Chương 8: P1- C8: Mẹ già Malkin

Quay trở lại nhà Thầy Trừ Tà, tôi bắt đầu thấy lo lắng, nhưng càng suy nghĩ nhiều về điều này bao nhiêu, đầu óc tôi càng thêm mơ hồ bấy nhiêu. Tôi biết thầy sẽ nói gì. Thầy sẽ quẳng mấy chiếc bánh đi rồi giảng giải cho tôi một thôi một hồi về các loại phù thủy và về những vấn đề rối rắm sẽ mắc phải với những cô gái đi giày mũi nhọn.

Nhưng thầy đang không có đây nên chuyện này sẽ không xảy ra. Có hai điều khiến tôi phải đi vào đêm đen trong khu vườn phía Đông, nơi thầy giam giữ các phù thủy. Điều thứ nhất là lời tôi đã hứa với Alice.

“Chớ bao giờ buông lời hứa hẹn mà con không định giữ lời,” bố tôi vẫn thường bảo tôi thế. Vậy nên tôi không còn nhiều lựa chọn. Bố đã dạy cho tôi những điều phải quấy, và vì tôi là người học việc của Thầy Trừ Tà, không có nghĩa là tôi phải thay đổi toàn bộ phong cách.

Thứ hai là, tôi không đồng tình với việc giam giữ một lão bà như tù nhân trong một cái lỗ dưới lòng đất. Dường như làm thế với một mụ phù thủy đã chết nghe ra còn có lý, nhưng với một tên còn sống thì không. Tôi nhớ mình từng thắc mắc mụ ta đã phạm tội ác tày đình nào để rồi bị đối xử như thế.

Đem cho mụ ấy ba chiếc bánh thì có hại gì đâu? Tất cả chỉ là một chút an ủi từ gia đình mụ ta giúp mụ chống chọi với cái lạnh và sự ẩm ướt thôi mà. Thầy Trừ Tà đã bảo tôi phải tin vào trực giác của mình, và sau khi cân nhắc mọi điều, tôi thấy rằng mình sẽ làm điều đúng đắn.

Vấn đề duy nhất là tôi phải tự mình mang bánh đi, ngay lúc nửa đêm. Đến khi đấy thì trời đã tối quá rồi còn đâu, nhất là khi ta không nhìn thấy ánh trăng nào.

Tôi xách chiếc làn tiến vào trong khu vườn phía Đông. Trời tối thật, nhưng không đến nỗi tối đen như tôi tưởng. Một là, mắt tôi trước giờ vẫn rất tinh nhạy vào ban đêm. Mẹ tôi luôn nhanh nhạy trong bóng tối và tôi nghĩ mình thừa hưởng điều này từ mẹ. Và còn vì lẽ khác nữa, đêm ấy trời quang không chút mây và ánh trăng giúp cho tôi phân biệt được lối đi.

Khi tôi bước qua rặng cây, không khí bỗng dưng trở lạnh hơn làm tôi thốt rùng mình. Lúc đến được nấm mồ đầu tiên, cái có dải đá cuội và mười ba thanh kim loại ấy, tôi cảm thấy còn lạnh hơn nữa. Đấy là nơi mụ phụ thủy đầu tiên bị chôn. Mụ ta pháp lực yếu ớt, sức mạnh chẳng còn là bao, hay chí ít đấy là những gì Thầy Trừ Tà đã bảo. Ở đấy chẳng có gì phải lo lắng cả, tôi tự nhủ, lòng cố gắng hết sức để tin vào điều này.

Quyết định đem bánh cho Mẹ Malkin vào ban ngày là một lẽ, nhưng giờ đây, xuống tận khu vườn này ngay lúc nửa đêm, tôi không thấy chắc chắn nữa. Thầy Trừ Tà đã bảo tôi phải tránh rõ xa sau khi màn đêm buông xuống cơ mà. Thầy đã cảnh cáo tôi không chỉ một lần nên đấy phải là một luật lệ quan trọng, ấy vậy mà giờ đây tôi đang phạm ngay luật ấy.

Có những tiếng động xa xăm văng vẳng quanh đây. Những âm thanh xào xạc và răng rắc chắc là chẳng có gì, chỉ là những con thú nhỏ bị tôi quấy nhiễu trên đường thôi, nhưng chúng nhắc cho tôi nhớ rằng mình không có quyền hiện diện nơi đây.

Trước kia thầy Trừ Tà từng nói phía trước khoảng hai mươi bước chân, có hai mụ phù thủy bị chôn, thế là tôi cẩn thận đếm ra tiếng mỗi bước. Hai mươi bước dẫn tôi đến ngôi mộ thứ hai giống hệt ngôi đầu tiên. Tôi tiến đến gần hơn, để đoan chắc. Có những thanh sắt và ngay bên dưới là mặt đất, loại đất được nén rất chặt và không có lấy được một ngọn cỏ. Mụ phù thủy này tuy đã chết nhưng vẫn còn nguy hiểm. Đây là mụ bị chôn thẳng đầu xuống đất. Thế có nghĩa là đế giày trên chân mụ ta chỉ nằm đâu đó ngay dưới lớp đất ấy thôi.

Vừa nhìn đăm đăm vào ngôi mộ, tôi vừa nghĩ mình đã trông thấy thứ gì đó di chuyển. Một thứ cọng cỏ gì đấy; hay chắc chỉ là do tôi tưởng tượng, hay có lẽ là thú nhỏ – một chú chuột nhắt hay chuột chù hay gì đấy. Tôi nhanh nhẹn bước tiếp. Giả như ấy là một ngón chân thì sao nhỉ?

