Trong khi kiến thức cơ bản trong nghề trading không nhiều thì quá trình RÈN LUYỆN thực sự là một thách thức. Rèn luyện ở đây có thể hiểu là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi liên tục. Thông thường, khi bắt đầu tiếp xúc một sự việc, hầu hết chúng ta có cái nhìn phiến diện, một phía, một chiều nên có thể phạm sai lầm hoặc chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Khi sự việc tương tự tái diễn, chúng ta bắt đầu nhìn rõ hơn và giải quyết tốt hơn, dần dần sẽ đi vào cốt lõi vấn đề. Do đó, dù được chỉ bày hay không thì mỗi người sẽ dần dần nhận ra sai lầm và điều chỉnh nhận thức và hành vi theo cách của riêng mình, có thể nhanh hay chậm.
Một khó khăn lớn nhất trong quá trình rèn luyện là bạn thường xuyên phải làm việc đơn độc, đối diện với thị trường và chính bản thân mình (ở đây chỉ đề cập đến trader nhỏ lẻ, làm việc độc lập). Một động lực mạnh mẽ có thể giúp bạn vượt qua những suy nghĩ tiêu cực nản lòng, nhưng theo tôi nếu bạn chú tâm vào công việc mà không mong ngóng kiếm tiền nhanh thì bạn sẽ thấy ra cái hay của thị trường, thấy ra ý nghĩa trong quá trình hoàn thiện bản thân và con đường đi sẽ bình yên hơn rất nhiều.
Người ta cho rằng chúng ta thường phải trải qua 5 năm để chứng tỏ khả năng tồn tại trong nghề này và để thành thạo một công việc nào đó, người ta cũng ước tính cần bỏ ra khoảng 10.000 giờ luyện tập (nguyên tắc 10.000 giờ- Malcolm Gladwell). Điều đó có nghĩa là chúng ta cần làm việc 10 giờ mỗi ngày và liên tục 5 năm cho một công việc duy nhất là quan sát ghi nhận biến đổi giá trong thị trường và điều chỉnh hành động cho phù hợp. Thử thách này cũng không phải là khó khăn nếu so sánh với việc hoàn tất một chương trình 5 năm đại học mà chướng ngại lớn nhất ở đây là bạn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và có được sự ủng hộ của người thân trong giai đoạn theo đuổi nghề này. Ngoài ra, không nên quên rằng bạn đang trong quá trình học nghề và chỉ được giao dịch với số vốn nhỏ để học phí của bạn là tiết kiệm nhất.
Có thể có những trader thành công chỉ sau một thời gian ngắn nhưng bạn không nên tự nhận mình là một trong số đó. Tôi nghĩ rằng yếu tố để thành công trong nghề trading phần nhiều dựa vào khả năng quan sát cảm nhận thị trường và phụ thuộc mức độ tỉnh táo trước mọi thúc giục ham muốn, giận dữ nên không có thời hạn nhất định để thành công cho mỗi người. Nếu một người trước nay thường sống trong ảo tưởng, thiếu tỉnh thức, thích tranh luận hơn thua, tích lũy kiến thức, thành kiến cố chấp,... thì con đường anh ta đi sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Về mặt kỹ thuật, chúng ta cần kiên trì rèn luyện kỹ năng đọc hiểu thị trường thông qua chú ý quan sát ghi nhận tỉ mỉ bằng các công cụ phù hợp. Đây là quá trình thử sai liên tục, từ chỗ là nạn nhân của cạm bẫy thị trường rồi phát hiện sớm để tránh xa chúng và tiếp đến là khai thác chúng. Cũng không nên lạm dụng nhiều công cụ hỗ trợ khi quan sát nhận định thị trường bởi vì chúng có thể che mờ diễn biến thực và làm tăng mức độ phân vân, căng thẳng khi các chỉ báo xung đột nhau. Hãy quan sát giá cả biến động thật đơn giản và trực tiếp. Tôi thích câu nói của Timothy Morge, “Đôi mắt là công cụ tốt nhất”.
Rèn luyện trong nghề trading cũng bao gồm phát huy đức tính kỷ luật và kiên nhẫn. Đây là những phẩm chất quyết định trong nghề nghiệp, có gốc rễ phức tạp và là những nguyên nhân gây ra hầu hết sai lầm dẫn đến thua lỗ thất bại.
Al Brooks có đề cập đến vấn đề kỷ luật trong trading khá thú vị. Theo ông, kỷ luật đơn giản là làm những điều đúng mà bạn không muốn làm trong trading. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng tự nhiên là tò mò về mặt tâm trí và muốn thử các điều mới mẻ hoặc khác nhau. Mặt khác, phải duy trì tính kỷ luật chặt chẽ dựa trên các qui tắc mang tính linh hoạt thực sự là khó khăn. Al Brooks cũng so sánh nghề trading với công việc của lính cứu hỏa: bạn phải tập luyện, luôn chờ đợi sẵn sàng và hành động thật nhanh gọn, chính xác khi có hỏa hoạn xảy ra. Tính kiên nhẫn thì cần thiết trong mọi mặt của nghề trading như kiên nhẫn học hỏi, kiên nhẫn giao dịch khối lượng nhỏ đến khi thắng ổn định, kiên nhẫn chờ đợi những cơ hội tốt nhất, kiên nhẫn trước những thua lỗ, kiên nhẫn trước những lời lẽ quá khích…
Tuy nhiên, bằng trải nghiệm thực tế bạn sẽ thấy rằng kiên nhẫn và kỷ luật là những vấn đề được nói đến rất nhiều nhưng lại rất khó thực hiện, cùng kiểu “nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Bởi những vấn đề này có gốc rễ sâu thẳm trong tâm thức con người nên giải quyết bằng những biện pháp đối trị bề mặt sẽ ít có hiệu quả. (Tôi sẽ trình bày tiếp ở phần sau.)