Chương 7: Cậu ba họ Lý - Lý Gia Minh

Chương 7 Cậu ba họ Lý - Lý Gia Minh

“Cậu ba nhà họ Lý vừa ở trên phố về. Nói với làng là đi du học nhưng thực ra là ông Lý đưa đi chữa bệnh đấy. Tính tình cậu ta em ít gặp nhưng như hồi nhỏ thì rất là hung hăng.”

“Cậu ba này giỏi nổi tiếng trong làng, từ nhỏ đã học theo thầy lang đi làm y xa nhà rồi có mấy khi ở nhà đâu. Từ bé sinh ra bệnh tật ốm yếu. Kể cũng lạ, con bà cả hai đứa đều ốm. Còn con bà hai đứa nào đứa đó béo như con lợn. Mỡ chảy khỏi áo.”

“Có mà bị hại thì có, bà Huế tôi nhìn mặt chả phúc hậu tí nào. Lại con nhà có tý nghề thuốc nên ai mà biết được.” - Thím Hoài nói.

Mọi người nói qua nói lại, cả nhà tôi đều chăm chú lắng nghe. Ở đây còn làm lễ cho bà tuần đầu đến tuần thứ bảy tức là khi tròn bốn mươi chín ngày mới thôi. Bố tôi nhờ vả mọi người nghe ngóng mọi thứ của nhà họ Lý rồi lần sau họp mặt lại nói. Các cô chú nhìn tôi thương xót nhưng không dám thể hiện điều đó ra. Nhưng tôi có thể dễ dàng nhận ra qua mấy tiếng thở dài thi thoảng phát ra do chú thím không kìm được.

Tôi biết điều nên bình tĩnh lắng nghe cũng không cảm thấy gì cả. Chuyện nói to không to nói nhỏ cũng chẳng nhỏ. Lấy một người thực vật thì chỉ cần đợi anh ta chết đi tuy rằng như vậy thì nghĩ hơi ác nhưng hiện tại suy nghĩ của tôi chính là như thế. Không thì để nhà ông Lý ghét tôi đuổi tôi đi là được. Dù sao thì có rất nhiều người thân yêu ở đây hậu thuẫn cho tôi, có gì mà tôi phải sợ nữa chứ.

Tôi ghi nhớ từng chút một, quay sang đã thấy bố tôi lấy đâu ra một quyển sổ cẩn thận ghi chép lại mọi thứ. Có những chỗ bố còn gạch chân, tích sao vào nữa. Trong lòng tôi dâng lên cảm giác ấm áp khó tả. Đúng là trên đời này không ai yêu thương con bằng bố mẹ. Dù tôi có ra sao thì bố mẹ luôn luôn đồng hành và bảo vệ tôi. Nghĩ thế mọi sợ hãi mông lung trong lòng tôi cũng dần tan biến.

Tôi nhìn bố đã ghi được nửa quyển sổ mọi người mới dừng lại ra về thì đã là xế chiều.

Cơm chiều xong xuôi bố tôi phân công từ mai bắt đầu kế hoạch đào tạo cho tôi. Buổi sáng sẽ chạy bộ, rèn luyện thể lực và học võ cổ truyền, buổi chiều và tối thì theo bố học thuốc nam. Bố tôi lấy đâu ra một quyển sách cổ gáy da dầy cộp, chất giấy nâu cũ kỹ để trên bàn chỉ chỉ.

“Mấy hôm nữa qua bốn chín ngày thì nhà trai sang làm lễ dạm ngõ… Sau đó thì nhà trai sẽ định ngày cưới.”

Bố chuẩn bị thở dài thì như nghĩ ra nên ngẩng nhìn tôi kìm lại. Bởi vì nếu không có gì thay đổi mấy tuần nữa là tôi đã thi đại học rồi. Vậy mà tôi lại phải lao vào lấy chồng, một người chồng tàn phế.

