Sau đấy, tôi cạn kiệt sức lực đến nỗi đổ sụm xuống hai gối, loáng chốc tôi thấy phát ốm – hơn bất cứ lúc nào tôi từng ốm trước đây. Tôi nôn thốc nôn tháo, nôn hoài nôn mãi đến tận khi chẳng còn gì khác ngoài mật xanh mật vàng vọt ra khỏi miệng tôi, nôn cho đến khi ruột gan tôi rách bươm quặn thắt.
Rốt cuộc rồi cú nôn cũng dứt và tôi lồm cồm đứng dậy. Nhưng dù có thế thì nhịp thở của tôi phải mất một lúc lâu sau mới chậm lại và cơ thể tôi mới thôi run rẩy. Tôi chỉ muốn quay trở về nhà của Thầy Trừ Tà. Trong một đêm tôi đã làm quá nhiều chuyện rồi, phải không nào?
Nhưng tôi không thể quay về – đứa bé vẫn còn ở trong nhà của Lizzie. Đấy là điều mà linh tính tôi mách bảo. Đứa bé đang bị một mụ phù thủy có khả năng giết người bắt làm tù nhân. Nên tôi không còn lựa chọn nào khác. Chẳng còn ai khác ngoài tôi và nếu tôi mà không giúp thì ai sẽ giúp đây chứ? Tôi phải tiến về phía nhà của Lizze Xương Xẩu thôi.
Từ chân trời phía Tây, một cơn dông đang cuộn đến, một dãy mây tối tăm lởm chởm đang nuốt chửng dần những vì sao. Rồi cơn mưa sẽ nhanh chóng trút xuống, nhưng khi tôi bắt đầu bước xuống đồi về phía ngôi nhà, mặt trăng vẫn còn ló dạng – trăng rằm tròn vành vạnh, to lớn hơn tôi hằng nhớ.
Ánh trăng đổ bóng tôi dài xuống theo từng bước chân. Tôi nhìn theo bóng mình mỗi lớn dần lên, và càng tiến gần đến ngôi nhà chừng nào, bóng tôi dường như càng lớn hơn chừng nấy. Tôi sụp mũ trùm lên đầu và tay trái cầm theo cây trượng, thế nên hình như chiếc bóng không còn là của tôi nữa. Chiếc bóng dẫn đường phía trước tôi cho đến khi nó trùm xuống ngôi nhà của Lizzie Xương Xẩu.
Khi ấy tôi liếc lại phía sau, nửa như mong đợi được trông thấy Thầy Trừ Tà đứng sau lưng mình. Thầy không có đấy. Chỉ là trò lừa đảo của ánh sáng. Vậy nên tôi bước tiếp cho đến khi đi qua cánh cổng để mở đi vào sân trước.
Đến trước cửa nhà, tôi dừng lại suy nghĩ. Lỡ tôi đã đến quá muộn và đứa bé chết rồi thì sao? Hay nếu việc đứa bé biến mất không liên quan gì đến Lizzie cả và tôi đang dấn thân vào nguy hiểm chẳng vì lý do gì? Trí óc tôi tiếp tục suy nghĩ, nhưng cũng như khi ở bên bờ sông, cơ thể tôi đã biết phải làm gì. Trước khi tôi kịp dừng lại, bàn tay trái của tôi đã gõ dồn dập lên cánh cửa gỗ ba lần.
Im lặng một lúc lâu, theo sau đó có tiếng chân bước và một tia sáng bất chợt lóe lên dưới bậu cửa.
Tôi lùi lại một bước khi cánh cửa từ từ hé mở. Nhẹ cả người khi đó lại là Alice. Cô gái đang cầm một chiếc lồng đèn giơ ngang đầu nên một nửa bên này mặt của cô được đèn rọi sáng rõ trong khi nửa bên kia chìm trong bóng tối.
“Cậu muốn gì?” cô hỏi, giọng ngập tràn giận dữ.
“Cậu biết tớ muốn gì mà,” tôi đáp. “Tớ đến vì đứa bé. Đứa bé mà các người đã đánh cắp.”
“Đừng có mà điên,” Alice rít lên. “Cút đi trước khi quá muộn. Bọn họ đã đi gặp Mẹ Malkin rồi. Họ có thể quay về đây bất cứ lúc nào đấy.”
Đột nhiên một đứa bé bất ngờ cất tiếng khóc, một tiếng ré mỏng manh vọng lại từ đâu đó bên trong căn nhà. Thế là tôi đẩy Alice qua một bên mà xông vào.
Chỉ có một ngọn nến lập lòe cháy trên hành lang nhỏ hẹp, còn những căn phòng vẫn chìm trong bóng tối. Ngọn nến trông bất thường. Tôi chưa từng thấy nến làm từ sáp đen bao giờ, dù vậy tôi vẫn chộp lấy cây nến rồi dỏng tai nghe ngóng để bước đến đúng căn phòng cần tìm.
Tôi đẩy cánh cửa mở ra. Căn phòng trống vốc chẳng có chút bàn ghế nào, đứa bé phải nằm trên một đống rơm rạ và giẻ rách trên sàn nhà.
“Em tên gì?” tôi hỏi, cố hết sức mỉm cười. Tôi dựng cây trượng vào vách tường và tiến đến gần hơn.
