Thân thể của Diệp Thù bị thương rất nặng, vết thương sau gáy là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của nguyên chủ. Tất nhiên, kẻ tới sau là hắn cũng gánh phải chịu nỗi đau tương tự, may mắn thay có người đưa hắn đi chữa trị kịp thời, bằng không thân xác này không thể dùng được nữa. Nếu như Hỗn Nguyên Châu không thể mang hắn nhập vào một thân thể mới, e rằng hắn thật sự phải bỏ mạng.
Những ngày còn lại, Diệp Thù ở tại tiệm thuốc dưỡng thương. Lão lang y là người tốt bụng, mỗi ngày đều cấp thuốc và thức ăn rất tận tâm. Diệp Thù dùng thần thức kiểm tra, phát hiện vết thương đang chuyển biến ngày một tốt đẹp, tuy thuốc của phàm nhân không bì được với đan dược của tu sĩ nhưng vẫn có tác dụng hồi phục đáng kể.
Diệp Thù vốn không phải loại người tùy tiện, mặc dầu linh hồn hắn đã nhập vào thân xác này song bởi vì nguyên chủ đần độn mấy năm, ngoại trừ ký ức liên quan đến bản thân, toàn bộ hiểu biết về thế giới bên ngoài đều vô cùng nông cạn. Trong lúc dưỡng thương, Diệp Thù cố ý hỏi thăm tình hình ở thành Minh Sơn dạo gần đây thế nào. Vì nguyên chủ là kẻ ngốc nên hắn có hỏi gì thì lão lang y cũng chỉ cho rằng sau khi trải qua tai nạn hắn nhờ vậy mà được phúc, đầu óc đã bình thường trở lại. Lão lang y còn bảo học trò của mình trò chuyện với hắn nhiều hơn.
Diệp Thù không hề che giấu sự khác thường của mình, không phải vì hắn không đủ cẩn thận, mà vì nếu hắn không “tỉnh táo” lại thì sẽ có rất nhiều chuyện không tiện hành động. Bị thương sau gáy chính là cơ hội tốt, không nhân cơ hội này khôi phục thì còn chờ đến khi nào? Về phần Diệp Tuấn, hắn là kẻ lòng dạ hẹp hòi, cho dù nguyên chủ là kẻ ngu si cũng chẳng chịu buông tha. Gã âm thầm bày mưu tính kế, nhưng vì giữ vẹn thanh danh mà gã chưa bao giờ đích thân động thủ. Với Diệp Thù mà nói, những thủ đoạn ấy chỉ là chuyện vặt vãnh. Hơn nữa, chỉ cần có thêm thời gian, hắn có thể lợi dụng Hỗn Nguyên Châu để bước vào con đường tu hành, đến khi đó, ở phàm trần hắn không còn gì phải sợ nữa.
Lại nhắc đến vị thiếu thành chủ nọ thì phải kể đến cha của chàng ta. Thành chủ thành Minh Sơn họ Yến tên Bắc, Yến Trường Lan là con trai duy nhất của ông, năm nay vừa bước qua tuổi mười ba. Yến Trường Lan trẻ tuổi, lòng dạ rộng rãi, thích hành hiệp trượng nghĩa, chàng không những thương xót người nghèo mà còn quan tâm đến những việc bất công, cho nên được người dân trong thành rất mực yêu mến. Tính cách của chàng do một tay cha chàng giáo dưỡng, cho nên người trong thành cũng rất kính trọng vị thành chủ này.
Yến Bắc có hai người em trai, em út không may qua đời trước khi trưởng thành, hiện tại ông chỉ còn lại một người em tên là Yến Tây. Sau khi vợ qua đời vì bạo bệnh, ông không tái giá mà một mình nuôi dưỡng Yến Trường Lan. Trái ngược với anh mình, Yến Tây có một thê ba thiếp, sinh được hai trai và ba gái, trong đó các con trai đều là con vợ cả, tên lần lượt là Yến Trường Tùng, Yến Trường Bách; con gái lớn Yến Trường Mai cũng do vợ cả sinh ra, hai đứa còn lại là con gái của vợ hai và vợ ba, không có tên trong gia phả.
Yến Bắc và Yến Tây sống chung trong phủ thành chủ, chưa từng phân gia. Thành chủ rất yêu thương người em trai này, thường giao một số công việc trong phủ cho hắn xử lý. Thân phận của Yến Trường Lan cao quý nhất, nhưng lại là người nhỏ tuổi nhất. Sở dĩ như thế là vì thân thể của mẹ chàng yếu đuối, tới tuổi trung niên mới sinh ra chàng. Quan hệ của Yến Trường Lan và các anh chị em khác rất tốt, nhiều năm qua hai gia đình vẫn chung sống hòa thuận vui vẻ. Người trong thành không quý trọng gia đình Yến Tây như gia đình của thành chủ, song Yến Tây hành sự cẩn trọng, chưa từng làm việc xấu nên họ cũng có ấn tượng tốt.