Bước thêm ba bước nữa là tôi đến cái nơi mình đang tìm đến – chẳng còn gì phải nghi ngờ. Lại cũng thế, nơi này có một viền đá cuội và mười ba thanh cọc sắt. Nhưng cũng có thêm ba điểm khác biệt nữa. Thứ nhất, khu vực đất bên dưới những thanh cọc có hình vuông chứ không phải là hình chữ nhật. Thứ hai, ngôi mộ này to hơn, mỗi cạnh khoảng bốn sải chân. Thứ ba, bên dưới những thanh cọc sắt không có nền đất nện nào cả, mà chỉ có một lỗ đen đào xuống lòng đất.

Tôi dừng bước và cẩn thận lắng nghe. Cho tới lúc này vẫn không có nhiều tiếng động là mấy, chỉ là những âm thanh xào xạc xa xăm của những sinh vật sống về đêm và tiếng cơn gió thoảng nhẹ. Nhẹ đến nỗi tôi không mấy nhận thấy. Nhưng tôi lại nhận biết được khi gió ngừng bặt. Đột nhiên vạn vật trở nên cực kỳ tĩnh lặng và khu rừng im ắng lạ kỳ.

Bạn thấy đấy, nãy giờ tôi đã căng tai ra, cố nghe lấy động tĩnh của mụ phù thủy, còn bây giờ tôi cảm giác được mụ ta đang lắng tai nghe lấy tôi.

Sự im lặng dường như cứ kéo dài mãi không thôi, cho đến khi, bất thình lình, tôi chú ý đến một tiếng thở ra mơ hồ từ lòng hố. Chẳng hiểu vì sao âm thanh ấy làm người ta như muốn cử động được, thế là tôi tiến thêm vài bước cho đến khi đứng ngay trên mép hố, một đầu ủng của tôi thậm chí còn chạm vào viền đá cuội.

Đến lúc ấy tôi nhớ đến vài điều mà Thầy Trừ Tà từng bảo với tôi về Mẹ Malkin....

“Hầu hết sức mạnh của mụ đã ngấm rỉ vào lòng đất hết rồi, nhưng mụ rất muốn bắt được một anh chàng như con đấy.”

Vậy nên tôi lùi lại một bước – không quá xa, nhưng những lời của Thầy Trừ Tà đã khiến tôi suy nghĩ. Thế nếu như có một bàn tay thò ra khỏi hố tóm lấy mắt cá chân tôi thì sao đây?

Lòng những muốn làm cho xong chuyện này cho rồi, tôi khẽ gọi vọng xuống lòng hố tối đen. “Mẹ Malkin này,” tôi gọi. “Cháu có đem đến chút quà cho bà đây. Là một món quà từ gia đình bà đấy. Bà có đó không? Bà nghe thấy chứ?”

Không có tiếng trả lời, nhưng nhịp hít thở dưới lòng đất kia có vẻ như gấp gáp hơn. Vậy là vì chẳng muốn phí thêm thời gian nữa và lòng chỉ muốn được quay trở lại căn nhà ấm cúng của thầy, tôi cho tay vào làn và lần tìm dưới tấm khăn phủ. Tay tôi chộp lấy một trong những chiếc bánh. Có cảm giác mềm mềm, ướt át và hơi dinh dính. Tôi lôi chiếc bánh ra, giơ nó lên trên mấy thanh sắt.

“Chỉ là chiếc bánh thôi ạ,” tôi nhẹ nhàng bảo. “Cháu hy vọng nó sẽ làm bà thấy khỏe hơn. Đêm mai cháu sẽ mang cho bà một chiếc khác.”

Dứt lời, tôi buông tay thả chiếc bánh rơi vào lòng hố tối đen.

Lẽ ra tôi phải quay vào nhà ngay, nhưng tôi đã nấn ná lại thêm vài giây để nghe ngóng. Tôi không biết mình trông chờ nghe thấy gì, nhưng đấy là một sai lầm.

Dưới lòng hố có tiếng di chuyển, như thể có thứ gì đó đang lê mình trên nền đất. Và rồi tôi nghe thấy tiếng mụ phù thủy bắt đầu ăn bánh.

Tôi từng nghĩ một trong những anh trai của mình hay gây ra những tiếng động khó chịu trên bàn ăn, nhưng âm thanh này nghe còn dễ sợ hơn bội lần. Nghe còn đáng kinh hơn tiếng mấy con lợn lông lá nhà chúng tôi khi chúng sục mõm vào xô rau heo, âm thanh ấy như một sự pha trộn giữa tiếng khùng khục, khụt khịt, nhồm nhoàm lẫn với tiếng hít thở khò khè. Tôi không rõ là mụ ta có thích chiếc bánh hay không, nhưng chắc chắn là mụ đã gây ra lắm tiếng ồn vì chiếc bánh ấy.

Đêm hôm ấy, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Đầu óc tôi cứ suy nghĩ hoài đến cái hố tối đen và lo lắng là tối mai mình phải ghé đến đấy nữa.

Tôi cố lắm mới xuống ăn sáng vừa kịp giờ, món thịt muối cháy đen còn bánh mì đã hơi cũ mốc. Không thể hiểu được vì sao lại như thế – mới hôm qua thôi tôi vừa đem về bánh mì mới nguyên từ tiệm bánh cơ mà. Có thể nào là do ông kẹ nổi giận với tôi? Thế nó có biết tôi đã làm gì không? Phải chăng nó làm hỏng món điểm tâm như là một kiểu cảnh cáo nào đấy?

