Tôi… phải cưới một người thực vật, nghĩ thôi tôi cũng không muốn nghĩ đến nữa. Ước mơ của tôi là trở thành bác sĩ, tôi còn chưa kịp thi đại học thế mà đã lấy chồng. Hơn nữa còn là một người … thiểu năng, đã thế lại còn bất tỉnh. Trong cái làng này giống như văn hóa thời phong kiến còn sót lại, phụ nữ muốn làm gì cũng khó. Thế nên ngay cả đưa tang cũng không để phụ nữ đến. Nghĩ đến đây thôi là tôi muốn trốn đi. Nhưng ông Lý là thầy phong thủy bậc nhất ở làng, nếu tôi trốn đi liệu ông ta có làm gì đối với người thân của tôi hay không hay xuống tay với phần mộ của bà nội? Tôi không dám nghĩ đến, thôi chỉ đành đồng ý thuận theo mà tính tiếp. Vào đó chỉ cần làm ông bà ấy chán ghét đuổi đi là tôi có thể đường đường chính chính mà rời đi rồi.
Nghĩ rằng sẽ có cách thế nên tâm trạng tôi cũng thả lỏng hơn một chút. Tôi đỡ lấy bát thuốc mà mẹ sắc. Mẹ bảo đây là cỏ máu, khương hoàng và một số vị thuốc khác dùng để tăng sức khỏe, bổ não, tuần hoàn máu rất tốt cho người lao lực mệt nhọc.
Bố tôi run run tay muốn cầm bát thuốc thì tôi không cho, tự tay đưa lên miệng bón cho ông. Không biết có phải ảo giác hay không mà ngay khi bố tôi uống cạn bát thuốc tôi đã thấy tinh thần bố phấn chấn lên đáng kể, gương mặt cũng hồng hào lên không ít.
Gia đình ba người nhà tôi ở lại làng Hòe, gia đình chú Nghĩa ở lại hai ngày thì trở về thành phố để thằng Hiếu chuẩn bị ôn thi. Mấy ngày này tôi và thằng Hiếu đi qua phía cổng chính mấy lần đều thấy có người nhà ông Lý canh giữ. Thế nên suy nghĩ đưa tôi đi trốn của người lớn cũng tắt ngấm đi rồi. Mẹ tôi buồn rầu, mỗi lần nhìn tôi hốc mắt bà đã đỏ lên rồi vội cụp xuống không dám nhìn thẳng.
Ở đây mấy ngày tôi mới biết nhà ông Lý trong làng và nhà họ Nguyễn nhà tôi thuộc hàng phú hộ trong làng. Là những người có chức có tước được nhiều người tôn trọng. Trong làng này chẳng có mấy người ra bên ngoài, một phần vì cuộc sống trong làng rất tốt, một phần vì sự quản lý nhà ông Lý. Mọi vật dụng đồ đạc muốn mua sắm hầu như đều thông qua nhà ông ấy.
Ban đầu tôi còn không hiểu tại sao mọi người không đấu tranh nhưng sau biết ông Lý hay làm từ thiện, sống rất tốt lại hay xử lý những chuyện kỳ lạ trong làng nên mọi người vô cùng trọng vọng. Nhà nào có chuyện to cũng đều qua nhà ông hỏi thế nên việc mua đồng nhà ông lại càng yên tâm hơn. Nhà họ Nguyễn chúng tôi từ thời ông nội cũng là phú hào một phương. Thế nhưng không biết làm sao mà ngày sau lại lụi bại, ông bà nội tôi chuyển lên thành phố sống với bố mẹ tôi. Đến khi ông mất mới về. Tôi nhìn di ảnh trên nhà thờ chính đã xác thực chính xác suy đoán trước đây của tôi là đúng. Và thảo nào bố mẹ tôi lại không muốn cho tôi về quê. Hóa ra là…
Nhà ông bà nội tôi có năm người con là Nhân, Lễ, Nghĩa, Chí, Tín. Trong đó có duy nhất cô Lễ là con gái lại chưa lập gia đình. Còn lại các chú đã có đủ đầy gia đình. Chú Tín và thím Hoài cưới nhau đã lâu nhưng lại chưa có con. Lần trước đi khám trên thành phố được kê về uống thuốc bao lâu không biết sau sẽ thế nào.
