Chương 6 Bà Cúc
Tôi còn chưa kịp đi thì lại nghe thấy một tiếng vang lên quen thuộc.
“Bà Nhã gan to bằng trời rồi nhỉ lại dám làm trái lệ làng? Cái làng này có chuyện chửi bới đánh đuổi người khác đi thế à?”
“Cậu ba.”
Bà Nhã - người phụ nữ mặc áo lụa đỏ sắc mặt tái mét không còn đâu tư thế hùng hùng hổ hổ ra oai như khi xua đuổi ông già ăn xin khi nãy nữa. Bé gái đáng yêu kia nhón chân lên nói nhỏ nhỏ với anh ba của nó bằng giọng điệu hết sức ngây ngô:
“Anh ơi, bà ta là người xấu chắc chắn là đồ ăn cũng không ngon.”
Nhìn bé con cũng bất mãn với cách làm người thiếu nhân văn thế nên ông anh này tức đỏ bừng mặt lên.
“Bà Nhã, bà dẹp tiệm chè này đi mà về nhà tự kiểm điểm lại. Đến đền thờ của làng Hòe quỳ một ngày.”
“Cậu… cậu ba. Cậu cậu đừng quá đáng. Tôi còn là mẹ của…”
“Chẳng qua chỉ là mẹ của vợ lẽ anh nhà tôi mà cũng dám làm sai trái với tổ huấn của cái làng Hòe này à?”
Anh ta cũng làm sai thì không ai dám nói nhưng có người sai thì anh ta lại ra vẻ bề trên mà mắng mỏ người ta. Tôi cười mỉa trong lòng chuẩn bị rời đi không muốn vướng vào mấy chuyện thị phi này nữa thì thấy bố tôi đi đến. Ông cầm theo túi to túi nhỏ xanh xanh đỏ đỏ nào ngựa nào mũ rồi cả voi giấy nhiều không kể hết.
Tôi chạy lại cầm đỡ cho bố.
“Con đi đâu mà lại tập trung ở đây?”
“Con nhìn thấy quán chè ngon quá nên muốn mua về cho cả nhà thì họ lại tập trung lại.” - Tôi nói dối bố vì tôi chưa kể cho ai sự việc nhìn thấy bà nội tối hôm đó.
Vì cầm theo đồ vàng mã làm từ giấy nên bố con tôi không thể chen qua đám đông đang bu lại xem kia chỉ đành đứng xa xa đợi. Hai bố con trèo lên trên hành lang đường đứng vào cho gọn, tôi thuận tiện kiễng lên hóng hớt. Dù sao tôi cũng tò mò chuyện nhà họ Lý, nơi mà tôi sắp phải vào đó.
Cậu ba nhà họ Lý kia hùng hổ, bà Nhã thì run lẩy bẩy chân mềm nhũn như muốn quỳ cuối cùng không chịu được ngã ngồi trên đất.
“Tôi tôi không có ý đó. Tôi chỉ là nhất thời khó tính, mong cậu đừng báo lên trưởng làng, đừng báo lên ông Lý.”
“Được rồi. Vậy từ nay mỗi ngày bà phải nấu ba bữa mang cho ông già đó. Nếu không để tôi biết được bà làm đối phó thì đừng trách.”
Lời qua tiếng lại một lúc thì kết lại bằng câu này. Mọi người vỗ tay hoan hô cậu thanh niên nhìn có vẻ yếu ớt này. Trong lòng tôi cũng bội phục cách xử lý của cậu ta. Trong cái làng nhỏ này thế mà cũng có lắm vấn đề. Bố thấy tôi mặt ngẩn ra một tay vỗ vỗ lên đầu tôi bảo tôi về nhanh. Đám đông đã giải tán, đường lại thông thoáng. Tôi đi qua chỗ bà Nhã chỉ thấy bà ta mặt tiu nghỉu hậm hực nhưng không làm gì được.
Khung cảnh phiên chợ lại đâu về đó, người qua người lại, người vào người ra tấp nập vui vẻ. Bố ghé vào một hàng đỗ mua đỗ đen, đỗ xanh, đỗ đỏ lại mua thêm mật mía về.
“Bố mua đỗ làm gì thế?”
“Mẹ con nấu chè ngon gấp trăm lần ở chợ này. Để bố mua về cho mẹ nấu. Con cũng tranh thủ những ngày này xuống học. Ít hôm nữa bố dạy con về thuốc nam, sau này có khi cần dùng vì ở đây người ta rất ít dùng thuốc tây.”
“Vâng. Con nhớ rồi.”
Tôi trả lời xong lại thấy bố thở dài một hơi. Tôi quay sang nhìn bố thấy gương mặt ông đầy vẻ áy náy và tự trách. Nhìn thấy tôi bố cố gượng cười. Chỉ là nụ cười này so với khóc còn thấy khó nhìn hơn.
