Chương 38: Dạy chữ

Chương 38:

Tôi lật đật ngồi dậy, sửa sang lại quần áo chuẩn bị mở cửa bước ra ngoài. Thế nhưng khi tay vừa chạm vào then cửa, tôi mới giật mình.

Chuyện vừa mới xảy ra ban nãy khiến tim tôi đập thình thịch như muốn nhảy ra ngoài. Nên giờ dù có là ông Lý tôi cũng thêm phần cảnh giác. Tôi nói vọng ra:

“Dạ, thầy đến sớm thế ạ, thầy đợi con sửa soạn sửa mặt đã ạ.” - Tôi nói xong thì hét lên gọi - “Anh Tích vào giúp tôi sửa soạn.”

Tôi vừa nói xong, “anh Tích” ở bên ngoài đã chạy lại bịch bịch bịch:

“Mợ mở cửa ra đi, con đến rồi đây.”

Tôi nghe câu này xong lùi lại vài bước, máu nóng chạy quanh thân nhưng nhiệt độ cơ thể thì xuống thấp nhất. Lông tơ quanh người dựng đứng, người như tê cứng lại. Tôi luống cuống móc lá bùa bà Thõa chuẩn bị trước cầm vào trong tay để át bớt cảm xúc sợ hãi lúc này. Anh Tích chưa bao giờ xưng con với tôi, hơn nữa mỗi sáng chị Xoan mới là người giúp tôi làm mọi chuyện. Ở đây làm gì có chuyện để cho người ở đợ là nam hầu mợ chủ.

Tôi dò dẫm vào giường ngồi thu lu, không dám đặt chân xuống đất. Tim vẫn nhảy lên từng đợt.

“Mợ ơi mở cửa cho con!”

Tôi không đáp lại. Tôi tìm đôi bàn tay ấm áp to lớn của cậu, nắm lấy lòng bàn tay cậu để tiếp thêm chút mạnh mẽ và hơi người. Sức nóng từ tay cậu truyền lại khiến tôi an tâm hơn một chút xíu. Thế nhưng đúng lúc này truyền đến tiếng gõ cửa dồn dập cùng tiếng gọi của “anh Tích”.

“Mợ ơi mở cửa cho con!”

Độ năm sáu lần liên tiếp, tôi không trả lời thì bên ngoài chuyển thành tiếng đập cửa. Giọng nói của “anh Tích” trở lên bén nhọn xé gió như cứa vào màng nhĩ, tấn công não bộ khiến tôi đau điếng. Thứ âm thanh với tần số khác thường này làm tôi hoang mang và choáng váng, đầu đau như bị ai bổ vào.

Chuyện kinh dị còn chưa dừng lại, ngoài cửa như chịu những tác động mạnh khiến cửa từng nhát từng nhát bị đập vào. Then cửa chắc chắn như thế dường như cũng đang dần dần lung lay. Nếu trong thời gian dài e là cái cửa cũng không chịu nổi.

Bùm bùm bùm!

Bên ngoài cửa không còn tiếng “anh Tích” nữa mà biến hẳn thành tiếng cười âm trầm man dợ, khi thì cao vót khi thì trầm trọng. Lá bùa ở góc phải tôi dán ngang người lúc này bỗng phát sáng. Tôi sợ hãi, bởi vì lá bùa cũng không chặn lại được những cú đập cửa kia. Cánh cửa như sắp bật ra đến nơi rồi. Tôi không dám nhìn nữa, ôm chầm lấy cậu úp mặt vào ngực cậu, vòng tay ôm lấy người cậu và nhắm chặt mắt lại. Trong đầu tôi hoảng loạn, thầm niệm Phật và lẩm nhẩm cầu cứu bà nội.

Tiếng đập cửa và tiếng cười vẫn không dừng lại, sống lưng tôi lạnh cứng cả người, mồ hôi túa ra. Tôi không biết phải mô tả cảm giác kinh hoảng của mình lúc này như thế nào. Vì quá sợ hãi, tôi liên tục gọi “bà nội ơi cứu con!”. Không biết có phải vì nghe tiếng gọi của tôi mà bà đến hay không? Tôi cảm thấy như có vòng tay ấm áp của bà. Rồi bà nói một câu “Đừng sợ, có bà đây.”. Câu nói khiến tôi an tâm… ngất đi. Có lẽ vì quá hoảng sợ, tinh thần kích thích tột độ nên tôi không chịu được thêm nữa, cứ thế mà bất tỉnh.

Không còn tiếng nói như vọng lên từ địa ngục, cũng không có tiếng cười man dợ kia nữa. Tôi không biết gì cho đến khi cảm thấy có hơi ấm trên mặt mình mới mở mắt ra.