Làm lụng trong nông trại rất cực nhọc nhưng tôi đã quen như thế rồi. Thầy Trừ Tà không giao lại cho tôi nhiệm vụ nào, vậy nên tôi chẳng có việc gì để làm cho hết ngày cả. Tôi có leo lên thư viện, bụng bảo dạ rằng chắc thầy cũng chẳng phiền gì đâu nếu tôi tìm được thứ gì hữu ích mà đọc, nhưng thất vọng thay, cửa thư viện đã bị khóa.

Thế thì tôi còn làm được gì khác hơn là đi dạo cơ chứ? Tôi quyết định đi thám hiểm vùng đồi đá, thoạt tiên là leo lên Mỏm Parlick; leo lên đến đỉnh rồi, tôi ngồi xuống chóp đá mà chiêm ngưỡng toàn cảnh.

Hôm nay là một ngày sáng sủa quang đãng, và từ trên cao này tôi có thể nhìn thấy toàn Hạt trải rộng bên dưới, xa xa mãi tận hướng Tây Bắc kia là vùng biển mang màu xanh xanh lấp lánh gọi mời. Những rặng đồi đá dường như nối tiếp trập trùng mãi không ngơi, mấy ngọn đồi to lớn mang những cái tên như Đồi Chảo Hơi hay Đồi Quán Thịt – thật nhiều thật nhiều đến nỗi tưởng chừng như phải mất hết cả đời mới khám phá hết được.

Gần ngay bên là Đồi Chó Sói, cái tên ấy khiến tôi tự hỏi không biết trong khu vực ấy có thực có chó sói hay không. Chó sói có thể rất nguy hiểm, và người ta bảo rằng vào mùa đông, khi thời tiết trở lạnh, nhiều khi chúng đi săn theo đàn. Mà thôi, giờ là mùa xuân mà, dĩ nhiên tôi không nhìn thấy dấu vết gì của chúng cả, nhưng thế cũng không có nghĩa là nơi đó không có chó sói. Điều này làm tôi nhận ra rằng việc đi đến mấy rặng đồi đá này sau khi màn đêm buông xuống sẽ thật đáng sợ lắm đây.

Cũng chẳng đáng sợ bằng việc đem thêm chiếc bánh nữa cho Mẹ Malkin đâu, tôi định bụng, và chẳng mấy chốc mặt trời bắt đầu lặn về phía Tây, buộc tôi phải leo xuống quay lại Chipenden.

Một lần nữa, tôi thấy mình mang chiếc làn đi xuyên bóng tối trong khu vườn. Lần này tôi quyết định hoàn thành thật chóng. Chẳng bỏ phí chút thời gian nào, tôi thả chiếc bánh dinh dính thứ hai qua những thanh sắt xuống hố đen.

Quá muộn rồi, ngay khi chiếc bánh thứ hai rời khỏi mấy ngón tay, tôi mới nhận ra một điều khiến tim mình tê tái.

Những thanh sắt bên trên miệng hố đã bị bẻ cong. Đêm qua chúng còn thẳng tắp cơ mà, toàn bộ mười ba thanh cọc sắt cắm song song với nhau ấy. Còn bây giờ, những thanh chính giữa đã bị bẻ ra, gần như đủ rộng cho một đầu người chui qua.

Mấy thanh sắt này chắc hẳn phải được bẻ bởi ai đó bên ngoài, ai đó đứng trên mặt đất, nhưng tôi không tin chắc lắm. Thầy Trừ Tà từng bảo rằng ngôi nhà cùng những khu vườn được canh gác cẩn thận và không ai có thể lẻn vào được. Thầy không nói căn nhà được canh gác ra sao và cái gì canh gác nó, nhưng tôi đoán có lẽ là nhờ mấy ông kẹ nào đó. Có lẽ là cùng một ông kẹ đã nấu ăn ấy.

Thế thì phải là do mụ thù thủy làm thôi. Bằng cách nào đó mụ đã leo lên theo thành hố và bắt đầu bẻ cong mấy thanh sắt. Thốt nhiên, sự thực về những gì đang diễn ra lóe lên trong trí tôi.

Tôi đã quá ngu xuẩn! Mấy chiếc bánh đã làm cho mụ ấy mạnh hơn.

Tôi nghe thấy tiếng mụ dưới bóng tối kia, bắt đầu ăn chiếc bánh thứ hai, gây ra những âm thanh nhồm nhoàm, khụt khịt, khùng khục như hôm trước. Tôi vội vã rời khỏi rừng cây và quay trở vào nhà. Theo như những gì tôi biết thì mụ ta thậm chí chắc cũng chẳng cần đến chiếc bánh thứ ba làm gì.

Thêm một đêm thức trắng nữa và tôi đã hạ quyết tâm. Tôi quyết định đi tìm gặp Alice, trả lại cho cô gái chiếc bánh cuối cùng và giải thích cho cô hiểu vì sao mình không thể giữ lời hứa.

Trước hết, tôi phải tìm ra cô đã. Ngay sau bữa điểm tâm, tôi đi thẳng vào rừng, nơi chúng tôi gặp nhau lần đầu, rồi tôi đi xuyên qua rừng đến tận ven rừng bên kia. Alice từng nói cô sống “ở đằng xa kia” nhưng chẳng thấy bóng dáng ngôi nhà nào cả, chỉ có những ngọn đồi thâm thấp cùng thung lũng, xa xa kia lại thêm những cánh rừng khác.

