Chương 22: HỌC HỎI VÀ RÈN LUYỆN (Tiếp)

Để có một cái nhìn tổng hợp về quá trình học hỏi và rèn luyện trong nghề trading, tôi xin giới thiệu bài viết tư vấn của Ziad Masri (sáng lập OpenTrader) cho một trader lâu năm vẫn chưa thành công để chúng ta tham khảo:

“Trading luôn bao hàm sự mơ hồ cùng với lẫn lộn. Nó dường như đồng hành với sự không thoải mái. Nó dường như không có một câu trả lời chính xác về khi nào giao dịch hoặc không, hoặc một giao dịch có xác suất cao thực sự là gì, và phải chấp nhận như vậy. Nó dường như là các ngoại lệ của các qui tắc. Nó như là nghịch lý. Nó như là sự không chắc chắn.

Thế nhưng người ta muốn làm cho nó đơn giản. Họ muốn giảm nó xuống chỉ còn vài đòn thế (setup) để tiện cho việc giao dịch có kỷ luật. Thị trường không đơn giản như vậy. Nó bao gồm sự không chắc chắn, sự mơ hồ và phức tạp. Các đòn thế đơn giản sẽ không bao giờ thể hiện hết được và chúng không bao giờ cho bạn một lợi thế lâu dài thực sự.

Như vậy, giải pháp là gì? Phải chăng vấn đề ở chính bản thân các đòn thế? Không, nó nằm ở chỗ là chúng được sử dụng như thế nào. Điều then chốt là mọi trader cần học cách đọc thị trường. Điều này có nghĩa là các qui tắc đơn giản sẽ không làm được, mà phải có sự tổng hợp các yếu tố khác nhau (cho dù chúng là mẫu hình, mẫu nến, các chỉ báo hay cái gì đi nữa) và phải có được sự cảm nhận cái đang là (real-time). Nó gần như là bức tranh sống động. Một khi bạn có thể đọc thị trường thì bạn có thể chọn cách khai thác các đòn thế “đơn giản” để vào lệnh và thoát lệnh. Công việc thực sự của bạn là phiên dịch thị trường để thấy khi nào bạn nên sử dụng đòn thế nào. Ví dụ như nến đuôi dài gần mức cản dưới sẽ không có ý nghĩa nhiều nếu bạn không nhận diện bức tranh rộng hơn và cảm nhận loại chiến thuật nào bạn sẽ sử dụng, lợi thế gì cho các kịch bản khác nhau.

Hiện giờ, tôi biết bạn và hầu hết những người khác không chú trọng vào vấn đề trên mà dồn sự tập trung vào các đòn thế. Bạn không đọc thị trường theo từng phút, từng giờ, rồi hình dung ra sự khác nhau nếu làm điều này, điều nọ. Bạn không có thái độ thích ứng, linh động, suy nghĩ về các tình huống giao dịch từ mọi quan sát của mình khi bắt đầu ngày mới. Bạn thường chỉ chờ đợi đòn thế đơn giản nào đó xuất hiện rồi chộp lấy nó.

Chắc chắn là bạn sẽ thấy dễ dàng hơn về cảm xúc khi chờ đợi các đòn thế rõ ràng và giao dịch theo cách đơn giản này. Nhưng ai dám nói là “sự dễ dàng” sẽ giúp bạn kiếm tiền. Tôi đã học nhiều thứ, nhưng kiếm được tiền của thị trường quả là điều khó khăn. Nó khó vì có sự mơ hồ bao quanh việc đọc thị trường của bạn. Nó khó vì sự không chắc chắn. Nó khó vì phải giải quyết các tín hiệu cạnh tranh nhau và đôi khi xung đột nhau. Và đây là mối quan tâm chính: bạn phải ngừng đòi hỏi những thứ thật rõ ràng. Và dĩ nhiên khó mà giữ kỷ luật khi xung quanh có quá nhiều sự không chắc chắn. Nhưng thay vì cố gắng lẩn tránh sự không chắc chắn thông qua việc tìm kiếm các đòn thế đơn giản hoặc một phương pháp không rắc rối nào đó, bạn hãy luyện tâm trí để có thể giải quyết sự không chắc chắn đó.

