Chương 8 Sư tổ khích lệ
Ông, bố mẹ, chú thím nhìn tôi mà không ai thương tiếc, chỉ cười vang lên thôi. Kết quả là tôi lại phải đứng tấn lại cho đủ ba phút.
Trời ơi, ai có thể cứu tôi không? Đây chính là câu nói duy nhất vang lên trong đầu tôi khi này. Thế nhưng tiếng lòng chân thành của tôi trời không thấu, đất không nghe, chỉ có những giọt mồ hôi và cơn đau căng cứng ở chân là kiên trì làm bạn với tôi lúc này.
Vật lộn với cái nắng, với vị sư huynh hay sư thúc nghiêm túc bên cạnh và ánh mắt trìu mến của cha mà tôi đã vượt qua được thử thách ba phút mang tính bước ngoặt lịch sử này. Thế nhưng còn năm phút, tôi nghĩ thôi cũng không dám nghĩ. Cho đến khi nắm đấm tay tôi run run, ông Phúc mới đặt một con cờ tướng xuống mà tôi chẳng quan tâm là con gì, nhẹ nhàng buông một câu mà trước nay tôi chưa từng nghe câu nói nào quyền uy như thế:
“Con vào nghỉ đi, ngày mai tập tiếp, hôm nay đến đây thôi.”
Tôi nghe mà như tử tù được đặc xá, ngã ngồi trên mặt đất. Cái mông của tôi chạm uỵch xuống đất cũng chẳng đau tê bằng bắp và đùi tôi lúc này. Tôi lau mồ hôi, xắn ống tay áo đen lên rồi xoa bóp bắp chân và đầu gối. Mẹ tôi xót con ra dìu tôi vào trong rồi đưa cho tôi một cốc nước chanh mật ong ấm áp. Tôi nhìn mẹ nhăn mặt:
“Mẹ, sao lại là nước nóng? Con đang nóng chết đây này.”
“Uống nước ấm mới không hại cơ thể, thúc đẩy lưu thông máu, nước chỉ hơi ấm chứ nóng đâu mà nóng. Cái con bé này, uống đi. Cho con uống nước lạnh là mẹ sáng nay mẹ không biết.”
Tôi xụ mặt vâng một cái rồi uống cạn. Bởi vì tôi lúc này đang rất khát. Đúng là uống nước ấm này chỉ khó chịu về mặt cảm giác nhưng cẩn thận tỉ mỉ mà cảm nhận lại thì thấy nhanh hết nóng mà người như được tái tạo lại, cả người khoan khoái. Quả nhiên muốn biết cảm giác hạnh phúc thì hãy đi một đôi giày chật vài kilomet, khi thả lỏng ra tất nhiên sẽ hiểu thế nào là hạnh phúc.
Sở dĩ bạn chưa biết thế nào là hạnh phúc vì vốn dĩ hạnh phúc luôn ở bên bạn mà vì quá thân thuộc nên bạn không cảm nhận được nó mà thôi. Sống lâu trong hạnh phúc cũng làm con người ta chai sạn cảm xúc.
“Hai bác cứ từ từ tập cho Yến nó cũng không muộn mà. Nhìn con bé kìa…”
Chú thím có lẽ vì hiếm muộn con nên từ khi tôi ở đây chú thím đều rất tốt với tôi. Nhìn chú thím đã sắp đến bốn mươi mà một mụn con cũng chưa có, tôi cũng cảm thấy buồn luôn cầu mong cho chú thím có một đứa con cho riêng mình.
Ông Phúc và hai sư huynh hay sư thúc kia đi về rồi, tôi cố gượng cơn căng cứng ở bắp chân đi ra cúi chào, tác phong nghiêm túc. Ông vỗ vỗ lên đầu tôi mấy cái, tuy không khen ngợi nhưng thấy gương mặt và nụ cười của ông đầy cảm giác khích lệ tuyên dương. Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm trong lòng mà liếc sang nhìn bố.
Nhìn mọi người đi rồi, tôi vào trong nhà giúp thím sắp mâm lên ăn cơm. Thím gạt tôi đi không cho tôi động vào.
“Con lên đi, mày thì vừa mới tập xong còn mệt lên trước đi. Có mấy cái việc nhỏ nhỏ này cứ để thím.”
“Con khỏe lắm đấy, dăm ba cái luyện tập này con làm được.” - Tôi mỉm cười nói đùa cho không khí thêm vui vẻ.