Nghĩ rằng nếu hỏi thăm đường thì sẽ nhanh hơn, thế là tôi đi thẳng vào làng. Ngạc nhiên thật vì có rất ít người qua lại, nhưng đúng như tôi dự đoán, có vài tay thanh niên lảng vảng gần tiệm bánh mì. Có vẻ như đây là địa điểm tụ tập yêu thích của bọn họ. Chắc là họ thích mùi bánh mì. Tôi biết mình cũng rất thích. Mùi bánh mì mới ra lò là mùi tuyệt nhất trên đời.

Đám thanh niên này trông chẳng thân thiện gì lắm, dù lần trước khi gặp nhau, tôi đã cho mỗi người một chiếc bánh và một quả táo. Chắc có lẽ là do lúc này tay đầu sỏ mắt heo ti hí ấy đang ở cùng bọn họ. Nhưng dù sao, bọn họ vẫn lắng nghe những gì tôi cần nói. Tôi cũng chẳng hỏi chi tiết lắm – chỉ bảo với họ rằng tôi cần phải tìm thấy cô gái mà cả bọn chúng tôi từng gặp ở mé rừng.

“Tao biết con bé ở đâu đấy,” tay to con lên tiếng, mắt quắc lên dữ tợn, “nhưng mày ngốc lắm nếu muốn đến đó.”

“Sao vậy?”

“Thế mày không nghe thấy con bé nói gì à?” hắn ta hỏi lại, nhướng cả mày lên. “Nó bảo Lizzie Xương Xẩu là dì của nó đấy.”

“Lizze Xương Xẩu là ai thế?”

Bọn họ nhìn nhau rồi lắc đầu như thể tôi bị mất trí. Tại sao ai ai cũng có vẻ như đã từng nghe tên mụ ta rồi, chỉ mình tôi không biết gì cả thế nhỉ?

“Lizze và bà ngoại của mụ ta đã ở đây suốt mùa đông trước khi Gregory đến dẹp yên bọn chúng. Bố tao khi nào cũng huyên thuyên bất tận về mấy con mụ ấy. Bọn chúng là những mụ phù thủy đáng sợ nhất từng xuất hiện trong những khu vực này. Vả lại bọn chúng sống cùng một thứ gì đấy cũng đáng sợ không kém. Thứ ấy trông như con người nhưng lại rất to lớn, răng nhiều đến mức không nhét hết được vào mồm. Đấy là những gì ông già tao bảo. Ông bảo rằng thời ấy, suốt cái mùa đông dằng dặc ấy, người ta chẳng bao giờ ra ngoài khi trời tối. Mày sẽ là loại thầy trừ tà thế nào đây nếu như mày chưa từng nghe đến tên Lizzie Xương Xẩu nhỉ?”

Tôi chẳng thích cái giọng điệu trong câu cuối ấy một chút nào. Tôi nhận ra mình đã rất ngu xuẩn. Giá như tôi kể với Thầy Trừ Tà về cuộc nói chuyện cùng Alice thì hẳn thầy đã biết chuyện mụ Lizzie quay trở lại và thầy sẽ ra tay chấn chỉnh chuyện này.

Theo như lời bố của tay to béo, Lizze Xương Xẩu từng sống trong một trang trại cách nơi của Thầy Trừ Tà ba dặm về phía Đông Nam. Hàng năm trời nay nông trại ấy đã bị bỏ hoang và chẳng có ai bén mảng đến. Thế thì khả năng cao nhất là mụ ta đang trú tại đấy. Tôi thấy như thế có vẻ là đúng, vì đó là hướng mà Alice đã chỉ.

Ngay khi ấy, một nhóm người mặt mày u ám bước ra khỏi nhà thờ. Họ lẻ tẻ theo chân nhau quành qua góc phố và thẳng bước đi lên đồi về phía những rặng đồi đá, dẫn đầu đám người là viên cha xứ trong làng. Bọn họ đều mặc quần áo dày ấm và nhiều người còn mang theo cả gậy chống đi đường.

“Chuyện ấy là thế nào thế?” tôi hỏi.

“Tối qua có một đứa bé đi lạc,” một trong mấy tay thanh niên vừa nhổ toẹt xuống mặt đường đá cuội vừa đáp. “Đứa bé mới ba tuổi. Người ta cho là thằng bé đi lang thang lên trên ấy. Mà này, đấy không phải là thằng bé đầu tiên đâu nhé. Hai ngày trước, một đứa bé khác biến mất khỏi nông trại trên Rặng Núi Dài. Đứa bé ấy còn chưa biết đi, nên hẳn là nó đã bị cắp đi. Người ta nghĩ chắc là do đám chó sói. Mùa đông vừa rồi khắc nghiệt quá khiến đám chó sói phải quay về đấy.”

Đường đi người ta chỉ cho tôi hóa ra lại khá tốt. Ngay cả khi tôi phải đi ngược về nhà để lấy chiếc làn của Alice, tôi cũng chỉ mất chưa tới một tiếng đồng hồ đến khi nhà của Lizzie hiện ra trước mặt.

Đến khi ấy, dưới ánh mặt trời rực rỡ, tôi nhấc tấm khăn phủ lên, nhìn vào chiếc bánh cuối cùng. Chiếc bánh có mùi rất kinh nhưng trông nó còn ghê hơn nữa. Hình như bánh được làm từ những mảnh vụn bánh mì và thịt, thêm những thứ khác nữa mà tôi không thể nhận biết là gì. Chẳng có nguyên liệu nào được nấu chín, mà chỉ như là được nén lại với nhau. Thế rồi tôi nhìn thấy thứ còn kinh khủng hơn. Có những thứ nho nhỏ trăng trắng bò bò quanh chiếc bánh trông như lũ giòi.

