Căn bếp đã thay đổi so với lần tôi ghé qua vừa rồi. Một nhúm lửa nhỏ đã được nhen lên trong lò sưởi và trên bàn đã dọn sẵn hai đĩa thịt muối và trứng. Lại còn có thêm một ổ bánh mì to mới ra lò và một khoanh bơ thật lớn.
“Ăn thôi nào, anh bạn, trước khi thức ăn nguội lạnh,” Thầy Trừ Tà mời.
Tôi làm theo ngay và chẳng mấy chốc hai thầy trò đã chén sạch hai đĩa đầy cùng nửa ổ bánh mì. Đoạn Thầy Trừ Tà ngả tựa người ra sau ghế, tay kéo kéo râu và hỏi tôi một câu hỏi quan trọng.
“Con không nghĩ là,” thầy hỏi, mắt thầy nhìn thẳng vào mắt tôi, “đây là đĩa thịt muối và trứng ngon nhất mà con từng được ăn sao?”
Tôi không đồng ý đâu. Đúng là bữa điểm tâm đã được chuẩn bị rất chu đáo. Được thôi, bữa ăn ngon đấy, ngon hơn phô mai nhiều chứ, nhưng tôi đã từng được ăn ngon hơn kìa. Tôi được ăn ngon hơn vào mỗi buổi sáng khi tôi còn sống ở nhà. Mẹ tôi là đầu bếp giỏi hơn nhiều, nhưng không hiểu sao tôi không nghĩ đấy là câu trả lời mà Thầy Trừ Tà đang muốn nghe. Vậy nên tôi trả lời bằng một lời nói dối vô hại, kiểu nói dối không thực sự làm hại cho ai mà ngược lại thường làm cho người nghe thấy vui vẻ hơn.
“Đúng ạ,” tôi trả lời, “đây là bữa điểm tâm ngon nhất mà con từng được dùng. Và con xin lỗi vì đã xuống bếp quá sớm. Con xin hứa chuyện này sẽ không bao giờ lặp lại.”
Nghe đến đấy, Thầy Trừ Tà cười ngoác mang tai đến nỗi tôi sợ mặt thầy sẽ rách ra làm hai mất; rồi thầy vỗ lưng tôi và lại dẫn tôi ra vườn.
Chỉ đến khi chúng tôi ra ngoài rồi thì nụ cười của thầy mới tắt hẳn. “Giỏi lắm anh bạn. Có hai loại rất thích nghe nịnh nọt. Loại thứ nhất là một người phụ nữ và loại thứ hai là ông kẹ. Lần nào nghe nịnh, họ cũng xiêu hết.”
Phải rồi, tôi chẳng thấy có dấu hiệu nào của phụ nữ trong bếp cả, thế là xác nhận cho những gì tôi nghi rồi nhé – rằng ông kẹ là người nấu ăn cho chúng tôi. Ngạc nhiên là còn ít đấy. Ai ai cũng nghĩ thầy trừ tà là kẻ diệt trừ ông kẹ, hoặc chấn chỉnh ông kẹ sao cho chúng không thể gây ra điều ác gì nữa. Ai lại có thể tin được thầy lại có một ông kẹ nấu ăn dọn dẹp cho mình chứ?
“Đây là khu vườn phía Tây,” Thầy Trừ Tà bảo tôi khi chúng tôi đi dọc theo lối mòn thứ ba, đám sỏi trắng lạo xạo dưới mỗi bước chân. “Nơi này an toàn cả ngày lẫn đêm. Chính ta cũng thường ra đây khi ta có vấn đề cần phải suy tính.”
Chúng tôi đi qua một khoảng trống khác trên hàng rào và chẳng mấy chốc bước qua những rặng cây. Ngay lập tức tôi cảm nhận được sự khác biệt. Chim chóc đang hót vang và những rặng cây nhẹ nhàng chuyển mình trong ngọn gió ban mai. Nơi đây vui vẻ hơn nhiều.