Thím lườm lườm yêu thương ra vẻ tao biết thừa trong lòng mày thế nào nên nhất quyết không cho tôi sắp đồ. Tôi vơ vội cái nồi canh cua rau đay mùng tơi cho vào cái rế rồi bê lên nhà. Ở đây tôi đã thấy mọi người đun nồi củi lại hay cho nồi vào rế đã quen rồi thế nên cũng học trộm được khá nhiều. Thấy tôi đi lên trước thím mới cười cười nói với mẹ tôi:
“Ôi cái con bé này!”
“Thím cứ kệ nó, mấy chuyện nhỏ này mà còn không biết điều giúp chú thím thì mười tám năm nay nhà chị nuôi nó phí công ra.”
Xong rồi trong gian bếp tôi nghe thấy hai tiếng cười trong trẻo dễ thương vang lên đầy ấm áp. Tôi ngồi đơm cơm ra đợi mọi người. Lúc này cả nhà quây quần ngồi trên chiếu ăn cơm, bố tôi mới nói:
“Chú Tín có biết trong làng này có thầy lang nào giỏi chữa bệnh nhất không?”
Chú Tín suy nghĩ một hồi rồi nói:
“Trong làng này thì… thầy nổi tiếng chữa bệnh là thầy Ân. Nhà thầy ở đầu làng đối diện với ngõ vào nhà bà Thõa. Thầy này thì trước đây ở bên làng Đa chuyển sang nhưng mà chữa bệnh rất giỏi.”
Thím tôi cũng gật gù đang chan canh cua vào bát thì thả muôi xuống vỗ một cái đét vào đùi.
“Ấy, anh có nhớ thầy Nhẫn ở trong núi không anh?”
Tôi cũng nhìn mọi người nói chuyện vừa hay ánh mắt dừng lại trên gương mặt chú Tín. Mắt chú như phát sáng nhưng rồi lại lắc lắc đầu.
“Đúng là có thầy Nhẫn. Thầy còn là ân nhân của nhà mình năm đó anh nhớ không? Mười năm trước anh có nhớ không? Nhưng tính tình thầy rất là quái đản, chỉ tiếp người tình cờ do duyên số chứ không giúp ai bao giờ. Có bao nhiêu tiền cũng không giúp.”
“Năm đó chính là thầy Nhẫn giúp bố mình mới trụ được.”
“À!”
Bố mẹ tôi cùng à lên một tiếng như nhớ ra điều gì. Tôi chẳng hiểu mọi người nói chuyện gì, phải nói đúng hơn là tôi chẳng hiểu mọi người đang nhắc đến sự kiện nào. Chuyện này có liên quan đến ông nội tôi ư.
“Thầy Nhẫn rất giỏi, phải nói là cải tử hoàn sinh ông cũng giúp được. Nói vậy không phải là chữa người chết thành người sống nhưng bao nhiêu bệnh nhân năm đó gặp nạn ông đều chữa hết. Sau lần hàm oan đó mà bố đứng ra minh oan thì ông không cứu ai nữa, chỉ có ba lần xuống núi đều vì cứu cho người nhà mình. Lần cuối là mười năm trước ông xuống giúp cho bố khỏe mạnh nửa tiếng cuối đời để làm nốt nguyện vọng cuối cùng. Từ đó em không thấy ông nữa. Thầy giỏi quá mà mấy lần vợ chồng em lên núi muốn nhờ thầy nhưng căn nhà cỏ hoang chẳng có ai. Không biết giờ thầy còn ở đó nữa không.”
Bố tôi tiếc nuối thở dài một hơi.
“Hay là mai anh em mình lên đó thử xem. Biết đâu…”
Bố tôi cũng thoáng hiện lên một tia hi vọng.
“Mà anh tìm thầy để làm gì?”
“Ngày xưa mẹ mình vì sao mà mất chắc chú mày cũng biết. Ở đây lại xa viện cấp cứu, phong tục cổ hủ muốn thăm người cũng khó. Anh… anh muốn dạy con bé biết chút thuốc nam rồi vài tiểu thuật phòng thân. Nghe nói cậu cả nhà họ Lý chưa tỉnh nhưng đã xung hỉ hai cô vợ thứ rồi. Thế nên khi con bé vào đó không biết xảy ra chuyện ngày xưa không thì không ai đoán được. Phòng còn hơn chống… Anh cũng viết thư gửi xin nghỉ ở quê mấy tháng đến khi con bé cưới chồng xong rồi…”
Mẹ tôi gật gù buông đũa xuống.
“Mấy hôm nữa chị về thành phố một tuần thu xếp vài thứ rồi xuống đây ăn nhờ ở đậu nhà chú thím mấy hôm.”