“Nhà mình tổ tiên truyền lại giáo huấn về nhân đức rất sâu. Làm người không làm thì thôi, làm thì phải tốt. Thế nên sang bên đó, con hãy cố gắng chạy chữa hay chăm sóc cho chồng con. Đến đâu hay đến đó. Dù sao thì có duyên phận vợ chồng dù chỉ vài ngày hay nửa tháng cũng là chồng. Đã là chồng là vợ thì phải hết lòng với nhau. Không được như bố mẹ nhưng chỉ cần tôn trọng. Chồng con tỉnh lại được thì tốt, không thì cố gắng lúc con còn ở lại. Sau này tìm cách rời đi, bố mẹ và mọi người sẽ tìm cách giúp con. Kiểu gì cũng có cách, đừng bi quan.”

Tôi thấy bố đang an ủi tôi mà dường như đang tự an ủi chính mình thì đúng hơn.

“Vâng. Con nhớ rồi ạ. Con cũng chỉ định làm cho ông Lý ghét con đuổi con đi là xong. Anh ta chỉ là một người bệnh thực vật không biết gì nên con cũng sẽ không trách hay làm gì anh ta.”

Bố tôi thấy tôi hiểu chuyện xoa đầu tôi gật gật. Ông nói trong làng có sư phụ dạy võ cổ truyền rất giỏi. Thầy sẽ dạy tôi cho đến khi về nhà chồng. Từ mai sáng 5 giờ bố sẽ dạy cùng tôi luyện tập. Sư phụ là bố nhờ riêng nên không có gì cần lo lắng. Thông tin nhà họ Lý bố nhờ chú thím điều tra nghe ngóng cho con, còn lại là tối nhanh chóng học cấp tốc.

Nhìn thấy bố có hành động quyết liệt tôi lại càng tin bố sẽ không để tôi phải chịu khổ lâu. Tôi gật gật đầu sửa soạn tắm rửa vệ sinh rồi lên giường ngủ sớm. Đã rất lâu rồi tôi không thể ngủ trước mười hai giờ, hôm nay mệt mỏi chín giờ tối vừa đặt lưng xuống tôi nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Bố mẹ tôi ở buồng bên cạnh có lẽ cũng đi ngủ sớm.

Không biết được bao lâu, tôi mở mắt, trong không gian tranh sáng tranh tối chỉ có ánh đèn ngủ lờ mờ từ buồng bố mẹ hắt sang tôi thấy một bóng hình to lớn. Đúng là thân hình quen thuộc mà sáng nay tôi nhìn thấy. Nhưng khi tôi ngẩng lên nhìn lại thấy hắn ta… thế mà lại không có đầu. Từ phần cổ trở lên hoàn toàn trống rỗng. Cả người tôi căng cứng. Tôi không biết đây là mơ hay thật. Hắn ta cầm lấy một chân tôi kéo đi. Tôi không ngừng giãy giụa, sợ hãi vô cùng, miệng muốn hét nhưng không thể hét nổi. Mắt thấy cả người tôi sắp bị kéo ra cửa, cả người tôi toát từng giọt từng giọt mồ hôi lạnh.

Tôi hoàn toàn hoài nghi nhân sinh mười tám năm nay của mình. Thần thánh ma quỷ gì giờ đây tôi gặp đủ cả. Mọi thứ như đánh vỡ nhân sinh quan của tôi. Tôi bất lực nhìn hắn cứ nghĩ đời này thế là xong rồi. Tôi vẫn còn muốn sống không ngờ lại phải chết trẻ. Bởi vì trong đầu tôi mường tượng ra mấy câu chuyện vặt hồi xưa hay buôn với bạn bè giờ ra chơi. Đấy chính là những người mà chết đột tử nghe đâu là do bị bắt đi. Tôi hoảng hồn muốn khóc đến nơi. Tôi vẫn còn bao nhiêu dự định cơ mà.