Chúng tôi tiếp tục bước đi cho đến khi ra khỏi rặng cây để đến bên sườn đồi, nhìn sang phải là quang cảnh những đồi đá. Bầu trời quang đãng đến nỗi tôi có thể nhìn thấy những tường đá xếp ngăn những sườn đồi thấp hơn thành những thửa ruộng và đánh dấu địa hạt của từng gia đình nhà nông. Thực sự thì cảnh vật này trải rộng ra mãi tận đỉnh của đồi đá gần nhất.
Thầy Trừ Tà khoác tay về phía băng ghế gỗ bên tay trái. “Ngồi xuống đi anh bạn.”
Tôi làm theo và ngồi xuống. Trong một chốc thầy nhìn xuống tôi, đôi mắt xanh lục của thầy chăm chăm nhìn vào mắt tôi. Rồi thấy bắt đầu đi đi lại lại trước băng ghế mà không nói năng gì. Thầy không còn nhìn vào tôi nữa, nhưng lại đăm đăm nhìn vào khoảng không với ánh mắt vô hồn. Thầy trượt mũ trùm đầu ra sau, cho hai tay vào túi quần ống túm, và bất thần, thầy ngồi xuống bên cạnh tôi mà hỏi.
“Vậy con nghĩ có bao nhiêu loại ông kẹ cả thảy?”
Tôi bí tị. “Con đã biết đến hai loại rồi,” tôi đáp, “một loại thả rông và loại kia là bị chèn, nhưng con thậm chí không thể bắt đầu đoán được về các loại khác nữa ạ.”
“Anh bạn nhỏ này, thế là hai lần xuất sắc đấy. Con đã ghi nhớ những gì ta dạy, và con còn biết chứng tỏ mình là người không đoán non đoán già. Con thấy đấy, có rất nhiều loại ông kẹ khác nhau, hệt như nhiều loại con người ta vậy, và mỗi loại lại có tính cách riêng. Tuy nhiên, nói như thế nhưng vẫn có nghĩa rằng còn một số loại có thể được nhận diện và gọi tên. Đôi khi việc đặt tên dựa vào hình dạng của chúng, thỉnh thoảng còn do tính tình và những chiêu trò mà chúng sử dụng.”
Thầy lục lọi trong túi bên phải và rút ra một cuốn sổ bìa da màu đen. Đoạn thầy trao cho tôi. “Đây, giờ thứ này đã là của con,” thầy bảo. “Giữ gìn nó cẩn thận, và dù con có làm gì, đừng bao giờ đánh mất nó nhé.”
Mùi da thuộc từ cuốn sách nồng hăng và cuốn sách trông như mới cáu. Cũng hơi thất vọng chút xíu khi tôi mở cuốn sách ra mà lại thấy trong ấy toàn mấy trang giấy trống trơn. Tôi nghĩ mình những tưởng cuốn sách phải chứa đầy những bí mật của việc trừ tà – nhưng không, có vẻ như tôi mới là kẻ phải chép những bí mật đó ra, bởi vì tiếp ngay sau đó thầy rút từ trong túi ra một cây viết cùng một lọ mực.
“Sửa soạn ghi chép đi anh bạn,” thầy vừa bảo vừa đứng lên, lại bắt đầu đi đi lại lại trước băng ghế. “Và nhớ cẩn thận đừng dây mực ra đấy. Mực không phải nhỏ ra từ vú bò đâu.”
Tôi loay hoay mở nắp bình, và rồi, thật cẩn thận, tôi nhúng đầu bút vào lọ mực và mở trang đầu tiên của cuốn sổ ra.
Thầy Trừ Tà đã bắt đầu bài giảng và thầy giảng cực nhanh.
“Thứ nhất, ta có loại ông kẹ lông lá trong hình dạng thú vật. Đa phần là trong hình dạng chó nhưng lốt mèo cũng nhiều gần ngang ngửa, cộng thêm một hai lốt dê lạc loài. Tuy nhiên, chớ quên tính luôn cả lốt ngựa nữa – mấy ông kẹ này có thể quỷ quyệt lắm đấy. Và dù cho là trong lốt con nào đi nữa, những ông kẹ lông lá có thể được phân loại thành các loại thù địch, loại thân thiện hay loại lưng chừng ở giữa.”
