Chương 7: P1- C7: Ai đó phải làm thôi

Sau đấy cuộc sống của tôi ổn định thành lệ thường. Thầy Trừ Tà dạy rất nhanh và bắt tôi ghi chép tận đến khi cổ tay tôi đau nhức và hai mắt cay xè.

Một buổi chiều nọ, thầy dẫn tôi ra tận mé bên kia ngôi làng, qua khỏi căn chòi đá cuối cùng và đi đến nơi có mấy cây liễu khoanh lại thành một vòng tròn nho nhỏ mà dân trong Hạt hay gọi đấy là những cây “liễu gai”. Nơi ấy là một khu âm u, và ngay đấy, lòng thòng từ trên một nhánh cây, là một sợi dây. Tôi nhìn lên và thấy một chiếc chuông đồng to đùng.

“Khi ai đó cần giúp đỡ,” Thầy Trừ Tà bảo, “họ sẽ chẳng đến thẳng nhà chúng ta đâu. Không một ai đến đấy cả trừ khi họ được mời. Ta quy định điều ấy rất nghiêm. Họ chỉ tới đây và gióng chiếc chuông ấy lên. Rồi chúng ta sẽ đến tìm họ.”

Vấn đề là thậm chí đã mấy tuần trôi qua mà vẫn chẳng có ai đến gióng chuông, còn tôi thì chỉ phải đi xa nhất đến khu vườn phía Tây mỗi tuần khi tôi xuống làng đem lương thực về. Tôi cũng cô đơn nữa, lại nhớ gia đình, thế nên Thầy Trừ Tà đã rất tử tế khi khiến tôi luôn bận rộn – như vậy có nghĩa là tôi không còn thời gian mà gặm nhấm niềm nhớ nhung ấy. Tôi luôn trở về giường mình khi toàn thân mệt lả và vừa ngả đầu xuống gối là tôi thiếp đi ngay.

Những bài học là phần thú vị nhất trong mỗi ngày nhưng tôi lại không được học nhiều về vãn hồn, về hồn ma hay phù thủy lắm. Thầy Trừ Tà từng bảo tôi rằng chủ đề chính trong năm đầu tiên của người học việc là về ông kẹ các loại, cùng với những môn về thực vật học, nghĩa là học mọi thứ về cây cỏ, trong các loài cây cỏ ấy có một số loại rất hữu dụng khi dùng làm thuốc hay còn có thể ăn được khi ta không còn nguồn thức ăn nào khác. Nhưng những bài học của tôi không chỉ có ghi chép. Một số bài học cũng rất cực nhọc và phải vận động mệt như những việc lao động chân tay mà hồi còn ở nông trại nhà mình tôi từng làm vậy.

Khởi đầu là từ một buổi sáng đầy nắng ấm áp, khi Thầy Trừ Tà bảo tôi bỏ tập vở sang một bên và dẫn tôi đi về phía khu vườn phía Nam. Thầy đưa cho tôi cầm theo hai thứ: một cái xẻng và một cây gậy thước đo thật dài.

“Những ông kẹ thả rông thường di chuyển theo hóc xoáy,” thầy giảng. “Nhưng đôi khi cũng có trục trặc. Có thể là do một cơn mưa dông hay thậm chí là do động đất. Ở trong Hạt này người ta chưa từng nhớ là đã có một trận động đất nghiêm trọng nào, nhưng dù thế vẫn có trục trặc, bởi vì những hóc xoáy luôn nối liền với nhau và nếu có chuyện gì xảy đến cho một hóc này, dù là có cách xa đến hàng nghìn dặm, thì những hóc xoáy khác cũng bị ảnh hưởng. Đến khi ấy, những ông kẹ sẽ bị mắc kẹt tại chỗ hàng mấy năm trời và chúng ta gọi đấy là bị "chèn tự nhiên". Thường mỗi khi như thế thì ông kẹ sẽ chẳng di chuyển được hơn một tá bước theo bốn hướng và thế là bọn chúng sẽ chẳng gây ra được phiền toái gì lắm. Trừ khi con đến quá gần chúng. Nhưng cũng có đôi khi, bọn ông kẹ lại bị kẹt trong chỗ ngược ngạo, gần với nhà dân hay thậm chí là ngay trong nhà. Vậy là con sẽ cần phải di dời ông kẹ khỏi nơi ấy và đem chúng đi ép chèn ở nơi khác.”

“Hóc xoáy là gì vậy ạ?” tôi hỏi.

“Không phải ai cũng nghĩ giống nhau đâu anh bạn. Có những người thì cho rằng hóc xoáy chỉ là những lối mòn thời xa xưa cắt dọc cắt ngang mặt đất mà ông cha ta đã đi lại trong thời xa xưa ấy, khi mà con người vẫn là con người chân chính và thế lực bóng tối biết thân biết phận của mình. Khi mà sức khỏe con người dẻo dai hơn, đời sống trường thọ hơn và ai nấy đều hạnh phúc vui vẻ.”

“Thế rồi chuyện gì đã xảy ra ạ?”

