Chương 19: Đến Thanh Hà Môn.

Trí nhớ của Yến Trường Lan rất tốt, mỗi câu Diệp Thù nói chàng đều ghi tạc trong lòng, không dám lơ là.

Diệp Thù nói:

– Việc này không nên chậm trễ, chúng ta hãy lập tức thu dọn đồ đạc khởi hành.

Yến Trường Lan không có ý kiến. Đồ của chàng ngoại trừ hai bộ y phục thì không còn gì khác, nên sau khi thu dọn xong chàng bèn phụ giúp Diệp Thù một tay.

Diệp Thù hái tất cả các gốc thảo dược đã trưởng thành cho vào Hỗn Nguyên Châu, sau đó lấy số Hỗn Độn Thủy đã pha loãng chưa dùng hết tưới lên mảnh ruộng, cứ coi như đây là sự đền đáp của hắn đối với nơi này vì đã ở đây mấy tháng. Tất cả hành động của Diệp Thù đều khiến Yến Trường Lan kinh hãi, nhưng sau khi chấn động qua đi chàng cũng không thốt lên một tiếng nào.

Như hiểu được suy nghĩ trong lòng Yến Trường Lan, Diệp Thù bỗng quay sang nói với chàng rằng:

– Tu sĩ thường dùng Túi càn khôn để cất giữ đồ vật, tôi cũng có một vật giống như thế.

Yến Trường Lan thản nhiên gật đầu, trong lòng lại nghĩ: vật này ắt hẳn quý báo, tất nhiên không thể tiết lộ cho người khác.

Ít lâu sau, hai người thu xếp mọi thứ ổn thỏa, bèn bắt đầu xuống núi.

Người trong thành đều biết mặt Yến Trường Lan nên Diệp Thù sử dụng phép ẩn thân lên cả hai để tiện cho việc đi lại. Sau khi nghe ngóng tin tức một chút, hai người nhanh chóng biết được nơi đặt thi thể của thành chủ, đó là ở nghĩa trang thành Tây. Thi thể được Thành vệ quân canh gác, chờ triều đình cử người đến khám nghiệm tử thi rồi kết án sau đó sẽ tìm một nơi có phong thủy tốt tiến hành chôn cất.

Yến Trường Lan không thể ở lại thành lâu được, chàng không muốn thi thể cha bị chôn tùy tiện bên ngoài nên bàn với Diệp Thù rồi tiến hành đánh cắp thi thể ông, đem chôn tại một dãy núi ở ngoại thành, dựng nên một bia mộ vô danh. Để đề phòng thú hoang đào bới, Diệp Thù lấy số mảnh vỡ bình ngọc mà hắn đã gom từ nhà tranh để bày một cái mê trận, lại dùng đá và gỗ bày thêm một trận pháp nữa, lập nên trận trong trận, hoàn toàn vây kín ngôi mộ. Yến Trường Lan thử xem hiệu quả của trận pháp một lần, càng thêm cảm kích trước sự chu đáo của Diệp Thù.

Diệp Thù nói:

– Anh hãy nói vài câu sau cùng với Yến thành chủ, sau đó chúng ta phải lên đường ngay.

Yến Trường Lan hít một hơi thật sâu, khẽ gật đầu rồi quỳ thụp xuống trước tấm bia. Diệp Thù thấy vậy bèn quay lưng đi trước xuống sườn núi chờ chàng. Trong lúc chờ đợi, hắn lấy ra một nắm dược liệu, bắt đầu bào chế.

Đợi khi Yến Trường Lan đến sườn núi thì đã thấy Diệp Thù bưng một chén thuốc mỡ trên tay, sau đó nghe đối phương nói rằng:

– Thứ này sẽ giúp anh thay đổi dung mạo.

Dứt lời, Diệp Thù thoa đều thuốc mỡ lên toàn bộ khuôn mặt Yến Trường Lan, chốc lát đã hóa chàng từ một thiếu niên anh tuấn khỏe mạnh trở thành một kẻ bần hàn, mặt mũi xanh xao hóp háp. Cuối cùng, hắn đổi cho đối phương một bộ y phục cũ nát, bấy giờ mới tạm vừa lòng.

Tiếp theo, hai người đi dọc theo đường núi, hướng tới quận thành nơi bạn cũ của Yến thành chủ đang sinh sống. Còn về việc thi thể thành chủ bị đánh cắp sẽ gây ra sóng to gió lớn gì, đây đã không còn là việc của họ nữa.

Giờ đây, Yến Trường Lan đã hoàn toàn trở thành kẻ “tay trắng”, tất thảy chi phí sinh hoạt dọc đường đều do một tay Diệp Thù chi trả. Lòng chàng bất an, nên mỗi lần nghỉ ngơi bên ngoài chàng sẽ vào rừng đi săn, bất kể săn được loài thú hoang nào chàng đều để dành chỗ thịt ngon nhất cho đối phương. Ngoại trừ việc này, chàng còn chủ động giành việc nướng thịt, tuy lúc đầu không quen tay, thịt nướng xong khó mà nuốt được, song làm nhiều việc dở cũng thành hay, dần dần tay nghề nướng thịt của chàng càng nâng cao, không cần bằng hữu phải động tay nữa. Diệp Thù thấy chàng có lòng như thế thì cũng ghi nhận phần chân tình này.