“Em mong anh chị ở cả đời cũng được. Hai vợ chồng ở căn nhà rộng như thế này lắm lúc cũng trống trải lắm.”
Bố mẹ và chú thím đều hiểu ý. Mẹ tôi vỗ vào vai thím an ủi rằng nhà sẽ sớm đông vui mà thôi.
Tôi xuống bếp cùng thím rửa bát dọn dẹp, tắm rửa xong thì lên trên nhà. Bố tôi đã bật đèn học ngồi giữa nhà từ bao giờ. Bên cạnh là một quyển sách cổ mà hôm qua bố tôi chỉ, tiếp theo là giấy và bút.
Bố tôi nhìn tôi đầy trìu mến gõ gõ xuống bên cạnh ý bảo ngồi vào đây.
“Y học hiện đại hay y học cổ truyền thì đều là chữa bệnh cứu người. Người làm y không chê bệnh nhân, hết lòng hết sức mới xứng với lương y như từ mẫu. Con hiểu chưa?”
Tôi không ngờ bố lại nói với tôi điều này vừa sửng sốt một chút lại không biết đáp lại thế nào mà chỉ gật gật đầu.
“Vâng.”
Bố gõ một cái lên đầu tôi nói:
“Làm nghề gì cũng cần có tâm, đặc biệt là nghề y. Nó liên quan đến sinh mạng con người, đến sự sống của một cá thể. Dù có chuyện gì con cũng không được mang sự sống con người ra làm cái lợi hay mua lấy cái danh. Thế mới là tích được âm phúc, thu được dương đức.”
Tôi gật gật đầu.
“Con ghi nhớ những điều này đã, còn để thấu hiểu thì cứ từ từ.”
Bố nhìn tôi chăm chú lắng nghe hết sức hài lòng. Tôi lấy sổ ghi vào hai điều bố dạy để làm ghi nhớ.
Mở đầu, tôi cứ nghĩ bố sẽ dạy tôi đại cương, không ngờ bố chỉ kể cho tôi những tấm gương thầy thuốc, mấy bài học này dù là kiểu truyện trong sách giáo khoa mang yếu tố thần kỳ kiểu gieo gió gặt bão, gieo hạt hái quả, gieo tốt được lành nhưng tôi vẫn rất tích nghe.
Rốt cuộc cũng qua một buổi tối mà tôi không thấy đau não nhưng mắt tôi đã díp vào vì cả ngày hoạt động mệt mỏi lại không được nghỉ trưa. Tôi gật một cái cốp cái trán xuống bàn. Vì đau quá tôi “ái” lên một tiếng rồi ngẩng đầu lên. Vì đau nên nước mắt tôi cũng sắp chảy ra rồi. Bố tôi cốc cái vào đầu tôi rồi nói:
“Thôi đi ngủ sớm đi con, mai năm giờ sáng lại dậy tiếp.”
Tôi chúc bố ngủ ngon rồi đi ngủ, vừa đặt lưng xuống giường tôi đã chìm vào giấc ngủ. Không biết có phải vì mệt không tuy nửa đêm dù tôi có thấy nhức mỏi người nhưng vì buồn ngủ nên vẫn ngủ tiếp. Chỉ là nửa đêm tôi cảm giác như chân được ai xoa bóp ấm áp rất dễ chịu.
Một đêm này tôi ngủ rất ngon, lúc nghe tiếng gà vang vọng, tiếng bố lục đục bên buồng thì tôi cũng tỉnh. Tôi chủ động thay một bộ quần áo và đi giày vào rồi đi vệ sinh cá nhân. Lúc này tôi ngửi thấy trên người mùi hương quen thuộc giống như mùi gỗ gù trong gian nhà thờ vậy. Tôi chỉ nghĩ vì bản thân ở đây nên nhiễm mùi hương chứ không hề nghĩ nhiều. Ở đây chủ yếu vẫn dùng nước giếng khoan, chú Tín đêm qua mới bơm nước lên bể, sáng nay dùng nước mới cảm thấy dường như cả người mát mẻ sảng khoái.
Nước ở đây trong sạch đến nỗi dù uống trực tiếp tôi cũng thấy có vị ngọt. Đặc biệt là đun lên không có cặn dưới đáy và dùng để pha trà thì có một hương vị đặc biệt. Mọi người ở trong thôn chủ yếu làm nông thế nhưng nhà chú thím tôi lại mở một tiệm tạp hóa nhỏ chuyên bán mắm muối mì chính…v.v. Ngoại trừ nhà ông Lý thuộc dạng bách hóa tổng hợp đặt gì có đó thì nhà chú tôi là gia đình duy nhất có nhiều “của ngon vật lạ” nhất vùng. Nhờ có cái tiếng thuộc dòng họ Nguyễn nổi tiếng nên các cô chú ở trong làng cũng có địa vị đáng kể.