Đứa bé nín khóc và chập chững bước đi, hai mắt mở lớn. “Đừng lo. Không có gì phải sợ đâu em,” tôi nói, cố sao cho giọng mình vỗ về an ủi hết mức có thể. “Anh sẽ mang em về nhà với mẹ nhé.”
Tôi đặt cây nến xuống sàn nhà và bồng đứa bé lên. Nó không những hôi hám chẳng kém gì mùi cả căn phòng mà lại còn ướt nhẹp. Tay phải tôi ôm lấy đứa bé và quấn tấm áo choàng của mình quanh nó sao cho thật kín.
Đột nhiên đứa bé thốt lên. “Em là Tommy. Em là Tommy.”
“Được rồi Tommy,” tôi bảo, “anh và em có tên giống nhau nhé. Tên anh cũng là Tommy này. Giờ em được an toàn rồi. Em sẽ về nhà thôi.”
Dứt lời, tôi quơ lấy cây trượng đi qua lối hành lang ngược ra cửa. Alice đang đứng trong sân gần cổng ra vào. Lồng đèn đã tắt nhưng mặt trăng vẫn sáng soi, và khi tôi bước về phía cô gái, ánh trăng rọi bóng tôi xiên xiên về phía kho chứa cỏ, một cái bóng tối đen to hơn người thật những mười lần.
Tôi thử bước qua Alice nhưng cô đã bước thẳng vào ngay lối tôi đi để buộc tôi phải dừng lại.
“Đừng có can dự vào!” Alice cảnh cáo, giọng cô nghe như tiếng gầm gừ thì đúng hơn, hàm răng cô dưới ánh trăng trông trắng lóa và sắc lẻm. “Chuyện này chẳng phải việc của cậu.”
Tôi chẳng có tâm trạng gì mà tranh luận với cô lúc này, và khi tôi bước thẳng đến thì Alice chẳng buồn ngăn tôi lại. Cô chỉ bước né khỏi đường tôi đi và gọi với theo tôi, “Cậu rồ lắm. Trả đứa bé lại trước khi quá muộn. Bọn họ sẽ đuổi theo cậu. Cậu sẽ chẳng bao giờ thoát.”
Tôi không thèm trả lời. Thậm chí không hề quay đầu lại. Tôi bước qua cổng và bắt đầu leo lên đồi rời xa ngôi nhà.
Khi ấy trời bắt đầu đổ mưa, mưa dồn dập nặng hạt, quất thẳng vào mặt tôi. Là loại mưa mà bố tôi thường gọi là “mưa ướt lướt thướt”. Dĩ nhiên, cơn mưa nào mà chẳng ướt, nhưng có vài loại mưa hình như đúng là làm cho bạn ướt sũng nhanh và nhiều hơn các loại khác. Cơn mưa này tầm tã hết mức có thể và tôi cố đi về phía nhà Thầy Trừ Tà nhanh bằng hết sức mình.
Mà thậm chí là ở đấy tôi cũng không chắc là mình có được an toàn hay không. Thế lỡ Thầy Trừ Tà chết thật rồi thì sao? Liệu ông kẹ vẫn còn canh gác nhà và vườn của thầy chứ?
Chẳng bao lâu sau, tôi lại có điều cần kíp phải lo lắng hơn. Tôi bắt đầu có cảm giác là mình đang bị theo bước. Lần đầu tiên cảm nhận được điều ấy, tôi bèn dừng bước lắng nghe, nhưng chẳng có tiếng động gì ngoài tiếng gió hú và tiếng mưa rào rạt qua những ngọn cây và rơi lộp độp xuống mặt đất. Tôi cũng không nhìn thấy được gì nhiều vì giờ đây trời tối quá rồi.
Thế là tôi bước tiếp, sải những sải dài hơn, lòng chỉ mong là mình đi đúng hướng. Một khi đã đến được bờ rào cây táo gai dày đặc và phải đi vòng một vòng lớn để tìm lấy cánh cổng, lòng tôi luôn không ngớt cảm thấy mối nguy hiểm đằng sau đang ngày một tiến đến gần. Chỉ đến khi đi xuyên qua khu rừng nhỏ thì tôi mới biết chắc rằng đang có ai đấy. Tôi leo ngược lên đồi, gần đến đỉnh thì dừng lại thở lấy hơi. Cơn mưa đã ngưng trong chốc lát và tôi nhìn ngược xuống màn đêm đen kịt, mắt hướng về phía rặng cây. Tôi nghe thấy tiếng cành khô nứt gãy. Có ai đó đang di chuyển rất nhanh qua khu rừng về phía tôi mà không quan tâm chúng đang giẫm phải gì dưới chân.
Lên đến đỉnh đồi, tôi lại nhìn ra đằng sau lần nữa. Tia chớp đầu tiên rạch sáng rực cả bầu trời lẫn mặt đất bên dưới, tôi nhìn thấy hai dáng người bước ra khỏi những rặng cây và leo lên sườn đồi. Một người trong số đó là đàn bà, người còn lại có hình dáng như đàn ông, to lớn lực lưỡng.
Khi tiếng sấm lại nổ đùng thì Tommy bắt đầu khóc lóc. “Không thích sấm đâu!” thằng bé ré lên. “Không thích sấm đâu!”