“Băng giá từ phương Bắc tràn xuống và mặt đất trở nên lạnh cóng trong hàng nghìn năm,” Thầy Trừ Tà giảng giải. “Việc sinh tồn khó khăn đến nỗi con người quên sạch những gì họ đã học được. Những hiểu biết trước kia không còn quan trọng nữa. Làm sao giữ được ấm và có cái ăn là điều kiện tiên quyết. Rồi khi rốt cuộc băng giá cũng tan ra, những kẻ còn sống sót lại là những người thợ săn mặc quần áo làm từ da thú vật. Họ đã quên mất cách trồng trọt mùa màng và chăn dắt muôn thú. Thế lực bóng tối trở nên hùng mạnh.

“À, thời nay đã tốt hơn rồi, dù kỳ thực chúng ta còn phải đấu tranh dài lắm lắm. Tất cả những gì sót lại từ thời kỳ ấy là những hóc xoáy, nhưng sự thực thì những hóc này còn quan trọng hơn là những đường mòn nhiều. Hóc xoáy thực ra là những mạch quyền lực rất sâu dưới lòng đất kia. Là những con đường vô hình bí mật mà đám ông kẹ có thể dùng để di chuyển với vận tốc cực lớn. Mà đám ông kẹ thả rông là bọn gây ra lắm chuyện nhất. Khi bọn chúng dừng lại tạo ổ ở một chỗ mới nào đó, thường thì không ai hoan nghênh chúng cả. Việc không được hoan nghênh khiến cho chúng nổi giận. Thế là chúng giở trò – đôi khi là những trò nguy hiểm – và như thế nghĩa là chúng ta có việc phải làm. Lúc đó ông kẹ phải được ép chèn vào hố. Giống như cái hố mà bây giờ con sẽ phải đào đây này...

“Nơi này thích hợp đây,” thầy nói tiếp, tay chỉ về khoảnh đất gần cây sồi già to lớn. “Ta nghĩ giữa những nhánh rễ cây đằng kia sẽ có đủ chỗ.”

Thầy đưa tôi gậy thước để tôi có thể đào một cái hố có số đo chính xác là hai mét tám chiều dài, một mét tám chiều sâu và chín mươi xen-ti-mét chiều rộng. Cho dù là trong bóng râm nhưng không khí vẫn cứ quá nóng cho việc đào hố và tôi phải mất cả mấy tiếng đồng hồ để đào cho được một cái hố ra hồn bởi vì Thầy Trừ Tà là người cầu toàn.

Sau khi đào xong, tôi phải pha một loại hợp chất hôi hôi gồm có muối, mạt sắt và một loại keo đặc chế từ xương.

“Muối có thể đốt bỏng ông kẹ,” Thầy Trừ Tà bảo. “Mặt khác, sắt là những thứ có khả năng tiêu hủy của trần gian: cũng giống như tia sét đánh xuống mặt đất và mất đi sức mạnh, sắt đôi khi làm mất dần sức mạnh và thân xác của những thứ thống trị bóng tối. Sắt có thể chấm dứt những việc ác của bọn ông kẹ rầy rà. Nếu được trộn vào nhau để sử dụng, muối và sắt hình thành một rào chắn mà ông kẹ không thể vượt qua. Thực ra thì muối và sắt còn được sử dụng trong nhiều tình huống khác nữa.”

Sau khi pha trộn hỗn hợp ấy trong chiếc xô kim loại to tướng, tôi dùng chiếc cọ to để viền phía bên trong cái hố. Cũng giống như việc sơn nhà thôi nhưng khó khăn hơn nhiều, và lớp phủ phải thật hoàn hảo để ngăn cho ngay cả tên ông kẹ xảo quyệt nhất cũng không trốn được ra ngoài.

“Phải làm cho toàn diện vào đấy anh bạn,” Thầy Trừ Tà bảo tôi. “Một ông kẹ có thể đào thoát qua cái lỗ chẳng to hơn đầu kim là mấy đâu.”

Dĩ nhiên là, ngay sau khi cái hố được hoàn tất theo đúng yêu cầu của Thầy Trừ Tà, tôi phải lấp hố lại và bắt đầu lại từ đầu. Thầy bắt tôi thực hành đào hai hố mỗi tuần, đây là công việc nặng nhọc, nhễ nhại mồ hôi và chiếm hết nhiều thời gian của tôi. Công việc này cũng hơi hơi dễ sợ nữa vì tôi phải thi công gần những chiếc hố đang giam sẵn những ông kẹ thực thụ, mà thậm chí giữa ban ngày ban mặt, nơi ấy cũng rất ớn lạnh. Nhưng tôi để ý thấy Thầy Trừ Tà không đi xa tôi lắm, và khi nào thầy cũng có vẻ rất quan tâm, canh chừng và cảnh giác, việc ấy nói lên rằng ta không bao giờ có thể lơ là với đám ông kẹ ngay cả khi chúng đã bị chèn.

Thầy Trừ Tà cũng bảo rằng tôi cần phải biết mọi ngóc ngách trong Hạt – mọi làng mạc thị trấn trong ấy cũng như là con đường nào ngắn nhất đi từ một nơi này sang nơi khác. Vấn đề là mặc cho thầy bảo mình có rất nhiều bản đồ trong thư viện trên lầu, dường như tôi luôn phải làm việc theo cách khó khăn nhất, thế nên thầy bắt tôi khởi sự bằng việc tự tay tôi phải phác thảo bản đồ.