“Bố, mọi chuyện sẽ tốt thôi. Bà ở trên trời sẽ phù hộ cho con.”
Hai bố con dọc theo con đường lát gạch xanh trở về. Tang lễ đã qua được một tuần. Hôm nay làm lễ tuần đầu cô Lễ, chí Chí cũng đến. Mọi người một lần nữa làm cơm cúng cho bà. Tôi chỉ làm chân chạy vặt ngặt rau hái cỏ chứ chẳng biết làm gì. Thi thoảng mẹ lại chỉ cho tôi đâu là gia vị loại nào, gói nem cần làm gì. Tôi nhìn qua cũng học được cơ số thứ. Thực ra trước đây khi còn ở thành phố tôi chưa từng phải xuống bếp. Mười tám năm trời của tôi và hầu hết những đứa nhỏ ở đây chỉ là học và học mà thôi.
Thế nên lần này biết rằng không thể trốn được nên bố mẹ bắt đầu rèn luyện cho tôi kỹ năng sinh tồn. Nói thì hoa mỹ vậy chứ thực ra chỉ là phân biệt tỏi, hành, muối đường các thứ mà thôi. Đừng nghĩ chuyện này đơn giản, với một đứa xưa nay chỉ biết ăn như tôi mà nói thì cũng cần động não đáng kể, phân biệt gạo nếp thơm và nếp cái còn khó hơn cả mấy công thức hóa học hữu cơ nữa.
Thím Hoài sắp cỗ lên bày trên bàn thờ. Lúc này tôi lên theo sắp đũa mới phát hiện ra thế mà bên trái ảnh của ông là một tranh chân dung một người phụ nữ trẻ. Bên phải ảnh của ông mới là di ảnh của bà tôi. Hơn nữa di ảnh của bà còn thấp hơn so với ảnh bên kia.
Tôi xuống bếp thấy bố đang thêm đường vào nồi chè theo chỉ thị của mẹ. Bố cẩn thận đong từng muôi đường như thể đây là một công thức hóa học đặc biệt nào đó không thể sai sót.
“Ôi thơm quá.”
Tôi đến ngần mũi hít hà nhìn nồi chè hấp dẫn keo sệt ngon lành kia nhỏ giọng hỏi:
“Bố ơi, ảnh của bà… chắc là con gọi là bà bố nhỉ. Của bà bên treo bên phải ảnh ông là ai vậy?”
Bố tôi sửng sốt một chút, tay đang khuấy muôi vào nồi chè dừng khựng lại một chút. Trong mắt dần hồi tưởng lại.
“Đây là bà nội của con. Là mẹ ruột của bố.”
Lần này thì đến lượt tôi kinh ngạc. Thế mà trước nay tôi chưa từng biết được rằng tôi còn có bà nội ruột. Vậy còn bà nội của tôi, bà nội sống cùng tôi bấy lâu nay thì sao? Như đọc được nghi vấn trong lòng tôi, bố nói:
“Con nếm thử xem đủ ngọt chưa, tý nữa có thời gian bố sẽ kể cho con.”
Nhìn muôi chè được bố thổi nguội mới đưa lên miệng khiến tôi ấm lòng, khóe mắt cay cay. Bố mẹ thương tôi như vậy mà tôi lại khiến bố mẹ khổ lòng tôi cũng xót lắm. Thế nhưng trong lúc như thế tôi đâu còn lựa chọn nào khác. Tôi không hối hận chút nào. Bởi vì nếu cho quay lại lúc đó tôi vẫn sẽ làm như thế.
Thằng Quảng với cái Tuyến nhà chú Chí thím Liên chạy xuống gọi mọi người lên làm lễ. Tôi nếm xong muôi chè gật đầu khen ngon với bố. Bố con tôi cũng sửa sang quần áo lên trên nhà chính.
Bà Thõa ngồi ở trước tiên tay cầm chiếc mõ đồng kêu mọi người ngồi im sau lưng. Bà dặn mỗi khi bà ngõ một tiếng thì lạy hoặc là nhìn theo dấu của thằng Sửu, khi nào nó cúi thì mọi người lạy một lạy. Mọi người hiểu ý quỳ xuống sau lưng bà Thõa. Bà bắt đầu mở một quyển sách dầy ra đặt trước mặt rồi đọc nhanh đến nỗi tôi chẳng nghe hiểu gì hết. Thi thoảng bà gõ một gõ có lúc lại gõ một hồi. Cả nhà tôi theo hiệu lệnh của thằng Sửu mà quỳ lạy.
Mấy đứa nhóc em họ tôi từ nhỏ đến lớn cũng xếp hàng quỳ bên cạnh rất quy củ, trông mặt chúng nó lại tỏ ra trang nghiêm đúng mực làm tôi khá bất ngờ. Những đứa nhỏ này chắc chắn là được nuôi dạy rất nghiêm mới biết điều như thế.