Tôi lấy hết sức bình sinh đạp một cái thật mạnh rồi hét lên. Đúng lúc này trên mặt tôi truyền đến cảm giác ấm áp và tiếng nói thân quen của mẹ.

“Yến! Tỉnh! Con. Yến! Tỉnh, tỉnh tỉnh…”

Tôi mở mắt ra vẫn cảm nhận được tim mình đang đập thình thịch… và… cảm nhận rõ ràng nhất chính là mình vẫn còn sống. Tôi ôm chầm lấy mẹ khóc nấc lên. Mẹ tôi vuốt vuốt lưng tôi vỗ về.

“Nhà có nhiều chuyện chắc con gặp phải ác mộng, đừng sợ, có bố mẹ ở đây. Bố mẹ luôn ở bên cạnh con. Đừng sợ!”

Tôi cảm nhận sự ấm áp trong lồng ngực mẹ cơ thể mới ấm lại dần và phục hồi sau giấc mơ sợ hãi đó. Nhưng giấc mơ ấy vô cùng chân thực, tôi còn cảm thấy sức nặng ở chân. Tôi gật gật đầu trong lòng mẹ. Cả đêm mẹ ngủ lại ở giường tôi, cho tôi gối đầu vào tay như thời còn thơ bé. Mùa hè nóng bức thế này nếu là trên thành phố ban đêm phải bật điều hòa tôi mới ngủ được thế mà ở trong nhà gỗ này rất mát mẻ, chỉ cần một chiếc quạt cuối giường là đã đủ mát. Dù có ở trong lòng mẹ ôm ấp tôi cũng không thấy nóng chút nào. Tôi cứ nghĩ miên man rồi ngủ thiếp đi. Lần này tôi ngủ rất ngon, không còn mơ linh tinh nữa.

Sáng hôm sau.

Đúng năm giờ sáng bố gọi tôi dậy. Nhìn bầu trời tờ mờ sáng, tiếng gà gáy vang vọng khắp nơi, không khí thoáng mát trong lành lấp đầy ngực tôi. Không khí buổi sáng ở vùng quê thật tốt, không bụi bặm chẳng bức bối ngột ngạt như thành phố. Hít một hơi buổi sáng giống như khai thông bát mạch kinh kỳ mang đến một nguồn năng lượng mới. Tôi vệ sinh cá nhân xong thì đi ra ngoài. Bố tôi đưa cho tôi một bồ đồ đen của võ cổ quyền, tôi vào thay rồi đi ra. Nhìn ánh sáng đã chiếu từng vệt từ hừng đông lên trên bầu trời đem lại một một cảnh đẹp tuyệt mỹ.

Ở thành phố tôi chưa từng nhìn thấy cảnh này. Cuộc sống chốn phố thị của tôi chỉ quanh quẩn ăn học rồi ngủ. Buổi tối vì học muộn nên sáng tôi cố ngủ thêm một chút, rồi ngày nghỉ thì ngủ nướng đến chín giờ sáng. Chưa bao giờ tôi có một bình minh trọn vẹn hay đúng nghĩa suốt mười tám năm nay. Mấy tháng nữa cũng đến sinh nhật của tôi rồi. Nghĩ lại việc trở về làng Hòe đúng là bước ngoặt cuộc đời của tôi. Chỉ là bước ngoặt này dường như lại mịt mờ.

Tôi lắc lắc đầu lấy lại tinh thần, lúc này một bác mặc bộ đồ đen giống bố con tôi đi từ cổng vào, có một nam một nữ đi theo.

“Chào sư phụ Trần Phúc.”

Bố tôi cúi nghiêm chào, tôi cũng học theo cúi đầu rồi ngẩng lên. Thấy ông mỉm cười hiền hậu ấm áp như ánh mặt trời. Vẻ mặt này khác hẳn với lúc ông nghiêm túc đứng nhìn.