“Thế rồi còn có thêm loại phá nhà, nhiều khi còn tiến hóa thành loại ném đá, loại này có thể trở nên rất hung hăng khi bị chọc tức. Một trong những loại dữ dằn nhất là loại xé xác gia súc bởi vì chúng thích máu người chẳng kém gì máu gia súc. Nhưng chớ có vội nghĩ là dân trừ tà như chúng ta chỉ phải đối đầu với đám ông kẹ thôi không đấy, vì những kẻ chết không yên chẳng bao giờ ở xa đây cả. Vả lại, để cho mọi chuyện thêm phần tồi tệ, đám phù thủy mới thực là một vấn đề rắc rối của Hạt. Hiện giờ không có tên phù thủy địa phương nào khiến cho chúng ta phải lo lắng, nhưng về phía Đông, gần đồi Pendle, đám phù thủy ở đấy rất rầy rà. Và hãy nhớ, không phải tên phù thủy nào cũng giống nhau. Đại khái chúng có bốn loại – loại độc, loại lành, loại bị buộc tội sai lầm và loại không rõ thế nào.”
Hẳn chắc bạn đã đoán được, đến lúc này tôi đang gặp rắc rối thật lớn. Này nhé, thứ nhất là thầy nói quá nhanh làm tôi chẳng thể nào viết kịp lấy một chữ. Thứ hai, thực lòng tôi không biết hết những từ ngữ đao to búa lớn mà thầy nói. Tuy nhiên, đến lúc ấy thì thầy ngưng lại. Tôi nghĩ chắc là thầy đã để ý thấy cái vẻ hoang mang trên mặt tôi.
“Có chuyện gì thế anh bạn?” thầy hỏi. “Coi nào, nói ra nghe coi. Đừng sợ phải đặt câu hỏi chứ.”
“Con không hiểu hết những điều thầy giảng về phù thủy ạ. Con không biết "độc" là gì. Cả "lành" cũng thế.”
“Độc là độc ác,” thầy giảng giải. “Lành là vô hại. Và loại không rõ thế nào nghĩa là một mụ phù thủy không biết mình là phù thủy, và bởi vì mụ là phụ nữ nên càng làm cho vấn đề rối rắm gấp bội. Đừng bao giờ tin tưởng một phụ nữ,” Thầy Trừ Tà bảo.
“Mẹ con là phụ nữ đấy ạ,” tôi buột miệng, đột nhiên thấy hơi cáu tiết, “và con tin tưởng bà.”
“Mẹ thường là phụ nữ,” Thầy Trừ Tà nói. “Và các bà mẹ thường rất đáng tin, nếu con là con trai của bà ấy. Bằng không thì coi chừng đấy! Ta cũng từng có mẹ và ta tin tưởng bà, thế nên ta nhớ rất rõ tình cảm này.” Thình lình thầy hỏi, “Thế con có thích con gái không?”
“Thật ra con không biết nhiều cô đâu ạ,” tôi thú nhận. “Con không có chị gái nào cả.”
“À, nếu thế thì con rất dễ sa chân vào những mánh khóe của con gái đấy. Vậy con nên cảnh giác với đám con gái trong làng. Nhất là bất cứ cô nào mang giày mũi nhọn. Chép điều ấy xuống đi. Đấy là điều thích hợp nhất để ghi xuống đấy, cũng giống như tất cả các điều khác.”
Tôi thắc mắc chẳng biết mang giày mũi nhọn thì có gì ghê gớm cơ chứ. Tôi biết mẹ tôi sẽ không vui khi nghe những gì mà Thầy Trừ Tà vừa nói. Bà luôn tin rằng ta phải nhìn nhận người khác đúng như mình cảm nhận, chứ không chỉ căn cứ vào ý kiến của ai khác. Thế nhưng mà, tôi còn lựa chọn nào đâu chứ? Vậy nên ngay trên đầu trang đầu tiên, tôi viết xuống “Các cô gái trong làng mang giày mũi nhọn”.
