Chương 2: Cau chảy máu

Tôi nghe tiếng thằng em họ gọi dậy, mũi nghẹt nghẹt mà mở mắt ra. Hóa ra tôi vẫn còn ở trong phòng ở nhà tôi. Không có đoàn tàu cũng không có cánh đồng nào hết. Nhưng dự cảm lại cho tôi biết, có lẽ, bà đã có chuyện không hay rồi.

Tôi không buồn lau đi nước mắt vẫn còn ướt át trên mặt mà vội vã cầm vào khuỷu tay của Hiếu.

“Hiếu có mang điện thoại không cho chị mượn.”

Hiếu đưa điện thoại của nó cho tôi, tôi cầm lên bấm số điện thoại của bố gọi. Tiếng chuông chờ vọng lại một hồi rồi lại một hồi càng khiến tôi sốt ruột.

“Alo, Hiếu à, chị Yến dậy thì mấy đứa ở nhà bác vài hôm…”

Tôi không còn kiên nhẫn nghe nữa mà ngắt ngang.

“Bố, con, Yến đây. Bố mẹ đi đâu thế? Bà đã khỏe chưa?”

Dường như không ngờ được là tôi gọi, bố im lặng một lúc lâu. Sau đó mới nói như cười.

“Bố mẹ với cô chú đưa bà về quê dưỡng bệnh. Bác sĩ nói bệnh này phải điều dưỡng tốt và tinh thần thoải mái mới mau khỏi. Bà bảo bà muốn về quê nên bố mẹ đưa bà về. Con ở nhà cùng Hiếu mấy hôm nữa bà khỏe bố mẹ đưa bà về.”

Tôi nghe thấy tiếng nấc nghẹn nho nhỏ của mẹ truyền ra từ điện thoại. Trong lòng tôi như hụt xuống một hố sâu thăm thẳm. Tự nhiên cả người tôi tựa như không còn một chút sức lực nào nữa, ngã ngồi xuống đất, tay cầm điện thoại run run, nước mắt lại một lần nữa chảy xuống. Tôi biết bố nói thế chỉ là nói dối thôi. Bởi vì mỗi lần nói dối bố đều nói bằng giọng như cười thế. Chỉ là bố không biết rằng dù bố có cố gắng khiến bản thân nhẹ nhàng và thanh thản thế nào cũng càng khiến lộ rõ có chuyện không ổn.

Lần trước ông nội mất, lúc đó bố cũng nói dối như vậy. Tôi không còn được nhìn thấy mặt ông nữa. Bố nói ông đã đi về quê trông nhà thờ và trông em cho chú Chí, nhưng tôi làm sao có thể tin được. Đã mười năm rồi tôi không gặp được ông nữa. Ông nói ở quê nội tôi không có cột sóng điện thoại, thế nên việc gọi điện thoại rất khó khăn. Hồi nhỏ tôi đã tin bố, cho đến khi tôi lên lớp 10. Có lẽ lúc đó tôi mới đủ lớn để hiểu rằng cả đời này tôi cũng không thể gặp được ông nữa rồi.

Lần này, bố cũng dụ dỗ tôi như thế. Tôi không tin nữa rồi.

“Bố, con muốn gặp bà một lần nữa…”

“Con ngoan ngoãn ở nhà chuẩn bị ôn bài cho kỳ thi đại học nhé. Bố mẹ sẽ đưa bà về sớm thôi.”

Cố gắng nín lại sự nghẹn ngào dâng lên trong ngực mà nói. Nhưng không đợi tôi nói hết thì đầu dây bên kia bố tôi nói vội rồi ngắt ngang. Tôi cố gắng gọi lại cho bố mẹ nhưng nhận lại chỉ là giọng nói đều đều vô cảm được cài đặt của nhà mạng. Hoặc là bố mẹ đã tắt máy, hoặc là bố đã vào trong làng rồi. Tôi nước mắt ngắn dài ngước lên nhìn thằng Hiếu.

Nó nhìn tôi trông vật vã cũng thở dài theo, sau đó nó gọi cho bố mẹ nó… cũng không thể liên lạc được.

“Chị yên tâm đi, bác bá nói vậy thì chị em mình cứ ở đây đợi. Mấy hôm nữa bác bá lại đưa bà nội về.”

Nó vừa dụ dỗ, an ủi tôi rồi đưa cho tôi mấy chiếc khăn giấy. Tôi lau nước mắt nhưng lau bao nhiêu lại tuôn ra bấy nhiêu. Cảm giác bí bách khó chịu này càng khiến tôi đau đớn hơn. Tôi ngồi trên bàn, tay quệt nước mũi đi vô tình chạm phải chiếc khuyên tai.

Không phải là mơ!

