Chương 3: Quan tài xoay ngược

Mũi con dao chạm xuống khay bạc kêu lên một tiếng. Bà Thõa nhìn thấy quả cau bổ làm đôi ngã ngửa ra đằng sau. Tôi nhìn vào trong khay, tim đập thình thịch hít vào một hơi sâu căng cứng cả ngực. Thế mà trong khay lại là một quả cau đang… chảy máu.

Thím Hoài nhìn thấy thế cũng bủn rủn cả người tay run run cả lên. Tôi ngồi sau thím còn thấy gáy thím dựng lên những cái lông tơ. Chắc là thím cũng giống tôi, đang vô cùng kinh hãi lắm.

Quả cau có lòng đỏ tươi như máu, một giọt máu nhỏ ra bên ngoài mâm. Thật ra trước nay tôi chưa bao giờ tin vào tâm linh. Thế nhưng lần này không hiểu tại sao tôi lại có dự cảm bất an trong lòng. Tôi từng đọc trong một cuốn sách sưu tầm hiện tượng tâm linh huyền bí từng nói rằng khi gia đình có chuyện hãy thắp hương trước gia tiên đặc biệt là khi có người nhà mất thì mang theo quả cau đã được thắp hương đi xem thầy bói. Nếu quả cau lòng đỏ như máu tươi tức là trong nhà sẽ có thêm người chết. Thế nhưng chết thêm bao nhiêu người chỉ có thầy xem ra.

Lúc đó đọc được tôi chỉ coi như giải trí và không cho là thật. Vì đối với tôi, người ta nhau trầu ra màu đỏ là sự kết hợp hóa học của các chất có trong lá trầu, cau và vôi. Bởi vì thiếu vôi thì dù có nhai cau với trầu cả ngày cũng không thể đỏ. Thế mà hôm nay tôi lại nhìn thấy hiện tượng siêu nhiên mà trước đây tôi không tin.

Bà Thõa cầm lấy hai nửa quả cau lên nhìn, từ quả cau chảy ra một giọt chất lỏng đỏ như máu rơi xuống mâm bạc. Không gian yên tĩnh khiến cho tiếng rơi nhẹ của giọt chất lỏng cũng trở lên nặng nề khó tả.

Tôi vẫn luôn tin vào tâm linh, thế nên tôi muốn tìm chút manh mối nào đó để tìm ra trò đùa hay sự dọa nạt của mấy bà đồng. Nhưng từ đầu đến cuối bà ta không hề động tay chân gì cả, mâm và dao còn sáng choang. Nếu như người ta nhai trầu cau và vôi thì có bã đỏ đã đành, đằng này…

Thím tôi sợ hãi quỳ thụp xuống vái về hướng điện thờ. Bà Thõa xem xét hai nửa quả cau xong thì vội vã đi vào bên trong nhà lấy theo ruột tượng* buộc vào ngang bụng quay ra nói với thím tôi:

“Mau, dẫn tôi đi xem. Sợ không kịp!”

(*Ruột tượng hay ruột ngựa, ruột nghé: bao vải dài dùng để đựng tiền hay gạo, đeo quanh bụng hoặc ngang lưng mà người xưa hay dùng. Chúng được làm từ ruột ngựa, voi, trâu gia công nhưng sau này lại được khâu bằng vải…)

Thím Hoài nghe vậy mặt tái xanh lại vội vã dẫn đường.

“Thằng Sửu đi theo bà. Cầm hộp đồ cho bà đến nhà ông Tín giữa làng.”

“Vâng. Con theo ngay đây.”

Thằng sửu mặc bộ quần áo tứ thân màu nâu vẫn đứng ở gần nghe bà Thõa sai bảo chạy như bay vào bên trong còn chúng tôi đã nhanh chóng đi ra ngõ. Mấy người chúng tôi vội vã đi như bay đến nhà chú Tín. Sự khẩn trương của bà Thõa và nét mặt tái trắng như tờ giấy của thím Hoài khiến cho tôi trong lòng bỗng hồi hộp theo.