“Mưa dông không làm đau em đâu Tommy!” tôi bảo thằng bé, dù lòng biết rằng không phải thế. Mưa dông cũng làm tôi sợ khiếp kia mà. Một trong những ông bác của tôi đã bị sét đánh khi bác ấy chạy ra ngoài cố lùa đàn gia súc vào. Bác mất ngay sau ấy. Với thời tiết như thế này thì ra ngoài trời sẽ không được an toàn. Nhưng dù sấm sét có làm tôi hoảng kinh, chúng cũng có chút hữu dụng. Chúng soi đường cho tôi, mỗi một tia chớp rạch ròi soi rõ lối cho tôi quay trở lại nhà Thầy Trừ Tà.
Ngay sau đấy thôi, hơi thở của tôi cũng ngắc ngứ trong họng, một sự pha trộn giữa sợ và mệt lả, vì tôi ép mình bước mỗi lúc mỗi nhanh hơn, chỉ hy vọng là cả hai chúng tôi sẽ sớm được an toàn một khi đã vào được trong vườn nhà thầy. Không ai được phép bước vào khuôn viên nhà thầy trừ khi được mời vào – tôi thầm nhắc đi nhắc lại điều này, vì đấy là cơ hội duy nhất của bọn tôi. Nếu chúng tôi có thể đến đấy trước thì ông kẹ sẽ bảo vệ cho cả hai.
Tôi đã nhìn thấy rặng cây, nhìn thấy chiếc ghế băng bên dưới rặng cây ấy, thế rồi tôi trượt chân trên nền cỏ ướt. Cú ngã không đau lắm nhưng cũng đủ cho Tommy khóc càng tướng tợn. Khi bế được thằng bé lên rồi thì tôi nghe có ai đó chạy rượt theo sau mình, tiếng bước chân nện thình thịch trên mặt đất.
Tôi liếc ra sau, khó nhọc hít thở. Lầm rồi. Kẻ đuổi theo tôi chạy trước Lizzie cả năm sáu bước chân và bắt kịp tôi rất nhanh. Chớp lại sáng lòa và tôi nhìn thấy nửa dưới mặt của kẻ ấy. Trông như hắn có những sừng nhọn mọc ra từ hai bên mép miệng. Tôi nhớ là có đọc trong thư viện của Thầy Trừ Tà về những người phụ nữ xấu số lúc được tìm thấy đều có xương sườn dập nát. Nếu Tusk bắt được tôi, hắn cũng sẽ làm thế với tôi.
Tôi đứng chôn chân chết lặng trong một lúc, nhưng rồi hắn bắt đầu phát ra những tiếng rống, nghe như tiếng bò mộng, khiến tôi lại dợm bước tiếp. Giờ thì tôi gần như bỏ chạy rồi. Nếu nhảy vọt được đi thì tôi đã nhảy, nhưng do đang mang theo Tommy, vả lại tôi cũng quá mệt, hai chân tôi nặng nề uể oải, hơi thở tắc nghẹn trong họng. Tôi cứ tưởng là mình sẽ bị tóm ngay lưng bất cứ lúc nào, nhưng rồi tôi chạy qua băng ghế nơi Thầy Trừ Tà thường giảng bài cho tôi và rồi, rốt cuộc, tôi đã đứng dưới những rặng cây đầu tiên của khu vườn.
Nhưng tôi có được an toàn không đây? Nếu mà không thì mọi chuyện chấm dứt tại đây cho cả hai chúng tôi, vì tôi chẳng có cách nào chạy nhanh hơn Tusk để mà vào kịp trong nhà. Tôi ngưng không chạy nữa và chỉ còn ráng được thêm vài bước trước khi phải dừng hẳn lại, cố ngáp ngáp lấy hơi.
Đến khi đấy có một vật gì đó sượt qua chân tôi. Tôi nhìn xuống nhưng vì trời quá tối nên chẳng nhìn thấy được gì. Đầu tiên tôi cảm nhận được sức ép, rồi tôi nghe thấy vật gì đấy gừ gừ, một âm thanh trầm trầm giần giật khiến cho mặt đất dưới chân tôi rung bần bật. Tôi cảm nhận được vật đấy chạy vượt qua tôi, về phía rìa rặng cây, chen mình vào giữa chúng tôi và những kẻ đang đuổi theo. Giờ thì tôi chẳng nghe thấy ai chạy nữa, nhưng lại nghe thấy âm thanh khác.
Bạn hãy tưởng tượng ra tiếng rống phẫn nộ của một con mèo đực, rồi khuếch đại lên hàng trăm lần. Là âm thanh pha trộn giữa tiếng gầm chói tai và tiếng thét, vẻ cảnh cáo thách thức tràn ngập không gian, một âm thanh có thể được nghe thấy ở cách đấy hàng dặm. Là tiếng động kinh hoàng và đáng sợ nhất mà tôi từng nghe thấy, lúc này tôi hiểu ra vì sao dân làng chẳng bao giờ bén mảng đến gần nhà của Thầy Trừ Tà. Tiếng gào ấy chất chứa tử khí.
Tiếng gào phát lên, Vượt qua lằn ranh này, ta sẽ xé nát tim ngươi. Vượt qua lằn ranh này rồi ta sẽ nhai nát xương ngươi thành bột thành đất. Vượt qua lằn ranh này rồi ngươi sẽ ước sao mình chưa bao giờ được sinh ra.