Thầy quan sát tôi viết, rồi đòi lại cuốn sổ và cây bút. “Này con,” thầy bảo, “con phải ghi chép nhanh hơn thế chứ. Có rất nhiều điều phải học và con sẽ chóng phải chép đầy cả tá sổ, nhưng bây giờ con bắt đầu với ba hay bốn gạch tiêu đề cũng được rồi.”
Đoạn thầy viết xuống “Kẹ Lông lá” trên đầu trang hai. Và rồi “Kẹ phá nhà” trên đầu trang ba; và cuối cùng là “Phù thủy” trên đầu trang bốn.
“Đấy,” thầy bảo. “Như thế giúp con bắt đầu đấy. Cứ viết hết mọi điều con đã học trong ngày hôm nay bên dưới một trong những tiêu đề ấy. Nhưng bây giờ là cho thứ cần kíp hơn. Chúng ta cần lương thực dự phòng. Cho nên con hãy đi xuống làng, bằng không ngày mai chúng ta sẽ bị bỏ đói mất. Ngay cả đầu bếp tài tình nhất cũng chẳng thể nấu nướng được gì nếu không có lương thực thực phẩm. Nhớ là mọi thứ bỏ vào trong túi của ta. Bác bán thịt biết mà, nên trước hết con phải tới đấy. Cứ việc yêu cầu đơn hàng cho ông Gregory là xong.”
Thầy đưa cho tôi đồng xu bạc be bé, căn dặn tôi không được làm mất tiền thối lại, và rồi bảo tôi đi xuống đồi theo con đường nhanh nhất vào làng.
Loáng sau tôi đã lại bước xuyên qua rừng cây, cho tới khi rốt cuộc tôi cũng đến được cái bục rào dẫn đến một con đường mòn nhỏ hẹp, dốc đứng. Độ khoảng thêm một trăm bước chân nữa, tôi quành qua một ngã tư đường và những mái ngói bằng đá phiến xam xám của làng Chipenden hiện ra trước mắt.
Ngôi làng rộng lớn hơn tôi tưởng. Có ít nhất là một trăm căn nhà tranh, rồi lại có một quán rượu, một trường học và một nhà thờ thật lớn có tháp chuông. Không có bảng hiệu của quảng trường họp chợ gì cả, nhưng con đường chính trải đá cuội, con đường này mới dốc đứng liên xiên làm sao, lại tấp nập các bà các cô tay mang làn trĩu nặng ra ra vào vào các cửa hiệu. Ngựa cùng các cỗ xe đang đứng chờ đầy cả hai bên đường, thế nên rõ là các bà vợ của mấy bác nông dân trong làng đến đây mua sắm, và chắc là có cả dân ở những làng lân cận.
Tôi dễ dàng tìm thấy tiệm bán thịt và cùng đứng xếp vào hàng các phụ nữ nói cười huyên náo, người nào cũng ơi ới gọi bác bán thịt, một người đàn ông mặt đỏ lựng, to lớn, vui nhộn, hàm râu quai nón hung đỏ. Có vẻ như bác ấy biết tường tận tên mỗi người và làm cho mọi người cười vui ha hả với những câu chuyện tếu, được nhanh nhảu kể ra hơi chút khó hiểu. Tôi không hiểu hết mọi câu chuyện tếu ấy nhưng chắc là đám phụ nữ thì có và dường như các bà rất thích thú thì phải.
Không có mấy ai quan tâm đến tôi lắm, nhưng cuối cùng tôi cũng đến được quầy hàng và đến phiên tôi được mua.
“Cháu ghé lấy đơn hàng của ông Gregory ạ,” tôi thưa với bác bán thịt.
Tôi vừa mở miệng, cả tiệm đột nhiên im bặt và mọi tiếng cười ngưng hẳn. Bác bán thịt với ra sau quầy lôi ra một chiếc túi. Tôi có thể nghe thấy mọi người thì thào sau lưng mình, nhưng dù có căng cả hai tai, tôi cũng chẳng nghe ra được họ đang bàn tán gì cả. Khi tôi liếc ra sau thì mọi người tảng lờ nhìn sang chỗ khác chứ chẳng nhìn vào tôi. Có vài người thậm chí còn nhìn chằm chằm xuống sàn nhà.