“Nghĩa cũng đã lớn thế này, con gái cũng cao lớn xinh đẹp thế này rồi. Nhanh quá! Mới ngày nào còn theo sư phụ mà giờ trưởng thành hết rồi.”

“Vâng. Chuyện của gia đình con chắc sư phụ cũng biết rồi con mong sư phụ giúp đỡ.”

Nói xong bố tôi vẫy vẫy tôi rồi đủn tôi lên phía trước.

“Lại đây, con chào ông Phúc đi. Ông là sư phụ dạy võ nổi tiếng trong làng và là sư phụ của bố và các chú. Hôm nay con theo ông thì phải nhớ nghe lời, tập luyện chăm chỉ nhé!”

“Vâng. Con chào ông!”

Tôi lễ phép quay sang chào ông. Đúng là người học võ, dù đã có tuổi nhưng nhìn ông tinh thần minh mẫn, ánh mắt sáng ngời và cơ thể dẻo dai vô cùng. Ông Phúc nhìn tôi, cây gậy của ông chạm lên đỉnh đầu tôi khen một tiếng rồi bắt đầu nói quy định học tập. Tôi vô cùng chuyên chú lắng nghe. Tính ra thì ông là sư tổ hay sư tôn của tôi theo cách gọi của người thời xưa.

Sáng hôm nay bài tập của tôi là gánh nước chạy một vòng làng. Nhìn cái đòn gánh mà trước nay chỉ thây trong sách giáo khoa tôi nuốt một miếng nước bọt. Thân thể đang lớn của tôi làm sao chịu được cái xô nước lớn thế kia. Mọi người nhìn tôi khích lệ. Bố tôi còn nhấc đòn gánh lên thay tôi để lên vai. Sức nặng của nó còn nhiều hơn áp lực mười hai năm đèn sách, nặng hơn cả đống sách giáo khoa bao năm tôi tích lại nữa. Quả nhiên đúng là người gầy thì sợ lao động, tôi yếu ớt thì sợ vận động luôn.

Dù thế nhưng nhìn ánh mắt của bố tôi vẫn kiên cường bước đi. Sư tổ của tôi ngồi trong nhà uống nước. Tôi và bố cùng đi ra cổng. Đoạn đường đá lát gạch xanh bây giờ giống như là cực hình để tăng thêm độ khó cho việc này vậy. Thế là để tránh trơn trượt tôi đi ra giữa đường. Vì ở đó đá có độ nhám lớn nhất.

Một đoạn đầu tôi còn có khả năng một chút gồng mà đi nhanh. Đến một lúc sau tôi hết đổi vai trái lại sang vai phải. Dưới sự cổ vũ của bố, cái nóng mùa hè oi bức và sự kiên định của mình cuối cùng đến mười giờ sáng, tôi vừa đi vừa nghỉ cũng gánh được hai xô nước nặng hơn hai mươi kilogam đi quanh làng. Nhìn cái làng Hòe thế mà hóa ra lại rộng lắm. Trời xanh mấy trắng nắng vàng thế mà tôi lại chỉ chăm chăm làm sao để nhanh về được nhà. Đến nhà, tôi đặt uỵch quang gánh xuống, thở hồng hộc như trâu ôm lấy bát nước chè mà sư tổ vẫy vẫy đưa cho tôi.

Ngày trước vị chè xanh chan chát tôi ghét đặc không bao giờ uống, nhưng giờ đây nó như một vị nước thần uống là mê. Tôi nốc cạn một bát chuẩn bị uống một bát nữa thì sư tổ chặn cây gậy vào tay tôi.

“Sư tổ, cho con xin một bát nữa thôi mà.”

Tôi nhăn mũi cầu xin thương hại của ông nhưng không thành. Bố tôi đứng một bên phe phẩy quạt giấy cho tôi cười cười.

“Con mà uống nhiều nước một lúc có thể ngộ độc nước. Uống từ từ thôi.”