Vậy giờ là chúng tôi đã an toàn. Lúc này chắc Lizzie Xương Xẩu và gã Tusk đã chạy trở lại quả đồi. Chẳng có kẻ nào điên rồ đến nỗi muốn dây dưa với ông kẹ nhà Thầy Trừ Tà. Chả trách sao bọn chúng cần nhờ đến tôi cho Mẹ Malkin ăn mấy chiếc bánh huyết.
Trong bếp đã có sẵn súp nóng hổi và lửa lò sưởi bập bùng chờ đón chúng tôi. Tôi cuộn Tommy trong chiếc mền ấm áp và cho bé ăn ít súp. Sau đấy tôi đem xuống vài chiếc gối làm cho nó chiếc giường gần lò sưởi. Đứa bé ngủ say như chết khi tôi ngồi lắng nghe tiếng gió hú bên ngoài và tiếng mưa phần phật quất vào mấy cánh cửa sổ.
Đêm ấy là một đêm thật dài nhưng tôi được ấm áp thoải mái và cảm thấy yên bình khi ở trong nhà Thầy Trừ Tà, một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới rộng lớn này. Giờ thì tôi đã biết không có thứ gì không được chào mời mà lại có thể bước vào được trong vườn, chứ đừng nói là bước được qua ngưỡng cửa. Ngôi nhà này còn an toàn hơn một tòa lâu đài với tường lỗ châu mai thật cao cùng hào bao quanh thật rộng. Tôi bắt đầu nghĩ về ông kẹ như là bạn của mình, một người bạn đầy sức mạnh trong chuyện bảo đảm an toàn.
Chưa tới trưa tôi đã đem bé Tommy xuống làng. Những người đàn ông đã từ Rặng Núi Dài trở về, và khi tôi đi vào trong cửa tiệm của bác bán thịt, khoảnh khắc bác ấy nhìn thấy đứa bé, vẻ mặt cau có mỏi mệt của bác giãn ngay ra thành nụ cười ngoác tận mang tai. Tôi giải thích ngắn gọn chuyện gì đã xảy ra, chỉ đi vào những chi tiết cần thiết.
Khi tôi kể xong, bác ấy lại cau mày. “Chuyện này cần phải được giải quyết một lần cho dứt điểm,” bác bảo.
Tôi không nán lại lâu. Sau khi Tommy được trao trả cho mẹ bé và bà mẹ cảm ơn tôi tới lần thứ mười lăm, chuyện gì sẽ xảy ra trở nên quá rõ ràng. Đến lúc ấy, khoảng chừng ba mươi người đàn ông trong làng đã tụ tập lại. Một vài người còn mang theo dùi cui và gậy gộc. Tất cả bọn họ đều giận dữ lầm bầm nào là “ném đá” và “hỏa thiêu”.
Tôi biết là chuyện gì đó phải được làm thôi nhưng tôi không muốn mình dự phần trong ấy. Mặc cho tất cả những việc đã xảy ra, tôi vẫn không thể chịu được khi phải nghĩ đến việc Alice bị tổn thương, thế là tôi lang thang tản bộ vào rặng đồi đá trong khoảng một tiếng đồng hồ để suy nghĩ cho rõ ràng, trước khi chầm chậm quay bước về nhà thầy. Tôi quyết định ngồi xuống băng ghế một chập để tận hưởng nắng chiều nhưng đã có ai đó ngồi sẵn đấy.
Là Thầy Trừ Tà. Rốt cuộc là thầy đã được an toàn! Từ bấy đến nay tôi đã tránh không nghĩ đến việc tiếp theo phải làm. Ý tôi là, tôi sẽ cần phải ở trong nhà thầy bao lâu đây trước khi quyết định rằng thầy sẽ không bao giờ quay về nữa? Giờ thì chuyện đó đã được giải quyết vì thầy đã ở đây, mắt nhìn xa xăm qua những rặng cây về phía một cụm khói nâu đang bốc lên. Người ta đang đốt nhà Lizzie Xương Xẩu.
Khi tiến gần đến băng ghế, tôi để ý thấy một vết bầm tím to tướng phía trên mắt trái thầy. Thầy bắt gặp tôi liếc lên đấy, bèn nở một nụ cười mệt mỏi với tôi.
“Trong nghề này, chúng ta tạo ra lắm kẻ thù,” thầy bảo, “và đôi lúc con cần phải có hai mắt mọc sau đầu. Nhưng dù sao mọi chuyện diễn ra không đến nỗi quá tệ, vì giờ đây gần Pendle kẻ thù của chúng ta đã vơi đi. Ngồi xuống nào,” thầy bảo, tay vỗ vỗ lên băng ghế cạnh mình. “Con đã làm gì rồi? Kể cho ta nghe những gì đã xảy ra ở đây. Bắt đầu từ khởi điểm câu chuyện và kết thúc nơi dứt điểm, không chừa lại chi tiết nào.”
Tôi kể tất. Tôi nói cho thầy nghe mọi chuyện. Khi tôi kể xong, thầy đứng dậy nhìn xuống tôi, đôi mắt xanh lục của thầy nhìn chăm chăm vào mắt tôi.
