư tưởng xấu xa kia hình thành từ trong phôi thai. Hắn nghĩ rằng nhân chi sơ tính bổn ác (*), muốn ngăn cản cái ác cái xấu thì ngoài việc xây dựng một hệ thống pháp luật nghiêm minh hiệu quả thì còn phải xây dựng một môi trường không thuận lợi cho cái ác nảy mầm tức là một cơ chế diệt ác dương thiện.
Hắn còn nhớ rõ trong kiếp trước, có một vụ án cướp giật xảy ra tại quận 2 của Thành phố Hồ Chí Minh giữa một băng cướp và một cô gái đi xe SH. Một buổi tối mùa hè, khi đang lượn lờ trên đường tìm con mồi, băng cướp nhìn thấy một cô gái ăn mặc váy dạ hội rất đẹp. Tay cô ấy đeo hai bộ Vàng Ximen rất đắt giá. Băng cướp đã chủ động áp sát và lạnh lùng vung đao chặt đứt hai cánh tay cô gái xinh đẹp đó rồi bình tĩnh tháo vàng ra bỏ túi và lên xe chạy trốn.
Cô gái đã được người dân qua đường giúp đỡ cấp cứu và bọn cướp cũng bị bắt sau đó. Trong phiên tòa xét xử, trước câu hỏi của quan tòa rằng tại sao lại đi ăn cướp thì người mẹ của tên cướp đã hét lên: Tại cô ta khoe của nên mới bị cướp. Nếu cô ta không khoe, con tôi đâu có nhìn thấy mà nổi lòng tham cướp giật? Lỗi chính là ở cô kia chứ không phải ở chỗ con tôi.
Tất nhiên, câu trả lời ấy đã bị quan tòa bác bỏ. Chẳng có lý do nào để anh lựa chọn làm việc đàng hoàng thay vì đi ăn cướp. Của mình thì mình xài, của người thì người xài, cái lý gì lại muốn cướp đoạt của người khác. Thế nên kẻ thủ ác trên vẫn chịu phạt tử hình.
Thế nhưng lời người mẹ tên cướp trên kia cũng không hoàn toàn vô lý. Cái ác thực tế vẫn có sẵn trong mỗi người, và việc cướp đoạt của người khác dễ thành tựu hơn việc tích lũy lâu dài. Nếu cô gái kia không khoe khoang, không tạo ra môi trường thuận lợi cho việc cướp giật thì đâu đến nỗi cụt tay mất vàng.
Pháp luật nghiêm khắc theo Việt Hoàng là điều cần thiết để răn đe kẻ xấu nhưng nó chỉ cách chữa phần ngọn. Chữa phần gốc phải là chữa tư tưởng, chữa đạo đức, chữa cơ chế vận hành. Khi ý thức của người dân nhận rõ đâu là thiện, đâu là ác, đâu là sai, đâu là đúng để bản thân họ không nguyện ý phạm ác, như vậy cái ác đâu thể sinh ra nữa.
Nói về vấn đề tham nhũng, đây là một vấn đề sống còn của tất cả các tổ chức trên thế giới. Nhỏ như gia đình, lớn hơn là các nhà xưởng, cửa hàng, lớn hơn nữa là triều đình. Quốc gia nào cũng có, triều đình nào cũng có, Đông Phương hay Tây Phương đều có, xưa hay nay đều có. Tham nhũng giống như một cơ chế nhằm phủ định sự tồn tại của mọi tổ chức bằng cách rút ruột sức mạnh bản thân.
Tham nhũng và chống tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài không có hồi kết. Khi tổ chức khỏe mạnh thì tham nhũng yếu, khi tổ chức yếu thì tham nhũng hoành hành. Cách hủy diệt một quốc gia hiệu quả nhất không phải là gây ra chiến tranh chinh phạt mà là gây ra nạn tham nhũng vô tội vạ trong quốc gia đó.
Đinh Liễn là Hoàng Đế, nhiệm vụ của hắn không chỉ là xây dựng và phát triển đất nước mà còn là phải tạo ra một cơ chế phát hiện, giám sát, hạn chế và tiêu diệt nạn tham nhũng. Xây dựng đất nước là quá trình tích lũy tài nguyên, tham nhũng lại là quá trình tiêu hao thất thoát tài nguyên.