Tôi đưa cho bác bán thịt đồng xu bạc, cẩn thận kiểm lại tiền thừa, nói lời cảm ơn bác ấy rồi xách bị ra khỏi tiệm, vắt túi qua vai khi tôi ra đến ngoài phố. Ghé qua cửa tiệm thực phẩm chẳng mất bao nhiêu thời gian. Số lương thực đã được gói ghém sẵn nên tôi chỉ việc bỏ đồ vào túi, bây giờ chiếc túi đã trở nên nằng nặng.
Đến lúc này mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ, nhưng khi bước vào tiệm bánh mì, tôi trông thấy một nhóm thanh niên.
Có bảy hay tám tên gì đấy đang ngồi trên bờ tường. Việc ấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên, ngoại trừ một điều là bọn chúng không nói chuyện với nhau – chúng mải bận nhìn tôi trừng trừng với những gương mặt háu đói, như một bầy chó sói, quan sát từng bước tôi đi khi tôi tiến vào tiệm bánh mì.
Khi tôi ra khỏi tiệm bọn chúng vẫn ở đấy, và lúc này, khi tôi chuẩn bị leo lên đồi, bọn chúng bắt đầu đi theo tôi. Thật tình, mặc cho có vẻ như hơi quá trùng hợp khi nghĩ rằng bọn chúng chỉ quyết định leo lên cùng một ngọn đồi, tôi cũng không lo lắng là mấy. Sáu ông anh trai đã luyện cho tôi đánh nhau quá nhiều rồi.
Tôi nghe thấy tiếng gót giày của bọn chúng tiến mỗi lúc mỗi gần hơn. Bọn chúng đang bắt kịp tôi khá nhanh nhưng có lẽ là vì tôi đang bước mỗi lúc mỗi chậm. Bạn thấy đấy, tôi không muốn bọn chúng nghĩ là mình sợ, và dù sao đi nữa, túi đồ thì nặng mà ngọn đồi tôi leo lại rất dốc.
Bọn chúng bắt kịp tôi khi tôi còn cách bục rào chừng mười hai bước, ngay tại nơi con đường mòn rẽ chia khu rừng nhỏ, những cây to chen chúc nhau hai bên con đường che khuất mặt trời buổi sớm.
“Mở túi ra và coi chúng ta có gì nào,” một giọng nói đằng sau tôi vọng lại.
Đấy là một giọng ồm ồm, khàn khàn quen với việc chuyên bảo người khác phải làm gì. Trong giọng nói ấy còn có vẻ nguy hiểm sắc lạnh khiến tôi hiểu rằng chủ nhân của nó rất thích gây ra đau đớn và luôn luôn để mắt tìm kiếm nạn nhân tiếp theo.
Tôi quay lại đối mặt với hắn nhưng nắm tay trên túi đồ của tôi càng thêm chặt, giữ cho túi nằm im trên vai. Tên vừa lên tiếng là thủ lĩnh của cả nhóm. Hẳn là thế rồi. Những tên còn lại mặt mũi dài thượt nhọn hoắt, như thể chúng rất cần được ăn cho no, nhưng tên thủ lĩnh lại trông như hắn đã ăn hết phần của các tên còn lại. Hắn cao hơn tôi ít nhất một cái đầu, vai thì rộng còn cổ sừng sững như cổ bò tót. Mặt của hắn cũng to nữa, hai má đỏ hồng, nhưng hai mắt lại ti hí và dường như hắn chẳng hề chớp mắt lấy một lần.
Tôi nghĩ rằng nếu tên này không có mặt ở đây và không cố bắt nạt tôi thì tôi hẳn đã mủi lòng. Dầu gì thì, vài thằng trong nhóm trông gần đói lả trong khi trong túi đồ của tôi có đầy táo và bánh ngọt. Mặt khác, mấy món này không phải là của tôi nên tôi không thể tự tiện phân phát.