“Ta ước mình đã được biết là Lizzie quay trở lại. Khi ta giam Mẹ Malkin xuống hố, Lizzie đã bỏ đi khá vội vàng và ta không nghĩ rằng mụ ta có bao giờ dám chường mặt trở lại. Lẽ ra con phải nói cho ta biết về chuyện gặp gỡ con bé kia. Nếu thế thì đã giúp mọi người thoát khỏi lắm rắc rối rồi.”
Tôi cúi gằm, không dám nhìn vào mắt thầy.
“Chuyện tồi tệ nhất đã xảy ra là chuyện gì vậy?” thầy hỏi.
Ký ức quay trở về, rành rọt sắc bén, khi mụ phù thủy già tóm lấy ủng tôi mà cố lê người mụ ra khỏi mặt nước. Tôi nhớ đến tiếng thét của mụ khi mụ chộp vào một đầu cây trượng của Thầy Trừ Tà.
Khi tôi kể cho thầy nghe, thầy chỉ thở ra, thật sâu, thật dài.
“Con có chắc là mụ ta đã chết không?” thầy hỏi.
Tôi nhún vai. “Mụ ấy không còn thở nữa ạ. Thế rồi xác mụ trôi ra giữa sông và bị dòng nước cuốn đi.”
“Ừ thôi, vụ này đúng là tệ thật,” thầy bảo, “vả lại ký ức về nó sẽ đeo bám con suốt phần đời còn lại, nhưng con chỉ phải sống chung với nó mà thôi. Con may mắn là đã chọn đem theo cây trượng nhỏ nhất của ta. Cuối cùng thì chính nó đã cứu mạng con đấy. Cây trượng ấy làm từ gỗ thanh hương trà, là loại gỗ hiệu quả nhất khi đối phó với phù thủy. Thường thì loại trượng ấy chẳng hề hấn gì với một mụ phù thủy già và mạnh như thế đâu, nhưng mụ ta còn đang ở dưới dòng nước xiết nữa. Thế cho nên con thật may mắn, nhưng tập sự như con mà ra tay như thế cũng là khá lắm rồi đấy. Con đã thể hiện lòng can đảm, can đảm thực thụ, và con đã cứu mạng một đứa trẻ. Nhưng con đã phạm hai sai lầm nghiêm trọng.”
Tôi cúi gằm. Tôi nghĩ mình chắc chắn đã phạm nhiều hơn là hai lỗi lầm, nhưng thôi, tôi không tranh cãi về điều này đâu.
“Sai lầm nghiêm trọng nhất của con là đã giết chết mụ phù thủy đó,” Thầy Trừ Tà bảo. “Lẽ ra mụ ta nên được mang trở lại đây. Mẹ Malkin mạnh đến nỗi mụ ta thậm chí còn có thể tự giải thoát khỏi xương cốt của mình. Điều này rất hiếm hoi nhưng vẫn có thể xảy ra. Linh hồn mụ ta có thể được tái sinh vào trần gian này, được hoàn thiện với tất cả ký ức của mụ. Khi đó thì mụ sẽ đến tìm con đấy, anh bạn ạ, vì mụ muốn trả thù.”
“Nhưng chuyện ấy sẽ phải mất nhiều năm lắm, phải không ạ?” tôi hỏi. “Một em bé mới sinh đâu thể làm được gì nhiều. Đầu tiên mụ ấy phải lớn lên đã chứ ạ.”
“Đấy lại là phần tệ hại nhất,” Thầy Trừ Tà bảo. “Chuyện này có thể xảy ra nhanh hơn là con tưởng. Linh hồn của mụ có thể tóm lấy thân xác ai đó và dùng như là của mình. Hiện tượng này gọi là "ám" và đấy là chuyện rất tồi tệ cho tất cả những ai có liên quan. Sau đấy, mà con sẽ không biết là khi nào, và cũng không biết từ phương nào, nguy hiểm sẽ ùa đến.
“Mụ ta có thể ám vào cơ thể của một cô gái trẻ, một thiếu nữ có nụ cười rạng ngời, người sẽ chiếm lấy tim con trước khi tước mất cuộc đời con. Hay mụ ấy chỉ dùng sắc đẹp của mình để thu phục một người đàn ông mạnh mẽ theo ý mình, một hiệp sĩ hay là một quan tòa chẳng hạn, người có khả năng tống con vào ngục tối, nơi tính mạng con phụ thuộc hoàn toàn vào mụ ấy. Nhưng rồi, thời gian sẽ ủng hộ mụ ấy. Mụ ta có thể sẽ tấn công khi ta không có ở đấy mà trợ giúp – biết đâu là hàng mấy năm sau khi con đã qua thời đỉnh cao từ lâu, khi mắt con đã mờ và các khớp xương đã bắt đầu rệu rã.
“Nhưng còn có thêm một kiểu ám khác – kiểu này có khả năng xảy ra cao hơn trong trường hợp như vầy. Có khả năng cao hơn nhiều lắm. Này anh bạn, con thấy đấy, có một rắc rối trong việc chôn giữ một mụ phù thủy còn sống dưới hố như thế. Nhất là với một mụ quá mạnh, người đã giành cả đời dài dằng dặc để luyện huyết thuật. Mụ ta lâu nay đã ăn giòi bọ và những thứ trơn tuột khác, trong khi sự ẩm ướt liên tục ngấm vào da thịt mụ. Thế là giống như cách một cái cây dần dà hóa thạch và biến thành đá, cơ thể mụ rồi sẽ từ từ bắt đầu thay đổi. Việc tóm lấy cây trượng gỗ thanh hương trà có thể đã làm tim mụ ngừng đập, đẩy mụ qua lằn ranh vào cõi chết, và bị dòng sông cuốn đi hẳn đã đẩy nhanh tiến trình.