Mặc dù Yến Tây nhiều con cái, nhưng nhân khẩu của phủ thành chủ cũng không thể so bì được với ba gia tộc lớn. Trong đó, riêng dòng chính nhà họ Diệp đã có hơn mười người, đó là chưa kể đến con cháu thuộc những nhánh phụ. Hai gia tộc còn lại là Phương và Tôn, con cháu cũng rất phồn thịnh.
Việc thành hôn của con cháu các gia tộc lớn thường chú ý đến môn đăng hộ đối, cho nên chuyện liên hôn chỉ xoay quanh tại bốn thế lực lớn nhất trong thành.
Hiện tại, trực hệ của gia tộc họ Diệp mới cưới về một cô vợ là con trưởng nữ của gia tộc họ Tôn; Dòng chính của gia tộc họ Phương có một hậu duệ xuất sắc đã đính hôn với con trưởng nữ của phủ thành chủ – Yến Trường Mai; Yến Trường Tùng đã lập gia đình, vợ hắn cũng là con trưởng nữ của gia tộc họ tôn. Lại có tin Yến Trường Bách muốn cưới con gái của nhà họ Diệp, nhưng tin này chưa được xác nhận thực hư.
Mối quan hệ hôn nhân giữa các gia tộc và phủ thành chủ rắc rối như mạng nhện, khó mà nói rõ được. Đương nhiên, các gia tộc lớn tôn trọng phủ thành chủ, song những khi cần thiết, phủ thành chủ cũng phải nhượng bộ các gia tộc ba phần. Có điều, nói đến địa vị của các gia tộc thì họ Diệp vẫn nhỉnh hơn, có thể nó họ Diệp là gia tộc lớn nhất tại thành Minh Sơn.
Danh tiếng của ba gia tộc trong thành cũng khác nhau. Họ Diệp kiêu ngạo nhất, họ Phương khá khiêm tốn, họ Tôn sinh được nhiều mỹ nhân nên hành sự khá lòe loẹt, phô trương. Tóm lại, danh tiếng của họ Phương ở mức bình thường, riêng họ Diệp và họ Tôn chính là “cá mè một lứa”.
Lướt qua những mối quan hệ này trong đầu, Diệp Thù bèn xuống giường tìm đến lão lang y để nói lời từ biệt.
Lão lang y ân cần nói:
- Mấy năm nay cháu không biết gì cả, sợ rằng sống trên núi một mình sẽ khó khăn.
Sắc mặt Diệp Thù có hơi ảm đạm:
- Cháu biết vậy, nhưng đó là nhà của cháu, nhất định cháu phải quay về ạ. Nhiều ngày qua nhờ có ông chăm sóc, cháu khắc sâu ơn nghĩa này trong lòng, thật không dám ở lại làm phiền thêm.
Lão lang y thở dài nói:
- Thiếu thành chủ đã ra tiền, sao cháu lại nói là phiền phức? Hiện giờ tuy đầu óc cháu đã tỉnh táo nhưng xương cốt và kinh mạch vẫn còn hơi cứng, cháu muốn luyện chút võ nghệ để phòng thân cũng được, nhưng để trở thành cao thủ nhất đẳng sợ rằng không có cách nào. Ông thấy cháu cũng khá thông minh, nếu cuộc sống trên núi cực khổ quá thì cứ xuống núi tìm ông, phụ giúp tiệm thuốc hay làm một số việc vặt cũng có thể sống qua ngày.
Nghe vậy, Diệp Thù thầm nghĩ lão lang y thật sự là người có tấm lòng nhân hậu, song nếu hắn ở lại đây thì sẽ bất lợi cho việc tu hành, tốt nhất nên tìm cách kết bạn với ông, ngày sau những hành động của mình cũng có được một lớp vỏ bọc che lấp.
Quyết định xong, hắn bèn nói:
- Chỗ của ông đã có mấy người học trò, cháu mà tới đây nữa thì cùng lắm chỉ ăn không ngồi rồi, sao có thể trở thành gánh nặng của ông được chứ? Ý tốt của ông, cháu cảm kích vô cùng… Nếu như ông không chê, cháu cũng nhận biết được một số cây thuốc, ngày sau có hái được cháu sẽ mang đến cho ông để đổi chút đồ ăn.
Lão lang y cảm khái trước sự cứng cỏi và lòng tự tôn của thiếu niên, nhưng nhiều hơn là khâm phục:
- Cũng được, nhưng lúc hái thuốc, nếu cháu làm cho cây thuốc bị tổn hại khiến cho dược tính giảm bớt thì giá thành sẽ giảm rất thấp…” Nói tới đây, lão lang y lấy một cuốn sách cổ bìa vàng đưa cho Diệp Thù. - Ta nhớ cháu biết chữ có đúng không? Về nhà cháu nhớ đọc kỹ quyển sách này, học thêm nhiều loại dược liệu, biết được phương pháp hái thuốc, sau này cứ dựa theo đó mà hái rồi mang đến chỗ ông.