Chính giữa bản đồ là ngôi nhà cùng những khu vườn của thầy, và bản đồ phải bao gồm ngôi làng cùng những rặng đồi đá gần nhất. Mục đích là bản đồ phải dần dà được mở rộng ra để bao gồm vào đấy ngày càng nhiều thêm những vùng quê lân cận. Nhưng việc vẽ vời không phải là điểm mạnh của tôi, và như tôi đã nói, Thầy Trừ Tà là người cầu toàn nên tấm bản đồ ấy mất rất nhiều thời gian để được phát triển hơn ra. Chỉ đến khi ấy, thầy mới bắt đầu chỉ cho tôi xem bản đồ của riêng thầy, nhưng rốt cuộc thì thầy bắt tôi dành nhiều thời gian để cẩn thận gấp tấm bản đồ ấy lại hơn là thực sự nghiền ngẫm lấy chúng.

Tôi cũng bắt đầu viết nhật ký. Thầy Trừ Tà cho tôi thêm một cuốn sổ khác để viết, lại còn nói đi nói lại với tôi lắm lần rằng tôi cần phải ghi chép lại quá khứ để học hỏi từ đấy. Nhưng mà tôi cũng chẳng viết nhật ký mỗi ngày đâu. Nhiều khi tôi quá mệt và thi thoảng cổ tay tôi đau điếng vì phải hí hoáy liên tục trong cuốn sổ kia khi đang cố gắng theo kịp những gì mà thầy giảng.

Thế rồi, một sáng nọ, trong bữa điểm tâm, khi tôi đã theo Thầy Trừ Tà được một tháng, thầy hỏi tôi, “Này anh bạn, tới giờ thì con thấy sao nào?”

Tôi băn khoăn không rõ đấy có phải là thầy đang hỏi về thức ăn của bữa điểm tâm hay chăng. Có lẽ sẽ có thêm món thứ hai để bù cho món thịt muối hôm ấy hơi bị cháy. Thế nên tôi chỉ nhún vai. Tôi không muốn làm phật ý ông kẹ, chắc chắn lúc ấy đang dỏng tai nghe ngóng.

“Ừ, đây là một công việc khó nhọc, và ta sẽ chẳng trách gì con nếu giờ con quyết định thôi không theo nữa,” thầy bảo. “Sau khi tháng đầu tiên đã xong, ta luôn cho mỗi người học việc mới của ta cơ hội trở về nhà mà suy nghĩ cho thấu đáo về việc họ có muốn tiếp tục công việc ấy hay không. Thế con có muốn chuyện tương tự không?”

Tôi cố hết sức không tỏ ra quá hăm hở nhưng vẫn không thể giấu đi nụ cười trên mặt mình. Có điều là, tôi càng cười, Thầy Trừ Tà trông càng đau khổ. Tôi nhận thấy rằng thầy muốn tôi ở lại nhưng tôi thì chỉ nôn nóng muốn được nghỉ phép mà thôi. Ý nghĩ rằng mình sẽ được gặp lại gia đình và ăn lại những món mẹ nấu nghe có vẻ như một giấc mơ vậy.

Trong vòng một tiếng, tôi đã lên đường trở về nhà. “Con là một anh bạn can trường và trí tuệ của con nhạy bén lắm,” thầy đứng ngay cổng và nói với tôi. “Con đã vượt qua tháng thử việc rồi nên con có thể thưa với cha mình rằng, nếu con muốn tiếp tục, ta sẽ đến thăm ông ấy vào mùa thu để lấy nốt mười đồng vàng của ta. Con có bản chất của một tay tập sự rất cừ, nhưng tùy vào con thôi đấy, anh bạn ạ. Nếu con không quay lại, vậy là ta sẽ biết con đã quyết định thôi không theo nghề nữa. Bằng không thì ta mong con quay lại đây sau một tuần lễ. Đến lúc ấy ta sẽ huấn luyện con thêm năm năm, giúp con trở thành người thạo việc không kém gì ta.”

Tôi cất bước về nhà, trong lòng phơi phới. Bạn thấy đấy, dù tôi không muốn nói cho Thầy Trừ Tà nghe, nhưng ngay lúc thầy cho tôi cơ hội trở về nhà và có lẽ sẽ không bao giờ quay trở lại, thì tôi đã quyết định là mình sẽ làm y như thế. Đây là một công việc kinh khủng. Từ những gì mà thầy đã bảo với tôi, ngoài sự cô đơn ra, công việc này còn nguy hiểm và đáng sợ nữa. Chẳng ai thực sự buồn quan tâm xem thử bạn còn sống hay đã chết. Họ chỉ muốn bạn dẹp trừ bất cứ thứ gì đang hoành hành quấy nhiễu họ, nhưng họ chẳng chịu dừng lại nghĩ lấy đến một giây rằng công việc ấy có thể làm bạn trả giá những gì.

Thầy Trừ Tà từng mô tả có lần thầy suýt bị một ông kẹ lấy mạng. Ông kẹ ấy, chỉ trong chớp mắt, đã biến từ một kẹ phá nhà sang kẹ ném đá và sém chút là ném một viên đá to như nắm tay bác thợ rèn vào đầu thầy. Thầy bảo rằng mình chưa được trả công và hy vọng sẽ nhận được tiền công vào mùa xuân tới. Thôi nào, từ đây đến mùa xuân tới là một khoảng thời gian thật dài, thế thì làm như vậy được gì hay ho chứ? Khi tôi cất bước về nhà, mọi việc dường như đã rõ ràng trong tôi rằng tốt hơn mình nên làm việc ở nông trại.