“Trong trường hợp này, mụ vẫn sẽ bị buộc với xương cốt của mình, cũng như đa phần các phù thủy độc khác, nhưng nhờ vào pháp lực cao siêu nên mụ vẫn có thể tự di chuyển thân xác đã chết của mình. Con thấy đấy, mụ sẽ biến thành thứ mà chúng ta gọi là "lúc nhúc". Là một từ xưa cũ được dùng trong Hạt mà chắc chắn là con đã quen tai. Cũng giống như một đầu tóc lúc nhúc những chí, cơ thể đã chết kia giờ đây lúc nhúc những linh hồn quỷ quyệt của mụ. Cơ thể ấy sẽ nhúc nhích co duỗi như một chén giòi và mụ sẽ bò, sẽ trườn hay lê thân mình đến nạn nhân mà mụ chọn. Thay vì biến thành cứng cáp như một cây hóa thạch, xác chết của mụ sẽ mềm mại và uyển chuyển, sẽ có thể luồn mình qua những không gian nhỏ bé nhất. Có thể chui qua mũi qua tai của ai đó mà đoạt lấy xác họ.
“Chỉ có hai cách để đảm bảo rằng một mụ phù thủy đầy sức mạnh như Mẹ Malkin không thể quay trở lại. Cách đầu tiên là thiêu chết mụ. Nhưng không một ai phải kinh qua những đau đớn như thế. Cách còn lại chỉ nghĩ đến thôi cũng đã rất khủng khiếp rồi. Đấy là một phương pháp rất ít người từng nghe đến vì nó đã được thực hành từ thời xưa lắc xưa lơ, trên một vùng đất xa rất xa bên kia biển cả. Thể theo những sách vở ghi chép cổ xưa của họ, nếu con ăn hết quả tim của mụ phù thủy thì mụ ta sẽ không bao giờ quay trở lại. Mà con phải ăn sống đấy.
“Nếu chúng ta thực hiện bất kỳ phương pháp nào thì chúng ta cũng không tốt đẹp gì hơn mụ phù thủy mà ta đã giết,” Thầy Trừ Tà nói tiếp. “Cả hai phương thức ấy đều quá dã man. Lựa chọn còn lại sau cùng là hố. Như thế cũng độc ác thật, nhưng chúng ta làm vậy là để bảo vệ người vô tội, những người mà tương lai có thể là nạn nhân của mụ. Thôi thì, anh bạn này, ngả nào cũng vậy, giờ mụ đã thoát ra rồi. Chắc chắn trước mắt có rắc rối rồi đấy, giờ thì ta chẳng làm được gì nhiều cho điều đó cả. Chúng ta chỉ phải cảnh giác mà thôi.”
“Con sẽ không sao đâu ạ,” tôi thưa. “Dù không biết làm thế nào nhưng con sẽ cố xoay sở vậy.”
“À, tốt hơn con nên khởi đầu với việc học cách quản lý một ông kẹ,” Thầy Trừ Tà vừa bảo vừa buồn bã lắc đầu. “Đấy là thêm một lỗi lầm to lớn khác của con. Nguyên một ngày Chủ nhật được tự do hàng tuần ư? Như thế là quá hào phóng! Nhưng thôi, chúng ta nên làm gì với chuyện đó đây?” thầy hỏi, đồng thời khoát tay chỉ về cột khói mỏng giờ đây vẫn còn trông thấy được ở phía đông nam.
Tôi nhún vai. “Con đoán chắc giờ đã xong hết rồi thầy ạ,” tôi bảo. “Có rất nhiều dân làng giận dữ và họ đang bàn đến chuyện ném đá.”
“Đã xong hết rồi ư? Con đừng có tin thế chứ anh bạn. Một phù thủy như Lizzie biết đánh hơi còn nhạy hơn cả loài chó. Mụ ta có thể đánh hơi ra nhiều điều trước khi chúng kịp xảy tới và hẳn mụ đã bỏ đi từ lâu trước khi ai đó đến gần. Không, hẳn là mụ đã bỏ trốn về Pendle, nơi hầu như toàn thể đồng loại của mụ cư ngụ. Bây giờ chúng ta phải theo bước mụ mau, nhưng đã bao ngày nay ta phải ở ngoài đường rồi. Ta đã quá đuối sức, đau nhức và cần phải hồi phục sức mạnh. Tuy nhiên chúng ta không thể để cho Lizzie tự do quá lâu, bằng không mụ ta sẽ lại bắt đầu giở trò tinh quái. Trước cuối tuần này ta sẽ phải lên đường đuổi theo mụ và con sẽ đi cùng ta. Sẽ không dễ dàng gì đâu nhưng con cũng nên làm quen với khái niệm công việc. Mà thôi, việc đầu tiên phải được làm trước, nên con đi theo ta nào...”
Khi theo bước thầy, tôi nhận thấy thầy hơi khập khiễng và đang bước đi chậm hơn thường lệ. Vậy là dù có chuyện gì đã xảy ra ở Pendle đi nữa, thì không phải là thầy đã không trả giá. Thầy dẫn tôi vào trong nhà, đi lên tầng trên rồi vào thư viện, đoạn dừng bước bên cạnh dãy kệ xa nhất, những dãy cạnh cửa sổ.