Tôi lạy xong, nước mắt tự nhiên lại trào ra, sống mũi cay cay. Hình ảnh về bà cứ thế ùa về trong não tôi như nước vỡ đê không thể nào ngăn nổi. Tôi còn chưa kịp là gì thì bỗng nhiên cả người nặng nề không thể động đậy được nữa dù tôi còn đang tỉnh, nhìn mọi người cầu cứu nhưng lại không thể. Bà Thõa kết thúc bài khấn thì cả nhà đứng dậy hết, chỉ còn một mình tôi nằm phủ phục ở tư thế quỳ bất động. Bà Thõa thấy thế mắt sáng quắc lên. Tôi giống như một linh hồn nhìn được tất cả mọi người và nhìn thấy cơ thể mình. Thân thể tôi dần ngẩng đầu lên, mắt đã nhắm tịt cả người quay như cái cây trước gió bão.
Bà Thõa nói:
“Người vào khai tên xưng họ. Có gì nói ngay đừng khí âm ảnh hưởng người dương, trời không dung đất không tha.”
Thế là thân xác của tôi mở mắt ra, nước mắt chảy dòng dòng, giọng khàn khàn hai tay vươn về phía điện thờ.
“Chị… chị… em… Cúc đây…”
Mọi người trong nhà lạnh gáy trợn mắt nhìn một màn, mẹ tôi muốn chạy lại lay tôi thì bà Thõa ngăn lại.
“Bà để yên đó đừng động nếu không hồn phách của con bé sẽ bị hút theo vong âm.”
Mọi người nhìn thân xác tôi không hề mở mồm nhưng lại có thể nghe thấy tiếng nức nở. Lặp đi lặp lại chỉ là một câu:
“Chị… chị… em… Cúc đây…”
Bà Thõa cầm lá bùa vàng giơ lên nói:
“Người âm kẻ dương vốn không chung đường. Mượn xác thực hiện vọng nguyện đã thành thì rời đi. Đừng để tôi phải đốt, hồn phi phách tán.”
Thân xác tôi nhìn mọi người chảy nước mắt gật đầu một cách khó nhọc, sau đó, quỳ xuống như cảm ơn rồi… dường như có một hố đen hút tôi xoáy vào đó. Hồn tôi đã trở về trong xác. Bà Thõa nhìn tôi còn đang hôn mê trong lòng mẹ nói với bố mẹ tôi:
“Con bé động vào thứ gì không sạch nên bị kích hoạt luân xa. Phải làm lễ đóng lại nếu không dễ có âm tà mượn xác. Lâu dài mất đi dương khí ảnh hưởng tuổi thọ.”
Bố mẹ tôi hoảng hồn. Bởi vì tôi không thể bịa ra bà Cúc kia được, tôi cũng không biết bà Cúc là ai và tôi không có lý do gì để giả vờ. Tôi đã tỉnh, có thể nghe hết mọi chuyện nhưng lại không thể mở mắt hay động đậy lại được. Đến khi bà Thõa làm một loạt động tác lên cơ thể, giống như là bấm huyệt thì tôi mới từ từ mở mắt ra nhưng toàn thân như bị rút mất sức lực, muốn động đậy ngón tay cũng khó. Nhìn thấy dáng vẻ của mẹ như thở phào nhẹ nhõm, tôi cười với mẹ nói con không sao. Tôi vừa nói vừa thở hổn hển mệt nhọc.
Nhìn lên ban thờ còn nghi ngút khói hương, di ảnh của bà vẫn nở nụ cười ấm áp như khi nào. Không biết có phải ảo giác hay không mà tôi thấy cổ tay tôi ấm lên một chút lúc hồn vừa trở về xác. Thế nhưng khi nhìn xuống không thấy gì tôi mới không nghĩ nữa.
Bà Thõa đứng bên cạnh, làm pháp sự gì đó mà tôi không hiểu nào chỉ đỏ nào tiền kim loại leng keng. Sau đó phất lên người tôi thứ rượu ở trên ban thờ bà nội, khấn cầu tổ tiên gia hộ cho tôi thì tôi thấy sức lực trên người đã khỏe lại.
“Con phải luôn mang lá bùa này bên người. Một bước cũng không rời. Tốt nhất cho vào ruột tượng buộc bên eo đừng có cởi ra.”
Mẹ tôi đón lấy lá bùa bà Thõa cho nhét vào trong ruột tượng bên eo tôi.
“Đây là lá bùa hội tụ linh lực của tổ tiên họ Nguyễn gia hộ cho cháu bình an, không bị âm tà quấy phá.” - bà Thõa giải thích.