Đến cổng, thằng Hiếu chỉ cho tôi.

“Đến nhà chú Tín rồi chị.”

Tôi gật đầu vẫn đi theo sau thím. Bên ngoài cổng đã treo đầy cờ màu đen trắng - loại cờ dùng để báo tang, người ra người vào trên đầu ai cũng cài một bông cúc trắng. Giờ nhìn lại mới thấy thím Hoài cũng cài ba bông cúc trắng trên đầu. Thấy bà Thõa và thím Hoài đi vào, chú Tín vồn vã lại gần chắp tay trước bụng chào hỏi.

“Con chào bà. Mong bà giúp đỡ cho nhà con.”

“Mau, dẫn bà vào gặp cụ. E là…”

Sau đó chú ngẩng đầu lên nhìn thấy tôi vội vã nói thầm gì đó và tai thím rồi dẫn bà Thõa vào bên trong. Tôi ở bên ngoài muốn đi vào nhìn mặt bà lần cuối nhưng thím Hoài vội kéo tôi sang một bên rồi cài lên đầu hai đứa tôi một bông cúc trắng.

“Thím, con muốn gặp bà.”

Không biết là hương khói lảng bảng mịt mờ làm tôi cay mắt, mũi nghèn nghẹn hay là gì nữa. Thím nhìn tôi xoa xoa lên lưng tôi không nói gì chỉ lắc lắc đầu. Thím cũng đỏ cả mắt lên rồi. Bà nội đối với ai cũng rất tốt, vợ chồng chú ở quê không có nhiều tiền lại hiếm muộn con, bà dành hết tiền tích lũy cả đời mình gom góp lại cho chú thím. Có thuốc gì tốt, thầy nào hay, bác sĩ nào giỏi bà lại bảo bố tôi nhắn chú thím lên khám. Tình cảm của bà dành cho các cô các chú đều tốt ai gặp qua bà một lần cũng nhớ mãi không thôi. Thế nên tôi biết mọi người đều đang rất đau lòng.

Tôi nói với thím muốn đi vệ sinh thế nhưng nhân lúc thím không chú ý chạy vào trong linh đường để nhìn bà. Mọi người đang vây quanh giường của bà nên tôi chẳng nhìn thấy gì. Chỉ thấy bà Thõa đang làm pháp sự, cầu cúng gì đó rồi lại đặt một tờ giấy trắng lên mặt bà nội. Tôi đứng nép ngoài cửa nước mắt không kìm được lăn dài, thế nhưng tôi cũng không dám đi vào. Một lúc sau có một bàn tay đặt trên vai tôi. Tôi quay lại, nhìn thím Hoài hai mắt cũng ướt đẫm ôm lấy tôi.

“Đi ra ngoài thôi, bà chưa vào quan, các cháu đời thứ ba không được đi vào trong. Bà bất tỉnh trên đường, về đến tận đây, nhìn thấy con cháu vây quanh rồi mới đi. Vậy cũng coi như hoàn thành ước nguyện, mất ở quê nhà.”

“Trước khi đi bà nói lo nhất là cháu…”

Tôi nghe thím Hoài nói mà ân hận mãi không thôi. Đáng ra tôi phải ở bên cạnh bà, dù bà có đuổi cùng không về. Bà đeo vòng cho tôi lại dặn dò tôi lâu như thế chắc chắn là có vấn đề. Cớ sao một đứa vốn thông minh lại nhạy cảm như tôi mà không hề nhận ra?

Thằng Hiếu kéo tôi ra xếp bàn ghế để tiếp khách đến viếng thăm. Tôi cũng đi ra muốn làm chút gì để người đã khuất được nhắm mắt, để bà ra đi được an nhiên, tang sự thuận lợi.