Ánh sáng rõ từ bên ngoài truyền vào cùng gương mặt quen thuộc của chị Xoan hiện lên mới làm tôi yên tâm. Tôi nhìn chị đang nhíu mày nhăn mặt, muốn ngồi dậy thì phát hiện cơ thể tôi yếu ớt vô lực.

“Mợ nằm yên, mợ vẫn còn đang sốt, đã sốt cả buổi sáng giờ mới đỡ một tý.”

Tôi ngạc nhiên, hỏi lại.

“Bây giờ là mấy giờ rồi?”

“Giờ là buổi trưa rồi, sáng nay mãi không thấy mợ đi ra, ông mới cho người phá cửa đi vào, không ngờ mợ… mợ lại bất tỉnh.” - Chị nói mà mắt chị lại hơi là lạ.

Tôi nhìn ra cánh cửa mới chắc chắn được thay. Chị Xoan kê gối cao trên lưng tôi rồi lấy cháo hạt sen cho tôi.

“Mợ ăn đi cho lại sức, rồi còn uống thuốc nữa.”

Nhìn chị ân cần tựa như mẹ mỗi khi tôi ốm vậy, cả cơ thể mệt mỏi và kiệt quệ của mình như thèm hơi ấm. Tôi ôm lấy eo chị. Có lẽ hành động này của tôi khiến chị bất ngờ. Tôi ngẩng mặt lên.

“Chị cho em ôm một lúc, em nhớ mẹ quá.”

Gương mặt chị cứng lại, sau đó tôi thấy mắt chị hồng lên lại ngửa cổ lên trời, tôi không còn thấy biểu cảm của chị nữa. Một lúc lâu sau tôi buông chị ra, ăn hết một bát cháo chị múc. Chị lấy bát thuốc đen ngòm ra muốn tôi uống, tôi uống xong, nửa tiếng sau vẫn chưa hết sốt, người vẫn còn nóng, khó chịu.

“Chị Xoan ơi, chị lấy cho em cái balo ở tủ dưới bên phải.”

Sau khi mô tả cái balo cho chị Xoan, cuối cùng chị cũng xách được nó ra cho tôi. Tôi lấy hai viên thuốc panadol extra vỉ màu đỏ ra uống rồi nằm xuống. Một lúc sau cơ thể đã hết sốt. Chị Xoan kinh ngạc nhìn tôi.

“Mợ uống cái gì thế?” - Chị cầm vỉ thuốc lên tò mò hỏi.

“Đây là thuốc hạ sốt đau đầu ở chỗ em sống. Cho chị một vỉ này, nếu đau đầu mà ốm sốt thì uống hai viên rồi nằm nghỉ.”

“Không không, thuốc quý như thế tôi không dám nhận đâu. Mợ cầm lấy đi.” - Chị lắc đầu ngại ngùng.

“Chị cứ cầm đi, em có nhiều lắm.” - Tôi kiên quyết đưa cho chị.

Sau một hồi đưa qua đẩy lại, cuối cùng chị cũng cầm lấy thuốc, vẻ mặt rưng rưng.

“Mợ không biết đấy chứ, người làm chúng tôi ốm đau cũng không được nghỉ, chỉ khi nào ốm liệt giường mới được tha. Mà uống thuốc cỏ cây là may rồi. Mợ lại cho tôi thuốc quý như thế…” - Chị rưng rưng xúc động cũng làm tôi cảm động lây.

Ở thành phố, một vỉ thuốc thế này chẳng đắt đỏ gì, nhà thuốc nào cũng có, nhưng về trong thôn trong làng này nó lại như một loại thần dược, một loại thuốc quý. Tôi chẳng biết nói gì, trong lòng thật sự mong làng Hòe mở cửa, tiếp nhận văn minh xã hội và những tiến bộ cải cách của xã hội. Thế nhưng trong làng chẳng có người học lên cao, cũng chẳng có ai lại từ nơi khác về đây mở hiệu thuốc. Mà dù có muốn về thì trong làng này đâu có tiếp nhận người ngoài.

Tôi đã đỡ hơn nhiều nên lấy sách của thầy Nhẫn chép ra quyển sổ của mình. Chị Xoan thấy tôi viết chữ thích lắm. Chị bảo từ ngày ở cạnh tôi không phải làm nhiều vừa nhàn hạ lại được tôi đối xử tốt không giống như trước kia chị vui lắm.

“Mợ viết chữ đẹp quá. Sao mợ cái gì cũng giỏi hết?” - Hai mắt chị sáng ngời lên.

