Đã quá canh hai, phủ Thượng thư vẫn sáng đèn, khung cửa cũ kĩ mở lớn, như muốn đón gió Nam vào nhà. Trước án thư, là một ông lão râu tóc bạc phơ, ngẩn người nhớ lại chuyện cũ, thi thoảng mới sực tỉnh viết mấy chữ lên một trang sách nhỏ. "Đại nhân, trời đã khuya lắm rồi", một tên hầu cận đổ thêm dầu vào đĩa đèn, dùng giọng phương Bắc nói chuyện với ông lão. Âm thanh nghe thật xa lạ, ông khẽ cau mày, tiếp tục ghi chép, giống như vừa không nghe thấy hắn nói gì. Kẻ đó biết ý, im lặng lui xuống. Ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành Nam, con người khi sắp ra đi, thường nhớ về cố quốc...
Khung cảnh thật giống hơn 40 năm trước, khi Hồ Nguyên Trừng còn là một chàng thanh niên. Cùng vào ngày này năm đó, chàng cũng ngồi trước án thư, miệt mài vẽ từng bộ phận của một loại binh khí mới. Từng nét vẽ hiện trên trang giấy trắng, nghệch ngoạc những ghi chú, sửa đổi. Chàng sẽ gọi thứ binh khí này là gì nhỉ, phải là một cái tên vừa thể hiện được uy dũng của dân ta, vừa khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía... Hay là, gọi là Thần cơ đi. Thoáng nghĩ đến chính sự, nét mày chàng lại chùng xuống một chút. Lòng người vốn còn hướng về họ Trần, nhà Minh lại đang chiêu binh mãi mã, lăm le xâm chiếm Đại Ngu, ra tay cướp bóc, giết người vô cùng tàn bạo. Nếu không đoàn kết lòng dân, đây chính là họa diệt quốc. Ánh đèn từ chính điện hắt sang, nghiêng nghiêng bóng cây tùng nhỏ đặt trong chậu sứ, phụ hoàng vẫn chưa ngủ. Dạo gần đây hình như Người buồn lo về điều gì đó, chắc là chuyện lập Hồ Hán Thương làm thái tử. Hán Thương là con trai của Huy Ninh công chúa, mẹ đích của chàng, quang minh chính đại kế thừa đại thống, không có gì là không phải. Chắc là vì chú ấy nhỏ tuổi, chưa thành niên, làm phụ hoàng lo lắng. Chàng vẽ thêm mấy đường, lại cảm thấy có chuyện không đúng, anh em hai người từ trước tới luôn luôn hòa thuận, không phân biệt con trưởng con thứ, tận tâm tận lực vì giang sơn Đại Ngu. Gần đây, ánh mắt Hán Thương, Thánh Ngẫu, thậm chí là ánh mắt phụ hoàng nhìn chàng, luôn có gì đó khác lạ, giống như là, ái ngại chăng? Chàng thở dài, một vẻ trưởng thành sương gió ẩn hiện trên gương mặt người thanh niên. Chàng đang mải mê suy nghĩ, lại không nhận thấy Hồ Quý Ly đã bước vào phòng nhi tử, lắng lặng quan sát sau lưng chàng.
Ngài nhìn những tờ giấy trên bàn cùng gương mặt sớm đã quen lo nghĩ của con trai, không thể không cảm thấy tự hào. Nguyên Trừng là đứa con ngài gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất, lại là con trưởng. Phải, con trưởng. Hai từ đơn giản ấy vang lên, không ngăn được những suy nghĩ nối tiếp nhau, chuyện này dẫn tới chuyện kia, khiến nỗi nghi hoặc trong lòng người cha không thể nguôi. Chuyện xưa ngàn năm ghi lại, bỏ trưởng lập thứ, có thể dẫn tới họa diệt quốc. Nhìn xem, Đinh Hạng Lang đã chết tức tưởi như thế nào, giang sơn nhà Đinh tại sao lại vào tay kẻ khác? Nhìn xem, Lý Long Xưởng vì không được Đức Anh Tông truyền ngôi chí tôn, trong cơn phẫn uất có thể gây ra đại họa gì? Nhà Hồ từ khi lập quốc tới nay đã trải qua bao gian khó, thế lực cùng danh tiếng nhà Trần còn lớn, bị giặc ngoại bang lăm le xâm lược, lại phải chống họa từ trong nhà... Những điều ấy khiến Hồ Quý Ly ngày một suy yếu, tuổi già đến gần, cũng không thể đa mưu túc trí như xưa. Chỉ có Hồ Hán Thương, là hợp với lòng dân. Có điều, thái tử còn nhỏ tuổi quá, làm sao địch được với nanh hùm vuốt sói?
