Từ đó, cả hai không còn đến chỗ dì Hòa nữa. Dì Hòa như trút được gánh nặng, cuộc sống đã thoải mái hơn rất nhiều. Cũng từ đó dì không muốn về quê nữa.
Khi không có sự đeo bán của Thành, ông chủ người Đài Loan cũng thường xuyên lui tới chỗ dì Hòa hơn. Dì biết vậy, vẫn một mực từ chối người đàn ông đó. Với dì, chuyện tình cảm luôn minh bạch rõ ràng.
Rồi một ngày, người ta đưa dì về nha, gương mặt tiều tụy, hốc hác và có phần điên loạn. Một dì Hòa xinh đẹp, dịu dàng với đôi mắt đen và mái tóc dài ngang hông, giờ đôi má hóp lại, mắt đờ đẫn, thỉnh thoảng lại hét lên kinh hãi. Dì không còn tự chủ về hành động và lời nói của mình nữa.
Chú Thành nghe thấy dì Hòa gặp chuyện, từ nhà lao sang nhà dì, trên cơ thể vẫn là bộ quần đùi, áo mai ô trắng và cả đôi dép tổ ong ố vàng chưa kịp thay ra.
- Hòa… Hòa! Em sao thế này?
Dì Hòa không nhận ra chú Thành, đưa đôi mắt vô hồn nhìn chú, không nói một lời. Chú Thành quay sang hỏi bà Đông:
- Chuyện này là sao hả cô?
Bà Đông khóc hết nước mắt, giọng nói kèm tiếng rung nấc đau lòng:
- Nào có ai biết chuyện gì. Nó hai thán này không về, giờ biến thành bộ dạng như thế này đây.
Từ khi dì bị như vậy, cậu Đông cũng tìm hết viện này tới viện khác để thăm khám cho dì. Số tiền trước đây dì đi nước ngoài về, dành dụm đưa cho mẹ, cũng đem sạch ra chữa bệnh mà không có kết quả gì.
Có người còn mách vời bà Đông, hay dì bị ông chủ người Đài Loan kia bỏ bùa rồi. Bởi nhiều người ở làng làm công nhân chỗ dì nói, ông ta rất thích dì mà dì một mực từ chối. Người Đài Loan, Trung Quốc lại giỏi dùng bùa ngải lắm. Nghe tới đây, bà Đông liên sai cậu Đông đưa dì lên bản Mường tìm thầy giải bùa xem sao. Một người đường đường xinh đẹp thế kia, bao nhiêu người theo đuổi, giờ lại thành ra bị điên khùng, bà sao can tâm mà lau nước mắt nhìn con như thế.
Cậu Đông lại một lần nữa tìm thầy mo trên bản giải bùa, cũng không ăn thua. Họ dùng hết cách cũng không khiến dì hết điên được.
Chú Thành từ khi dì bị điên, cũng thường xuyên lui tới chăm sóc. Nhìn chú vẫn thương dì, nên bà Đông cũng đành gả dì cho chú khi nghe chú ngỏ ý muốn cưới. Bà Tầm mẹ chú thì phản đối kịch liệt khi thấy chú rước cái của nợ điên khùng đó về nhà.]
Nghe mẹ kể, tôi gật đầu. Tôi không ngờ trong cuộc đời này còn có được một tình yêu chân thành như vậy.
- Chú Thành đúng là một người đàn ông tốt.
- Tốt cái con khỉ.
Mẹ tôi ký đầu tôi mắng. Bởi sau khi cưới về được một tháng thì dì đã tỉnh táo hơn, nhưng lúc tỉnh ít hơn lúc điên. Mỗi khi tỉnh, dì lại chạy về nhà, được bà Đông khuyên nhủ, dì cũng đành chấp nhận số phận.
Chú Thành lúc đầu còn yêu thương dì, rồi càng ngày càng bộc lộ rõ bản chất. Mỗi khi dì lên cơn điên loạn, chú không còn chăm sóc dì nữa, thường xuyên đánh đập dì đến thâm tím mặt mày. Bà Đông ở ngay gần không chịu được mà chạy sang can ngăn.
- Anh Thành, lúc anh cưới nó, nó cũng điên loạn, anh kêu thương mà cưới nó về chăm sóc. Tôi tưởng anh yêu thương nó thật lòng mới giao nó cho anh, sao giờ anh lại vũ phu đánh đập nó thành ra thế này cơ chứ. Anh không đáng mặt đàn ông. Biết thế trước đây tôi không gả con Hòa cho anh, để nó không phải chịu nỗi uất nhục thế này.
- Này này bà kia! Nó điên loạn như thế, nói không được thì phải dạy bảo chứ.
Bà Tầm bênh con trai, đứng trước mặt bà Đông chắp tay ngang hông, vênh mặt lên chửi bới. Bà Đông không chịu nổi mà dang tay ra trước mặt con gái, ra sức bảo vệ.
- Các người không chứa chấp được nó thì trả lại con gái cho tôi. Bố nó năm xưa ra chiến trường, vì đất nước mà hy sinh, chỉ còn cái thân già này, sẽ lo cho nó sống cả đời.
- Ừ bà mang nó về mà nuôi, mà phụng dưỡng.
Bà Tầm chỉ thẳng tay vào mặt dì Hòa lúc đó còn đang quần áo tơi tả, sợ hãi, đứng nép phía sau mẹ sợ hãi. Bà ta còn quay sang chửi con trai:
- Cái đồ ngu chưa con! Tao đã bảo đừng rước cái thứ bệnh tật, điên khùng về nhà mày không nghe. Giờ đấy, có thấy không? Cá không ăn muối cá ươn, con cãi lời cha mẹ trăm đường con ngu.
Bà Đông không nhịn nổi sự sỉ nhục con gái, lao vào giật tóc bà Tầm, hai bà chiến đấu như thể hai con trâu điên. Mặt đỏ tía tai, phùng má trợn mắt chửi bới. Cậu Đông và chú Thành phải kéo mãi hai người mới buông nhau ra. Tóc tai bọn họ rũ rượi. Hàng xóm đứng quanh ai nấy đều chỉ trỏ, bàn tán. Người thì bênh vực bà Đông, người thì bênh vực bà Tầm. Chỉ có người đau khổ nhất là dì Hòa, miệng vẫn rỉ ra một chút máu tươi khi bị chú Thành lên gối mấy cái vào mặt.
Lần này bà Đông đưa dì Hòa về nhà, chú Thành không còn một chút thương tiếc nào nữa. Qua hai năm sống với một người điên loạn, với chú thế đã là đủ lắm rồi.