“Chị có thích học viết không? Tôi dạy chị.” - Tôi biết ánh mắt kia của chị đúng là một niềm khát khao lớn.

Không giống như vừa nãy tôi cho thuốc, chị không từ chối mà liên tục hỏi tôi bằng giọng điệu chờ mong và phấn khích lại có phần e dè như người trong cõi mộng.

“Mợ… mợ nói có thật không? Tôi có thể học chữ không? Nhưng mà tay tôi thô kệch xấu xí thế này…”

Tôi nắm lấy bàn tay chai sạn và thô kệch nhưng ấm áp của chị nói:

“Đương nhiên tôi nói thật với chị rồi. Ai cũng có thể học chữ, chỉ cần rèn luyện cũng giống như việc chị chăm sóc tôi hằng ngày, làm nhiều là quen.”

Hai mắt chị sáng rõ, hai chữ “vui vẻ” như tô lên gương mặt chị lúc này. Chị sung sướng đến độ nước mắt nhỏ xuống. Tôi không ngờ một người được học chữ lại có cảm xúc mãnh liệt đến thế. Học hành chẳng qua là một thứ “phổ cập” hiện nay hay sao. Vậy mà ở đây, đến việc học vỡ lòng còn chẳng ai mấy ai được học. Tôi lau nước mắt cho chị, nói là làm, tôi lấy bút và tặng chị một quyển sổ, dạy chị viết bảng chữ cái ngay.

Chị lau nước mắt, cầm lấy tay tôi mà tôi còn cảm nhận được sự run rẩy của chị khi nhận bút và sổ. Chị chạy ra ngoài một lúc, tôi biết, chị đi đâu…

Một lúc sau chị quay trở lại, tôi vừa chép sách vừa dạy chị viết. Từ lúc tôi tỉnh dậy mới thấy anh Tích đi vào, anh chào tôi rồi nhìn chị Xoan. Thấy chị Xoan học viết chữ mắt anh cũng sáng lên trêu chọc vài câu.

“Chữ chị Xoan đẹp thế nhỉ, giống y như người, chữ nào chữ đó tròn vo mạnh mẽ.” - Anh cười hềnh hệch như bắt được một thú vui mới.

Lần này chị Xoan không giống mọi khi. Nếu bình chắc chị cũng phải thụi cho anh mấy phát đau điếng, mà giờ chị cặm cụi viết, không thèm để ý đến anh Tích. Anh thấy mình bị bỏ bơ có vẻ xấu hổ gãi đầu gãi tai rồi đi vào bên trong giường vệ sinh chăm sóc cho cậu.

Tôi nhanh chóng chép lại sách của thầy Nhẫn, cặm cụi cũng đến chiều. Ông Lý đến hơn bốn giờ chiều cũng vào thăm tôi. Lần này có cả bà Huế và con Lệ đi theo nữa. Ông nhìn vào lá bùa góc tường dán, giờ tôi mới để ý, nhìn ông càng tái mét hơn hôm qua mà lá bùa thì như ảm đạm đi một chút.

“Thế nào, đã đỡ ốm chưa?” - Ông Lý hỏi.

Tôi đứng dậy chào ông bà lại được ông vẫy vẫy ra hiệu ngồi xuống. Chị Xoan nhanh tay rót trà cho ông bà, dọn sách vở để vào kệ bên cạnh tủ.

“Con đỡ nhiều rồi ạ. Nhọc lòng thầy mẹ đến thăm con.”

“Hôm nay là ngày thứ bảy con về làm dâu. Đáng ra thì sáng nay sang bên thông gia lại mặt. Nhưng mà con ốm quá nên cứ nghỉ ngơi đi. Xong việc ngày mai thì về bên ấy… Chỉ có điều… cậu cả nằm ở giường như thế sợ là lại tủi thân con đi một mình.” - Ông Lý Quan ôn tồn nói.

“Dạ không sao đâu ạ. Cậu như vậy ai cũng hiểu và không ai trách đâu ạ.” - Tôi đáp lại cho phải lễ.

Thật ra tôi vốn không coi cuộc hôn nhân này là thật. Thế nên việc tủi thân gì đó tôi đâu có nghĩ đến. Vì không hi vọng nên nào có thất vọng. Tôi nghe đâu đó nói rằng, không có hi vọng thì không có thất vọng, chỉ có khi nào tự dựa vào chính mình thì mới có niềm vui thực thụ. Con người ta thường nương tựa quá nhiều, khám phá thế giới quá nhiều mà lại quên đi nội tại bản thân. Người ta dùng cả đời để theo đuổi vật chất, nhà cửa, tiền tài danh vọng lớn lao, rồi buồn khổ vì không đạt được nó. Vậy mà nhiều người lại không bỏ ra một chút thời gian để lắng nghe tâm hồn mình, nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của chính mình. Đến khi nhìn lại thì tinh thần cũng mỏi mệt, sức khỏe đã rệu rã, năng lượng chẳng còn nhiều nữa.