Ngoài trời đang đổ cơn mưa lớn, vị hoàng tử trẻ vẫn không hề hay biết, gió rít ngoài vách cửa, thổi tung mái tóc đen dài của chàng. Nguyên Trừng cũng không buồn đứng dậy đóng cửa lại, chàng tiếp tục hí hoáy viết, một niềm mê say lặng lẽ hiển hiện trên khuôn mặt. Nếu quân ta có được loại súng này, chắc chắn có thể địch được với mưa tên bão nỏ của quân Minh. Chúng muốn đặt chân lên giang sơn này sao? Hồ Nguyên Trừng chàng không cho phép điều đó. Nghiên mực bằng đá để trên bàn, đã mấy lần cạn mực. Tức cảnh sinh tình, Hồ Quý Ly đọc một câu đối, có ý muốn thử chí khí con trai: "Thử nhất quyển kỳ thạch, hữu thì vi vân vũ dĩ nhuận sinh dân" (Hòn đá lạ bằng nắm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân). Lúc này Hồ Nguyên Trừng mới nhận ra sự có mặt của phụ hoàng, cung kính cúi người hành lễ. Ngài cười, khoát tay ra hiệu con trai đứng lên. Trước ánh mắt lo lắng cùng suy tư của cha, Nguyên Trừng ung dung đối lại: "Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc" (Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường cột để chống nâng xã tắc). Phải, chàng không hề có ý muốn tranh đoạt vương vị với em trai. Hơn nữa vận nước rối ren, cần có hậu duệ nhà Trần, vừa hợp tình hợp lý đối đáp với quân Minh, lại an lòng dân. Hồ Nguyên Trừng chàng nguyện vì xã tắc, trở thành trung thần, phò tá giang sơn. Hồ Quý Ly hiểu ý con trai, gánh nặng trong lòng như được chút bỏ.
Còn lại một mình trong phòng, Hồ Nguyên Trừng lặng lẽ nở một nụ cười nhưng bên khóe mắt lại ẩn hiện ánh nước, giống như thất vọng cùng lo nghĩ đến cùng cực. Huynh đệ trong nhà đã không thể đoàn kết, nghi kị đối đầu lẫn nhau, thì có cớ gì để lòng dân thiên hạ phải tuân theo chứ. Chàng bặm môi lại, một tia sét rạch ngang khung trời, giấy bay lả tả xuống nền đất, thổi tắt ngọn đèn dầu đặt trên bàn. Khuôn mặt người thanh niên đứng bên khung cửa thẫn thờ nhìn ra ngoài, giống như trông theo một điều gì đó. Phụ hoàng, con chưa từng có ý muốn tranh giành với em, chưa từng...
Năm 1406, 10 vạn quân Minh kéo vào nước ta, lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước. Đúng như chàng đã lo ngại, lòng dân không theo, thế phòng thủ chẳng mấy chốc tan vỡ. Thái Thượng Hoàng cùng đức thánh thượng rời khỏi kinh thành, trở về Thanh Hóa. Ngày 11 tháng 5 năm 1407, đoàn xa giá đến được bãi Kỳ La. "Nguyên Trừng, giặc đã sắp đuổi đến nơi, chúng ta phải làm sao?", vị vua trẻ lo lắng nhìn Hồ Nguyên Trừng. Tới lúc hoạn nạn, mới hiểu thế nào là huynh đệ thủ túc, anh em như thể tay chân. "Phía trước có núi Cao Vọng, địa hình hiểm yếu, bệ hạ cùng thái tử trước mắt tạm tới đó, phá vòng vây địch ở đây, cứ giao cho ta". Nói đoạn, chàng quay ngựa lại, giơ thanh trường thương chắn trước mặt, phi nước đại thẳng về phía trước. Xa xa, đoàn binh giáp trụ sáng ngời của quân Minh, hùng hổ lao tới, như muốn ăn tươi nuốt sống vị tướng quả cảm. Khi bóng dáng Hồ Nguyên Trừng vừa biến mất giữa vòng vây khói lửa, Hồ Hán Thương phi ngựa rời đi, trong lòng đau như cắt. Hoàng huynh, vậy mà bao nhiêu lâu nay, lúc nào ta cũng sống trong bất an, lo sợ số phận của Đinh Hạng Lang giáng xuống đầu, mà quên mất huynh hoàn toàn bỏ mặc hoàng quyền, lúc nào cũng lo nghĩ chỉ cho giang sơn xã tắc...