Chương 2: Huynh đệ chí cốt

"Phạm huynh, Phạm huynh...", Phạm Ngũ Lão dừng bài quyền, dùng đôi mắt tinh anh nhìn về phía có tiếng gọi, thấy được một thanh niên, à không, một thiếu niên, vì cậu ta chưa tròn mười sáu tuổi, từ bụi cây đằng trước lao ra, giáng một chiêu đánh thẳng vào người mình. Chàng quay lại nhanh như chớp, dang tay đỡ được chiêu kia. Bụi bay mù mịt, tiếng binh khí chạm vào nhau leng keng, lấp đi cái yên ắng của buổi rạng ngày. Thoáng một cái, gọn ghẽ như tiếng sét rạch giữa trời quang, cây giáo Phạm Ngũ Lão đang cầm trên tay đã kề lên cổ thiếu niên đó. "Ngài mà còn ra tay đánh lén, đừng trách tại hạ không niệm tình". Trần Quốc Uất cười hì hì, giơ hai tay xin hàng, thân thiết như huynh đệ nhà thường dân tập trận cùng nhau, nét mặt ngây thơ cùng ngang tàng phút chốc lộ ra sau vẻ trưởng thành hơn tuổi. Vị hoàng tử này cũng thật là, chẳng mấy khi có cơ hội ra khỏi cung, đã vội chạy đến doanh trại của Phạm Ngũ Lão học binh quyền.

Năm đó, nghe tin có người đan sọt làng Phù Ủng được chính Hưng Đạo vương tiến cử giữ chức cai quản Cấm vệ quân, nhiều kẻ không phục, muốn tỷ thí phân thắng thua với chàng, Trần Uất cũng là một trong số đó. Người thanh niên mặt không đổi sắc, khiêm tốn chấp thuận mọi lời thách đấu, lại khẳng khái xin được trở về quê nhà luyện tập, 3 tháng sau sẽ quay lại nghênh chiến. Từ hôm ấy, câu chuyện về vị tướng trẻ nổi tiếng khắp quân doanh. Quả thật, Phạm Ngũ Lão sau khi trở lại đã lợi hại hơn xưa, thoăn thoắt tiến lui trong chớp mắt, cân mọi địch thủ, khiến mọi người tâm phục khẩu phục.

"Ta nghe nói Phạm Điện súy bị giáo đâm vào chân chảy máu, vẫn bình tĩnh đối đáp với Hưng Đạo vương...". "Huynh ấy ngày ngày luyện tập từ sáng sớm tới tối mịt mới về nhà, băng qua được một hố chông dài 2 trăm thước, vượt qua một gò đất cao hơn đầu người...". "Phạm huynh còn giỏi ngâm thơ, đọc sách nữa" Chẳng mấy chốc người tướng trẻ bị chê cười ngày trước đã trở thành niềm ngưỡng mộ của các hoàng tử, hoàng tôn trẻ tuổi. Minh Hiến Vương, Bình Nguyên Vương và Uy Vũ vương tuổi còn khá nhỏ, chưa được phép theo hoàng huynh đi đánh trận, ngày ngày ở trong cung tập đi tập lại một bài quyền đơn giản, chán muốn chết. Hơn nữa, ngoài biên cương, vó ngựa Nguyên Mông tràn qua trung nguyên, giẫm nát Đại Lí, chúng lăm le xâm chiếm Đại Việt ta, chỉ còn là chuyện sớm muộn. Đứa trẻ cũng không thể ngồi yên, mà ta đã sắp trưởng thành,... Quốc Uất nắm chặt hai tay, ánh mắt kiên định nhìn về ngọn cờ hiệu thấp thoáng bay ngoài bờ tường cao vời vợi.