Tôi rùng mình, lấy tấm khăn phủ che chiếc bánh lại rồi đi xuống đồi, tiến về phía nông trại bị bỏ hoang. Những thanh hàng rào đã gãy hết, chuồng cỏ mất cả nửa chiếc mái và không thấy có dấu hiệu của thứ gia súc nào.

Nhưng lại có một điều làm tôi thật sự lo lắng. Khói đang tỏa ra từ ống khói căn nhà. Thế có nghĩa là ai đó đang ở nhà, và tôi bắt đầu thấy lo lắng về cái thứ gì đấy có rất nhiều răng không nhét hết vào mồm.

Tôi đã trông đợi gì đây? Mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Làm thế quái nào tôi có thể nói chuyện được với Alice mà không bị những thành viên khác trong gia đình cô gái trông thấy chứ?

Khi dừng bước bên sườn đồi, cố gắng suy nghĩ cho ra bước tiếp theo nên làm gì, thì rắc rối đã tự thân nó được giải quyết. Một dáng người mảnh mai màu đen đi ra từ cửa sau của ngôi nhà và bắt đầu leo ngược lên đồi, tiến thẳng đến chỗ tôi. Là Alice – nhưng làm sao cô lại biết tôi đến đây nhỉ? Ngăn giữa tôi và ngôi nhà là những rặng cây cơ mà, vả lại cửa sổ của căn nhà còn quay mặt về hướng khác.

Dù là thế, cô gái không chỉ là tình cờ leo lên đồi. Cô bước thẳng đến chỗ tôi rồi dừng cách tôi chừng năm bước.

“Cậu muốn gì?” cô rít lên. “Cậu đến đây là ngốc lắm đấy nhé. May cho cậu là mấy người trong nhà ngủ cả rồi.”

“Tớ không thể làm theo những gì cậu bảo được,” tôi đáp, đồng thời chìa chiếc làn ra cho cô.

Cô gái khoanh tay trước ngực và cau mày. “Tại sao lại không?” cô lên giọng như ra lệnh. “Cậu đã hứa rồi, phải không nhỉ?”

“Cậu đã không bảo cho tớ nghe là chuyện gì sẽ xảy ra,” tôi đáp. “Bà ta đã ăn được hai chiếc bánh rồi và bánh làm cho bà ta mạnh hơn. Bà ta đã bẻ cong hai thanh sắt trên miệng hố. Thêm một chiếc bánh nữa rồi bà ta sẽ thoát ra ngoài và tớ nghĩ cậu biết rõ điều này. Chẳng phải đấy là dụng ý từ lúc ấy đến nay sao?” Tôi lớn tiếng buộc tội, trong lòng bắt đầu cảm thấy giận dữ. “Cậu đã gạt tớ, thế nên lời hứa này không còn giá trị nữa.”

Cô gái tiến thêm một bước đến chỗ tôi, nhưng giờ đây cơn giận của cô đã được thay thế bằng thứ tình cảm khác. Đột nhiên cô trông khiếp sợ.

“Đấy không phải chủ ý của tớ. Họ bắt tớ làm đấy chứ,” cô gái trả lời, khoát tay ra hiệu về phía ngôi nhà trong trang trại. “Nếu cậu không làm như cậu hứa thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn cho cả hai chúng ta. Năn nỉ đấy, đưa cho bà ấy chiếc bánh thứ ba đi. Làm như thế thì có hại gì nào? Mẹ Malkin đã trả giá cho tội của mình rồi. Đã đến lúc phải thả bà ấy đi chứ. Làm đi, đưa cho bà chiếc bánh rồi tối nay bà sẽ đi mất và không bao giờ quấy rầy cậu nữa.”

“Tớ nghĩ rằng thầy Gregory hẳn phải có lý do rất chính đáng để giam bà ta vào trong cái hố ấy,” tôi chậm rãi nói. “Tớ chỉ là chân học việc mới của thầy ấy thôi, nên làm sao tớ biết như thế nào là tốt nhất chứ? Khi thầy ấy trở lại tớ sẽ kể hết cho thầy mọi chuyện vừa rồi.”

Alice cười nhẹ – kiểu cười mà ai đó cười vào bạn khi họ biết những điều mà bạn không biết. “Lão ấy sẽ không quay lại đâu,” Alice nói. “Dì Lizzie đã tính toán hết cả rồi. Dì Lizzie ấy, có bạn rất thân gần vùng Pendle. Bọn họ à, họ sẽ làm mọi việc giúp cho dì. Họ gạt lão Gregory đến đó. Trên đường đi, lão sẽ nhận phải những gì giăng ra chờ lão. Lúc này chắc là lão đã chết và bị chôn mất tiêu rồi. Cậu cứ chờ mà xem tớ nói có đúng không. Sớm muộn gì rồi cậu chẳng còn được an toàn nữa đâu, ngay cả khi cậu ở trên kia, trong nhà của lão ấy. Đêm nào đó bọn họ sẽ đến bắt cậu. Dĩ nhiên, trừ phi là, bây giờ cậu chịu giúp. Nếu thế thì bọn họ sẽ để cho cậu yên.”

Ngay khi cô gái nói xong thì tôi đã quay lưng leo ngược lên đồi, bỏ mặc cô đứng đó. Tôi nghĩ cô có gọi tên tôi những mấy lần, nhưng tôi không thèm nghe nữa. Những gì cô nói về Thầy Trừ Tà vẫn đang quay mòng mòng trong đầu tôi.

Mãi sau tôi mới nhận ra mình vẫn đang mang theo cái làn, thế là tôi quẳng cả làn lẫn chiếc bánh cuối cùng xuống sông; thế rồi, khi quay trở lại nhà thầy, tôi chẳng mất nhiều thời gian lắm để suy luận những gì đã diễn ra, đồng thời quyết định tiếp theo mình sẽ làm gì.