Hơn hai mươi ngày sau, rốt cuộc hai người cũng tới quận thành.

Danh tiếng của bằng hữu Yến Bắc không hề nhỏ, người nọ chính là chưởng môn Thanh Hà Môn – Ngụy Hữu Từ. Mấy mươi năm trước ông ta dùng một chiêu Băng Vân chưởng thành danh, song hiện giờ ông ta đã bước vào tuổi xế chiều, võ công không còn được như xưa nữa.

Trong giang hồ, Thanh Hà môn là môn phái nhất đẳng, dầu không so được với thời hoàng kim của mấy trăm năm trước nhưng môn phái dưới sự dẫn dắt của Ngụy Hữu Từ cũng đã quật khởi trong mấy mươi năm gần đây, thanh danh vang dội, tiền tài không thiếu.

Theo lời kể của Yến Trường Lan, lúc còn trẻ Ngụy Hữu Từ và Yến Bắc từng lang bạt cùng nhau một thời gian, sau này Yến Bắc thành gia lập nghiệp, được triều đình mời về làm thành chủ. Còn Ngụy Hữu Từ cưới một vị cao thủ trong võ lâm về làm vợ, từ đó trở thành đại hiệp chính đạo chốn giang hồ. Hai người đều có cuộc sống riêng, về sau càng ít tiếp xúc hơn, vào những dịp lễ Tết vẫn gửi thư từ qua lại, song số lần gặp trực tiếp chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó nguyên nhân lớn nhất là tránh lời ra tiếng vào.

Yến Trường Lan nói:

– Cha rất tin tưởng vào nhân phẩm của chú Ngụy, chắc chắn ông ấy sẽ không bán đứng chúng ta đâu.

– Tâm đề phòng không thể không có, nhưng cũng không cần quá đặt nặng. Lần này anh đến để nhờ vả, tôi không tiện theo cùng, anh hãy tới đó bái kiến một mình, còn tôi sẽ thuê một quán trọ ở gần đó, nếu có chuyện vạn nhất xảy ra thì tôi cũng tiện tiếp ứng cho anh.

Sau sự kiện phản bội của Yến Tây, lòng tin của Yến Trường Lan đối với người khác đã không còn như trước. Lời của bằng hữu rất đúng, tuy chàng vẫn cảm thấy để hắn một mình ở bên ngoài không tốt nhưng nghĩ một hồi cũng gật đầu đồng ý. Chàng nói:

– Nếu khi đó có chuyện cần nhờ thì tôi xin mạo muội mời anh tới giúp đỡ, mong rằng anh chớ từ chối.

– Được.

Sau khi trao đổi xong, hai người tìm một quán trọ ở gần Thanh Hà môn, thuê một phòng cho Diệp Thù. Yến Trường Lan mượn bút mực trong quán viết một bức thư rồi nhờ người gửi đến Thanh Hà môn.

Trong chốn võ lâm, thanh danh của Thanh Hà môn luôn rất tốt. Người đưa thư đến gõ cửa nói có thư muốn giao đến tận tay Ngụy chưởng môn, người gác cổng tận tình mang thư vào trong, tuyệt không có thái độ xấu.

Nhận được thư chưa đầy một nén nhang đã có một người đàn ông đứng tuổi bước ra từ cổng lớn, vẻ mặt ông ta rất nôn nóng, bước chân gấp gáp tiến tới quán trọ nơi hai người Diệp-Yến đang ngụ. Diệp Thù là người đầu tiên phát hiện nên cố tình tránh đi nơi khác.

Rất nhanh, có tiếng gõ cửa vang lên ngoài phòng. Vừa mở cửa, Yến Trường Lan đã nhận ra ngay gương mặt của người đàn ông này giống hệt với người trong bức họa mà cha đã từng cho chàng xem, đích thị là Ngụy Hữu Từ.

Ngụy Hữu Từ cũng đánh giá Yến Trường Lan từ trên xuống dưới, song nét mặt lại có phần nghi ngờ:

– Cậu chính là con trai của Yến Bắc…?

Yến Trường Lan gật đầu, dùng khăn lau đi lớp dịch dung trên gương mặt sau đó cúi người hành lễ:

– Cháu là Yến Trường Lan, xin bái kiến chú Ngụy. – Và nghẹn ngào, chàng nói tiếp. – Gia môn bất hạnh, cha bị kẻ ác hãm hại, cháu…

– Cháu hãy mau đứng lên đi! Ta đã biết được chuyện xảy ra ở nhà họ Yến, cha cháu gặp nạn, cháu đã chịu khổ nhiều rồi. Từ giờ cháu không cần phải lo lắng nữa, ta và cha cháu là anh em kết nghĩa, chỉ cần ta còn sống thì tất sẽ lo lắng chu toàn cho cháu.