Vậy là chuyện gì đến cũng đến, nửa đêm các hoàng nam, dẫn đầu là Trần Quốc Uất phi ngựa trốn khỏi cung, đến trước quân doanh của Phạm Ngũ Lão. Cổng quân doanh đóng kín, để mặc đoàn người ngựa run rẩy giữa gió đông bắc cắt da cắt thịt. Người của hoàng huynh đã sắp đuổi đến nơi, Quốc Uất bặm môi, gương mặt dần tái đi, gọi to một tiếng: "Phạm huynh, chúng ta một lòng muốn học binh thư quyền pháp, cớ gì huynh ngăn chúng ta?". Sau cánh cổng đóng kín, một giọng nói rắn rỏi vọng ra: "Các ngài còn nhỏ tuổi, quân doanh khắc nghiệt lạnh lẽo, thượng hoàng cùng đức thánh thượng lo nghĩ, mong các vị quay về, Học tập binh pháp không cốt lâu, không cốt sớm, các vương tử đừng nóng vội." Nghe lời nói hợp tình hợp lý, Minh Hiến Vương đành quay ngựa, tiu nghỉu cùng các anh trở về chịu tội với hoàng huynh. Phạm Ngũ Lão đứng trên thành cao, nhìn theo đoàn quân đạp sương sớm rời đi, khẽ cảm khái: "Nước Nam ta, không thiếu thiếu niên anh hùng."

Qua năm sau, Trần Uất tròn 15 tuổi, được chính tay đức Thánh Tông giao cho Phạm điện súy chỉ dạy. Vị hoàng tử trẻ tuổi không hề câu nệ, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với tướng sĩ, cùng bàn luận binh pháp thi thơ, coi nhau như anh em một nhà. Minh Hiến học rất chóng thông, múa kiếm, cưỡi ngựa cũng đã nhanh, chỉ có cái tính nết đôi khi còn nghịch ngợm nóng nảy của con trẻ, là khiến Phạm Ngũ Lão đau đầu. "Phạm huynh, cuộn thư pháp kia hay quá, huynh cho ta nhé!", "Phạm huynh, ta mượn thanh đoản đao của huynh nhé, anh Nhật Vĩnh muốn xem qua...". "Phạm huynh...". "Minh Hiến Vương, ngài thích thì cứ cầm về đi, coi như tấm lòng của anh em tướng sĩ". Đứa trẻ đó gật đầu nhanh như chớp, thoáng cái là đã không thấy đâu, để lại Phạm Ngũ Lão cùng mấy người thân cận bất lực nhướn mày nhìn nhau. Dù vậy, cái tính nết này khi cầm quân, chính là vô cùng nguy hiểm.

"Hoàng huynh, ta không có ý đó!", Phạm Ngũ Lão vừa đến trước trướng hổ, đã nghe thấy tiếng cãi vã của hai vị chủ tướng. "Minh Hiến vương, nghị luận quốc sự, cổ hoặc quân sĩ, đuổi ra khỏi quân doanh!". "Phạm huynh, ta thật sự không cố ý..." Phạm Ngũ Lão nhìn bằng hữu vào sinh ra tử quỳ bên ngoài cái lạnh cắt da cắt thịt, cuối cùng cũng không đành lòng, phá lệ cho người bí mật mời Trần Uất vào trong quân. "Hoàng thượng, hạ thần cũng xin được góp một lời, nếu giặc bắt được ân chúa, sẽ biết là lòng quân tan rã, huynh đệ không đoàn kết cùng nhau, sẽ không có lợi cho quân cơ". Đức thánh thượng biết chuyện cũng xuôi lòng, nhắm mắt cho qua.

Chẳng mấy chốc năm tháng thoi đưa, sương gió phủ một đời người, nhuộm lên màu tóc bạc trắng. "Phạm lão, lão có nhà không?". "Ân chúa đừng tới nhà tôi nữa, kẻo Thánh thượng lại trách tôi!". Miệng thì nói vậy thôi, Phạm Ngũ Lão vẫn lục tục chống gậy, tự mình ra mở cửa cho người bạn lâu năm- Minh Hiến Vương Trần Quốc Uất.