Vấn đề là, chuyến đi dài gần hai ngày và việc cuốc bộ cho tôi lắm thời gian để nghiền ngẫm. Tôi nhớ lại đôi khi ở nông trại, mình cảm thấy chán ngán làm sao. Liệu tôi thật có thể chịu làm việc mãi như thế trong suốt quãng đời còn lại không?

Kế đến, tôi bắt đầu nghĩ về những gì mẹ sẽ nói. Mẹ đã rất cương quyết cho tôi làm chân học việc của Thầy Trừ Tà, nên nếu tôi thôi không làm nữa, tôi sẽ làm bà thất vọng. Thế là phần khó khăn nhất sẽ là phần thông báo cho mẹ hay và nhìn thấy phản ứng của bà.

Trong ngày đầu tiên của cuộc hành trình về nhà, khi màn đêm buông xuống, tôi đã ăn sạch số phô mai mà Thầy Trừ Tà đưa tôi mang theo cho chuyến đi. Thế nên ngày thứ hai tôi chỉ dừng chân đúng có một lần để ngâm chân trong dòng suối, rồi sau đó về kịp đến nhà ngay trước giờ vắt sữa buổi đêm.

Khi tôi mở cổng đi vào sân nhà, bố tôi đang đi đến chuồng bò. Nhìn thấy tôi, gương mặt bố ngời lên một nụ cười rạng rỡ. Tôi đề nghị được đi vắt sữa cho hai bố con có thời gian trò chuyện nhưng bố bảo tôi vào nhà ngay mà nói chuyện với mẹ.

“Mẹ nhớ con lắm đấy. Con sẽ được hoan nghênh lắm cho coi.”

Bố vỗ lưng tôi rồi dợm bước về phía chuồng bò, nhưng trước khi tôi đi thêm vài bước thì Jack đã chạy ra khỏi kho cỏ mà nhào đến chỗ tôi.

“Việc gì khiến em về lại mau thế?” Jack hỏi. Anh ấy có vẻ hơi lãnh đạm. À, mà nói thực thì anh ấy có vẻ lạnh nhạt hơn là lãnh đạm ấy chứ. Mặt anh ấy giống như đang cau có, như thể anh đang cố vừa cau mày lại vừa cười toe toét vậy.

“Thầy Trừ Tà cho em về nhà vài ngày. Em phải quyết định xem mình có muốn theo việc ấy hay không.”

“Thế em sẽ làm gì nào?”

“Em sẽ nói chuyện với mẹ.”

“Chắc chắn là em sẽ được như ý thôi, khi nào chẳng thế.”

Bây giờ thì dứt khoát là Jack đang cau có, việc này khiến tôi cảm giác như có chuyện gì đấy đã xảy ra khi tôi vắng nhà. Bằng không thì tại sao anh ấy lại đột nhiên trở nên lạnh nhạt đến thế cơ chứ? Có phải là vì anh ấy không muốn tôi trở về nhà không nhỉ?

“Với lại anh không thể tin được là em lại lấy đi hộp nhóm lửa của bố,” Jack bảo.

“Bố cho em mà. Bố muốn em có nó.”

“Bố đưa cho em, nhưng đâu có nghĩa là em phải nhận lấy. Vấn đề về em là em chỉ biết nghĩ cho bản thân. Hãy nghĩ cho bố tội nghiệp của chúng ta xem nào. Ông rất thích hộp nhóm lửa ấy.”

Tôi chẳng nói lại gì vì tôi không muốn cãi cọ. Tôi biết anh ấy không đúng. Lúc ấy bố đã rất muốn tôi nhận hộp nhóm lửa ấy, tôi chắc chắn là vậy.

“Giờ em về đây, em có thể đỡ đần chút ít này,” tôi nói, cố thay đổi đề tài.

“Nếu em thực sự muốn kiếm được những thứ của mình thì đi cho lợn ăn đi!” anh ấy nói lớn lên rồi quay lưng bỏ đi. Cho lợn ăn là việc chẳng đứa nào thích. Cái đám lợn ấy to lớn, lông lá xù xì, thân mình hôi hám và khi nào cũng háu đói đến nỗi quay lưng lại với chúng chẳng bao giờ là an toàn cả.

Mặc cho những gì Jack đã nói, tôi vẫn vui vì được về nhà. Tôi băng qua sân vườn và ngước mắt nhìn lên ngôi nhà. Những sợi hồng leo của mẹ đã che phủ gần hết bức tường phía sau nhà, lúc nào chúng cũng xanh tốt dù phải mọc quay về hướng Bắc. Bây giờ chúng chỉ đang đâm chồi, nhưng đến giữa tháng Sáu, đám hồng leo này sẽ phủ một màu hoa đỏ rực.

Cánh cửa hậu luôn bị kẹt vì ngôi nhà từng bị sét đánh trúng một lần. Khi ấy cánh cửa bắt lửa và phải được thay mới, nhưng khung cửa vẫn còn hơi cong quẹo, thế nên tôi phải đẩy thật mạnh để mở ra. Cũng đáng công đẩy lắm chứ vì cảnh tượng đầu tiên tôi nhìn thấy là gương mặt tươi cười của mẹ.

Bà đang ngồi trên chiếc ghế đu cũ kỹ góc kia căn bếp, nơi mà ánh nắng chiều tà không thể soi tới được. Ánh nắng ấy quá chói, làm đau mắt mẹ. Mẹ thích mùa đông hơn mùa hè, thích đêm hơn ngày.