Tôi không đeo khuyên tai, thế nào mà đôi khuyên tai này lại chạy đến bên cạnh còn treo trên tai tôi rồi? Tôi nghi ngờ nhìn nó.

“Hiếu, sao em lại động vào đồ của bà nội. Em đeo cho chị bao gờ thế?”

Nhìn nét mặt ngớ ra của nó tôi thầm giật mình.

“Em không động vào đâu. Lúc đến chị đã ngủ rồi. Bác dặn em ở đây với chị. Bố mẹ em cũng bảo hai chị em ở nhà chị vài hôm rồi bố mẹ về.”

Tôi nghe vậy thì im lặng không biết nói gì, trong lòng suy nghĩ vẩn vơ. Tôi lau nước mắt. Quyết định.

“Chị em mình về quê nội đi. Chị e là bà…”

Không ngờ chưa đợi tôi nói hết nó đã đồng ý luôn.

“Chị chuẩn bị đồ đi, hai chị em mình đi. Thực ra em cũng có cảm giác bất an trong lòng, nhưng em không muốn nói. Bố mẹ cũng không cho em hỏi. Chỉ dặn em… Nhưng em nghĩ là chị em mình là cháu của bà, làm sao có thể không về khi bà mất, tiễn bà đoạn đường cuối cùng.”

Nghĩ là làm, tôi đập con lợn tiết kiệm lấy tiền bỏ vào trong balo, mang theo một ít đồ dùng cá nhân rồi hai chị em ra bến xe bắt. Thật ra từ lúc sinh ra tôi đã ở thành phố, chưa từng về quê nội. Mười tám năm nay đã nghe vô số chuyện ông bà kể về quê nội nhưng tôi lại chưa từng thực sự đặt chân đến đây. Hiếu thì khác, mỗi năm nó đều về quê nội một lần. Chỉ có năm nay là chưa về, nó nói đợi thi đại học xong sẽ cho nó về.

Trước đây không biết bao nhiêu lần tôi muốn trở về làng Hòe nơi tưởng chừng như thân thuộc lại vô cùng lạ lẫm. Làng Hòe hiện lên trong mỗi câu chuyện của bà, của ông vô cùng chân thực. Qua lời kể tôi tưởng mình đã được đi trên con đường lát đá cổ xanh ngọc, được ngắm nhìn những ngôi nhà cổ trong lành, an yên giữa chốn núi rừng tĩnh lặng, được lắng nghe tiếng chim thể quyên hót ríu rít mỗi sớm mai.

Ai biết được lần đầu tiên tôi về làng lại là một nỗi ưu thương u hoài như thế. Mặc kệ trước đây tôi đòi về quê nội bao lần cũng không ai cho tôi đi. Nhưng bây giờ tôi đã mười tám tuổi, đã có quyền công dân và tự quyết cho cuộc đời của mình.

Hai đứa vác ba lô trên lưng đi ra bến xe. Nó như ngựa quen đường cũ lôi kéo tôi đi qua những dãy xe đông đúc, cuối cùng bước lên một chiếc xe màu hồng to lớn năm mươi chỗ ngồi.

“Lần đầu chị đi xe về quê ngồi ghế đầu đi. Ngồi bên này dễ nhìn cảnh vật. Chứ về đấy đường ổ voi ổ gà dễ say lắm.”

“Ừ.”

Tôi chỉ bỏ lại một câu rồi nhanh chóng ngồi lên ghế đầu bên trong - nơi mà thằng Hiếu cho rằng dễ dàng ngắm cảnh và sẽ bớt say hơn. Hình ảnh bà giống như một thước phim tua lại trong đầu tôi. Đâu đâu cũng là bà nội, nụ cười, ánh mắt và cả nhưng câu chuyện cổ tích mà bà thường kể cho tôi nghe.

Cứ thế xe đã lăn bánh, chẳng biết đi được bao lâu, trời lúc này đã về chiều. Đồng hồ chỉ ba giờ rưỡi chiều thì xe rẽ vào một đoạn đường nhựa rất nhiều ổ voi. Tôi bị những cú xóc nảy đưa trở về thực tại. Mới buổi sáng trời còn trong xanh, nắng gắt mà bây giờ trời lại âm u đen kịt như thể muốn đón một cơn mưa.

“May mà em mang ô theo. Lần nào về đây cũng mưa.”

“Ừ!”

Tôi ngước lên trời xem những đám mây đen cuồn cuộn đáp vô thức. Hai bên đường là dãy dài toàn là rừng vầu cao vút. Suy nghĩ của tôi lại trôi đi như thể chẳng ở bên người nữa.

“Chị Yến! Chị Yến! Chuẩn bị xuống xe thôi!”