“Nước cũng ngộ độc được ạ? Tôi tròn mắt nhìn bố tỏ vẻ không tin.”

“Ngốc. Bố nói con còn nghi ngờ?”

“Giờ con cứ gọi ta là ông Phúc là được… Thế nào? Giờ đỡ mệt chưa?”

Ngồi dưới mái hiên mát mẻ tôi đã thấy cả người đỡ mệt, không còn thở sâu nữa rồi. Tôi gật gật đầu ngoan ngoan thành thật:

“Mới đầu con tưởng mình sắp chết rồi ông ạ, nhưng giờ con thấy tốt hơn nhiều rồi.”

Ông vuốt chòm râu trắng cười ha ha, giọng cười trầm thấp nhưng đầy nội lực. Tôi băn khoăn hỏi ông:

“Con phải tập bài này đến khi nào nữa ạ?”

“Ngày nào cũng phải tập. Hôm nay con mất hơn bốn tiếng thì ngày mai con phải giảm xuống nửa tiếng, ngày mốt xuống nửa tiếng nữa. Bao giờ trong hai tiếng mà con làm được thì mới đủ tư cách làm đệ tử của ta.”

Ông nghiêm nghị nói. Tôi nghe ông nói mà mặt cắt không còn giọt máu. Tôi không nghe nhầm đó chứ, bao giờ xuống còn hai tiếng mới có thể làm đệ tử của ông. Nghĩ đến quãng đường xa xôi đó, tôi hốt hoảng nhìn bố cầu cứu. Thế nhưng bố tôi đã nhanh nhẹn ra rót trà cho ông bỏ bơ tôi tự mình cứu mình rồi.

Tôi mím môi tự thương cho thân phận của mình. Phải lấy chồng thực vật không nói giờ còn bị ép thành một nữ cường nhân. Lẽ nào bố muốn tôi đủ sức ngày ngày bế chồng đi phơi nắng ư? Tôi xụ mặt ngồi chọc chọc kiến. Nghỉ ngơi được mười lăm phút thì mẹ tôi mang nước trà mật ong ra cho tôi giải khát. Trà mật ong chanh ngọt ngào làm tôi tỉnh cả người. Vừa cảm nhận được cái mát rượi của nước trà ướp đá thì ông lại cầm gậy ra chỉ chỉ tôi.

Tôi đi ra theo chỗ ông chỉ.

“Đứng tấn. Anh Công ra chỉ con bé cách đứng tấn. Lần đầu đứng tấn ba phút, sau lên năm phút rồi hôm nay nghỉ ở đây.”

Bố tôi lấy đâu bộ cờ tướng ra ngồi một chỗ với ông Phúc thoải mái chơi cờ và nói chuyện phiếm. Còn tôi, giữa cái nắng mùa hè lại mười một giờ trưa phải đứng tấn. May mắn là có bóng cây râm mát chứ không thì cái thân hình bé nhỏ yếu ớt quanh năm không ra nắng này của tôi làm sao có thể chịu nổi đây.

Tôi thầm nghĩ ba phút dễ như bỡn. Nhưng mà bây giờ tôi mới thấu hiểu thế nào là ba phút dài hơn ba năm. Chân tôi muốn khụy xuống, cả cơ đùi căng cứng như muốn tê liệt rồi. Tôi cố ghìm nhưng cơ thể không nghe lời tôi, mông tiếp đất một cách đau đớn.

Ông, bố mẹ, chú thím nhìn tôi mà không ai thương tiếc, chỉ cười vang lên thôi. Kết quả là tôi lại phải đứng tấn lại cho đủ ba phút.

Trời ơi, ai có thể cứu tôi không? Đây chính là câu nói duy nhất vang lên trong đầu tôi khi này.

Lời tác giả: FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất vui được mọi người đọc và yêu thích truyện của mình. Link fb: https://www.facebook.com/tranthom1995/

Nhóm đọc truyện của mình: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/

*