Mẹ vui khi thấy tôi vẫn ổn, và thoạt tiên tôi cố hoãn không thưa với bà là tôi trở về đây để ở lại nhà luôn. Tôi nặn ra vẻ mặt gan dạ và vờ như vui vẻ nhưng mẹ đã nhìn thấu tâm can tôi. Tôi chẳng bao giờ có thể giấu được bà điều gì.

“Chuyện gì thế?” bà hỏi.

Tôi nhún vai cố gắng mỉm cười, rõ ràng là tôi còn kém hơn anh Jack về khoản ngụy trang cảm xúc.

“Nói ra đi nào. Giấu mãi trong lòng có ích lợi gì đâu.”

Một lúc thật lâu tôi không nói năng gì vì còn mải tìm cách diễn đạt thành lời. Nhịp đung đưa ghế của mẹ dần chậm lại, cho đến khi ghế ngừng lại hẳn. Đấy luôn là một dấu hiệu không hay.

“Con đã vượt qua tháng thử việc và thầy Gregory bảo rằng tùy thuộc vào nơi con nếu con có muốn tiếp tục hay không. Nhưng con cô đơn quá, mẹ à,” rốt cuộc rồi tôi cũng thú thật. “Thật tồi tệ như con vẫn tưởng ấy. Con chẳng có bạn bè. Chẳng có ai bằng tuổi con để nói chuyện cùng. Con thấy cô độc quá – con muốn quay về đây làm việc mẹ ạ.”

Lẽ ra tôi có thể nói nhiều hơn thế và bảo với bà rằng chúng tôi từng vui vẻ biết bao khi tất cả anh em chúng tôi còn sống ở nhà. Tôi đã không nói thế – tôi biết mẹ cũng nhớ các anh. Tôi nghĩ vì thế mẹ cũng sẽ thông cảm với tôi, nhưng tôi đã lầm.

Mẹ im lặng hồi lâu rồi mới nói, tôi có thể nghe thấy tiếng chị Ellie đang quét dọn bên phòng bên, vừa làm việc vừa hát khe khẽ một mình.

“Cô độc à?” mẹ hỏi, giọng bà đầy tức giận hơn là cảm thông gì. “Sao con có thể cô đơn được chứ? Con có bản thân con, đúng không? Nếu có khi nào con đánh mất bản thân thì con mới cô độc chứ. Còn bây giờ, con hãy thôi đừng có ca cẩm nữa. Con gần trở thành một người đàn ông rồi, và đàn ông thì phải làm việc. Ngay từ khi vũ trụ sinh ra, con người đã phải làm những việc mà họ không thích. Thế thì sao mọi việc phải khác đi cho con chứ? Con là con trai thứ bảy của người con thứ bảy, và đây là công việc con được sinh ra để làm.”

“Nhưng thầy Gregory cũng từng huấn luyện những người học việc khác,” tôi buột miệng. “Một người trong số đó có thể quay lại bảo vệ cho Hạt cơ mà. Tại sao cứ phải là con?”

“Thầy đã huấn luyện nhiều người, nhưng chỉ rất hiếm hoi mới có người hoàn tất thời gian huấn luyện,” mẹ bảo, “mà những người ấy không xứng với thầy. Bọn họ hoặc là yếu kém, phạm lỗi hoặc hèn nhát. Họ đi theo con đường sai trái, nhận tiền người ta mà không làm được gì nhiều. Hiện giờ con là kẻ cuối cùng còn lại đấy, con trai. Con là cơ may cuối cùng. Là hy vọng sau chót. Ai đó phải làm thôi. Ai đó phải đứng lên đối mặt với thế lực bóng tối. Và con là người duy nhất có thể làm được điều ấy.”

Chiếc ghế lại bắt đầu đong đưa, dần dà nhanh nhẹn hẳn.

“Thôi, mẹ mừng vì chuyện này đã giải quyết xong. Thế con có muốn chờ đến bữa tối hay mẹ sẽ dọn ngay ra cho con món nào vừa nấu xong vậy?” mẹ hỏi.

“Mẹ ơi, cả ngày nay con đã không ăn gì rồi. Cả bữa sáng cũng không nốt.”

“Vậy thì có món thỏ hầm đây. Món này chắc sẽ làm con vui vẻ lên tí chút nhỉ.”

Tôi ngồi bên bàn bếp, lòng thấy trĩu nặng và buồn như chưa từng bao giờ buồn hơn thế trong khi mẹ tôi lăng xăng quanh bếp lò. Món thỏ hầm tỏa mùi ngon tuyệt và miệng tôi bắt đầu nhỏ dãi. Chẳng có ai nấu ăn ngon hơn mẹ tôi và trở về nhà luôn đáng công đáng sức, thậm chí dù chỉ trở về cho một bữa ăn.

Mẹ mỉm cười, mang sang một đĩa thịt hầm bốc hơi nghi ngút và đặt trước mặt tôi. “Mẹ sẽ đi soạn phòng cho con. Giờ vì con đã về đây, thôi thì con ở thêm vài ngày nữa vậy.”

Tôi lí nhí nói lời cảm ơn và chẳng chần chờ gì mà không xúc ăn ngay. Mẹ vừa lên khuất tầng trên thì Ellie bước vào bếp.