Tôi bị thằng Hiếu vỗ vỗ vào vai mới bừng tỉnh. Đeo balo ở trong lòng lên vai chuẩn bị xuống xe. Hai đứa xuống xe xong, tôi nhìn vào con đường đất xuyên hun hút vào trong rừng vầu, lại bị cơn gió lạnh thốc vào người rùng mình một cái. Trong tâm trí tôi dường như có một cái gì đó thúc đẩy, kêu gọi tôi mau đi vào con đường đất này. Bên đối diện cũng có một con đường đất, thế nhưng tôi lại vô thức bước vào bên trong. Thằng Hiếu thấy tôi băng qua đường đi về phía này bèn nói:

“Sao chị lại biết là ở đường này?”

Nó nhìn tôi kinh ngạc. Tôi cũng không biết tại sao và trả lời nó thế nào. Mất vài giây định hình tôi nói.

“Chắc là do linh cảm.”

“Đi thêm hơn một cây nữa là vào đến cổng, sau đó thì đi thêm tầm hai cây nữa là đến nhà chú Tín. Chắc là bà đang… ở đó.”

Nó cẩn thận nói cho tôi nghe. Trời ngày càng tối như mưa có thể bất cứ lúc nào xối vào chúng tôi. Gió bắt đầu thổi mạnh như cuồng phong khiến mái tóc hơi rối của tôi càng thêm rối bời. Thằng Hiếu kéo tay tôi chạy như điên về phía cổng làng.

Tôi bị nó kéo chạy hộc tốc thở không ra hơi chẳng mấy chốc đã thấy cổng làng Hòe. Nhìn cổng làng cổ kính đồ sộ kiểu kiến trúc thời phong kiến lại có hai chữ hán hay nôm gì đó lại tăng thêm phần hoài cổ hơn. Mặc dù không dịch được nhưng tôi cũng có thể đoán được có lẽ đó là hai chữ “làng Hòe”. Bên cạnh cổng làng là một cây hòe cổ thụ xanh rì không biết bao nhiêu năm tuổi. Chỉ biết nhìn gốc cây dễ có đến bốn năm người nối tay nhau mà ôm mới hết. Gốc cây hòe như một người khổng lồ vươn mình ôm lấy chiếc cổng cổ kính kia.

Cổng theo kiểu kiến trúc thời xưa có ba lối vào. Một lối chính to và hai lối phụ hai bên. Ở dưới cổng có thể thoải mái tránh mưa. Hai đứa chúng tôi chạy vào trú trong đó. Nhưng vừa mới vào đến nơi chưa được bao lâu thì bên ngoài gió ngừng thổi, mây tan dần để lộ ánh mặt trời le lói. Thế mà trời lại không mưa.

Bây giờ đã là hơn bốn giờ rưỡi. Tôi nhìn Hiểu thúc giục.

“Nhanh lên, đi về nhà chú Tín đi.”

Chú Tín dù cũng là chú tôi nhưng tôi mới gặp chú bảy tám lần. Đó là lúc chú lên nhà tôi chơi và đưa thím Hoài lên khám bệnh. Chú thím hiếm muộn đã lâu, chú năm nay cũng đã gần bốn mươi, thím cũng thế. Hai người mong ngóng có một mụn con mà chạy chữa, vay mượn bao nhiêu nơi cũng không được. Năm nay chú thím vừa mới lên nhà tôi hồi tháng tư, giờ tôi mới có dịp về nhà cô chú.

Tôi và Hiếu vội vã đi trên đường. Cảnh vật trong làng Hòe giống như trong tưởng tượng của tôi qua lời bà kể. Đường trong ngõ ngoài làng Hòe được lát bằng thứ đá xanh như ngọc nhưng bề mặt thì tương đối nhám. Ở hai bên đường mặt đá bóng hơn như được đời đời người dân ở đây mài mòi bằng đi lại vậy.

Hai bên nhà thuộc kiểu nhà thời xưa. Kiểu kiến trúc mà hiện tại tôi chỉ còn thấy trong phim ảnh và sách giáo khoa. Mái ngói màu xám, có chỗ thì đã bị rêu úa phủ đầy mái. Đa phần nhà ở đây đều làm bằng gỗ. Một số ngôi nhà có thêm sự góp mặt của kiểu xây từ xi măng hiện đại nhưng chiếm không nhiều. Có thể nói nơi đây vẫn giữ được gần như toàn vẹn lối kiến trúc cổ xưa.

Lạ một điều đó là mọi người ở đây vẫn mặc áo tứ thân. Mới đầu nhìn vài người tôi còn tưởng là do sở thích nhưng càng đi tôi lại càng thấy mọi người nhìn hai đứa tôi như sinh vật lạ, không ngừng chỉ trỏ bàn tán.

Thằng Hiếu bỗng nhiên dừng khựng lại vỗ bốp cái vào trán.

