Chương 23: THÀNH THẠO

*THÀNH THẠO *

Trước hết, chúng ta nên phân biệt có sự khác nhau giữa thói quen và thành thạo, mặc dù thoạt nhìn chúng có vẻ khá giống nhau. Khi thiếu tỉnh thức, chúng ta có thói quen suy nghĩ rập khuôn, hành động máy móc, trong khi thành thạo đòi hỏi sự chú tâm, trọn vẹn với suy nghĩ hành động đang diễn ra. Dễ nhận thấy nhất là một người có thể đi bộ theo quán tính với suy nghĩ miên man trong đầu mà không nhận biết mọi thứ xung quanh nên dễ bị vấp ngã (thói quen) khác xa với người đi trong tỉnh thức, luôn cảm nhận được cảnh vật xung quanh và trọn vẹn được với bước chân của mình (thành thạo).

Trong trading, khi bạn đọc được ngôn ngữ thị trường một cách trôi chảy và luôn có sự chú ý để hiểu nó thì đó là sự thành thạo. Khi theo dõi biến động giá cả, tâm bạn không bị kẹt vào đâu cả, không chấp vào các công cụ, mẫu hình, mẫu nến mặc dù bạn không bỏ sót bất kỳ cử động của chúng. Thế thì, trong hành động, bạn sẽ đạt được sự linh hoạt đồng nhịp với thị trường, từ cách đi tiền khi nhiều khi ít cho đến cách vào lệnh hay thoát lệnh, khi đón lõng khi đua lệnh.

Tôi xin trích dẫn một đoạn mô tả mức độ thành thạo trong nghề trading được một trader kỳ cựu (DbPhoenix) chia sẻ như sau:

“Ở mức độ này, trader đạt đến trạng thái giao dịch gần như là thiền (Zen). Anh ta dành riêng thời gian để lập kế hoạch, phân tích, nghiên cứu. Khi một ngày giao dịch bắt đầu, anh ta đã sẵn sàng, điềm tĩnh, thư giãn và tập trung.

Giao dịch trở nên không cần gắng sức. Anh ta hoàn toàn quen thuộc với kế hoạch của mình. Anh ta biết chính xác điều sẽ làm trong mỗi tình huống cụ thể, ngay cả thoát lệnh ngay lập tức khi diễn biến thị trường không như mong đợi. Anh ta hiểu rằng thua lỗ chắc chắn là phải có trong quá trình giao dịch. Không ai có thể làm tổn thương anh ta bởi anh ta có các qui tắc và kỷ luật đúng đắn để bảo vệ mình.

Anh ta nhạy cảm và hòa nhịp với sự thăng giáng của thị trường và phản ứng tự nhiên theo nó ... luôn sẵn sàng ứng phó. Anh ta không cần phải biết thị trường sẽ làm gì tiếp theo bởi vì anh ta biết cách xử lý với bất kỳ tình huống nào mà thị trường đưa ra và tự tin về khả năng phản ứng đúng đắn của mình.

Anh ta hiểu và rèn luyện khả năng bất động nhưng tích cực, biết chính xác điều mình muốn, điều mình đang tìm kiếm và chờ đợi một cơ hội đúng nghĩa một cách thật kiên nhẫn. Một khi cơ hội đó xuất hiện, anh ta hành động quyết đoán, không do dự và lại tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cơ hội tiếp theo.

Anh ta không tự thuyết phục bản thân là mình đúng. Anh ta quan sát biến động của giá và rút ra kết luận của mình. Khi hành vi thị trường thay đổi, anh ta cũng thay đổi chiến thuật của mình. Anh ta chấp nhận biến động giá là sự thật cuối cùng. Anh ta không cố tỏ ra thông minh hay giỏi hơn thị trường.

Theo một nghĩa nào đó, anh ta ở bên ngoài chính mình, hành động như là huấn luyện viên của mình, tự hỏi các câu hỏi và tự giải thích mà không cố hợp lý hóa các điều chưa đến hoặc điều đang làm, luôn nhắc nhở bản thân về cái này cái nọ, giữ cho tập trung, có trọng tâm, tránh xao nhãng. Anh ta không phấn khích về các giao dịch thắng cũng không buồn chán về các giao dịch thua. Anh ta chấp nhận giá di chuyển theo kiểu của nó và thị trường là như vậy. Kết quả giao dịch không có liên quan gì đến giá trị của bản thân.

Chính trong giai đoạn này (mastery), trực giác bắt đầu tự biểu hiện ra. Có thể nó không xảy ra thường xuyên nhưng anh ta bước đầu đã “nếm” được nó và tạo dựng lòng tin vào đó.

Và đến cuối ngày, anh ta xem xét lại công việc, thực hiện vài điều chỉnh cần thiết (nếu có) rồi bắt đầu chuẩn bị cho ngày tiếp theo, hài lòng với bản thân vì đã giao dịch tốt.”

Tôi muốn nói thêm là sự thành thạo sẽ được hình thành qua quá trình “thực chiến” trước sự bủa vây của sự dính mắc, cố chấp, si mê, cẩu thả có sẵn trong bản tánh con người…nên cần không ít thời gian. Chính vì vậy, chúng ta không nên hấp tấp mà cần phải sử dụng thông minh nguồn vốn ít ỏi của mình để kéo dài thời gian và có nhiều cơ hội luyện tập đến khi thành thạo. Tôi thấy lời khuyên sau đây rất chính xác cho đa số chúng ta:

“Nếu có lợi nhuận THẤP, nhưng được SỐNG THỌ là một điều đáng quí. Sống càng thọ thì lợi nhuận càng nhiều. Đó là cái chìa khóa của trading đó. Đừng ham ăn nhiều và ăn nhanh. Ăn nhiều = risk nhiều. Risk nhiều = dễ chết. Tại sao? Tại vì tất cả chúng ta chỉ có bao nhiêu tiền ấy thôi. Hết rồi là phải rời bỏ cuộc chơi. Nếu trở lại thì phải bỏ rất nhiều thời gian để lấy lại những gì mình đã mất.” - VietCurrency

Cuối cùng thì trading mang tính nghệ thuật (tức mang tính con người) nên không thể nào tự động hóa hoàn toàn được; bởi nếu thế thì trading đã chết và không còn sự học hỏi nữa. Thói quen luôn mang tính máy móc nhưng sự thành thạo sẽ giúp chúng ta thành công trong lãnh vực nghệ thuật.

Qua phần trình bày trên, tôi hy vọng đã giúp bạn hiểu nghề trading một cách tổng thể, từ nguyên lý, kỹ thuật đến phương pháp học hỏi, rèn luyện. Tuy nhiên, ngay cả những hiểu biết đúng về nghiệp vụ vẫn không đủ bởi khi giao dịch thực tế, chúng ta sẽ nhận ra các cảm xúc lo lắng, sợ hãi, tham lam… luôn luôn xuất hiện thúc giục và khống chế, đôi khi khiến chúng ta hành động một cách phi lý mà không sao chế ngự nổi. Đây chính là những vấn đề mang tính quyết định thuộc về tâm thức con người mà tôi sẽ trình bày ở phần tiếp theo (hiểu mình). Chúng ta cần phải quay vào bên trong, thấy ra tâm thức mình để hóa giải chúng thì mới có cơ hội chinh phục cái nghề hung hãn này.

"Cố sức giữ cho một ly nước đừng chao theo ý mình khác xa với để ly nước yên mà thấy thì nó không chao nữa. Đối với tâm cũng vậy thôi" - Viên Minh