Gia đình tôi ở lại nhà chú Tín. Đây là căn nhà trước đây mà ông nội để lại. Nhà theo kiến trúc thời xưa có ba dãy nhà xếp theo hình chữ U. Nhà giữa ba gian để thờ cúng và tiếp khách. Hai bên trái phải là nhà ở. Cũng may giờ đây công trình đã cải tạo và có hệ thống tự hoại như bên ngoài. Mẹ tôi kể rằng sáu bảy năm trước đây người ta vẫn ưa dùng loại hố xí cổ điển ở ngoài vườn. Nghĩ đến thôi một đứa sinh ra ở thành phố như tôi cũng thấy không quen rồi.
Gia đình tôi ở dãy bên trái. Nhìn những cây gỗ quý không biết bao nhiêu năm rồi nhưng vẫn tỏa ra mùi thơm đặc biệt sờ vào lại rất mát khiến tôi cứ ôm lấy cái cột không buông. Mỗi sáng tôi đều lên thắp hương cho ông bà xong rồi lại ôm cột suy tư khiến cho mọi người cũng lắc lắc đầu.
“Đây là gỗ gù hương, ở bên ngoài hiện tại giá trị rất cao. Muốn tìm một cây to như thế này là không thể nữa rồi. Nghe ông nội con kể lại trước đây làng Hòe là một rừng gù hương. Mọi người vì chạy giặc nên trốn vào khu rừng này xây nhà làm tổ mà ở lại đây. Rồi vì hợp phong thủy nên chẳng mấy chốc mà người ngày càng đông đúc, cây gỗ cũng bị đốn làm nhà. Giờ con thấy trong thôn nhà nào cũng bằng gỗ đấy. Mà bước vào thôn là thấy mùi vị khác biệt rồi. Vì gỗ gù hương này có tác dụng làm an thần, giảm căng thẳng. Bây giờ chỉ còn những cây gỗ nhỏ gỗ vài chục năm thôi. Những cây gỗ vài trăm năm hay nghìn năm cũng bị đốn cách đây mấy đời rồi.”
Bố nhìn tôi ôm cột ngửi ngửi mỉm cười giải thích. Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
“Thế mà con cứ tưởng là do sơn gỗ nên mới có mùi thơm thế này. Ngửi vào con thấy rất dễ chịu.”
Bố xoa xoa đầu kéo tôi đi ra ngoài.
“Đi, đã về đến quê nội rồi thì bố đưa con đi làm quen môi trường, mọi người ở đây. Quen đường sá môi trường mới tốt.”
Hôm nay mẹ chuẩn bị cho tôi mấy bộ quần áo tứ thân. Gia đình có chuyện buồn nên quần áo màu sắc cũng đơn giản, tối màu. Trên ngực tôi còn cài một mảnh vải đen. Bố mẹ tôi nói đây là cách để tưởng nhớ người thân đã khuất. Mà phong tục này là dành cho dòng con cháu trực hệ. Người thân đeo liên tục trong trăm ngày xong thì hóa đi. Tôi mặc một bộ quần áo tím đậm đơn giản mẹ mua rồi đeo cái băng đen lên. Bố tôi đưa cho tôi một cái ruột tượng bằng da rất đơn giản nhưng cũng đủ tinh tế. Quan trọng là cái ruột tượng này rất chắc chắn sẽ đựng được nhiều đồ linh tinh. Đeo lên trên bụng như một loại đai da tạo điểm nhấn cho vòng eo con kiến của tôi.
