Éttt. Éttttt.
Trên nền trời xanh đậm, chim ưng bay liệng chao đảo nối đuôi nhau chạy về cuối chân trời đỏ rực. Ánh dương yếu ớt của ngày tàn kết lại thành một quầng sáng chói hình bán vòm trên đỉnh núi cao nhất trước mắt nàng. Khải Ca nghe mọi người đều gọi núi đó là Thôm Dạng. Cái tên có vẻ kỳ quặc, chắc hẳn có liên quan đến một điển tích nào đó ở vùng này.
Ráng chiều về phủ màu vàng nhạt trong suốt lên nóc những lán nô lệ nằm dưới chân núi, phô trương sự nghèo nàn, xơ xác, ảm đạm của những con người sống nơi đây. Dọc theo chân núi trải dài, lán nô lệ được dựng lên theo từng khu khác nhau, phân biệt bởi màu riêng biệt, từ màu nâu nhạt đến màu đậm dần. Màu nhạt nhất dành cho nô lệ mới đến vài ngày cho đến nửa năm, chẳng hạn như nàng và những người hôm nay vừa đến đây. Màu sẫm hơn là khu nô lệ trên một năm hoặc lâu nhất. Những lán màu đậm nhất, có sàn cao và bậc tam cấp lên thì dành cho bọn người trông giữ nô lệ, nằm ở phía ngoài cùng. Nơi đây được chia thành ba lán nhỏ nữa. Lán to nhất là chỗ của Tào A Sến, kế đến là của Pa Dí, sau cùng là nơi lưu trú của sai nô, tùy tùng cầm roi đánh nô lệ lúc nãy.
Một đài khá lớn đặt ở khu đất trống ngay trung tâm lán nô lệ, kế bên là cây tầm vong cao lớn vút thẳng lên không trung, phất phới lá cờ màu trắng bàng bạc, chính giữa có biểu tượng màu nâu đất từ xa thoạt trông như ngọn núi úp ngược, lại gần hơn mới phát hiện nó là biểu tượng hai cánh tay người giơ lên cao trong tư thế cúi đầu, hai chân quỳ sát đất.
Hóa ra đó chính là nô kỳ của Nam Cương!
Khải Ca khỉnh mũi cười nhạt nhìn sự méo mó của phiến kỳ bị gió làm biến dạng trên không trung.
Theo sự phân phó của Pa Dí, nàng và một số người đến khu lán màu sáng thứ ba từ khán đài trung tâm đếm vào. Các lán trại đều vắng lặng, tuyệt đối không một bóng người bên trong. Có lẽ nô lệ đều đã đi làm việc, bây giờ còn khá sớm để bọn họ trở về. Nàng nghĩ thầm trong bụng.
"Hai mươi người vào một lều." Giọng khô khốc của tên sai nô lanh lảnh bên tai nàng thật khó chịu.
Hương thơm của loài thảo mộc bay đến, phảng phất trước mũi nàng nghe chừng còn thoải mái hơn tiếng nói lạnh lùng của bọn cai nô. Lúc xe buôn nô lệ đưa bọn nàng đến đây, đi ngang qua một vùng đất khá lớn, trên đó trồng nhiều loại thảo mộc khác nhau trông rất đơn thuần, không có nhiều hình dáng hoa cỏ rõ ràng nhưng mùi hương nó mang lại làm cho con người khoan khoái, dễ chịu. Đặc biệt hương thơm đó chống lại sự ẩm thấp của khí hậu vùng này. Có lẽ nó được nô dịch vận chuyển về dự trữ ở lán nô lệ.
Nô lệ không ai nói với ai lời nào, mọi người tự chia nhau tìm chỗ ở cho mình. Những nô lệ ở cùng nàng đều là những nam, nữ hài tử, thiếu niên trạc tuổi nhau. Thường thì nô lệ mới đến nam, nữ đều ở chung với nhau, chưa có sự tách bạch rõ ràng. Thời gian trôi qua, khi đã quen dần cuộc sống ở đây và còn sống sót đến nửa năm sau thì bọn họ sẽ tự di chuyển đến lán nô lệ sống lâu năm và tự khắc sẽ phân chia lều nam, nữ riêng biệt. Bình thường bọn cai nô sẽ không quản lý đến những chuyện này, bọn chúng để nô lệ tự xử với nhau. Vì thế, thường xuyên có những chuyện tranh chấp lẫn hành vi đáng sợ xảy ra khiến nô lệ đánh nhau thừa sống thiếu chết mấy lần. Những chuyện này xảy ra như cơm bữa, phải luôn tự ý thức bảo vệ bản thân là điều nàng cần phải ghi nhớ khi bắt đầu cuộc sống nơi đây. Đó là lời dặn dò của một vị đại thẩm đã nói khi nàng gặp trong một lần làm việc trên đồi Thôm Dạng. Tất nhiên cuộc gặp gỡ đó là chuyện của mấy ngày sau nữa.