Ngay từ đầu, toàn bộ sự việc đã được sắp đặt sẵn. Bọn chúng đã lừa cho Thầy Trừ Tà đi nơi khác, vì biết rằng, tôi là một chân học việc mới toe, nên vẫn còn lơ mơ gà mờ và rất dễ bị gạt.

Tôi không tin rằng Thầy Trừ Tà dễ bị giết như thế, bằng không thì thầy đã chẳng sống sót được suốt từng ấy năm, nhưng tôi không thể trông chờ thầy về kịp lúc mà giúp tôi. Bằng cách nào đó tôi phải ngăn không cho Mẹ Malkin chui ra khỏi hố.

Tôi rất, rất cần trợ giúp và từng nghĩ đến việc đi xuống làng, nhưng rồi tôi biết ngay trong nhà đã có sẵn một sự trợ lực đặc biệt rồi. Thế là tôi đi vào bếp và ngồi xuống bàn ăn.

Tôi những tưởng bất kỳ lúc nào đó hai tai mình sẽ bị thoi vào, thế nên tôi nói rất nhanh. Tôi giải thích những gì đã xảy ra, không giấu một chi tiết nào. Rồi tôi thừa nhận đấy là lỗi của mình và cầu xin mình có thể được giúp đỡ chút ít hay không.

Tôi không rõ mình trông đợi điều gì. Tôi không thấy việc nói chuyện với không khí là trò ngớ ngẩn vì bản thân tôi quá buồn bực và hãi sợ, nhưng khi sự im lặng kéo dài, tôi dần dà nhận ra rằng mình đang tự làm phí thời gian. Sao ông kẹ lại phải giúp tôi chứ? Theo như những gì tôi biết thì ông kẹ là tù nhân cơ mà, bị Thầy Trừ Tà chèn vào nhà vào vườn của mình kia mà. Thế thì ông kẹ khác nào nô lệ, khát khao đến tuyệt vọng muốn được thả ra; thậm chí biết đâu nó còn khoái trá vì tôi đang gặp rắc rối đấy chứ.

Khi tính từ bỏ ý định và rời khỏi căn bếp, tôi chợt nhớ ra một điều bố tôi thường hay nói trước khi chúng tôi xuất phát đến ngôi chợ trong vùng: “Ai cũng có giá của họ. Chỉ là con có biết ra giá làm anh ta vui lòng mà lại không gây tổn hại cho mình nhiều hay không thôi.”

Vậy là tôi ra giá cho ông kẹ...

“Nếu giờ mi chịu giúp ta, ta sẽ không quên ơn đâu,” tôi bảo. “Khi nào ta trở thành Thầy Trừ Tà kế vị, ta sẽ cho mi nghỉ phép mỗi Chủ nhật. Vào ngày đó ta sẽ tự mình nấu ăn để mi có thể nghỉ ngơi và làm bất cứ việc gì mi muốn.”

Đột nhiên tôi thấy như có vật gì đó lướt nhẹ giữa hai chân mình dưới gầm bàn. Còn có cả tiếng kêu nữa, như tiếng gừ gừ khe khẽ, rồi một con mèo hung hung đỏ to lớn xuất hiện từ từ tiến về phía cửa.

Hẳn con mèo ấy phải ở dưới gầm bàn từ hồi nào đến giờ – suy luận theo lẽ thường mách bảo tôi thế. Nhưng tôi lại biết không phải vậy, nên tôi theo chân con mèo ra lối đi ngoài sảnh rồi leo lên cầu thang, khi ấy con mèo dừng chân trước cánh cửa vào thư viện đã bị khóa. Sau đấy, con mèo cọ cọ lưng vào cánh cửa, theo cái cách mèo hay cọ vào chân bàn ấy. Cánh cửa từ từ mở ra, để lộ thật nhiều sách hơn bất kỳ ai có thể đọc được suốt cả đời, sách được xếp ngăn nắp thành hàng trên những ngăn kệ song song. Tôi bước vào trong, băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu. Đoạn tôi quay lưng lại, con mèo hung đỏ to lớn ấy đã biến đâu mất rồi.

Tựa đề mỗi một cuốn sách đều được in ngay ngắn trên bìa. Rất nhiều sách viết bằng tiếng La Tinh và một số kha khá bằng tiếng Hy Lạp. Trong này chẳng có bụi lẫn tí mạng nhện nào. Thư viện cũng sạch boong và được chăm chút cẩn thận chẳng khác gì phòng bếp.

Tôi đi dọc theo dãy đầu tiên cho đến khi mắt tôi chú ý đến một thứ. Gần bên cửa sổ là ba chiếc kệ rất dài đầy những cuốn sổ bìa da, giống hệt cuốn sổ Thầy Trừ Tà đã cho tôi, nhưng trên tầng kệ trên cùng là những cuốn sách to hơn và ngoài bìa có ghi ngày tháng. Mỗi một cuốn sách như thế dường như ghi lại một khoảng thời gian là năm năm, thế là tôi chọn lấy cuốn ở cuối kệ và cẩn thận mở nó ra.

Tôi nhận ra đấy là nét chữ viết tay của Thầy Trừ Tà. Lật qua vài trang, tôi nhận thấy đây giống như một kiểu nhật ký. Cuốn sách ghi lại từng việc thầy làm, thời gian tiêu tốn cho việc di chuyển và khoản tiền công thầy được trả. Mà quan trọng nhất là, cuốn sách giảng giải cách thầy đã đối phó với từng ông kẹ, từng hồn ma và từng mụ phù thủy.