“Đây là ruột tượng của bà. Bà nội nói để lại cho con. Giờ bố đưa cho con rồi, con hãy giữ gìn cẩn thận đừng để nó hỏng…”
Bố tôi thở dài một hơi rồi nói tiếp.
“Bà thế mà yêu quý con nhất nhà đấy, cái gì cũng để hết lại cho con.”
Bố tôi nhìn cái vòng tay, ruột tượng rồi lại nhìn đô khuyên tai của tôi mà mỉm cười xa xăm.
Mẹ tôi ở nhà chuẩn bị cơm cúng tuần đầu của bà, tôi và bố đi ra ngoài chợ mua ít vàng mã tiện đi xem chợ quê.
Tôi nhìn chợ ở đây thấy mới lạ vô cùng. Nói là chợ không bằng nói đây là một khu đường rộng rãi, mọi người ngồi hai bên bán hàng. Đồ ở đây toàn là của nhà trồng được không dùng hết nên đem bán. Có khi là vài quả chanh, dăm quả trứng gà, mấy quả trứng ngỗng. Lại có người có vài bó rau, một gốc hoa, đàn chó con… Tất cả tạo lên một khu chợ quê nhiều màu sắc. Tôi còn thấy người ta bán sâu và dế nữa.
Bố tôi dẫn tôi đi xem rồi đến thẳng cửa hàng vàng mã ở cuối dãy. Tôi đang đứng đợi bố thì vào mở danh sách đồ mua ra đưa cho ông chủ quán thì thấy một bóng dáng vọt qua. Nhìn hoa văn của áo rất quen. Chính là bóng người mà tôi thấy đêm hôm đó trước khi mất đi. Tôi bảo bố đợi con chút con ra bên kia xem.
Không kịp nghe bố nói tôi vội vọt đi. Thế nhưng dòng người đi chợ đông đúc tôi đuổi theo mãi mà không thấy đâu. Vừa mới thấy thấp thoáng thì đã vụt mất rồi. Giờ tôi mới nhận ra tôi đã đuổi theo ra đến bên ngoài cổng chợ rồi. Đúng lúc này có một người ăn xin, cả người mốc meo bẩn thỉu phát ra mùi hôi thối ngồi ở ngay góc đường. Ông ta dường như đã bị bệnh vậy.
Nhìn lão ho lụ khụ trông rất đáng thương. Tôi tìm người mà không thấy nên từ bỏ ý định. Nhìn ông lão già cả tôi lại nghĩ đến bà nội. Thế là tôi đi vào ngay bên trong mua mấy cặp bánh dầy, một bịch nước đậu lại mua một ít khoai lang mang đến đưa cho ông cụ.
“Ông có đói không? Ông giữ lấy cái này để ăn, còn tối đói thì ông nướng khoai lên ăn nhé. Con chẳng biết giúp ông thế nào cả.”
Tôi nhét hết vào lòng ông rồi lại lấy một ít tiền nhét vào trong tấm áo khoác lùng bùng như làm từ rơm của ông. Ông lão ngước đôi mắt đục ngầu lên nhìn tôi miệng run run nói hai tiếng cảm ơn. Tôi cười với ông một cái rồi đi vào trong. Tự nhiên tôi cảm giác như có người nhìn tôi nên quay lại đằng sau. Nhưng nhìn thế nào cũng không thấy ai. Có lẽ mấy hôm nay mệt mỏi tâm sức nên sinh ảo giác chăng. Tôi nhìn ông lão đang cúi gằm ăn bánh dày ngon lành trong lòng bỗng an ổn lạ thường. Giúp được một người không phải là làm cho người đó tốt hơn mà chính là khiến cho bản thân thấy hạnh phúc. Trong lòng tôi nhẹ nhàng hơn nhiều giống như việc tôi làm sẽ tích thêm chút phúc đức cho bà tôi vậy. Tôi đi trên nền đá xanh tiến sâu và cuối dãy chợ.