Nhưng chưa được bao lâu thì bố mẹ tôi lại chạy ra rồi. Trên mặt bố mẹ vô cùng kinh hoảng. Mẹ kéo tay tôi nằng nặc ép tôi về thành phố. Đến độ đi ra đến cổng nhà chú, trước mắt bao người tôi phải quỳ sụp xuống xin mẹ.

“Con là cháu của bà, mẹ, mẹ cho con đưa bà đoạn cuối đi…”

Nhìn tôi khóc mắt mũi tèm nhem, tóc tai rối loạn mẹ tôi cũng rơi nước mắt. Thế nhưng bố tôi ở đằng sau lưng vô cùng nghiêm nghị:

“Mày có về ngày đi không đừng để tao nổi điên lên với mày. Lúc đấy thì đừng trách tao ác.”

Tôi bị sốc thật sự ngồi phệt trên mặt đất. Chưa bao giờ tôi thấy bố nổi điên lên như thế, chưa bao giờ bố xưng mày tao với tôi. Thế là mặc tôi gào khóc bố cùng mẹ kéo tôi lên chiếc xe ngựa đi về phía cổng. Thằng Hiếu cũng ở trên xe. Bố tôi gọi taxi đến rồi hai đứa sẽ quay trở về thành phố.

Nhưng xe ngựa đi chưa được bao lâu thì đã dừng lại. Tôi không biết tại sao, bố tôi bước ra ngoài, vẻ mặt khi quay trở về lại tái mét. Xe ngựa cũng quay lại nhà chú Tín. Trong lòng tôi nhẹ nhõm thở ra một hơi. Có lẽ tôi đã được ở lại đưa tang cho bà rồi.

Ở quê đám tang thường để linh đường vài này. Nhưng khi tôi vừa xuống xe đã thấy quan tài được đặt ở trên ghế dài. Bà Thõa nhanh kêu người sắp xếp, phải nhanh chóng mang hạ táng ngay trong hôm nay.

Huyệt còn chưa đào, bây giờ đã là gần bảy giờ tối mà lại hạ táng trong hôm nay. Tôi vô cùng bất ngờ nhưng đây là chuyện của người lớn, đám nhóc chúng tôi đâu thể xen vào. Mẹ tôi vẫn ở bên cạnh tôi như hình với bóng, bố tôi thì vội vã vào bên trong.

Mẹ nhìn tôi mắt đỏ hoe, gương mặt đầy căng thẳng, thi thoảng mẹ lại đi ra ngoài cổng như tìm kiếm ai đó. Tôi thấy mẹ bất an có lẽ là do bà mới mất lại có sự lạ nên cũng không quá để tâm mà mắt dán vào phía linh đường của bà. Rạp chưa dựng xong thì mọi người không dựng nữa mà trai tráng thanh niên được phân công lên núi để chuẩn bị huyệt. Tám người khỏe mạnh ở lại để chuẩn bị khiêng quan lên.

Bà tôi đã được đặt trong quan tài, lúc này mọi người mới kéo vào để nhìn mặt bà nội lần cuối. Mọi người xếp thành hàng để đi qua nhìn vào trong quan. Đến lượt tôi thế mà nhìn vào tôi thấy một tờ giấy niệm vẫn trên mặt bà thế là tôi lấy tay vén lên. Thế nhưng còn chưa kịp nhìn thấy mặt bà thì bà Thõa đã gõ một cái vào tay tôi.

“Cái đứa này sao lại dám vén giấy niệm lên. Nhanh đi ra sau đi.”

Bà Thõa gương mặt căng cứng biến sắc, vừa nói vừa kéo tôi ra đằng sau bà nên tay tôi rụt lại chẳng may dính vào góc quan tài vạch ra một vết xước. Tôi vừa buồn vừa đau nên nước mắt lại càng tràn ra như mưa. Thấy tôi khóc mẹ lên vỗ về sau lưng tôi. Lúc này mọi người mới khoác áo tang và chít khăn tang lên đầu. Tôi ra bên phải linh cữu của bà quỳ xuống theo các chú thím.