“Gặp lại em vui quá đi Tom,” chị vừa cười vừa nói. Rồi chị nhìn xuống đĩa đầy nhóc thức ăn của tôi mà hỏi. “Em muốn ăn kèm thêm bánh mì không?”

“Vâng có ạ,” tôi đáp, thế là Ellie phết bơ cho tôi những ba lát thật dày trước khi ngồi xuống bên bàn đối diện. Tôi cắm cúi ăn hết một mạch mà không một lần ngẩng đầu lên thở, rồi sau cùng lại dùng miếng bánh mì mới ra lò cuối cùng vét sạch đĩa mình.

“Giờ em thấy khá hơn chưa?”

Tôi gật đầu và cố mỉm cười nhưng tôi biết nỗ lực của mình không có kết quả gì mấy vì Ellie đột nhiên lộ vẻ lo lắng. “Chị không thể không nghe thấy những gì em nói với mẹ,” Ellie bảo. “Chị nghĩ chắc là công việc không đến nỗi tồi tệ như thế đâu. Chỉ là công việc còn quá mới mẻ và lạ lẫm thôi mà. Em sẽ chóng làm quen với nó thôi. Dù sao thì em cũng đâu phải quay lại đó ngay. Ở nhà vài ngày rồi em sẽ thấy khá hơn ấy mà. Vả lại ở đây bao giờ em cũng được chào đón, ngay cả khi nông trại này thuộc về Jack cũng thế.”

“Em không nghĩ Jack vui mừng đến mức ấy khi phải gặp lại em.”

“Tại sao chứ, việc gì khiến em phải nói thế?” Ellie hỏi.

“Chỉ có vẻ như anh ấy không thân thiện, có vậy thôi. Em không nghĩ anh ấy muốn em ở đây.”

“Em đừng lo lắng gì về ông anh trai to xác nhỏ mọn của em. Chị sẽ xử lý anh ấy dễ ngay ấy mà.”

Khi ấy tôi mới thực lòng mỉm cười vì tôi biết đấy là sự thực. Như mẹ tôi từng nói, Ellie có thể điều khiển Jack qua mấy đầu ngón tay.

“Chuyện chủ yếu làm anh ấy lo lắng là thế này này,” Ellie vừa nói vừa lấy tay xoa xoa bụng. “Chị của mẹ chị mất khi đang lâm bồn và gia đình chị đến nay vẫn còn mãi nói đến chuyện ấy. Chuyện này làm Jack căng thẳng, nhưng chị thì chẳng màng chút nào vì chị đang ở nơi tốt nhất rồi, có mẹ em chăm sóc cho chị.” Chị ngừng lại. “Nhưng còn có chuyện khác nữa. Công việc của em làm anh ấy lo lắng.”

“Trước khi em đi anh ấy dường như có vẻ rất vui về việc ấy cơ mà,” tôi nói.

“Lúc ấy anh tỏ ra như thế bởi vì em là em trai anh ấy và anh ấy lo cho em. Nhưng công việc của Thầy Trừ Tà làm cho người ta sợ mà. Làm cho họ thấy không thoải mái. Chị nghĩ nếu lúc ấy em bỏ đi ngay thì mọi chuyện chắc là đã ổn cả rồi. Nhưng cái ngày khi em đi ấy, Jack bảo là em leo thẳng lên đồi đi vào rừng, và kể từ khi đấy lũ chó trở nên bồn chồn. Bây giờ thì mấy con chó còn chẳng chịu đi vào đồng cỏ hướng Bắc nữa cơ.

Jack cho là em đã làm kinh động gì đó. Chị nghĩ mọi chuyện có nguyên do là từ đấy,” Ellie tiếp tục nói, tay dịu dàng vuốt bụng. “Anh ấy chỉ là quá muốn bao bọc, thế thôi. Anh ấy lo nghĩ cho gia đình của mình. Nhưng em đừng lo. Rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết.”

Rốt cuộc là tôi đã ở nhà ba ngày, cố đeo vào bản mặt can đảm, nhưng rồi tôi cảm nhận được đến lúc phải ra đi. Mẹ là người cuối cùng tôi gặp trước khi lên đường. Chỉ có hai chúng tôi trong căn bếp và mẹ siết nhẹ tay tôi, bảo rằng bà hãnh diện về tôi.

“Con còn hơn chỉ là bảy lần bảy nhiều,” mẹ bảo, mỉm cười ôn hậu với tôi. “Con còn là con trai của ta và con có đủ sức mạnh để làm những việc cần phải được làm.”

Tôi gật đầu đồng ý vì tôi muốn mẹ được vui, nhưng khi vừa rời khỏi sân thì nụ cười của tôi tuột mất. Tôi lê bước đi về căn nhà của Thầy Trừ Tà với trái tim rớt tận xuống dưới ủng, lòng cảm thấy đau đớn và thất vọng vì mẹ đã không muốn tôi trở về nhà.

Trời mưa suốt dọc đường quay trở lại Chipenden, và khi đến nơi, tôi lạnh cóng, ướt nhẹp và khổ sở. Nhưng khi tôi vừa với tay vào cổng trước, thật ngạc nhiên là then cửa lại tự động nhấc lên rồi cánh cổng tự mình xoay mở mà không cần đến tôi chạm tay vào. Điều ấy giống như một kiểu chào mừng, một lời khích lệ tôi bước vào, một điều mà tôi nghĩ chỉ dành riêng cho Thầy Trừ Tà mà thôi. Hẳn là tôi phải thấy vui lòng về điều ấy lắm nhưng thật ra thì không. Tôi chỉ thấy rờn rợn thế nào.