Ở chợ có người già trẻ nhỏ, có nam có nữ đủ độ tuổi. Một bên ngõ còn có quán mì, quán bún thơm nức mũi. Tôi đang ngẩn ngơ nghĩ thì va vào một đứa bé gái. Thực ra là đứa nhỏ đang đùa với anh trai nó và chạy ngã vào tôi. Tôi vội vã đỡ bé dậy thì một giọng quát lớn từ đằng xa truyền lại.
“Thả nó ra!”
Nhìn bé gái năm tuổi, đôi mắt to đen lay láy nhìn tôi cười vui vẻ. Tôi hỏi con bé có sao không thì con bé lại cười típ mắt với tôi nói xin lỗi. Thật là một đứa bé đáng yêu. Đứa bé chạy lại phía cậu thanh niên kia. Hắn ta trừng mắt nhìn tôi quát:
“Sao cô dám làm em gái tôi ngã? Cô có biết tôi là ai không?”
Tôi nghe câu thoại này rất quen tựa như người này bước ra từ trong phim truyền hình dài tập mà mẹ hay xem vậy. Nhìn cậu ta hùng hổ trừng mắt tôi chỉ thấy buồn cười. Rõ ràng cậu ta còn nhỏ tuổi, mặt búng ra sữa, da trắng người gầy cũng ra vẻ hổ báo.
Khu chợ thấy có tranh cãi thì nhanh chóng tản ra một khoảng trống rồi vây lại xem. Mọi người thì thào nhưng tôi nghe rõ nhất chính là “cậu ba nhà họ Lý đi du học sao đã về rồi?”
Tôi nghe đến nhà họ Lý thì giật mình. Chưa gì đã gặp phải người bên nhà “chồng” rồi sao? Bé con nhìn tôi rồi giật tay người thanh niên kia nói:
“Anh ba, anh đuổi theo em mới chạy va vào chị sao anh lại quát chị ấy? Là em sai rồi.”
“Không, bé con của anh không sai chút nào. Để anh dạy bảo cô ta một trận.”
Cậu ta xoa đầu con bé rồi định xông lên như muốn đánh tôi vậy. Giữa ban ngày ban mặt mà cậu ta định đánh tôi. Tôi cũng chẳng sợ cậu ta đánh, bởi vì nhìn cậu ta gầy yếu xanh xao như thế, tôi tưởng rằng mình chỉ cần đẩy một cái là cậu ta sẽ ngã nhào.
“Không, là em sai rồi. Đi thôi, em muốn ăn kẹo kéo.”
Con bé nhảy lên đu vào tay cậu ta mè nheo nũng nịu nói. Lúc này nhìn gương mặt của cậu ta có vẻ hòa hoãn lại một chút.
Hắn ta cưng chiều em mình trừng tôi một mắt rồi theo hướng bé gái kéo mà rời đi. Tôi nhìn theo còn thấy bé gái ngoảnh lại nhìn tôi cười thật tươi. Nhìn nụ cười tỏa nắng như một mặt trời nhỏ của con bé đầy thân thiện tôi cũng không kiềm được mà bất giác cười theo. Đứa bé dễ thương xinh đẹp như vậy chắc chắn người gặp người yêu. Chỉ là anh trai của con bé thì… đối ngược. Vô cùng đáng ghét, lại không nói lý lẽ phải trái.
Tôi đang chuẩn bị đi tiếp thì nghe thấy mấy cô bán rau nói:
“Nghe chưa? Cháu gái cả nhà họ Nguyễn về rồi đấy. Chắc lại sắp kết hôn. Mà lại là làm dâu cả cơ đấy.”
“Cả thì cũng có gì mà sướng. Lấy thằng chồng liệt giường không biết bao giờ tỉnh. Mà hồi trước lấy hai đứa về xung hỉ phòng cũng có tỉnh đâu. Ông Lý thầy phong thủy số một của làng còn không chữa được cho chính con của mình.”