“Ta thích giữ lại sổ sách trong thư viện của mình,” thầy bảo, “và ta muốn thư viện của ta ngày càng lớn hơn chứ không phải nhỏ đi. Nhưng bởi vì những gì đã xảy ra, ta sẽ tạo ra ngoại lệ.”
Thầy rướn lên với lấy cuốn sách trên kệ cao nhất rồi đưa cho tôi. “Con cần cuốn này hơn là ta,” thầy bảo. “Cần hơn rất nhiều đấy.”
So với các loại sách khác thì cuốn này không lớn lắm. Nó thậm chí còn nhỏ hơn cuốn sổ của tôi. Cũng giống như đa phần các cuốn sách khác của Thầy Trừ Tà, cuốn này được đóng bìa da và tựa đề được in cả trên mặt trước lẫn trên gáy. Tựa đề ghi: Thuật ám xác: Kẻ Bị Nguyền Rủa, Kẻ Xây Xẩm và Kẻ Tuyệt Vọng.
“Tựa đề này có nghĩa gì thế ạ?” tôi hỏi.
“Nghĩa như điều nó nói đấy anh bạn. Chính xác như những gì nó nói. Con cứ đọc sách rồi ắt sẽ hiểu ra thôi.”
Khi mở cuốn sách ra, tôi thất vọng quá chừng. Bên trong sách, từng chữ một trong mỗi trang đều được in bằng tiếng La Tinh, là thứ ngôn ngữ tôi chẳng đọc được.
“Con hãy nghiên cứu kỹ càng vào và khi nào cũng phải mang theo bên mình,” Thầy Trừ Tà bảo. “Đây là một ấn bản chính thức đấy.”
Hẳn thầy đã trông thấy tôi cau mày nên thầy mỉm cười xỉa tay vào cuốn sách. “Chính thức nghĩa là mãi cho đến bây giờ đây là cuốn sách hay nhất từng được viết về trò ám xác, nhưng đây lại là một môn rất khó, với lại còn được viết bởi một người trẻ tuổi khi ấy còn phải học hỏi rất nhiều. Cho nên đây không phải là những lời cuối cùng về chủ đề này và sẽ còn nhiều thứ cần phải khám phá nữa. Lật sang bìa sau cuốn sách đi nào.”
Tôi làm theo lời thầy và thấy khoảng mười trang cuối còn bỏ trống.
“Nếu con có khám phá ra điều gì mới mẻ thì chỉ việc viết xuống đấy. Mỗi một điều bé nhỏ đều có ích cả. Với lại con đừng lo đến chuyện sách được viết bằng tiếng La Tinh. Ta sẽ bắt đầu bài học cho con ngay khi chúng ta dùng bữa xong.”
Chúng tôi xuống ăn bữa chiều được nấu nướng gần như hoàn hảo. Khi tôi nuốt xuống miệng miếng thức ăn cuối cùng của mình, có thứ gì đó di chuyển dưới gầm bàn và bắt đầu cọ mình vào chân tôi. Đột nhiên tiếng gừ gừ có thể nghe thấy được. Âm thanh ấy dần dà lớn hơn cho đến khi mọi chén dĩa bên tủ chén cạnh tường bắt đầu kêu loảng xoảng.
“Chả trách mà nó lại vui thế,” Thầy Trừ Tà vừa nói vừa lắc đầu. “Mỗi năm một ngày nghỉ đã là quá lắm rồi! Mà thôi, đừng lo, công việc vẫn phải xúc tiến như thường lệ và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Đem theo sổ ghi chép của con nhé, anh bạn, hôm nay chúng ta phải học qua rất nhiều thứ đấy.”
Thế là tôi theo chân Thầy Trừ Tà xuống băng ghế, khui nắp lọ mực, nhúng đầu viết vào và chuẩn bị ghi chép.
“Khi đã vượt qua kỳ sát hạch ở Horshaw,” thầy cất tiếng, bắt đầu khập khiễng đi lên đi xuống trước băng ghế, “ta thường cố nhẹ nhàng hết mức có thể để đẩy những anh học việc của ta vào công việc thực thụ. Nhưng giờ con đã mặt đối mặt với một mụ phù thủy, con biết công việc này có thể khó khăn và nguy hiểm đến mức nào, nên ta nghĩ con đã sẵn sàng để được biết chuyện gì đã xảy đến với người tập sự sau cuối của ta. Chuyện có liên hệ đến ông kẹ, là chủ đề trước nay chúng ta đã nghiên cứu, thế thôi thì con nên học hỏi từ đó cũng được. Tìm lấy một trang trống mà viết tựa đề này xuống này...”
Tôi làm theo. Tôi viết xuống, “Làm thế nào để chèn một ông kẹ”. Thế rồi, khi Thầy Trừ Tà kể ra câu chuyện thì tôi ghi chép, chật vật để bắt kịp như mọi khi.