Tôi gõ lên cửa ba lần trước khi nhận ra chìa khóa đang cắm sẵn trong ổ. Vì chẳng ai ra đáp lại tiếng gõ cửa của tôi nên tôi xoay chìa khóa đẩy cửa mở ra.

Tôi kiểm qua mọi phòng tầng dưới, chỉ chừa ra một phòng. Sau đấy tôi gọi với lên tầng trên. Chẳng thấy ai trả lời tiếng nào nên tôi đánh bạo đi vào bếp.

Trong lò sưởi lửa đang cháy bập bùng, bàn ăn đã được bày ra cho một người. Chính giữa bàn là một nồi súp to đùng nghi ngút hơi. Tôi đang quá đói nên đã ngấu nghiến gần sạch bóng chiếc nồi rồi mới nhìn thấy mảnh giấy ghi chú đặt dưới lọ muối.

Đã sang bên Đông Pendle. Là vấn đề về phù thủy nên ta sẽ đi vắng khá lâu. Cứ tự nhiên như ở nhà nhưng đừng quên đi lấy lương thực hàng tuần. Như mọi khi, bác bán thịt giữ túi cho ta, nên con tới đó trước.

Pendle là khu đồi đá rất lớn, to gần bằng quả núi chứ chẳng chơi, ở mãi tận mút phía Đông của Hạt. Toàn khu vực ấy tràn ngập phù thủy và đấy là nơi đầy rủi ro, nhất là khi phải đến đấy một mình. Điều này lại làm tôi phải nhớ rằng công việc của Thầy Trừ Tà thật nguy hiểm xiết bao.

Nhưng đồng thời tôi vẫn không kìm được cảm giác hơi hơi khó chịu. Suốt bao nhiêu lâu chờ đợi cho có chuyện xảy ra, rồi đến khi tôi đi xa thì Thầy Trừ Tà lại lên đường một mình!

Đêm ấy, tôi ngủ khá ngon giấc, nhưng cũng không ngủ sâu đến nỗi không nghe thấy tiếng chuông triệu tập cho bữa điểm tâm.

Tôi đi xuống lầu đúng giờ và được tặng thưởng một đĩa thịt muối kèm theo món trứng ngon nhất tôi từng được ăn trong nhà Thầy Trừ Tà. Tôi hài lòng đến độ, ngay trước khi rời khỏi bàn ăn, tôi nói thật lớn tiếng, dùng những lời lẽ mà bố tôi thường nói sau mỗi bữa trưa ngày Chủ nhật.

“Ngon lắm đấy,” tôi nói lớn. “Khá khen cho đầu bếp đấy nhé.”

Ngay khi những lời ấy được thốt ra thì ngọn lửa trong bếp lò bừng sáng lên và con mèo bắt đầu gừ gừ. Tôi thì chẳng thấy mèo đâu nhưng tiếng gừ của nó to đến mức tôi thề là những khung cửa sổ kêu lên rào rạt. Rõ là tôi vừa nói một điều rất đúng đắn.

Thế là, cảm giác thật hài lòng với chính mình, tôi cất bước đi xuống làng để lấy lương thực. Mặt trời sáng soi rạng rỡ trên nền trời trong xanh không gợn chút mây, chim chóc réo hót vang lừng và sau cơn mưa ngày hôm trước, vạn vật dường như lóng lánh sáng bừng lên sự mới mẻ.

Tôi bắt đầu từ tiệm bác bán thịt, nhận lấy túi của Thầy Trừ Tà, rồi tiếp bước qua tiệm tạp hóa và kết thúc tại tiệm bánh mì. Vài tay trai làng đang tựa lưng vào bức tường gần đấy. Lần này không đông như lần trước, và tay đầu sỏ, cái tay to lớn với cần cổ to như cổ bò mộng ấy, lúc này không có mặt cùng bọn họ.

Nhớ lời Thầy Trừ Tà đã dặn, tôi bước thẳng đến đám trai làng và bảo, “Tôi xin lỗi về chuyện lần trước, nhưng là vì tôi là lính mới và chưa hiểu cặn kẽ các luật lệ. Thầy Gregory bảo rằng các anh mỗi người có thể lấy một quả táo và một chiếc bánh.” Nói là làm, tôi mở túi trao cho mỗi tay thanh niên những món mình đã hứa. Mấy cặp mắt của bọn họ mở lớn đến nỗi sém rơi ra khỏi hố mắt và bọn họ lí nhí cảm ơn.

Ở trên đỉnh con đường mòn có ai đấy đang chờ tôi. Là cô gái tên Alice, và lần này cô gái cũng đứng trong bóng râm như thể cô không thích ánh mặt trời.

“Cậu có thể lấy một quả táo và một chiếc bánh đấy,” tôi bảo Alice.

Tôi ngạc nhiên thấy cô gái lắc đầu. “Lúc này tớ không đói,” cô bảo. “Nhưng có một thứ mà tớ muốn có lắm. Tớ cần cậu giữ lời hứa. Tớ cần giúp đỡ.”

Tôi nhún vai. Hứa là hứa và tôi nhớ mình đã từng hứa. Thế thì tôi còn làm gì khác hơn là giữ lời mình chứ?

“Nói cho tớ biết cậu cần gì rồi tớ sẽ cố hết sức,” tôi đáp.