“Bà thì biết gì, tôi mà được vào nhà ông Lý giàu có cơm chẳng lo áo chẳng nghĩ có góa tôi cũng vào. Đã thế lại còn được hầu hạ chân tơ kẽ tóc. Giờ kiếp bán rau làm trâu làm ngựa cho thằng chồng thì thà…”
Bà cô bên cạnh lập tức lấy tay bịt vào mồm chặn những lời tiếp theo:
“Bà nói cái gì đấy? Lời này mà nói bừa ai nghe được ngày mai có mà bị cạo đầu bôi vôi. Rủa chồng bị phạt thế nào bà chưa thấy à?”
“Haizzz tính ra thì hai cô gái xung hỉ nhà ông Lý tốt số thật. Từ đứa nhà nghèo khó giờ cũng được bà nọ bà kia. Dù không có làm cả chỉ làm lẽ cũng có của ăn của để gửi về. Nhìn đi, bà Hồi bà Tám từ lúc có con gái vào nhà ông lý còn có áo lụa mà mặc, khuyên tai ngọc kia kìa.”
Tôi nhìn về phía hai người đàn bà đang bàn tán hất hất mặt lên. Theo hướng đó mắt tôi dừng lại trên hai người phụ nữ đang cười giả lả bên quầy bán chè thủ công. Nhìn hai người đó đúng là nổi bật nhất chợ. Quầy chè cũng là hai cửa hàng cẩn thận chứ không phải ngồi lê quang gánh giống như những người đi chợ khác. Bà mặc áo lụa đỏ, đeo bông tai ngọc bích và dây ngọc trai to bằng ngón tay út vừa ngồi vừa chỉ đạo người làm. Bà mặc áo lụa nâu tai đeo vàng, cổ cũng đeo mặt phật bằng ngọc. Quả nhiên cả hai ra dáng bà chủ. Đúng là nhìn hai bà có vẻ khá khẩm hơn rất nhiều người chân tay vương bùn dính đất xung quanh.
Đúng lúc này, ông già ăn xin vừa nãy cũng men lên đây. Không thấy ông cầm theo túi khoai của tôi hoặc ông cất ở trong đống bao lùng thùng kia cũng không biết nữa. Ông đến trước cửa quán chè đưa đôi tay sần sùi đen bẩn toàn là đất thều thào nói:
“Lậy bà,... bà cho con xin một ngụm nước được không?”
Bà áo đỏ thấy ông lão bẩn thỉu thì chửi đổng đuổi đi.
“Cái thứ bẩn thỉu cút đi cút đi, mày định đứng đây ám vía bà à. Cút đi cút đi.”
Bà ta đẩy người làm ra đuổi ông lão đi rồi còn mang diêm và giấy ra đốt. Miệng nói liên mồm lẩm bẩm cái gì đó mà đốt vía đốt vang.
“Đấy, giàu có thì giàu có nhưng mà thất đức. Lúc nghèo khó thì xin ăn làm thuê khắp nơi giờ có tý tiền lên mặt ngay. Nhìn ông lão tội quá.”
“Người ta giàu người ta có quyền mà.”
Hai người phụ nữ bán rau tiếp tục lại nói. Một người chạy sang đưa cho ông một bát nước rồi ông già đi vào một ngõ khuất mất. Tôi nhìn lên người phụ nữ trung niên mặc áo lụa đỏ kia chẳng có tý thiện cảm nào.
Tôi còn chưa kịp đi thì lại nghe thấy một tiếng vang lên quen thuộc.
“Bà Nhã to gan nhỉ? Cái làng này có chuyện chửi bới đánh đuổi người khác đi thế à?”
Lời tác giả: FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất vui được mọi người đọc và yêu thích truyện của mình. Link fb: https://www.facebook.com/tranthom1995/
Nhóm đọc truyện của mình: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/