Xong xuôi mẹ đỡ tôi về phòng nghỉ một lúc, bên trên nhà vẫn còn làm thêm vài nghi lễ nữa thì tôi cũng khỏe lại hoàn toàn. Tôi nhìn bố đang hóa vàng, từng con ngựa chiếc mũ bốc cháy lên. Tiền vàng nhiều không kể, tôi thấy người cứng rắn và cương nghị như bố thế mà mắt cũng ửng đỏ lên. Chỉ là rất nhanh bố tôi đã lấy lại tinh thần khôi phục sự bình tĩnh như cũ.
Tôi đi ra cũng ngồi đốt vàng mã với bố.
“Bà Cúc là em gái của bà nội mình. Thực ra là bà nội con hiện tại không phải là bà ruột của con. Chuyện kể rất dài. Trước đây bà nội ruột của con mất đi, lúc đó bố cũng mười mấy tuổi rồi. Lúc này ông nội con cứu được bà nội con bây giờ về rồi lấy làm vợ. Bà nội cứ thế ở lại chăm sóc các con của chồng và ông nội. Bà rất tốt lại thông minh, rất giỏi nhất là cắt thuốc nam thế nên cả nhà ai cũng yêu quý bà như mẹ ruột. Bà yêu con chồng như con ruột của mình vậy. Nếu không nói chẳng ai biết bà lại chỉ là vợ hai của ông con đâu.”
Bố vừa thả thêm tiền vàng vào trong đống lửa, ảnh mắt vô định nhìn theo mà kể về chuyện xưa cũ. Tôi im lặng lắng nghe.
“Chỉ có điều bà nội của con rất đáng thương, bà không thể có cho mình một đứa con chung với ông, cũng bị mất liên lạc với em gái. Hai chị em ở cùng làng lại không thể gặp nhau. Đến lúc bà tìm cớ để gặp thì người ta nói bà Cúc bỏ làng đi. Bà không tin bà đi tìm suốt mà không thấy, bà cũng nghĩ bà Cúc đã chết rồi nhưng không muốn tin điều đó. Giờ thì… bà và bà Cúc có lẽ đã gặp nhau ở bên kia rồi.”
Tôi nghe mà nghèn nghẹn trong lòng. Đến cuối đời suốt bao nhiêu năm bà chưa từng gặp được em gái của mình - người thân yêu máu mủ duy nhất. Chắc là bà buồn lắm. Cũng may, “bà Cúc” đã đến gặp bà rồi.
Ăn xong cơm, bố tôi họp bàn mọi người lại nói chuyện để nhờ vả. Tất nhiên là nhờ vả để tôi chuẩn bị kỹ năng sinh tồn trước khi trở về nhà họ Lý, lấy một cậu chủ tật nguyền thiểu năng, à không đúng mà là thiểu năng thực vật nhưng lại đã có hai cô vợ xung hỉ rồi. Cuộc sống ở đây giống như còn giữ lại nét hoang sơ và văn hóa của thời trước, lại chẳng có công an cảnh sát thế nên việc gia đình cưới nhiều vợ, vợ cả vợ lẽ giống như rất là bình thường. Tôi không ngờ mình chưa về đã là vợ cả được ấn định từ trước, thế nhưng trước đó lại có hai “ma cũ” lại nhiều tuổi hơn tôi chẳng biết sẽ thế nào nữa.
Nhìn mọi người gương mặt nghiêm túc quây quần bên chiếu, mẹ tôi bưng chè thập cẩm bỏ đá lên dường như khiến không khí nhẹ nhàng linh hoạt hơn hết. Nhìn mấy đứa nhỏ tíu tít múc chè, các chú các thím gật gù khen ngon tôi cũng thấy tự hào vì có mẹ.
“Mọi người ở trong làng cũng hiểu về nhà ông Lý nhiều hơn bố con anh. Vậy nhờ mọi người thu thập thông tin để con bé về đó làm dâu dễ dàng hơn.”
Bố tôi vừa ăn vừa nhờ vả. Các chú các thím gật gù đồng ý.
“Cháu học cùng bé út nhà ông Lý đấy.”
Thằng bé Hùng lên tiếng. Đúng là thằng nhỏ năm nay bốn năm tuổi rồi vừa hay học chung với bé gái đáng yêu mà sáng nay tôi gặp trên đường.
“Cậu ba nhà họ Lý vừa ở trên phố về. Nói với làng là đi du học nhưng thực ra là ông Lý đưa đi chữa bệnh đấy. Tính tình cậu ta em ít gặp nhưng như hồi nhỏ thì rất là hung hăng.”
Lời tác giả: FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất vui được mọi người đọc và yêu thích truyện của mình. Link fb: https://www.facebook.com/tranthom1995/
Nhóm đọc truyện của mình: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/