Một lần nữa gương mặt Alice bừng sáng cùng nụ cười rạng rỡ. Cô gái mặc váy đen và mang giày mũi nhọn, nhưng không hiểu vì sao nụ cười ấy làm tôi quên đi mọi chuyện. Thế mà, những gì cô ấy nói sau đấy khiến tôi lo lắng và thực sự làm hỏng hết cả phần ngày còn lại.

“Giờ tớ chưa nói cho cậu hay đâu. Tớ sẽ nói vào tối nay, ngay khi mặt trời lặn đấy. Cậu đến tìm tớ khi cậu nghe tiếng chuông của lão Gregory nhé.”

Tôi nghe thấy tiếng chuông ngay trước khi mặt trời lặn, và với cõi lòng nặng trĩu, tôi bước xuống đồi, đi về phía những cây liễu mọc thành vòng tròn, nơi các lối mòn giao nhau. Có vẻ như không được đúng đắn cho lắm, cái kiểu Alice rung chuông như thế ấy. Trừ khi là cô có việc nhờ Thầy Trừ Tà, nhưng chẳng hiểu sao tôi ngờ là không phải.

Xa xa trên trời cao, những tia nắng mặt trời sau cuối đang nhuộm những đỉnh đồi đá trong quầng sáng cam cam dìu dịu, nhưng ở mãi tận dưới này, giữa những tàn cây liễu gai, ánh sáng lại xám xịt và đầy rẫy bóng râm.

Tôi rùng mình khi nhìn thấy Alice bởi vì cô chỉ kéo dây chuông bằng một tay nhưng lại làm cho quả chuông lắc cuống cuồng. Mặc cho cánh tay mảnh khảnh và cái eo nhỏ xíu, cô gái này hẳn phải rất mạnh.

Ngay khi tôi thò mặt ra, cô thôi kéo chuông và chống hai tay lên hông trong khi những tàn cây tiếp tục rung lắc trên đầu. Chúng tôi chỉ chăm chăm nhìn nhau thật lâu, cho đến khi mắt tôi bị thu hút về phía chiếc làn dưới chân cô. Trong làn đang có thứ gì đấy được che bằng một mảnh vải đen.

Alice nhấc làn lên chìa ra cho tôi.

“Cái gì thế?” tôi hỏi.

“Là cho cậu đấy, để cậu giữ lời hứa.”

Tôi đưa tay nhận lấy nhưng lòng chẳng thấy vui vẻ gì. Tò mò, tôi cho tay vào trong nhấc mảnh vải đen lên.

“Ê đừng, cứ để nó yên đấy,” Alice vội giật giọng, giọng cô sắc lẻm. “Đừng để không khí lọt vào, bằng không thì chúng sẽ hỏng mất.”

“Chúng là gì thế?” tôi hỏi. Trời mỗi lúc một tối dần và tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn.

“Chỉ là bánh thôi mà.”

“Cảm ơn nhiều nhé.”

“Không phải cho cậu đâu,” cô gái bảo, khóe miệng hơi nhếch lên cười. “Bánh ấy là cho Mẹ Già Malkin.”

Miệng tôi thoắt trở nên khô khốc và cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Mẹ Malkin, mụ phù thủy còn sống mà Thầy Trừ Tà nhốt trong cái hố sau vườn nhà thầy.

“Tớ không nghĩ thầy Gregory sẽ thích chuyện này đâu,” tôi bảo. “Thầy bảo tớ phải tránh xa mụ ấy ra.”

“Hắn ta là lão già độc ác, cái lão Gregory ấy,” Alice nói. “Mẹ Malkin tội nghiệp đã bị nhốt trong cái lỗ tối tăm ẩm ướt dưới lòng đất ấy cả mười ba năm nay rồi. Đối xử với một bà lão tệ như thế liệu có đúng đắn không?”

Tôi nhún vai. Bản thân tôi cũng không vui thú gì với chuyện ấy. Bào chữa cho những việc thầy làm thật chẳng dễ dàng gì, nhưng thầy đã bảo phải có lý do chính đáng lắm mới phải làm như thế.

“Này,” Alice nói tiếp, “cậu sẽ chẳng gặp rắc rối gì đâu vì lão Gregory không bao giờ cần phải biết. Cậu chỉ đem đến cho Mẹ Malkin chút an ủi thôi mà. Món bánh bà ấy thích nhất do gia đình tự làm. Việc này chẳng có gì sai quấy cả. Chỉ là một thứ giúp Mẹ Malkin đủ sức chống chọi với cái lạnh. Nó sẽ chỉ ngấm thẳng vào xương của bà ấy thôi.”

Một lần nữa tôi lại nhún vai. Mọi lý lẽ đúng đắn nhất dường như đã thuộc về cô gái cả rồi.

“Vậy cậu cứ đưa bánh cho bà mỗi đêm. Có ba chiếc cho ba đêm. Tốt nhất là đưa vào lúc nửa đêm vì đấy là khi bà ấy đói bụng nhất. Tối nay đưa cho bà chiếc đầu tiên nhé.”

Alice dợm quay bước bỏ đi thì ngừng lại và quay về phía tôi nhoẻn cười. “Chúng mình có thể thành bạn tốt đấy, cậu với tớ ấy,” cô chặc lưỡi.

Thế rồi cô mất dạng vào bóng tối đang đậm dần.