Về cách học hỏi để thực hiện điều này, quan trọng nhất là bạn phải thường xuyên đặt tâm trí vào thị trường, cố gắng hình dung sự việc và học từ kinh nghiệm. Đối với tôi, điều tôi làm mỗi ngày và mọi ngày là ghi chép nhật ký tất cả các động thái (action) của thị trường, suy nghĩ của tôi về ý nghĩa các động thái đó, cách thức nên giao dịch, điều gì sẽ cho kết quả và điều gì không. Tôi không ghi nhật ký mô tả các giao dịch đã thực hiện hay cảm xúc như thế nào trong ngày. Điều quan tâm nhất chỉ là động thái của thị trường và tất cả cảm nhận và lý giải của tôi. Ngày qua ngày, tuần qua tuần, rồi các sai lầm: vào lệnh sai, dấu hiệu không rõ, không biết giao dịch kiểu gì, không biết quan điểm của mình có ý nghĩa không…, và tôi tiếp tục ghi chép học hỏi. Rồi tôi xem lại đồ thị, kết hợp đồ thị intraday và ghi nhận lại những hành vi nhất định. Qua thời gian, công việc này cho tôi “cảm giác” về thị trường, sự hiểu biết đích xác về các dạng giao dịch và các dấu hiệu tinh tế hé lộ trong mỗi bức tranh thị trường.

Về phần các đòn thế, tôi không sử dụng bất kỳ dạng được định nghĩa trước nào. Tôi chỉ hình thành ý định giao dịch và cố gắng vào lệnh tại các vị trí giao dịch tốt. Ngay cả điều này, nghệ thuật vào ra lệnh cũng rất là phức tạp và không dễ làm. Tôi bắt đầu nhận ra rằng trong một số tình huống thì tốt nhất là nên chờ đợt hồi lại (pullback), trong khi một số khác thì tốt nhất vào thị trường ngay nếu không sẽ lỡ nhịp, hoặc khi khác thì phải mua thấp bán cao (…) Ngay bây giờ, sự học hỏi của bạn đang bị trì trệ bởi vì bạn không thực sự nghiên cứu thị trường. Thời gian của bạn đang bị bị lãng phí ở tình trạng chờ đợi, mà không trong tiến trình quan sát và hấp thụ. Hơn nữa, do sợ hãi thua lỗ, bạn không muốn trải nghiệm tiếp. Điều này có nghĩa là bạn không muốn bị mắc lỗi và thua lỗ nhiều lần trong khi đây chính là điều kiện cần thiết giúp cho việc học hỏi được nhanh chóng.

Do đó, để kết luận, lời khuyên của tôi là bạn nên ngừng giao dịch và thay đổi tư duy càng sớm càng tốt. Hãy nhận thức rằng điều bạn cần làm để thành công không phải là trên con đường không hiệu quả mà bạn đang đi. Bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ trừ khi bạn có sự thay đổi phương pháp học hỏi và có hướng tập trung đúng đắn. Và nếu bạn nghĩ chặng đường này quá khó khăn thì có nghĩa là đến giờ bạn vẫn chưa thấy gì. Hãy sẵn sàng đối diện với sự mơ hồ và không chắc chắn mà bạn chưa từng thấy trước đây, nó không đáng sợ! Nó rất lý thú vì nó là trọng tâm của nghề giao dịch và đó là lý do tại sao giao dịch được gọi là một nghệ thuật. Nếu không, trading vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời, có vẻ như rất gần nhưng lại rất xa.

Bạn cần phải điều chỉnh mình theo lối tư duy mới và bắt đầu lại từ giao dịch giả định (demo). Chấp nhận thua lỗ. Gặp sai lầm. Không manh mối. Đừng e ngại về nó. Rồi sẽ ổn thôi, bạn sẽ tiến triển.”