Yến Trường Lan vội nói tiếng tạ ơn, sau đó theo Ngụy Hữu Từ về Thanh Hà môn. Chàng cảm động trước sự chân thành của Ngụy Hữu Từ, song chàng không định ở lại đây lâu dài.

Ngụy Hữu Từ kết nghĩa anh em với cha chàng, ông ta cưu mang chàng cũng là lẽ thường tình, nhưng chàng biết rõ kẻ thù của mình là một gã tu sĩ, nếu chàng ở lại lâu sẽ mang đến phiền phức cho gia đình ông. Hôm nay chàng đến cũng vì bất đắc dĩ. Nơi đây là quận thành phồn hoa nhiều người lui tới, không giống với nơi hẻo lánh như thành Minh Sơn, dầu gã tu sĩ kia có lợi hại đến đâu cũng không dám làm chuyện quá đáng như diệt cả một gia tộc. Hơn nữa với tu vi tầng hai Luyện Khí của gã chưa chắc có thể đánh bại nhiều cao thủ nhất đẳng ở Thanh Hà môn, huống gì Ngụy Hữu Từ được chàng thông báo nên sẽ sớm có sự đề phòng. Nếu không vì những nguyên nhân đó, dù có chết đói chàng cũng sẽ không mặt dày tìm đến đây. May mà Yến Tây không biết chuyện Ngụy Hữu Từ và Yến Bắc kết nghĩa. Gã tu sĩ họ Lý lùng sục chàng khắp nơi cũng chưa chắc tìm được đến tận đây.

Vài ngày sau, Yến Trường Lan truyền tin đến quán trọ nói rằng chàng chưa tìm được cơ hội mở lời, có lẽ cần phải ở lại thêm ít hôm nữa. Diệp Thù tỏ ý không sao. Mục đích chính của hai người là tìm nơi tu hội của các tu sĩ, mà thiên hạ rộng lớn không biết phải tìm đến ngày tháng năm nào, chi bằng nhân cơ hội Yến Trường Lan ở Thanh Hà môn cố ý nghe ngóng tin tức một phen, còn hắn thì sẽ tìm các hiệu sách trong thành đọc các cuốn du ký, truyền thuyết hoặc tùy bút, nói không chừng có thể có thu hoạch bất ngờ.

Về việc Yến Trường Lan lo lắng gã tu sĩ họ Lý tìm được đến đây, Diệp Thù lại không cảm thấy chuyện đó có gì nghiêm trọng. Nếu gã dám tìm tới thì hắn sẽ dám lấy đầu gã, coi như giúp Yến Trường Lan loại bỏ tâm ma chôn sâu trong lòng.

Lại mấy ngày qua đi.

Ban ngày Diệp Thù tìm kiếm cửa hiệu hoặc chợ bày bán sách, ban đêm thì miệt mài tu luyện trong phòng, khoảng thời gian này trôi qua êm đềm hơn lúc bôn ba bên ngoài nhiều.

Trong một cửa hiệu bán sách. Diệp Thù đang đứng ở một góc lật xem một quyển sách cũ, trong sách có một câu chuyện khiến hắn khá để ý. Có một người nông dân tình cờ gặp gỡ một đạo sĩ già trên đường về nhà, đúng lúc đạo sĩ ấy đang bắt quỷ nên bèn về kể lại cho hàng xóm láng giềng, từ đó mới có câu chuyện lạ này in vào sách. Trong truyện có nhắc đến vài địa danh, và thuật pháp mà đạo sĩ già sử dụng cũng khá giống với pháp thuật của tu sĩ. Ngay khi hắn đang rơi vào suy tư, bỗng có một giọng nữ the thé vang lên khiến hắn giật mình.

– Ngụy Ánh Nhi, nghe nói nhà cô vừa thu nhận một kẻ sa cơ thất thế đó hử?

Các giác quan của Diệp Thù vốn rất nhạy bén, âm thanh vừa rồi đến từ cửa hàng son phấn cách hiệu sách khoảng mấy chục bước chân. Điều làm hắn chú ý là ả ta vừa thốt lên hai từ “Ngụy” và “thu nhận”.

Giây sau, có một giọng nữ mang theo ý nhạo báng tiếp lời:

– Tôi còn nghe được cô và kẻ đó có hôn ước với nhau. Phải chăng lần này cô đến Hương Chi lâu là vì muốn tự đặt mua đồ hồi môn?

Lập tức, có một giọng nói thanh thúy đáp trả:

– Hôn ước gì chứ? Đó là do khi tôi còn nhỏ, cha nói đùa với bằng hữu của ông để chọc tôi thôi, các cô đừng có bịa chuyện bôi bác thanh danh của tôi. Mà đừng nói là không có hôn ước, dù có thì ai lại bằng lòng cưới một kẻ nghèo kiết xác chứ?

Nghe đến đây, Diệp Thù chau mày. Chẳng lẽ người mà các ả nhắc tới là Yến Trường Lan?