Buổi sớm, chú dậy dọn hàng lại ra sau vườn trồng rau rồi đi chợ. Tôi chào chú:
“Chú dậy sớm thế ạ?”
“Ừ đêm qua chú không ngủ được. Nhìn cháu tinh thần tốt thế này tý nữa có khi gánh được hai vòng làng.”
Chú nhìn tôi giọng điệu trêu đùa. Tôi cười cười đáp lại:
“Cháu khỏe như thế này là nhờ ăn cơm thím nấu, uống nước chú pha đấy ạ. Chú nhìn cháu sắp có cơ bắp rồi nè.”
Tôi giơ con chuột tay lên khoe. Nói chuyện phiếm đôi ba câu thì ông Phúc cùng hai đệ tử trẻ tuổi đi vào. Tôi và bố đã sẵn sàng vào chỗ.
Tôi bày biện và pha sẵn một ấm trà, sau khi chào xong thì việc hôm nay vẫn như hôm qua. Nhìn tôi tinh thần tốt dù đau cũng không than ông Phúc cũng mỉm cười khích lệ.
“Con gái hôm nay tinh thần rất tốt. Đúng là hạt giống trong võ đạo giống y như bố đấy.”
Tôi không ngờ là bản thân trong buổi thứ hai đã được khen như thế khiến tôi vừa bất ngờ vừa hoảng hốt. Vì biểu hiện ngây người thái quá của mình mà mọi người càng thêm muốn chọc tôi.
“Ông cứ khen con, con bé này nó chỉ thể hiện thế thôi chứ muốn làm hạt giống võ đạo còn kém xa thầy ạ.”
Bố tôi phải phép thưa, tôi gãi gãi đầu đồng ý ùa theo mặc dù chả có cơn ngứa đầu nào hết. Tôi thì làm gì có chuyện hạt giống võ đạo, hạt giống ăn chùa uống chùa thì nói ra còn có người tin.
Vì được khích lệ tôi như thêm tự tin và sức mạnh, quẳng hết suy tư ra sau đầu. Vì dù sao tôi cũng còn quá nhỏ để suy tư nhiều. Tầm tuổi này nói lớn chẳng lớn mà nói bé cũng chẳng bé. Nó cứ dở dở ương ương dễ vui lại dễ buồn.
Tôi đeo quang gánh lên vai, hứng khởi đi ra khỏi cổng. Nhưng mà tôi phát hiện tôi sai rồi. Sức mạnh từ sự khích lệ không khiến cơn đau nhức ở chân tôi bớt đi. Tôi nhìn bố cầu cứu. Bố lại chỉ nhìn tôi mà cười. Bởi vì hôm nay lại có thêm sư huynh đi theo. Hôm nay là anh Thể và anh Thế. Anh Thế ở lại với sư phụ còn anh Thể thì đi theo giám sát tôi.
Tôi tủi thân đi như rùa bò trên sa mạc, mồ hôi túa ra theo từng bước chân nặng nề. Một lúc tôi lại đổi quang gánh sang bên trái rồi bên phải rồi ra sau lưng. Nhìn mặt trời dần lên cao, tôi bặm môi cố gắng. Bố tôi đi bên cạnh vừa nói gì về kinh mạch về huyệt đạo nhưng tôi nghe cái được cái không. Thi thoảng bố hỏi lại tôi cũng chẳng còn hơi mà trả lời nữa rồi.
Hôm nay dù tinh thần tôi tốt nhưng mà cơ thể lại không do tinh thần điều khiển. Kết quả tôi về đến sân thì đã là giữa trưa. Còn chậm hơn so với hôm qua một tiếng. Về đến sân, nước mắt tôi rưng rưng nhìn sư tổ. Dù lúc này tôi cũng không muốn khóc nhưng nếu không khóc e à sẽ phải đứng tấn thêm vài phút nữa.
Tôi lao vào ôm lấy chân ông Phúc, nước mắt rưng rưng.
“Ông ơi, con xin lỗi ông, hôm nay con làm ông thất vọng rồi. Sáng ông vừa khích lệ con mà hôm nay con còn đi chậm hơn hôm qua nữa. Huhuhu”
Lời tác giả: FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất vui được mọi người đọc và yêu thích truyện của mình. Link fb: https://www.facebook.com/tranthom1995/
Nhóm đọc truyện của mình: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/