Diệp Thù nghe xong lại tạ ơn lần nữa, vội hành lễ với lão lang y rồi rời khỏi tiệm thuốc. Hắn trở về ngôi nhà hoang trên núi. Thực chất, ngọn núi này chỉ là ngọn núi nhỏ thuộc một dãy núi, đồng thời cũng là ngọn núi nằm ở phía trước. Bởi vì có nhiều người đến đây săn bắn thường xuyên nên dần dần tạo thành vài con đường mòn. Trong núi không có thú dữ, động vật hoang dã cũng có rất ít.
Từ khi Diệp Thù bị gia tộc trục xuất, cậu ta liền bị đưa đến ngọn núi này. Ngôi nhà tranh giữa núi chẳng qua chỉ là nơi ở của một người thợ săn già. Mảnh đất cằn cỗi trước nhà cũng là do ông ta khai khẩn trồng trọt. Mấy năm trước, người thợ săn già chết dưới răng nanh của dã thú, cùng lúc đó nguyên chủ bị trục xuất, mà người thợ săn lại không có con cái, cho nên nhà họ Diệp bèn giao căn nhà và miếng đất lại cho nguyên chủ.
Lúc ấy nguyên chủ chỉ mới sáu bảy tuổi, đầu óc lại ngu đần chẳng hiểu chuyện gì, nếu không phải trong nhà người thợ săn còn sót lại nhiều thức ăn, và cậu ta cũng hiểu chút ít về cách trồng trọt thì đã sớm chết đói trong núi.
Diệp Thù tìm đến nhà tranh theo ký ức của nguyên chủ, quả nhiên trông thấy mảnh đất cằn trước nhà. Mảnh đất chẳng có bao nhiêu độ phì nhiêu, nguyên chủ lại không am hiểu chuyện đồng áng, theo năm tháng, sản lượng cây trồng cũng ngày một ít đi. Tuy vậy, cậu ta vẫn luôn để dành những thứ tươi ngon nhất cho Hồng Uyên, bản thân thì chịu đói khát, người ngày một gầy thêm. Hiện tại nguyên chủ đã qua tuổi mười hai, nhưng trông thân thể nhỏ bé này như thể chưa đến mười tuổi vậy.
Thân là thiếu tộc trưởng, Diệp Thù được ông nội hết mực cưng chiều suốt từ tấm bé đến lớn, đương nhiên hắn chẳng am hiểu việc đồng áng. Song, hắn đã từng thấy các đồng tộc bồi bổ linh khí cho đất đai sau khi dùng pháp thuật thúc đẩy hạt giống phát triển, cố nhiên phàm nhân cũng vậy, thu hoạch xong thì phải bổ sung độ phì nhiêu cho đất, bằng không năng suất sẽ giảm.
Hắn đã là người phàm tục, không thể hấp thu linh khí của thiên địa để tồn tại như kiếp trước, cho nên muốn sống tiếp tất phải lo lắng chuyện thức ăn. Khó khăn lắm hắn mới có cơ hội sống lại, nếu bị chết đói thì không phải buồn cười quá ư?
Nghĩ đến đây, Diệp Thù đã đi đến trước mảnh đất cằn. Giờ là thời điểm thu hoạch, trên thửa ruộng trồng một loại rau xanh, phiến lá không được xanh và mọng nước do đất thiếu dinh dưỡng, trông có hơi héo. Hiện nay, trong người hắn không có pháp lực, vô phương dùng phép gọi mưa để tưới cây, chỉ đành dùng đến hai bàn tay này mà thôi.
Diệp Thù vào phòng lấy ra một cái thùng rồi đi tới con suối cách đó không xa, hắn múc đầy thùng và đổ vào một cái lu, lặp đi lặp lại như thế cho đến khi lu đầy. Hắn lại lấy một cái gáo múc nước tưới lên toàn bộ mảnh đất nhỏ. Làm xong, quần áo hắn đã ướt nhẹp mồ hôi, hắn bèn hái một ít rau cho vào nồi, bắt nước làm món rau luộc đơn giản.
Chén rau luộc chả có mùi vị gì, nhưng Diệp Thù vốn không có lựa chọn khác. Sau khi lấp đầy bụng và dọn dẹp chén dĩa, trong lòng bàn tay hắn bỗng xuất hiện một giọt nước tròn trịa, đó chính là Hỗn độn thủy, nghe nói nó có tác dụng nuôi dưỡng vạn vật, nhưng nếu không thử nghiệm trước thì hắn thật sự không yên tâm sử dụng.
Lúc ở tiệm thuốc, vì tránh để người khác chú ý mà Diệp Thù chưa từng lấy nó ra, hắn biết rõ cứ qua một ngày thì Hỗn độn thủy sẽ tự động biến mất, mặc dầu rất tiếc nuối nhưng cẩn thận vẫn hơn.
Nay cơ hội đã đến, Diệp Thù suy nghĩ chốc lát, vốn định sử dụng giọt Hỗn độn thủy cho mảnh đất cằn cỗi trước nhà, nhưng do dự một lúc, hắn vẫn không dám thử ở đây. Cách nhà tranh khoảng mười trượng, hắn tìm được một gốc cây, bèn nhỏ giọt Hỗn độn thủy xuống bộ rễ trồi lên mặt đất.