“Túi này không phải của tôi,” tôi bảo. “Mà là của ông Gregory.”
“Thằng học việc trước chẳng màng đến chuyện đó,” tên thủ lĩnh nói và dí bản mặt của hắn vào gần mặt tôi hơn. “Nó thường mở túi cho chúng tao. Nếu mày còn biết khôn, hãy làm giống như nó đi. Nếu mày không chịu cư xử biết điều thì tao sẽ phải ra tay nặng đấy. Nhưng mà mày sẽ không thích như thế lắm đâu và cuối cùng thì kết cục cũng như nhau mà thôi.”
Đám ấy bắt đầu tiến đến gần hơn và tôi có thể cảm thấy có tên nào đấy giật giật túi mình. Thậm chí đến lúc ấy, tôi cũng không đầu hàng và tôi trừng mắt nhìn vào cặp mắt heo của tên thủ lĩnh, cố hết sức để mình không chớp mắt.
Lúc đó, có một chuyện xảy ra làm tất cả chúng tôi giật cả mình. Có thứ gì rục rịch đâu đó trong đám cây mé bên tay phải tôi và thế là cả bọn cùng quay sang hướng ấy.
Trong tán râm có một bóng người tối đen, rồi khi mắt tôi làm quen được với bóng râm ấy, tôi nhận ra đấy là một cô gái. Cô chầm chậm di chuyển về phía chúng tôi, nhưng cách tiếp cận của cô khẽ khàng đến độ bạn có thể nghe thấy tiếng kim găm rơi xuống đất, nhẹ nhàng đến nỗi dường như là cô đang trôi chứ chẳng phải đang bước nữa. Đoạn cô gái dừng bước ngay rìa bóng râm, cứ như là cô không muốn bước ra ngoài ánh sáng mặt trời.
“Sao chúng mày không để cho cậu ta được yên hả?” cô ra lệnh. Nghe thì như là một câu hỏi ấy nhưng tông giọng của cô gái bảo cho tôi biết đấy là một câu ra lệnh.
“Liên quan gì đến mày?” tên đầu sỏ hất cằm về phía cô gái và hai tay siết chặt thành nắm đấm.
“Mày chẳng phải lo gì đến tao,” từ trong bóng râm cô gái đáp vọng ra. “Lizzie đã quay lại, và nếu mày không làm theo những gì tao bảo, thì người mày phải trả lời là dì ấy đấy.”
“Lizzie nào?” tên kia hỏi lại, đồng thời thối lui một bước.
“Lizzie Xương Xẩu. Là dì của tao. Đừng có nói là mày chưa bao giờ nghe danh dì ấy...”
Có khi nào bạn cảm thấy thời gian trôi qua thật chậm, chậm đến mức có vẻ như ngừng trôi chưa nhỉ? Có khi nào nghe thấy tiếng tích tắc của đồng hồ khi tiếng tích này có vẻ như cách tiếng tắc kia đến vô tận không? Vâng, tình huống là như thế cho đến khi, bất thình lình, cô gái rít lên thật lớn qua kẽ răng nghiến chặt. Rồi cô nói tiếp.
“Tiếp đi,” cô gái nói. “Bọn mày biến hết đi! Xéo đi, nhanh lên không thôi thì chết chắc!”
Bọn kia bị tác động ngay lập tức. Tôi liếc nhìn qua vẻ mặt của vài tên trong đám và nhận ra chúng không những chỉ sợ. Chúng đang kinh hoàng gần đến mức hoảng loạn. Tên đầu sỏ quay gót bỏ chạy ngay xuống đồi, theo sát sau là những đứa đồng bọn.
Tôi không hiểu vì sao chúng lại sợ đến thế nhưng chính tôi cũng cảm thấy muốn bỏ chạy luôn. Cô gái đang trừng to mắt nhìn tôi và tôi có cảm giác mình không thể điều khiển chân tay cho chuẩn được. Tôi thấy mình như con chuột bị ánh mắt của con chồn đang chuẩn bị vồ mồi làm cho chết lặng.