Còn bây giờ, nàng phải tìm cho mình một chỗ ở thoải mái, hay ít nhất cũng tránh bị nhòm ngó. Hài tử nô lệ đều ăn mặc rách nát như ăn mày, mặt mày lắm lem nên khó nhận dạng đâu là nam, đâu là nữ hài tử. Ngay cả nàng cũng thế, người ta gọi nàng là một tiểu nam nhi cũng chẳng ngoa. Khải Ca nhớ lúc từ biệt Hoan Hoan ở Lang Châu, vì tránh bị nhòm ngó của người ngoài, nên nàng đã vận bộ y phục nam tử, tóc cột cao sau đỉnh đầu vì quá dài, không thể để ngang bả vai như nam nhân bình thường khác đặng. Trán được buộc vòng quanh bằng một sợi dây vải sẫm màu. Tộc Âu (1) hay tộc Lạc (2) nói riêng và người trên khắp đại địa nói chung đều khá thoải mái vấn đề ăn vận, tóc ngắn hoặc dài tùy ý. Nam nhân, nữ nhân đều có hình xăm trên người như một loại phong tục, tín ngưỡng văn hóa đặc thù. Tùy theo quốc thổ, tín ngưỡng thần linh khác nhau mà hình xăm sẽ chiếm nhiều hoặc ít trên thân thể, theo đó hình dạng cũng biến hóa phù hợp văn hóa riêng.
(1) Gồm những người Âu, thuộc Tây Âu bộ, có tên gọi khác là Âu Việt bộ
(2) Gồm những người Lạc Việt, thuộc Lạc Việt bộ.
Còn đang mải suy nghĩ tìm chỗ nào thuận tiện thì một thiếu niên đến chỗ nàng bắt chuyện:
"Ngươi tìm được chỗ cho mình chưa?"
Khải Ca lắc đầu.
Hắn bèn chỉ tay về hướng góc lán, cạnh cửa sổ thông gió, nơi đó có miếng gỗ cũ kỹ nằm sát mép lán, chắc của nô lệ lúc trước để lại. Nhắm chừng nơi đó tuy gần cửa sổ, đêm về có thể lạnh hơn bình thường chút nhưng lại nằm ở góc lán nên khá an toàn, thậm chí còn có thể quan sát được mọi động tĩnh trong lán, thậm chí là ngoài cửa. Nàng đang phân vân thì hắn đã nhanh tay kéo nàng đến chỗ ấy.
"Nếu vậy ngươi đến ở cùng chỗ với ta đi. Ta tên Bát Dật. Còn ngươi tên gì?"
"Khải Ca."
"Ừ. Mẫu thân ta thường nói: Ở nhà nhờ phụ mẫu, ra đường cậy bằng hữu. Ta muốn làm bạn với ngươi. Ngươi có đồng ý không?"
Khải Ca phì cười, thiếu niên trước mặt nàng tầm nhỉnh hơn mười tuổi là cùng, nhưng cũng mồm mép thật, nếu hắn không phải là nô lệ thì vị trí thầy cãi chắc không thua ai.
"Cũng được."
Khải Ca gật đầu đồng ý, đoạn ngồi xuống bên cửa sổ. Gió lùa qua mái tóc thiếu nữ mang theo hương thảo thơm nồng nhẹ, Khải Ca hít vào một hơi thật sâu để hưởng thụ bầu không khí Nam Cương đặc biệt này. Mỗi ngày trôi qua đối với nàng như một giấc mơ sâu, càng đi càng tăm tối, không lối quay về.
"Ngươi từ đâu đến?"
"Bắc phận, không ... từ Lang Châu mới đúng." Khải Ca buồn dào dạt trả lời hắn, ánh mắt vẫn nhìn xa xăm đến cuối chân trời.
"Thì ra là Lang Châu thành. Nhưng ta lại chưa từng đến đó bao giờ."
"Một nơi chết chóc, tránh còn không kịp sao ngươi còn ảo tưởng muốn đến đó?"
"Ngươi nói ta không hiểu gì hết. Mà thôi, nếu có dịp, ta sẽ đưa ngươi về đó. Ta vốn thích đi đây đó. Rất tiếc song thân qua đời sớm nên ta bị bán làm nô lệ, qua tay nhiều chủ nhân. Cho đến khi bị đưa đến đây thì gặp ngươi. Ngươi yên tâm, sau này ra khỏi nơi đây, ta sẽ dẫn ngươi trở về cố hương."
"Bằng ngươi?" Khải Ca lại phì cười lần thứ hai trước thiếu niên hào sảng có phần ngây ngô, ít ra hắn cũng làm nàng vơi đi phần nào phiền muộn, tâm trạng cũng khá hơn ba bảy phần.