Tôi đặt cuốn sách lại trên kệ và liếc dọc theo gáy những cuốn khác. Những cuốn nhật ký này ghi chép mãi đến tận gần đây lẫn ngược lại đến tận mấy trăm năm trước. Hoặc là Thầy Trừ Tà nhiều tuổi hơn là vẻ bề ngoài, hoặc là những cuốn sách trước đây đã được những thầy trừ tà khác sống trong thời xa xưa ấy viết nên. Tôi chợt tự hỏi liệu rằng, ngay cả khi Alice nói đúng và Thầy Trừ Tà sẽ không trở về đi nữa, thì có khi nào tôi có thể học hết tất cả những điều cần biết chỉ bằng việc đọc hết các cuốn nhật ký này không. Nhưng tốt hơn là, ở đâu đó trong hàng ngàn hàng vạn trang giấy kia, sẽ có được chút thông tin có thể giúp được cho tôi ngay lúc này.

Làm sao tôi tìm ra được? A, có thể mất ít thời gian đấy, nhưng mụ phù thủy đã ở trong hố gần mười ba năm rồi. Phải có phần ghi chép lại cách Thầy Trừ Tà đã nhốt mụ ta vào đấy chứ nhỉ. Thế rồi, thốt nhiên, trên tầng kệ bên dưới, tôi nhìn thấy thứ còn hay ho hơn nữa.

Dưới đấy có những cuốn sách còn lớn hơn, mỗi cuốn dành riêng cho một chủ đề chuyên biệt. Một cuốn có tựa đề, Rồng và Sâu. Vì những cuốn sách này được xếp theo thứ tự chữ cái, nên tôi chẳng mất thời gian lắm để tìm ra đúng thứ mình cần.

Phù Thủy.

Bằng hai bàn tay run rẩy, tôi mở cuốn sách ra và thấy nó được chia thành bốn mục có thể lường trước được...

Loại Độc, loại Lành, loại Bị Buộc Tội Sai Lầm và loại Không Rõ Thế Nào.

Tôi lật nhanh đến mục đầu tiên. Tất cả đều là chữ viết tay ngay ngắn của Thầy Trừ Tà, và một lần nữa, cũng được cẩn thận sắp xếp theo thứ tự chữ cái. Trong tích tắc tôi đã tìm ra trang mang tiêu đề: Mẹ Malkin.

Mọi chuyện tệ hại hơn tôi tưởng. Mẹ Malkin độc ác xấu xa hết cỡ. Mụ ta từng sinh sống ở rất nhiều nơi, và trong mỗi vùng mụ ta ngụ lại, những chuyện kinh khủng đã xảy ra, mà hình như chuyện kinh khủng nhất là tại vùng phủ rêu phía Tây của Hạt.

Ở đó, mụ ta sống trong một nông trại, cung cấp nơi trú chân cho những phụ nữ trẻ đang mang thai nhưng lại không có chồng giúp đỡ. Đấy là vì sao mụ lại được gọi là “Mẹ”. Việc này diễn ra hàng bao nhiêu năm trời, nhưng một vài người phụ nữ trong số đó chẳng bao giờ còn được nhìn thấy nữa.

Mụ còn có một thằng con trai sống chung với mình, một gã với sức khỏe phi thường tên gọi là Tusk. Hắn có hàm răng to đùng và hay dọa cho người khác sợ đến mức chẳng ai muốn đến gần nơi đấy. Nhưng cuối cùng thì dân địa phương cũng vùng lên và Mẹ Malkin bị buộc phải bỏ chạy khỏi Pendle. Sau khi bọn chúng đi rồi, người ta mới tìm lấy loạt mộ đầu tiên. Lại còn có một cánh đồng rặt những xương và thịt người thối rữa, chủ yếu là những gì còn sót lại của những đứa bé mụ đã giết làm nguồn thức ăn cho mình. Một số xác là của phụ nữ; mỗi thi thể đều dập nát, xương sườn đều nứt hoặc gãy.

Mấy tay thanh niên trong làng đã nhắc đến một thứ kỳ dị với nhiều răng đến nỗi không nhét được hết vào mồm. Liệu đấy có phải là Tusk, con trai của Mẹ Malkin không nhỉ? Thằng con trai có lẽ đã giết chết những phụ nữ này bằng cách siết chết họ chăng?

Ý nghĩ này khiến tay tôi run lên bần bật, đến nỗi tôi chẳng giữ được cho cuốn sách ở yên để đọc tiếp. Dường như có vài mụ phù thủy sử dụng “cốt thuật”. Chúng là những bà đồng có được quyền năng nhờ vào việc triệu hồn người chết. Nhưng Mẹ Malkin còn tệ hơn thế nhiều. Mẹ Malkin sử dụng “huyết thuật”. Mụ ta có được sức mạnh nhờ vào việc sử dụng máu người và mụ đặc biệt thích máu con nít.

Tôi nghĩ đến những chiếc bánh màu đen dinh dính ấy mà rùng mình. Một đứa trẻ đã biến mất khỏi Rặng Núi Dài. Đứa trẻ còn chưa biết đi. Phải chăng đứa bé đã bị Lizzie Xương Xẩu cắp đi mất? Phải chăng máu của nó đã được dùng để làm mấy miếng bánh ấy? Thế còn đứa bé thứ hai mà mấy người dân làng đang đi tìm thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Lizze Xương Xẩu cũng là kẻ bắt đứa bé ấy đi, chuẩn bị sẵn sàng cho Mẹ Malkin khi mụ ấy trốn khỏi hố rồi có thể dùng máu của đứa bé này để phục hồi pháp thuật thì sao nhỉ? Đứa bé ấy chắc chắn hiện giờ đang ở trong nhà của mụ Lizzie rồi!