Tôi cố lê chân trái về trước và chầm chậm quay người về phía rặng cây để đi theo hướng mũi mình đang chĩa đến, nhưng tôi vẫn nắm chặt túi đồ của Thầy Trừ Tà. Cho dù cô gái này có là ai, tôi vẫn sẽ không từ bỏ túi đồ ấy đâu.
“Thế cậu sao cũng không chạy đi?” cô gái hỏi tôi.
Tôi lắc đầu nhưng miệng mồm khô khốc và không tin tưởng cho bản thân thử mở mồm ra nói. Tôi biết có thốt ra lời nào cũng không thích hợp đâu.
Cô chắc cỡ khoảng tuổi tôi – đúng ra là nhỏ hơn một chút. Gương mặt cô khá xinh xắn, vì cô có đôi mắt nâu to tròn, gò má cao cao và mái tóc dài đen nhánh. Cô mặc chiếc váy thắt chặt quanh eo bằng một đoạn dây trắng. Nhưng trong khi đang quan sát cô, tôi bất chợt để ý thấy điều gì đó làm mình bất an.
Cô gái mang đôi giày mũi nhọn, và ngay lập tức tôi nhớ đến lời căn dặn của Thầy Trừ Tà. Nhưng tôi vẫn giữ vững tinh thần, quyết tâm không bỏ chạy như đám mấy tên kia.
“Thế cậu sẽ không cảm ơn tôi sao?” cô gái hỏi. “Tử tế chút mà nói cảm ơn đi nào.”
“Cảm ơn,” tôi lập cập nói, cố mãi mới thốt được mấy lời đầu tiên.
“A, ít ra vậy cũng là khởi đầu,” cô nói. “Nhưng để cảm ơn tớ đàng hoàng, cậu phải cho tớ thứ gì đó chứ, phải không? Bây giờ thì một quả táo hay một cái bánh là được thôi mà. Đòi hỏi thế đâu có nhiều nhặn gì đâu nhỉ. Trong túi ấy có rất nhiều thứ và lão Gregory sẽ không để ý đâu, mà nếu có thì lão cũng sẽ chẳng nói gì.”
Tôi sửng sốt khi nghe cô gọi Thầy Trừ Tà là “lão Gregory”. Tôi biết thầy sẽ không thích bị gọi như thế, và điều này mách bảo với tôi hai chuyện. Chuyện thứ nhất, cô gái này chẳng tôn trọng gì thầy lắm, và chuyện thứ hai là, cô cũng chẳng e sợ thầy tẹo nào. Ở vùng tôi sinh sống ấy à, ngay cả ý nghĩ rằng thầy Trừ Tà có lẽ đang ở quanh đấy thôi cũng đã làm cho đa phần người ta phát run lên rồi.
“Xin lỗi nhé,” tôi bảo, “nhưng tớ không thể làm thế. Đồ này không phải của tớ nên tớ không cho được.”
Cô gái trừng mắt nhìn tôi dữ dội rồi đứng im một chập chẳng nói chẳng rằng. Có lúc tôi chợt nghĩ rằng cô sẽ rít vào tôi qua kẽ răng. Tôi nhìn trừng trừng lại cô ấy, cố gắng không chớp mắt, cho đến lúc rốt cuộc một nụ cười mờ nhạt làm mặt cô dịu lại và cô lại mở miệng nói.
“Thế thì tớ phải đòi có một lời hứa rồi.”
“Hứa à?” tôi vừa hỏi vừa thắc mắc chẳng biết cô ấy có ý gì.
“Một lời hứa cậu sẽ giúp tớ như tớ vừa giúp cậu. Bây giờ thì tớ chẳng cần giúp gì, nhưng biết đâu một ngày nào đó tớ lại cần.”
“Thế thì được,” tôi đáp. “Tương lai mà cậu có cần bất cứ giúp đỡ gì thì cứ bảo tớ.”
“Tên cậu là gì?” cô gái hỏi, miệng nhoẻn cười thật tươi với tôi.