Làm thế nào để phòng chống tham nhũng hiệu quả? Có lẽ không chỉ có hắn đau đầu mà đây là cơn đau đầu chung của tất cả những người đứng đầu của các quốc gia, các tổ chức từ cổ chí kim.
Nghe về tham nhũng đã nhiều, nói về tham nhũng đã nhiều nhưng tham nhũng là gì? Bản chất của tham nhũng là như thế nào? Không phải ai cũng hiểu và không phải ai cũng rõ ràng.
Ngươi đi làm một tháng được trả 10 đồng, ngươi dùng cho chi phí sinh hoạt là 5 đồng, ngươi lại dùng 2 đồng để phục vụ nhu cầu ngoại giao như thăm viếng ma chay cưới hỏi. Ngươi dùng 1 đồng để đi làm từ thiện hoặc các việc tích lũy công đức. Ngươi chỉ còn 2 đồng để tích lũy tức tiết kiệm. Vậy đó là cách chi tiêu phổ biến và khoa học nhất.
Vậy nếu ngươi dùng 2 đồng tiết kiệm kia để dùng cho các thú vui cá nhân không lành mạnh như ăn chơi, cờ bạc, gái gú hay đơn giản là mua sắm quá độ thì đó có phải là tham nhũng hay không? Nếu ngươi lại dùng lấn vào các khoản chi tiêu khác cho việc ăn chơi sa đọa có phải là tham nhũng hay không?
Phóng zoom xa hơn là một gia đình khi chồng đi làm, vợ con ở nhà tiêu xài vô tội vạ có được coi là tham nhũng hay không? Hoặc cả hai vợ chồng cùng đi làm nhưng người chồng mắc tật cờ bạc, rượu chè, gái gú, người vợ mắc tật mua sắm vô độ, người con mắc chứng nghiện hút…như vậy có được coi là tham nhũng hay không?
Trong một nhà xưởng, một cửa hàng nếu có nhân viên hoặc quản lý dùng thủ đoạn không chính đáng chiếm dụng tiền bạc, hàng hóa hay vật dụng thì có được gọi là tham nhũng hay không?
Như vậy bản chất của Tham nhũng là ở chỗ Tham, đối ngược với tham nhũng là keo kiệt. Chống tham nhũng nhưng cũng phải phê phán thói keo kiệt bủn xỉn. Con người bản chất vốn tham sân si mạn nghi, bỏ đi là không thể. Nếu bỏ được lòng tham cũng sẽ khiến từ con người đến quốc gia lâm vào hủy diệt nhanh chóng.
Bỏ không được, diệt không xong vậy thì chỉ còn cách hạn chế lòng tham, khống chế lòng tham, kiểm soát lòng tham. Không phải chỉ từ cấp độ triều đình hay quốc gia mà phải từ mỗi cá nhân dân chúng. Quan từ dân mà ra nên nếu dân không tham thì gia đình ấy khá giả, đất nước ấy phồn vinh ít tham nhũng.
Muốn dân chúng bớt tham đầu tiên phải giáo dục tư tưởng, đạo đức, niềm tin cho nên cần có tôn giáo song hành. Phật giáo chủ trương diệt tham sân si, đạo giáo chủ trương sống hài hòa, Mặc tử chủ trương cần kiệm liêm chính chí công vô tư, nho giáo chủ trương gần quân tử xa tiểu nhân. Thế nên những tinh hoa ấy cần được dạy bảo thông qua giáo dục, khuyên răn hàng ngày.
Nhà nước lại đóng vai trò điều tiết tài nguyên giúp sự phân hóa giàu nghèo không quá nhiều, phải lo cho dân chúng không bị nghèo đói bủa vây. Nghèo tất đi đôi với hèn, nghèo làm bạn với đói, nghèo sẽ khiến đạo đức băng hoại, nghèo sẽ khiến trộm cắp, cướp giật hoành hành. Quốc gia nghèo đi đôi với quốc gia yếu. Kinh tế nghèo thì phải phụ thuộc chính trị.