Thím Lễ thì thầm bên cạnh tôi nói:

“Con chưa về làng mình bao giờ nên không biết phong tục của làng mình. Người mất vào giờ xấu sẽ phải che mặt lại không để người thân nhìn thấy nhất là cháu đời thứ ba.”

Tôi nhìn lên vẫn thấy họ hàng xa vẫn từng người từng người đi qua nhìn mặt bà nội tôi lần cuối. Nói là nhìn mặt thật ra chính là nghi lễ cuối cùng để người sống chào người chết để người khuất mặt để người ra đi không còn lưu luyến nữa. Thím tôi nhìn mọi người từng chút từng chút giải thích cho mấy đứa nhỏ chúng tôi nghe. Tôi yên lặng nhìn dòng người vẫn nuối tiếc muốn nhìn thấy bà lần nữa. Không biết có phải ảo giác hay không thế mà giữa mùa hè nóng bỏng tôi lai thấy sống lưng lạnh toát.

Bà Thõa nhìn ra ngoài cửa bất giác hô lên một tiếng:

“Đóng quan!”

Bốn người tám đinh, nhanh chóng gõ từng tiếng chát chúa cố định lại nắp quan tài. Tôi lao ra gào khóc muốn ngăn lại:

“Cho con nhìn mặt bà lần cuối, con còn chưa được nhìn thấy bà mà. Mọi người cho con nhìn đi.”

Tôi dùng hết sức lực lao ra nên cả mẹ tôi cô Lễ và thím Hoài người ôm eo người ôm vai không để tôi lại gần.

“Yến! Mẹ nói con phải nghe. Bà đi rồi. Con muốn bà không yên lòng mà đi hay sao?”

“Nhưng con còn chưa thấy bà mà.”

Tôi vừa nấc vừa khóc không lên tiếng mũi như ngẹt lại không thở nổi nữa.

Chú Chí bên ngoài chạy về báo với bà Thõa bên kia đã đào huyệt xong. Bà Thõa ra trước quan dặn dò mấy người khiêng quan theo hiệu lệnh của bà mà làm. Mọi người xoay quan. Phải xoay quan chín vòng mới được ra cửa. Bà Thõa hô lên, bốn người thanh niên lực điền khỏe mạnh xoay đủ chín cái rồi đặt quan lên hai chiếc ghế dài. Tiếp theo mọi người luồn dây chạc qua và đặt đòn khiêng xuyên qua chạc để chuẩn bị đưa quan đi.

Trời lúc này đã về tối, gần chín giờ tối thế nên mọi người làm vô cùng gấp gáp và nhanh chóng. Lúc này tôi đã ngừng khóc. Bởi vì sự việc quỷ dị diễn ra khiến cho cả nhà lẫn mọi người đều hoảng hồn. Quan tài thế mà lúc này lại tự động quay ngược.

Chú thích:

(Nội dung trong truyện là không có thật hoàn toàn dựa theo tưởng tượng và giấc mơ của mình, lưu ý không tin theo.)

*Trong lá trầu có chứa tinh dầu, trong hạt cau có chứa một chất là arecolin, chất này có tính độc. Không có vôi, miếng trầu không thể chuyển sang màu đỏ. Vôi là chất kiềm, khi tác dụng với arecolin sẽ chuyển thành arecaidin không độc mà có tác dụng gây hưng phấn, ấm áp, làm da mặt hồng hào, môi đỏ, chống cảm cúm, diệt khuẩn, giúp sạch miệng và làm chặt chân răng.

Lời tác giả: FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất vui được mọi người đọc và yêu thích truyện của mình. Link fb: https://www.facebook.com/tranthom1995/

Nhóm đọc truyện của mình: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/