“Thôi chết, em quên mất cái quan trọng. Trước khi vào làng phải thay quần áo tứ thân. Tục lệ ở đây không cho ăn mặc những đồ như thế này đâu.”

“Nếu không mặc thì bị làm sao?”

Tôi ngạc nhiên hỏi, chân cũng dừng lại theo nó.

“Em cũng không biết nữa. Nhưng thôi lỡ vào rồi thì cứ đến nhà chú rồi tính sau đi.”

Tôi gật đầu tán đồng. Đang định đi tiếp thì bỗng nhiên có âm thanh phụ nữ dễ nghe vang lên.

“Hiếu, cháu về khi nào sao không bảo bố mẹ ra đón. Ăn mặc kiểu gì thế kia?... A, đây là… Yến… nhà chú Nhân sao? Sao hai đứa lại về sau thế?”

“Cháu chào thím/Cháu chào thím.”

Đúng là thím Hoài rồi. Thím nghi hoặc nhìn tôi rồi lại như có điều gì băn khoăn. Thím vò tay vào áo rồi vội kéo hai đứa vào một cửa hàng may ở gần đó. Một tay thím cầm chiếc giỏ đan bằng nan tre một tay thì lôi tôi vào bên trong.

“Hai đứa thay tạm một bộ quần áo vào. Đi theo thím.”

Hiếu ra hiệu cho tôi thay nhanh chóng rồi đi vào bên trong thay đồ. Tôi nhìn thím mặc một bộ màu đen thuần, tôi cũng chọn một bộ màu sắc tương tự. Khi bước ra ngoài, Hiếu cũng chọn một bộ màu đen. Tôi đội mấn đen trên đầu rồi hai đứa vội bước ra trước mặt thím Hoài.

“Cháu xong rồi đây ạ.”

“Nhanh, hai đứa đi theo thím đã, tý nữa đi về sau.”

Chúng tôi đi theo thím mà chẳng kịp hỏi gì thím đã vồn vã nói.

“Giờ đến nhà bà Thõa đầu làng để xem bói. Bà mất rồi giờ phải xem giờ niệm rồi xem ai cần tránh hay không. Hai đứa đi cùng thím rồi lát nữa mua một ít đồ về nữa. Ở nhà mọi người ai cũng bận rối lên rồi, hai đứa về mọi người không biết lại không sắp xếp được. Cứ đi theo thím.”

Tôi nghe thím nói mà như sét đánh ngang tai. Tôi linh cảm bà đã mất nhưng khi nghe thím nói thế thì trong lòng tôi vẫn không tránh được như hụt mất một hơi trong lòng. Tôi cứ thế thất thần, nước mắt chảy tí tách đi theo thím. Thằng Hiếu ở một bên kéo lấy tay tôi đi nửa dìu. Nhìn tôi khóc thế này, nó cũng nghèn nghẹn mắt đỏ ửng lên sụt sịt.

Đi về phía đầu làng sau đó rẽ vào một ngõ bên phải. Điện nhà bà Thõa nghi ngút khói hương. Căn nhà gỗ cổ điển lại càng khiến cho khung cảnh thêm âm u rờn rợn, mịt mờ sương khói, tỏa ra hơi thở tâm linh.

Chúng tôi còn chưa kịp bước vào trong nhà, bà Thõa đã nói:

“Mang quả cau lại đây.”

Thím tôi răm rắp mang quả cau đã chuẩn bị sẵn đưa cho bà Thõa. Bà đặt quả cau lên ban thờ, thím tôi thì đặt lễ, tiền lên ban. Xong xuôi bà Thõa ngồi xuống ở chiếu giữa nhà, khấn vái xong thì quay ra nhìn thím tôi.

Thím tôi dường như đã quen với cách làm của bà Thõa nên đến ngồi cạnh. Trên chiếc mâm bạc đặt một chiếc dao có lẽ cũng bằng bạc. Bà Thõa nhìn như một phụ nữ trung niên tầm hơn bốn mươi tuổi, mày mắt được trang điểm tỉ mỉ và có vẻ đồng bóng. Bà chỉ cho chúng tôi ra hiệu cho hai đứa cũng ngồi xuống bên cạnh.

Vừa ngồi xuống, bà Thõa chắp tay lẩm bẩm gì đó rồi lấy con dao bạc sắc bén kia bổ đôi quả cau ra.

Cục!

Mũi con dao chạm xuống khay bạc kêu lên một tiếng. Bà Thõa nhìn thấy quả cau bổ làm đôi ngã ngửa ra đằng sau. Tôi nhìn vào trong khay, tim đập thình thịch hít vào một hơi sâu căng cứng cả ngực. Thế mà trong khay lại là một quả cau đang…

Chảy máu!

Lời tác giả: FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất vui được mọi người đọc và yêu thích truyện của mình. Link fb: https://www.facebook.com/tranthom1995/