“Tom Ward.”
“À, còn tên tớ là Alice và tớ sống ở trong kia,” cô bảo, chỉ tay vào trong khu rừng. “Tớ là cháu gái yêu nhất của Lizzie Xương Xẩu.”
Cái tên Lizzie Xương Xẩu nghe lạ thật đấy nhưng nếu nói ra sẽ rất mất lịch sự. Chẳng biết bà ta là ai, nhưng nội cái tên của bà ta không thôi đã đủ dọa cho đám thanh niên trong làng sợ chết khiếp.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi đến đấy là kết thúc. Cả hai chúng tôi đều quay bước đi về hai hướng khác nhau, nhưng khi vừa bước đi thì Alice đã nói với lại, “Cậu bảo trọng nhé. Cậu không muốn mình có kết cục như tay học việc vừa rồi của lão Gregory đâu.”
“Chuyện gì đã xảy ra với anh ấy thế?” tôi hỏi ngay.
“Tốt hơn thì đi mà hỏi lão Gregory ấy!” cô nói lớn, đoạn biến mất vào sau rặng cây.
Khi tôi trở về, Thầy Trừ Tà tỉ mỉ kiểm tra túi đồ, đánh dấu kiểm kê từng món một theo danh sách.
“Con có gặp rắc rối gì trong làng không?” mãi sau khi kiểm xong thầy mới hỏi.
“Có mấy tên thanh niên đi theo con lên đến đồi ạ, chúng bắt con mở túi đồ ra nhưng con từ chối,” tôi thưa.
“Con làm thế là can đảm lắm. Lần tới cứ việc cho chúng vài quả táo hay vài miếng bánh cũng chẳng sao. Cuộc sống vốn đã khó khăn rồi, vả lại vài tên trong số ấy xuất thân từ gia đình rất nghèo nữa. Ta luôn đặt mua dư ra phòng khi bọn chúng có xin lấy vài thứ.”
Ôi lúc ấy tôi thấy bực mình làm sao. Giá mà thầy bảo trước với tôi là thế. “Con không muốn làm thế trước khi hỏi ý kiến thầy,” tôi bảo.
Thầy Trừ Tà nhướng mày. “Thế con có muốn cho chúng vài miếng bánh hay đôi quả táo không?”
“Con không thích bị bắt nạt,” tôi đáp, “nhưng đúng là có vài tên có vẻ rất đói ăn.”
“Thế thì lần tới con hãy tin tưởng vào trực giác của mình mà ra tay trước đi,“ thầy bảo. “Tin tưởng vào tiếng nói bên trong con ấy. Nó hiếm khi sai lầm lắm. Một kẻ trừ tà phụ thuộc rất nhiều vào tiếng nói ấy đấy, bởi vì đôi lúc nó lại là sự khác biệt giữa sinh và tử. Thêm một điều nữa chúng ta cần phải tìm ra trong con đấy. Xem thử những trực giác của con có thể tin cậy được hay không.”
Thầy ngưng lại, nhìn tôi chằm chằm, đôi mắt xanh lục của thầy rà soát mặt tôi. Chợt thầy hỏi, “Có rắc rối gì với mấy cô gái không?”
Vì vẫn còn đang bực mình nên tôi không trả lời thầy cho thành thật.
“Chẳng vấn đề gì cả ạ.”
Đấy cũng đâu phải lời nói dối vì Alice đã giúp đỡ tôi cơ mà, thế là ngược lại với rắc rối ấy chứ. Nhưng cho dù thế, tôi biết thầy có ý muốn hỏi là tôi có gặp cô gái nào không và tôi còn biết lẽ ra mình phải kể cho thầy nghe về Alice. Nhất là khi cô ấy mang đôi giày mũi nhọn.
Khi làm người học việc, tôi đã phạm rất nhiều sai lầm, và điều vừa rồi là sai lầm nghiêm trọng thứ hai của tôi – tôi đã không kể cho thầy nghe toàn bộ sự thật.
Sai lầm thứ nhất, thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều, đó là đã hứa hẹn với Alice.