Như tôi đã biết, chèn một ông kẹ đòi hỏi nhiều công việc khó khăn mà Thầy Trừ Tà gọi là “bố trí”. Trước hết, một chiếc hố phải được đào sao cho thật gần hết mức với rễ của một cây trưởng thành, to lớn. Sau tất cả những cuộc đào hố mà thầy đã bắt tôi làm¸ tôi ngạc nhiên khi biết rằng một thầy trừ tà hiếm khi tự mình đào hố. Chuyện ấy chỉ được tiến hành trong trường hợp thật cấp bách. Anh thợ phụ cùng bạn bè anh ta thường là những người lo chuyện đào hố.
Kế đến ta phải mướn một bác thợ nề để cắt một phiến đá dày đặt vừa trên miệng hố như một bia mộ. Điều đặc biệt quan trọng là phiến đá phải được cắt chính xác y khuôn để niêm hố thật vừa vặn. Sau khi ta đã phủ một lớp hỗn hợp sắt, muối và keo gắn chặt vào đế dưới của phiến đá và bên trong lòng hố, đấy là lúc ta đưa một ông kẹ vào trong an toàn.
Chuyện này thì không khó lắm. Máu, sữa hay trộn cả hai thứ lại với nhau lúc nào cũng có tác dụng. Phần thực sự khó khăn là việc thả phiến đá vào đúng vị trí khi ông kẹ đang ăn. Tỷ lệ thành công phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ trợ giúp mà ta đã thuê.
Tốt nhất là nên có bác thợ nề đứng gần ngay bên và một hai anh thợ phụ kéo xích điều khiển từ giàn cẩu bằng gỗ đặt bên trên hố, như thế sẽ giúp cho việc hạ phiến đá xuống được nhanh gọn và an toàn.
Đấy là sai lầm mà Billy Bradley đã phạm phải. Khi ấy là cuối mùa đông và thời tiết quá khắc nghiệt khiến Billy chỉ mong chóng được trở về chiếc giường ấm áp của mình. Thế là cậu ta cắt bỏ công đoạn.
Cậu ấy đã sử dụng nhân công địa phương, những người trước đây chưa từng làm loại công việc này. Bác thợ nề đã nghỉ tay ăn tối, hứa rằng sẽ quay lại trong vòng một tiếng đồng hồ, nhưng Billy lại quá nôn nóng không thể chờ được. Cậu ấy đã lừa đưa được ông kẹ vào hố không mấy rắc rối nhưng lại vấp phải khó khăn với phiến đá. Đêm ấy là một đêm ẩm ướt, thế là phiến đá trượt đi, làm kẹt tay trái của cậu dưới mép đá.
Xích cần cẩu bị kẹt nên thợ phụ không thể nhấc đá lên, và trong khi những nhân công đang loay hoay với nó, một trong số họ vội chạy về tìm bác thợ nề, thì ông kẹ, cáu tiết vì bị mắc kẹt dưới tảng đá, bắt đầu tấn công những ngón tay của Billy. Bạn thấy đấy, đây là một trong những ông kẹ nguy hiểm nhất. Chúng được gọi là “Kẹ Xé Xác” và thường là chúng ăn gia súc mà sống, nhưng ông kẹ hôm ấy còn biết đến cả vị máu người.
Đến khi phiến đá được nhấc lên, gần sau đấy cả nửa tiếng đồng hồ, mọi chuyện đã quá muộn. Ông kẹ đã gặm đến đốt xương thứ hai trên những ngón tay của Billy và lúc ấy đang mải hút lấy máu từ người cậu. Những tiếng thét đau đớn của cậu đã lịm dần thành tiếng rên rỉ, và khi người ta lôi được tay cậu lên thì bàn tay cậu chỉ còn lại ngón cái. Không lâu sau đấy cậu đã chết vì kinh hoàng và mất máu quá nhiều.
“Chuyện này thật buồn,” Thầy Trừ Tà bảo, “và giờ đây cậu ấy được chôn dưới bờ rào, chỉ ngay bên ngoài sân nhà thờ ở Layton thôi – những ai theo nghiệp của chúng ta thì hài cốt không được yên nghỉ tại những vùng đất có ban phép thánh. Chuyện chỉ xảy ra hơn một năm nay thôi, và nếu Billy mà còn sống thì ta đã không nhận con vào vì cậu ấy ắt vẫn còn là chân học việc của ta. Billy tội nghiệp, đấy là một cậu bé tốt và không đáng phải chịu như thế, nhưng đây là công việc nguy hiểm và nếu như không được làm đàng hoàng thì...”
Thầy Trừ Tà buồn bã nhìn tôi rồi nhún vai. “Học hỏi từ đấy đi nhé anh bạn. Chúng ta cần lòng quả cảm và tính kiên nhẫn, nhưng trên hết, chúng ta không bao giờ được vội vã. Chúng ta sử dụng trí não, chúng ta suy nghĩ cẩn thận, rồi chúng ta làm những việc phải làm. Trong những tình huống bình thường thì ta không bao giờ cho người tập sự của ta ra ngoài hành động một mình cho đến khi hoàn tất xong năm huấn luyện đầu tiên. Dĩ nhiên, trừ trường hợp,” thầy nói thêm với một nụ cười thoáng qua, “cậu ta tự mình chuốc lấy rắc rối. Nhưng mà rồi, ta phải đảm bảo sao cho cậu ta thật sẵn sàng cho chuyện đó. Dù sao chuyện đến trước thì xảy ra trước thôi,” thầy bảo. “Giờ đã đến bài học tiếng La Tinh đầu tiên của con...”