Bà Huế đến nói vài câu cho có lệ trước mắt ông Lý, con Lệ thì nhìn tôi như nhìn một người chết, cái điệu cười nửa miệng của nó tôi nhìn mà muốn đấm cho nó một trận. Ở đời đúng là có lắm kiểu người rất gợi đòn. Tôi chẳng muốn chấp gì với nó nhưng nó lúc nào cũng gây sự trước làm người ta chán ghét. Nó đứng sau ông Lý đắc ý lắm muốn chọc tôi tức điên lên đây mà.

Tôi giữ thái độ bình thản làm như bỗng nhiên nhìn con Lệ rồi hét toáng lên.

“AAAAAAA! Có quỷ, có quỷ.”

Tôi làm như sợ hãi ngã ngồi xuống đất. Chị Xoan không hiểu gì vội vã đỡ tôi lên. Ở đây cũng không ai hiểu gì. Ông Lý cũng hoảng hốt theo hỏi tôi dồn dập:

“Con sao thế?”

“Thầy ơi có có quỷ ở sau thầy…” - tôi chỉ về phía con Lệ, mặt tôi cũng tái mét.

Vì vừa mới ốm cộng với việc tỏ vẻ sợ hãi nên chắc trông tôi lúc này cũng yếu đuối ra trò. Lần này đến lượt con Lệ xanh mặt. Ông Lý Quan nhìn theo hướng chỉ của tôi về phía Lệ.

“Không phải đâu, là người con ạ. Không sao, ban ngày ban mặt không có ma quỷ nào hiện thân lên được.”

Tôi vuốt vuốt ngực cố gắng trấn tĩnh nhìn lại “con quỷ cái” kia một cái. Xong mới gật gật đầu nhìn ông đầy tha thiết.

“Dạ, chắc do con mệt quá thần hồn nát thần tính nên nhìn Lệ cười mà con tưởng tượng ra quỷ hôm qua.” - Tôi nhìn Lệ rồi vội cụp mắt xuống.

“Con Lệ ra ngoài, từ nay cấm đến gần mợ cả.” - Ông Lý ra lệnh.

Tôi nhìn nó ấm ức mà trong lòng sung sướng. Đâu phải mỗi mình nó biết làm trò, tôi cũng biết làm trò đấy. Mà mấy cái trò này, tôi mà muốn thì có nhiều thuận lợi hơn nó nhiều. Vì tôi vốn chẳng tỏ ra yếu đuối bao giờ nên khi làm như thế mọi người sẽ rất tin tưởng tôi. Chỉ có điều việc này không lạm dụng được, dùng nhiều sẽ phản tác dụng giống như cậu bé nói dối ấy.

Con Lệ đi khuất mắt, tôi thấy thoải mái hắn ra. Bà Huế cũng theo cớ đó mà đi ra ngoài trước. Lúc này tôi mới nói chuyện với ông Lý, kể lại chuyện đêm qua. Ông Lý gật đầu nói tôi chỉ cần kiên trì không ra ngoài trong đêm nay, dù là ai cũng không được ra. Ông ra đứng cạnh giường cậu Đức, nhìn cậu thật lâu rồi đi. Ngày nào ông cũng đến đây nhìn cậu như thế mà chẳng nói gì. Có lẽ những gì ông muốn nói cũng chẳng thể dùng lời mà nói hết được.

Ông ra vuốt ve dính lại lá bùa, rồi lại lấy chân tô lại hình bát quái hôm qua. Sau đó ông đóng cửa lại vẽ lên cánh cửa một hình bát quái nữa bằng nước trà rồi gật đầu bước ra ngoài. Khi xuống đến bậc cửa, ông gập người lại ho mấy tiếng. Tôi chạy ra đỡ ông thì bị ông xua tay bảo vào. Tôi nhìn anh Thể, nhờ anh đi sắc thuốc theo công thức thầy Nhẫn cho để thầy bồi bổ.

Dù tôi không hiểu gì về phong thủy hay tâm linh nhưng mà qua suy đoán của tôi, chắc là lần này ông đang gặp phải đối thủ nặng kí khiến cho sức khỏe suy kiệt. Tôi cảm giác trông ông cứ nhẹ tênh đi, bóng dáng ấy mới cô độc làm sao. Bỗng nhiên tôi lại thấy thương ông quá. Người bố nào cũng nhọc nhằn vì con.