Vậy muốn đất nước mạnh lên thì phải làm đất nước ấy giàu. Muốn đất nước giàu thì phải làm cho người dân đất nước ấy giàu. Muốn người dân đất nước ấy giàu thì phải khai mở dân trí để họ biến thông minh. Muốn khai mở dân trí thì lại quay lại vấn đề giáo dục. Vì thế giáo dục phải trở thành quốc sách của một quốc gia. Muốn quốc gia coi trọng giáo dục thì vị Hoàng Đế ấy phải là minh quân, biết thương dân, biết vì dân.
Đinh Liễn muốn trở thành minh quân nên hắn phải coi trọng giáo dục và cải cách. Vì vậy mà có chuyện giáo dục toàn dân, dạy nghề toàn dân, bỏ lao dịch, bớt thu thuế, có lương hưu. Hắn hy vọng người dân Việt biết cố gắng, biết phấn đấu, bớt nghèo đói, ít khổ đau.
Tất cả những phân tích trên hắn đã cho người học thuộc rồi sau đó len lỏi vào trong dân chúng để nói cho dân chúng nghe và điều hướng dư luận. Quả nhiên, toàn đế đô vui mừng chấn động. Ai ai cũng say sưa phân tích, bàn luận và thể hiện cảm xúc của mình. Cha nói với con, ông nói với cháu, anh nói với em, nhà này nói với nhà kia.
Mọi người đều ca ngợi Việt Hoàng chính là vô thượng thánh nhân mà trời xanh ban cho người Việt. Việt Hoàng là thần, là thánh, là tiên, là chúa cứu thế. Việt Hoàng đại diện cho ước mơ, cho tương lai và cho hết thảy những điều tốt đẹp nhất. Uy tín và địa vị của hắn cũng vì thế mà nâng cao hơn bao giờ hết. Bất cứ ai đối nghịch với hắn đều là kẻ thù không đội trời chung của dân chúng. Mọi người ai cũng mong mỏi và nghĩ tới một tương lai mỹ hảo giàu có, sung sướng, hiển vinh.
Làn sóng chấn động trong dư luận lan nhanh ra khỏi Đế đô đến các vùng miền khác thông qua thương nhân, người buôn bán và dư luận viên mà Đinh Liễn sai phái đi rải lời đồn. Hắn tin rằng chỉ trong nửa tháng tất sẽ khiến dân chúng cả nước biết đến. Được dân chúng ủng hộ thì những kẻ ngầm chống đối cũng sẽ không dám nhảy ra đối nghịch phá hoại. Đây là một phương pháp rất thông minh và hiệu quả mà hắn học được từ những vị tiền nhân ở kiếp trước.
Thế nhưng, khi những kẻ ngầm chống đối chưa kịp phản ứng và hành động thì nguy cơ lại xuất hiện từ bên ngoài. Tin tức 10 vạn quân Champa sắp tấn công đất nước nhanh như gió lan truyền khắp mọi nơi. Câu chuyện cảm động về một người lính biên phòng không quản mưa gió đường xá xa xôi chạy về kinh đô báo tin rồi gục ngã trước mấy chục vạn người đã lấy đi biết bao nước mắt và tạo nên một cơn sóng thần kích nộ nhân tâm gần 3 triệu dân Việt.
Một phong trào yêu nước và hộ đạo Việt Hoàng bùng nổ như biển gầm trên toàn cõi Việt Minh. Mọi người từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, từ chủ đến tớ, từ nông dân đến thương nhân, từ tầng lớp tinh hoa đến từng tên ăn mày đều thể hiện lòng căm phẫn hận thù vô bờ bến.
Có những thương nhân ngoại quốc khi chứng kiến khí thế này của dân chúng đã bàng hoàng sửng sốt, họ thốt lên rằng: Người Việt, dân tộc Việt đã thực sự thức tỉnh sau hơn một ngàn năm ngủ vùi. Trời đổi gió đã bắt đầu nổi gió, đất đã bắt đầu chuyển mình, biển đã bắt đầu nổi bão và những kẻ thù của họ nhất định phải run rẩy sợ hãi…
-----------
(*) Câu nói của Pháp Gia: Nhân chi sơ tính bổn ác: khi trở thành người thì hạt giống tà ác đã sẵn có trong tâm.