"Bát Dật, ngươi nói nhiều như vậy, không thấy mệt sao? Có đói không?" Khải Ca trêu chọc hắn.
"Đói, đói chứ. Nhưng ta không thể cứ ủ rũ mãi. Là nam nhi phải nhìn xa trông rộng, có hoài bão của mình, như thế mới có một ngày ngươi thay đổi được tất cả."
"Cái này cũng do phụ mẫu ngươi dạy sao?"
"Đúng rồi, sao ngươi biết vậy? Ta thật không nhìn lầm, ngươi quả nhiên thông minh hơn người. Hì hì."'
Bát Dật cười híp cả mắt. Khuôn mặt lấm lem vết đen nhiều chỗ không thể che đi đôi mắt sáng rỡ như trời sao của thiếu niên. Đôi mắt ấy chứa đựng bao ước mơ, hoài bão lẫn hi vọng, khiến hắn có niềm tin chống đỡ lại hiện thực khắc nghiệt của cuộc đời. Tuy đó chỉ là sự non nớt, giáo điều từ các bậc trưởng bối truyền đạt, chưa qua sự tôi rèn trải nghiệm thật sự nhưng nó quả nhiên là động lực giúp hắn thêm mạnh mẽ hơn, chí ít nó cũng đã tác động đến sự bất lực trước tình hình hiện tại của nàng.
...
Cheng! Cheng! Cheng!
Tiếng chiêng tập hợp vang ba lần khiến mọi người trong lều đều lục xục đứng dậy ra, đi về hướng khán đài lớn. Nơi đây dùng để tổ chức lễ hội hay thông báo tin hệ trọng thậm chí cũng là nơi hành quyết nô lệ bỏ trốn. Như thường lệ, cứ mỗi đợt nô lệ được nạp mới, Tào A Sến sẽ tập hợp nô lệ lại để thông báo và dặn dò.
Lần này, nô lệ từ các nơi đều đã xong một ngày làm việc nên tụ tập quanh khán đài một lượng vô cùng lớn. Tất cả đều đứng thành từng hàng dài nối đuôi nhau, nhưng cũng chia theo khu, lớp mới và lâu năm riêng biệt. Có thể dễ dàng nhận ra khu nô lệ mới khá lượm thuộm và không theo lề lối thẳng tắp như nô lệ lâu năm, đặc biệt là nhóm mới đến.
Á! Tiếng kêu vang lên từ chỗ hàng méo mó, nô lệ bị quân nô đá từ phía sau vào chân làm hắn bị mất thăng bằng, ngã chúi đầu về phía trước, đầu dập vào hòn đá lân cận, máu chảy từ trán xuống đến bã vai thấm luôn vào tấm áo sờn màu. Những nô lệ phía sau thấy vậy hoảng hốt nhìn người đứng trước nhanh chóng gióng hàng theo thứ tự. Bát Dật lanh trí kéo Khải Ca đứng sau lưng mình ở những hàng đầu tiên nên việc gióng hàng của bọn nàng khá dễ dàng hơn những người đứng phía sau. Khải Ca nhìn sơ qua các hàng ngang và dãy dọc nô lệ đứng, nhẩm ra hơn cả ngàn nô lệ ở đây chứ không ít chút nào.
Phía trên khán đài, Tào A Sến đã bước ra ngồi trên chiếc ghế dành cho đại đương gia.
"Xử lý xong hết chưa?" Hắn quay sang hỏi Pa Dí.
"Bẩm đã xử lý xong."
"Đưa lên đây!"
Pa Dí nói thầm phân phó với tên tùy tùng bên cạnh, tên này nhanh chóng mang mấy bao vải nhỏ lên. Nô lệ bên dưới vừa nhìn thấy mấy bao vải được mang lên đài, không hẹn trước mà cùng nhau ồ lên một tiếng rõ hoảng hốt. Tất nhiên người mới đến như nàng và Bát Dật chắc chắn không biết thứ bên trong là chi. Bên trong là thứ gì, nàng không đoán ra được, chỉ thấy hình thù của vật có vẻ ngoài tròn tròn, không méo mó cho lắm.
Tào A Sến ra hiệu nô lệ giữ im lặng, hắn bắt đầu lên tiếng chủ trì cuộc họp:
"Hôm nay, vừa hay có một nhóm nô lệ mới nhập trại. Ta cũng không cần nói nhiều với các người. Quốc có quốc pháp, trại nô Nam Cương cũng có qui tắc riêng. Bỏ trốn là tội nặng nhất trong tất thảy. Hình phạt duy nhất chỉ có thể là chết!"
"Mang chúng lên đây cho bọn họ được tận mắt chứng kiến."