Tôi buộc mình phải đọc tiếp.

Mười ba năm trước, vào đầu mùa đông, Mẹ Malkin đã đến trú tại Chipenden, mang theo cháu gái mình là Lizze Xương Xẩu. Khi từ căn nhà mùa đông của mình ở Anglezarke trở về, Thầy Trừ Tà bắt tay ngay vào việc diệt trừ mụ. Sau khi lừa cho Lizze Xương Xẩu đi chỗ khác, thầy đã trói Mẹ Malkin lại bằng xích bạc và mang mụ ấy về chiếc hố trong vườn nhà mình.

Trong việc này dường như Thầy Trừ Tà tranh luận với chính mình. Rõ là thầy không muốn chôn sống mụ nhưng thầy lại giải thích vì sao việc ấy phải được làm. Thầy tin rằng việc giết mụ ta là quá nguy hiểm: mỗi lần bị giết chết, mụ ta lại có khả năng quay trở lại, thậm chí còn trở nên mạnh và nguy hiểm hơn trước đó nhiều.

Mấu chốt là, liệu mụ có thể trốn thoát được không? Chỉ ăn có một chiếc bánh thôi mà mụ đã bẻ cong được mấy thanh sắt rồi. Mặc dù là mụ sẽ không được ăn đến cái thứ ba, nhưng hai cái thôi chắc đã quá đủ. Đến nửa đêm nay biết đâu mụ vẫn bò được ra khỏi hố. Tôi thì có thể làm được gì?

Nếu ta có thể trói được mụ phù thủy bằng xích bạc, thì cũng đáng để thử cột một sợi ngay trên thanh sắt bị uốn cong trên miệng hố để ngăn không cho mụ leo ra. Vấn đề là, sợi xích bạc lại nằm trong túi của Thầy Trừ Tà, lúc nào cũng kè kè theo thầy cả.

Trên đường ra khỏi thư viện tôi lại nhìn thấy một thứ khác. Nó nằm bên cạnh cửa ra vào, cho nên khi bước vào tôi đã không để ý thấy. Đấy là một danh sách dài đầy những tên viết trên một tờ giấy màu vàng, chính xác tổng cộng là ba mươi cái tên được viết bởi chính tay Thầy Trừ Tà. Tên của tôi, Thomas J. Ward, được viết ngay cuối trang, và ngay trên tên tôi là tên William Bradley bị gạch ngang qua; bên cạnh nó là mấy chữ RIP.

Lúc ấy, tôi lạnh toát hết cả người vì tôi biết mấy chữ ấy có nghĩa là Rest in Peace[3] và rằng Billy Bradley đã chết. Hơn hai phần ba số tên trên trang giấy là bị gạch ngang qua; trong số đó, thêm chín người khác đã chết.

Tôi đoán là số tên bị gạch ngang qua đó chỉ là vì họ không đạt đủ tiêu chuẩn khi đang học việc, có lẽ là còn không qua được hết tháng đầu tiên nữa kìa. Những người đã chết lại càng đáng lo hơn. Tôi thắc mắc không biết chuyện gì đã xảy ra cho Billy Bradley, và tôi nhớ lời Alice nói: “Cậu không muốn mình có kết cục như tay học việc vừa rồi của lão Gregory đâu.”

Làm sao Alice lại biết chuyện đã xảy đến với Billy? Rõ ràng là mọi người trong vùng đều biết chuyện này, trong khi đó tôi là kẻ ngoài cuộc. Hay là do gia đình cô gái có liên quan đến việc này? Tôi hy vọng là không phải, nhưng thế lại làm cho tôi lo lắng về chuyện khác.

Không muốn phí thêm thời gian nữa, tôi cất bước đi xuống làng. Dường như bác bán thịt có liên hệ thế nào đó với Thầy Trừ Tà. Bằng không thì làm sao bác ấy lại có được chiếc túi mà bỏ thịt vào đấy? Thế là tôi quyết định kể cho bác bán thịt nghe về những mối nghi ngờ của mình và sẽ cố thuyết phục bác ấy đi xét nhà Lizzie để tìm đứa trẻ.

Khi đấy đã là chiều muộn và lúc tôi tìm đến cửa tiệm thì nó đã đóng cửa. Tôi phải gõ cửa năm căn nhà sau đấy rồi mới có người ra trả lời. Họ xác nhận cho những gì tôi nghi ngờ: bác bán thịt đã đi cùng với những người đàn ông khác để lục soát trong vùng đồi đá. Mãi đến hôm sau bọn họ mới trở về. Có vẻ như là sau khi tìm kiếm quanh vùng đồi đá lân cận, họ sẽ băng qua thung lũng để đến ngôi làng dưới chân Rặng Núi Dài, nơi đứa bé đầu tiên mất tích. Rồi mọi người sẽ tiếp tục tìm kiếm rộng ra hơn và sẽ ở lại đấy qua đêm.

Tôi phải đối mặt với sự thật thôi. Tôi chỉ còn có một mình.

Chẳng bao lâu sau, vừa buồn vừa sợ, tôi lê bước trên con đường mòn dẫn về căn nhà của Thầy Trừ Tà. Tôi biết rằng nếu Mẹ Malkin chui ra khỏi mộ, thì trước khi trời sáng đứa bé ấy sẽ chết.

Tôi cũng biết được rằng mình là người duy nhất có khả năng làm được việc gì đó để ngăn chặn điều ấy.