Tào A Sến chỉ vào mấy bao vải nhỏ vừa mang lên khi nãy. Tên tùy tùng bước đến mở miệng bao ra, lôi từ bên trong ra những vật thể đen, lem luốc và tanh nồng mùi máu tươi.
Ôi mẹ ơi! Khụ Khụ ... Hóa ra đó là đầu người. Đầu của nô lệ bỏ trốn bị xử tử. Khải Ca nhìn lạnh sống lưng. Nàng nghe tiếng khóc thút thít của vài phụ nữ gần đó. Có lẽ là người thân, bằng hữu của những người nọ.
Vẫn sắc giọng điềm tĩnh nhưng lạnh khô khốc ấy, Tào A Sến nói tiếp:
"Các ngươi từ đâu đến thì ta không cần biết nhưng một khi đã vào trại nô thì phải chấp hành qui định ở đây. Ngoài những chuyện này ra, các người tùy ý sinh hoạt với nhau, ta không có bất kỳ cản trở nào. Tất cả đã rõ?"
"Rõ!"
Đám đông nhất trí hô lên rõ to. Khải Ca vẫn còn đứng hình nhớ đến mấy chiếc đầu đó, Bát Dật thấy thế thì nheo mắt tinh nghịch trêu nàng. Nàng chỉ cười khẩy nhìn hắn xong ngó lơ chỗ khác.
"Giải tán!"
Nô lệ nhanh chóng tỏa ra khắp nơi về lán của mình. Mấy đầu người khi nãy bị treo trên cổng gỗ đầu trại để thị uy nô lệ. Khải Ca nghe bọn họ kháo nhau đầu kia có thể được treo suốt cả năm cho đến khi xương mục rữa, không còn lành lạnh tự dưng rớt xuống thì bọn họ mới đem quăng ra bãi tha ma bên hông rãnh núi.
Ở thời loạn lạc, chiến tranh đằng Tây, phiến quân đằng Đông, thổ phỉ đằng trời, thì cướp bóc xảy ra như cơm bữa. Điêu dân vất vưởng, thây nô lệ rải rác khắp nơi thì một vài thi thể không đầu nằm ở bãi tha ma nào đó cũng không phải là điều hiếm thấy hay xem đó là một tội ác tày trời. Khoảnh khắc tước đi mạng sống của một người nào đấy nhanh như trở bàn tay, chỉ khác là sự nhân đạo của người cầm kiếm cho hắn được toàn thây hay thịt nát xương tan không mà thôi.
"Các ngươi có gì ăn chưa?" Vị đại thẩm quấn vải thô màu chàm, cười dịu dàng nhìn bọn nàng.
Bát Dật nghe đến đồ ăn liền hớn hở ra mặt, hai mắt sáng long lanh:
"Chào đại thẩm, bọn ta mới đến đây, nhất thời chưa có gì vào bụng. Không biết người có chút gì cho chúng ta dùng đỡ được không?"
Khải ca giật ống tay áo Bát Dật ra hiệu hắn nên giữ kẻ một chút. Dầu sao cũng là nô lệ như nhau, làm gì có của riêng tư hay dư dả để cho người khác. Nếu có, họ cũng ngầm để dành xài dần những lúc ngặt nghèo.
Trái với suy tính của nàng, đại thẩm không câu nệ, một mực dẫn bọn họ về trước lán mình. Đại thẩm bảo bọn nàng đứng bên ngoài đợi. Một lát sau, người đó quay lại với con cá nhỏ trên tay. Thấy vẻ bóng ướt bên ngoài của cá, nàng nghĩ nó hẳn còn tươi roi rói, chắc mới câu về không lâu.
"Cho các người. Mang về đi."
"Không được. Đại thẩm nên để dành cho mình dùng thêm mấy hôm nữa. Cho chúng tôi thì lấy đâu ra dùng trong mấy ngày tới?" Khải Ca phân bua nhất quyết không lấy.
"Ta còn lạ gì những người mới đến. Các người đi đường xa, chủ buôn chắc hẳn cho nô lệ ăn uống đầy đủ chứ! Haiz, cứ nhận đi. Qua tạm đêm nay, sau này các ngươi có được món gì ngon đem trả lại ta."
"Từ chối quá chẳng phải phụ tấm lòng của thẩm, vậy chúng ta xin được nhận con cá này. Đa tạ." Tên háu ăn Bát Dật lại chìa tay ra đỡ con cá về phía mình khiến Khải Ca không cách nào từ chối đặng nữa, liền cám ơn rối rít.
"Ta tên Nhu. Mọi người ở đây đều gọi ta là Nhu thẩm. Thôi ta vào trong đây. Các người dùng bữa thong thả."
"Đa tạ thẩm. Chúng ta cũng đi đây."